Đình Đọ Xá – Làng Đỗ Xá – Bắc Ninh

 

Gọi là làng, nhưng thực ra, về Đỗ Xá, ta chẳng còn  gặp được là mấy nét đặc trưng của một làng quê thuần Việt như hình dung về cái nơi ầu ơ ấu thơ bao đời người dân quê với luỹ tre xanh, sân đình, cây đa giếng nước. Cũng chẳng mấy khi gặp lại cảnh trăng khuya trải tràn trên lá chuối, tàu cau, hay lắng được trong gió lùa sợi hò mênh mang của những lứa trai gái tình tứ gửi lòng giữa đêm hè. Chỉ cái gốc nhời ăn tiếng nói, tín ngưỡng tâm linh, và quan trọng nhất – là cái chất của một làng Quan họ gốc – thì vẫn mãi còn nơi phố làng này, dẫu cuộc sống hiện đại có hối hả và đầy những xô bồ. Bây giờ, người ta gọi Đỗ Xá là Khu trong địa giới hành chính phường Ninh Xá – thành phố Bắc Ninh. Nhưng với người làng và bao người dân trong vùng, họ vẫn quen gọi khu Đỗ Xá là làng Đỗ Xá, hay làng Đọ – một cái tên nôm dân gian vừa gần gũi thân mật, vừa gợi nhắc bao ký ức về làng. Vậy nên, cho phép tôi cũng xin phép giới thiệu về Đỗ Xá với cách gọi là làng.
 
Vùng đất gốc làng Đỗ Xá đã được con người định cư, khai phá từ thời các Vua Hùng dựng nước, khi ấy, thuộc Bộ Vũ Ninh của quốc gia Văn Lang. Các dòng họ Đỗ, Nguyễn Văn, Nguyễn Duy…. được ghi nhận là những dòng họ có mặt sớm nhất. Trong số đó, người họ Đỗ là đông hơn cả. Nhiều người đồ rằng vì thế mà làng mang tên là Đỗ Xá. Nhưng cũng có quan niệm cho rằng: Đỗ ở đây là tụ lại, đậu lại, là kết quê, là nơi ở bền vững lâu dài và thành đạt cho đời đời con cháu mà mong ước của tiên nhân lớp trước đã gửi gắm khi xây dựng và đặt tên làng.
 
Nằm trên trục đường thiên lý Bắc Nam của đất phên dậu Kinh Bắc, địa giới làng Đọ có vị trí chiến lược hết sức quan trọng của đất Bắc Ninh. Việc xây thành Trấn Kinh Bắc trên dải đất này đã khẳng định điều đó. Đây cũng là một trong những đầu mối giao thông tới các phủ huyện của vùng Kinh Bắc, và là trung tâm thương mại của cả vùng Kinh Bắc. Chợ Đọ Xá – vốn từng tồn tại cả hàng trăm năm ở khu đền (nay thuộc địa phận Ninh Xá I) là minh chứng. (Chợ nay đã được chuyển đến khu xóm Nam và xóm Tây, nâng cấp thành chợ trung tâm phường Ninh Xá). Và chính Chợ Nhớn Bắc Ninh là sự phát triển từ gốc chợ Đỗ Xá ngày xưa.
 
Những lớp cao niên trong làng bảo, làng Đọ xưa rộng lắm, trung tâm làng nằm ở khu vực Cầu Gỗ và cổng thành Bắc Ninh, phía bắc bao gồm cả phường Tiền An, phía tây gồm từ cổng thành Bắc Ninh tiếp giáp với đất làng Thị Chung, Yên Mẫn và Niềm Xá (Kinh Bắc), phía nam giáp với cánh đồng làng Khả Lễ, Bồ Sơn (Võ Cường), phía đông giáp với đồi Nác thuộc phường Đại Phúc bây giờ. Thời Nguyễn, làng Đọ thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Vũ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cũng dưới thời này, làng gốc Đỗ Xá mới tách thành hai làng Đỗ Xá và Phúc Đức (Phúc Đức nay gọi khu 10 – phường Đại Phúc). Đây cũng là lý do cho sự gắn kết mật thiết giữa hai làng Đỗ Xá và Phúc Đức đến bây giờ.
 
