Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn, 1771-1785
|
|
Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1771-1785 là giai đoạn 1 của Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn. Cuộc chiến tranh này bắt đầu khi các lực lượng nổi dậy của 3 anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ tấn công chúa Nguyễn cho tới khi Nguyễn Nhạc trở thành vua Thái Đức của nhà Tây Sơn.
Mục lục
- 1 Đàng Trong cuối Thế kỷ XVIII
- 2 Nguyễn Nhạc tập hợp lực lượng
- 3 Nguyễn Nhạc hạ thành Quy Nhơn
- 4 Cuộc chiến với quân Trịnh
- 5 Tây Sơn đánh chiếm Nam Bộ
- 6 Tây Sơn tiêu diệt chúa Nguyễn
- 7 Tàn phá lăng tẩm triều Nguyễn
- 8 Cuộc trốn chạy của Nguyễn Phúc Ánh
- 9 Chúa Nguyễn hòa hiếu với Xiêm và cầu viện Pháp
- 10 Người Xiêm can thiệp giúp chúa Nguyễn
- 11 Chú thích
- 12 Xem thêm
Đàng Trong cuối Thế kỷ XVIII[sửa | sửa mã nguồn]
Anh em Tây Sơn vốn người họ Hồ, cháu hậu duệ của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (thế kỷ thứ 10). ông tổ của Tây Sơn ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, khoảng nǎm 1653-1657 bị quân của chúa Nguyễn đánh ra Đàng Ngoài bắt đem về cho ở ấp Tây Sơn (nay là An Khê, Hoài Nhơn, Bình Định), từ đó đổi thành họ Nguyễn. Nhà nghiên cứu, thạc sĩ Lê Tiến Công phân tích tập hồi ký của người Anh tên là John Barrow đến Đàng Trong vào năm 1792-1793, cho biết Nguyễn Nhạc là người lớn tuổi nhất trong các anh em Tây Sơn, là thương nhân giàu có buôn bán với Trung Quốc và Nhật Bản. Ý kiến này khác với tư liệu trong nước lâu nay cho là Nguyễn Nhạc là người buôn bán nhỏ. Qua việc đối chiếu với tư liệu nhà Thanh, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết cho là nhà Tây Sơn có ít nhất 4 anh em trai, anh đầu là Nguyễn Quang Hoa, có thể do bị chết sớm hoặc vì lý do nào đó không tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, nên không được sử sách ghi lại, chỉ sau khi Nguyễn Quang Hiển kê khai lý lịch với quan chức triều Thanh khi đi sứ vào năm 1790 mới được tiết lộ về nhân thân của mình.[1]
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) quyền thần Trương Phúc Loan lấn lướt nhà chúa, gây sự bất mãn trong dân chúng.
Nǎm Tân Mão - 1771, 3 anh em Tây Sơn nổi dậy với khẩu hiệu chiến lược: "Lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan, phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương". Quân Tây Sơn thường lấy của những nhà giàu rồi phân phát cho dân nghèo, do đó được dân chúng các nơi theo về.
Nguyễn Nhạc tập hợp lực lượng[sửa | sửa mã nguồn]
Trong vùng Trường Sơn - Tây Nguyên còn lưu truyền một truyền thuyết: từ thuở xa xưa, vua Trời có ban cho người hạ giới một thanh gươm thần Pra Khan có thể mang đến hạnh phúc cho loài người. Vua Chân Lạp bắt được vỏ gươm, vua Chăm bắt được lưỡi gươm. Nhưng vì người thiểu số ở trên Cao Nguyên gần trời hơn, nên vua Trời lại giao gươm thần cho vua Lửa. Vì thế, từ người thiểu số, người Chăm đến người Miên đều tôn trọng vua Lửa [cần dẫn nguồn].
Biết niềm tin thiêng liêng ấy, để thuyết phục các bộ tộc miền núi tham gia quân đội Tây Sơn, Nguyễn Nhạc đã tạo nên câu chuyện khi ông ta lên núi Yên Dương thì bỗng thấy ánh hào quang rực rỡ; càng tới gần, hương càng tỏa bay. Đến nơi, mọi người thấy một thanh gươm sáng bóng, cắm sâu vào tảng đá to. Biết đây là gươm báu trời ban, nhiều người cùng đi với Nguyễn Nhạc lần lượt bước tới, xắn tay, ráng sức mà không ai rút nổi. Cuối cùng, Nguyễn Nhạc ung dung tiến lại gần, đặt bàn tay vào chuôi gươm, nhích nhẹ rút ra dễ dàng trước sự kinh ngạc của mọi người. [cần dẫn nguồn]
Câu chuyện lan nhanh khắp vùng, người thiểu số tin rằng vua Trời đã trao gươm thần cho Nhạc. Từ đấy, ông ta đi đến đâu, họ theo đến đấy. Các già làng bảo nhau giúp ông ta voi ngựa. Trai tráng các buôn, phây sắm lao, làm ná, mang gươm tới đầu quân, dựng cờ, đắp lũy, xây dựng chiến khu, chuẩn bị về xuôi sát cánh cùng quân của Nhạc đánh chiếm thành Quy Nhơn.[2]
Dùng mưu chước để tự nhận mình là người được trời giao mệnh lớn, Nguyễn Nhạc đã tạo ra 1 đội quân trong những năm tháng đầu dựng nghiệp. Ở các buôn làng An Khê hiện nay vẫn lưu truyền phương ngôn "Sa khổng lồ, hồ Ông Nhạc", "Cánh đồng Cô Hầu, đàn trâu Ông Nhạc".