Làng xưa gồm 4 xóm – ứng với 4 giáp – chia theo 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc. Nhưng cùng với sự phát triển của con người theo thời gian, không gian làng cũng được mở rộng. Xóm Đông giờ tách thêm 3 xóm mới là xóm Đông I, Đông II và Đông III. Cả làng có gần 700 hộ gia đình với khoảng gần 3000 khẩu. Ngày trước, kinh tế của người dân trong làng chủ yếu trông và đồng ruộng, mà dấu vết của hình thái kinh tế này đã được phản ánh rõ nét trong tục thi gạo, thi gà trong ngày hội lệ của làng một thời. Cùng với đó, người làng Đọ cũng tham gia buôn bán thóc gạo, hàng khô, trâu bò.. tới nhiều vùng trong và ngoài tỉnh. Hoạt động này ít nhiều đã có tác động đến giao lưu, kết bạn trong sinh hoạt Quan họ của những “bọn Quan họ” trong làng. Nhưng gần đây, do quá trình đô thị hoá nhanh chóng, làng Đọ Xá đã chuyển hầu hết 100% diện tích đất canh tác sang mục đích phát triển đô thị. Kinh tế của làng cũng được chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ với đa dạng loại hình, ngành nghề trong xu hướng phát triển kinh tế chung của toàn thành phố. 
 
Như mọi người dân đất Việt, người làng Đọ Xá luôn tự hào về vùng quê mình đang sống. Điều đó không chỉ xuất phát tinh thần yêu và gắn bó với quê hương thuần tuý, mà còn được hình thành từ chính lịch sử đấu tranh sinh tồn của người làng. Ngôi đình làng chính là công trình ghi lại sự tích và để tưởng nhớ Thánh Tam Giang – Trương Hống và Trương Hát – đã có công lao đánh giặc bảo vệ đất nước. Đình làng Đọ vốn được khởi dựng từ lâu đời. Đến đời Lê Cảnh Hưng, được một số quan lại và nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo với quy mô lớn. Trải qua thời gian, với những tác động của tự nhiên, con người và chiến tranh, ngôi đình đã nhiều phen biến đổi. Thời Nguyễn, đình được tôn tạo mấy lần. Những gì ta nhìn thấy hôm nay về đình làng Đọ Xá chính là công sức đóng góp của bao người trong làng và thập phương dựng lại vào năm 1996. Tại đây hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật, như bia đá, sắc phong các triều đại phong kiến ban tặng, các đồ thờ tự như: ngai thờ, kiệu bát cống, hoành phi, câu đối..

Cùng với đình làng, Đọ Xá còn có chùa – tên chữ là Quang Minh tự – nằm liền kề bên đình tạo thành quần thể di tích tín ngưỡng văn hoá đặc trưng của một làng Việt. Giống như đình làng, chùa Quang Minh được khởi dựng từ lâu đời, nhưng qua thời gian đã bị xuống cấp, thời Nguyễn được tu sửa lại, và năm 1990 được nhân dân hưng công trùng tu như dáng nếp hiện nay. Cả hai công trình tín ngưỡng trên đều được Bộ văn hoá xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá năm 1992. Và đây chính là địa chỉ sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của cộng đồng làng, nhất là trong ngày hội. 

 
Hội làng Đọ không chỉ là sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng thường niên; mà còn  trở thành mỹ tục đẹp nơi làng quê cổ này. Xưa hội Chùa và hội Đình làng Đọ tổ chức vào các ngày khác nhau. Hội chùa diễn ra vào ngày mồng 8 tháng giêng, chủ yếu để các vị sư sãi, người già trong làng và khách thập phương đến lễ phật. Còn hội đình thì căn cứ vào tình hình thực tế mà làng tổ chức vào các ngày khác nhau trong tháng giêng. Khi làng Phúc Đức (được tách từ làng Đọ) xây dựng được đình, vì cùng thờ chung Đức Thánh Tam Giang, hai làng – gọi thôn anh (tức Đỗ Xá) và thôn em (tức làng Phúc Đức) thoả ước là hàng năm, vào tối ngày 8 tháng giêng (ngày làng Phúc Đức vào hội), các lý dịch, tổng cờ, phu kiệu và bà con thân thuộc bên Đỗ Xá sang làng Phúc Đức xem hát Chèo, và nghỉ lại sáng hôm sau theo kiệu rước sang làng Đỗ Xá đón Thánh (ở đây là rước sắc phong). Ngược lại ngày 18 tháng giêng, làng Đỗ Xá mở hội, các lý dịch, tổng cờ phu kiệu, quan đám và bà con thân thuộc cũng từ làng Phúc Đức sang làng Đỗ Xá dự hội, nghỉ lại để sáng 19 theo kiệu sang rước Thánh về Đỗ Xá. Lễ hội có rước sắc từ làng nọ sang làng kia và thờ chung sắc của hai làng Đỗ Xá và Phúc Đức là phong tục độc đáo chỉ riêng có ở đây. Việc tổ chức lễ hội, rước sắc to nhỏ thế nào do từng làng quyết định, nhưng đều phải tuân thủ nghiêm cẩn nghi lễ, trình tự đón rước, và bao giờ cũng tưng bừng náo nhiệt với  mọi âm thanh, sắc màu. Sau này, do tác động của nhiều yếu tố lịch sử – xã hội – thiên tai.. mà việc rước sắc, tổ chức đình đám nhiều khi không được thực hiện như vậy. Có năm, hội đình làng Đọ tổ chức vào dịp hội chùa, có năm vào khoảng mồng 4, mồng 5 tháng giêng để thuận tiện cho việc làm ăn của bà con. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, hội làng Đọ đã được tổ chức định kỳ vào các ngày 7 – 8 tháng giêng, trùng ngày hội chùa. Nghi lễ rước sắc giữa hai làng Đọ Xá và Phúc Đức vẫn được duy trì nhưng không cố định năm nào cũng diễn ra, mà chủ yếu là hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai làng chung gốc tổ tiên, chung Thành hoàng trong ngày hội mở. Ngày hội làng chính là dịp để người hương quê biểu thị lòng thành kính, biết ơn công đức của hai vị thần Trương Hống và Trương Hát, đồng thời biểu lộ và củng cố khối hợp quần của các dòng họ, tăng thêm sức mạnh trong việc xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời, duy trì truyền thống ăn quả nhớ người trồng cây cho các thế hệ nối tiếp; cũng như giữ gìn và phát triển văn hoá dân gian, dân tộc phong phú và độc đáo. Với mỗi người dân làng Đọ, ngày hội làng bao giờ cũng được háo hức đón chờ. Bởi trong niềm vui hội chung của cộng đồng, họ còn được chứng kiến bao đổi thay trong cuộc sống của làng quê, được tham gia nhiều hoạt động tín ngưỡng, vui chơi, ca hát Quan họ, đón bạn bè xa gần về chung vui. Điều đó đã góp phần gắn kết cộng đồng để hình thành nên sức mạnh nội sinh, giúp con người vượt qua mọi thử thách trong xây dựng và phát triển quê hương. 
 
Các hoạt động văn hoá văn nghệ – thể dục thể thao nhân đây tổ chức luôn thu hút người làng một cách say sưa.  Người đến hội được chen vai hò reo trò chơi chạy hoá trang, cờ tướng, chọi gà, thi thổi cơm vv.. Ngày trước, khi hội làng Đọ tổ chức 18 – 19 tháng giêng vẫn có tục thi gạo, thi gà, tổ chức theo lệ làng rất công phu, trang trọng. Gạo và gà là những sản vật đặc trưng của cư dân nông nghiệp, cũng là lễ vật quý giá để tế thần. Trong dân thường truyền tụng câu ca: Mười tám thi gạo thi gà – Mười chín rước sắc thật là vui thay .
 
Là làng Quan họ gốc của đất Bắc Ninh, dẫu qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng sinh hoạt Quan họ của người làng Đọ hầu như chẳng khi nào đứt đoạn. Trước năm 1945, làng có hai bọn Quan họ. Bọn Nam cụ trùm là Chánh Canh, Bọn nữ do cụ Bệu là cụ trùm. Họ kết bạn với bọn Quan họ làng Hòa Đình, làng Chọi, mỗi dịp hội làng thường tổ chức đón nhau ca hát. Truy về xa hơn nữa, vào những năm 20 – 30 của thế kỷ trước, làng Đọ có 4 bọn Quan họ (mỗi xóm có một bọn) gồm hai bọn nam, hai bọn nữ. Các bọn Quan họ này kết bạn với các bọn Quan họ ở làng Hoà Đình, Bồ Sơn, Thượng Đồng, Y Na, Đống Cao. Trong đó, có một bọn  Quan họ nam làng Đọ kết bạn với 2 bọn Quan họ nữ ở Đống Cao và Hoà Đình. Chính từ sự giao lưu, kết bạn, ca đối đáp, mà vốn câu (bài) của Quan họ làng Đọ ngày càng phong phú. Không ít lời ca Quan họ lưu truyền đến hôm nay được sáng tác bởi các liền anh, liền chị trong làng. Tiêu biểu như các câu: Vào vườn ngắt lá xanh xanh; Vì chuôm cho cá bén đăng; Ngày ngày ra đứng cổng chùa; Năm canh.. Trước năm 1950, những tên tuổi liền anh liền chị như: cụ Canh, cụ Bửu, cụ Chỉnh, cụ Chấp, cụ Thân.. đã được người chơi Quan họ khắp vùng biết tới. Sau ngày hòa bình lập lại, những lớp Quan họ như: các Chị Hai Khanh, Chi, Bích, Nhi, Ly, Tự; rồi đến các lớp chị Hai Đông, chị Hợp, chị Thoa, chị Huệ, chị Thành.. cùng các liền anh: Hai Trường, Hai Xuân, Hai Đạo, Ba Thanh, Vân Anh… đã nối nhau giữ cho mạch nguồn Quan họ trên đất làng chẳng khi nào thưa vắng. Nhiều người đã giành giải cao tại các cuộc thi hát đối đáp Quan họ, hay trên sân khấu hát Quan họ đầu xuân do tỉnh tổ chức. Hiện tại, làng có CLB Quan họ do anh Hai Xuân Trường làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ chính là nơi tập hợp các liền anh liền chị Quan họ của làng trong sinh hoạt ca hát, giao lưu với bạn Quan họ các làng trong vùng, tham gia các sinh hoạt văn nghệ của làng, của phường cũng như thành phố. Anh Hai Xuân Trường cũng đóng vai trò người truyền dạy Quan họ cho thanh thiếu niên của làng và trong vùng. Tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Quan họ làng Đọ giờ có đủ lứa tuổi như: các cụ già, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên. Các thành viên sinh hoạt hàng tuần tại nhà văn hóa thôn hoặc nhà ông trùm. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi của làng, với mong muốn Quan họ được phổ cập rộng rãi tới những người yêu câu hát của cha ông trên mọi vùng quê trong tỉnh,  anh Hai Xuân Trường cùng các thành viên của CLB còn đi truyền dạy Quan họ ở nhiều nơi như Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành, Gia Bình, Tiên Du… 
 
Những thành viên của Câu lạc bộ Quan họ đã đóng vai trò chủ đạo trong họat động tổ chức ca hát Quan họ đón bạn, phục vụ lễ hội.. đem đến không khí và hương vị đặc trưng của ngày hội trên vùng quê Quan họ, để người người được đắm mình trong những chiều không gian đầy quyến rũ của tiếng hát Quan họ ân tình. Những ngày hội làng  cũng là dịp để mỗi người dân hương đi xa, về gần quần tụ trong mái ấm gia đình, làng xóm. Nhà nhà cùng soạn sửa đồ ăn – thức uống, đón khách xa gần về dự hội. Có lẽ. sau cả năm dài vất vả lao động, bươn trải làm ăn trong làng, ngoài nước, phút giây hoà chung niềm vui đón Hội nơi quê nhà trong tiết xuân ấm nồng thật ý nghĩa và đáng nhớ với mỗi con người. 
 
Thời gian vẫn trôi. Cùng với đó là sự thay đổi trong cuộc sống của con người trên mỗi vùng đất. Bây giờ, về làng Đọ, dẫu ta có thể không tìm thấy hình dáng cổ xưa của một làng quê thuần Việt bởi sự lấp đầy của nhà cửa, phố – đường – những nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ; nhưng có một điều chắc chắn, những bản sắc văn hoá, sinh hoạt tín ngưỡng, nếp ăn ở, lối chơi Quan họ, hay nét đẹp trong ngày Hội làng là điều ta sẽ còn thấy thật rõ ràng ở nơi đây. Đó là nét đẹp khó có gì sánh được.
 

LÊ QUANG THUẬN – http://nd.vietsoftpro.com

Viết thảo luận

Công ty cổ phần văn hoá và du lịch Kinh Bắc.

Địa chỉ: 38 Nguyễn Viết Xuân, P Ninh Xá – TP Bắc Ninh - Bắc Ninh.

Điện thoại: 0241.3813233 - FAX: 0241.3812369.

Hotline: 096.33.00.456 / 096.52.00.456 - E-mail: info@quanho.com.vn.

Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Thúy Hường

Thiết kế Web: TungPhuong.Com