Nguyễn Nhạc hạ thành Quy Nhơn[sửa | sửa mã nguồn]
Việc hạ thành Quy Nhơn để khởi thanh thế của Nguyễn Nhạc đã là một câu chuyện kỳ lạ: ông ngồi vào cũi giả bị nhân dân bắt đem nộp quan tỉnh lấy thưởng. Quan Tuần phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên tưởng thật cho khiêng cũi vào thành, nhưng đến nửa đêm Nhạc tháo cũi chui ra mở cửa thành cho người của mình xông vào giết hết quan quân một cách bất ngờ, khiến họ trở tay không kịp. Thành Quy Nhơn lọt vào tay Tây Sơn, từ đấy anh em Nhạc, Huệ có một căn cứ để xuất phát đi các nơi khác. Trong số người Tàu tiếp tay cho họ có cả hai thương gia kiêm cả hải tặc là Lý Tài và Tập Đình cũng mộ quân theo.[3]
Quân Tây Sơn đặt xong đại bản doanh ở đây, tổ chức binh đội có quy củ và trang bị khí giới rồi tiến ra Quảng Nam rồi chẳng bao lâu Quảng Ngãi, Bình Thuận cũng thuộc về Tây Sơn.
Cuộc chiến với quân Trịnh[sửa | sửa mã nguồn]
Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở Đàng Trong, sai Hoàng Ngũ Phúc mang quân vào đánh. Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh đánh chiếm Phú Xuân. Nguyễn Phúc Thuần bỏ chạy vào Quảng Nam. Nguyễn Nhạc mang quân ra đánh Quảng Nam, Thuần thua trận vượt biển chạy vào Gia Định. Nguyễn Nhạc bắt được Nguyễn Phúc Dương, muốn nhân danh nghĩa của hoàng tử đang thất thế này để thu nạp thêm một số người trong các giới quân dân còn lại đang theo giúp Phúc Dương hoặc vẫn ủng hộ với dòng họ chúa Nguyễn.
Sau đó quân Tây Sơn đụng độ với Hoàng Ngũ Phúc ở Quảng Nam bị thua lớn, vì vậy phải xin hàng, nguyện làm tiên phong đánh Nguyễn. Hoàng Ngũ Phúc nhân danh Trịnh Sâm phong chức cho Nguyễn Nhạc.
Tây Sơn đánh chiếm Nam Bộ[sửa | sửa mã nguồn]
Phe Tây Sơn lúc này một bề xin phục tùng phe Bắc Hà và xin phụ trách ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên lại xin lãnh cả việc truy kích phe chúa Nguyễn đang lưu vong ở Gia Định, một bề đem Đông cung Nguyễn Phúc Dương về An Thái và Hà Liêu để nếu cần sẽ lợi dụng Đông cung làm bù nhìn hầu hiệu triệu thần dân của chúa Nguyễn cho dễ.[4] Hơn thế nữa, Tây Sơn còn bí mật liên lạc với Lưu thủ Long Hồ Tống Phúc Hiệp đang giữ trọng trách đương đầu với phe Trịnh trong khi chúa Nguyễn đi trốn. Hiệp lúc này có mặt ở Phú Yên. Nhạc gả con gái là Thọ Hương cho Đông cung và ép lên ngôi, nhưng bất thình lình Nhạc cho Huệ đánh úp Phú Yên. Quảng Nam lúc này mất mùa. Hai tướng của chúa Nguyễn còn lại là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân không đủ quân lương cũng bỏ chạy nốt.
Chiếm được Quảng Nam, Tây Sơn tràn xuống Qui Nhơn vào mùa Đông năm Ất Mùi (1775). Qua năm sau Gia Định thất thủ bởi lực lượng của Nguyễn Lữ. Chúa Nguyễn chạy qua Biên Hòa sau nhờ được tướng Đỗ Thành Nhân chiếm lại được Gia Định. Nhưng lương thực và kho tàng ở đây đã bị quân Tây Sơn lấy hết sạch đem về Qui Nhơn.
Tây Sơn tiêu diệt chúa Nguyễn[sửa | sửa mã nguồn]
Bắt đầu từ 1776 thanh thế Tây Sơn lớn trông thấy. Nguyễn Nhạc cho đắp lại thành Chà Bàn làm kinh đô, dựng cung điện, định triều nghi ngang nhiên xưng Tây Sơn Vương, phong Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Long Nhương Tướng quân.
Cũng năm này, nhờ người Hoa là Lý Tài giúp đỡ, Đông Cung Nguyễn Phúc Dương trốn khỏi sự khống chế của Tây Sơn vào Gia Định. Họ lập Dương lên làm Tân Chính Vương và chiếm được Gia Định nhưng đến năm Đinh Dậu (1777) thì bị Nguyễn Huệ đem quân vào đánh bắt và giết toàn bộ gia đình, dòng họ chúa Nguyễn không, kể cả Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương lẫn thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần. Do Lý Tài đã giúp đỡ chúa Nguyễn Phúc Dương mà quân Tây Sơn đã giết mọi người Trung Hoa họ gặp tại Gia Định [cần dẫn nguồn].
Bấy giờ chỉ có 1 mình Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát, vừa được 17 tuổi, là cháu Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần. Quân Tây Sơn đã thành công trong việc cưỡng bách người thừa kế của họ Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh, phải tìm nơi nương náu tạm thời tại một hòn đảo trong vịnh Thái Lan.
Năm sau (Mậu Tuất - 1778) Nguyễn Nhạc xưng đế lấy niên hiệu là Thái Đức, phong Huệ làm Long Nhương tướng quân. Sau 8 năm vất vả gian lao, Nguyễn Nhạc cũng bước lên ngai vàng Tây Sơn.
Vua Tây Sơn Thái Đức lo củng cố mọi vấn đề chính trị, xây dựng triều đình, lập các qui mô như các đế vương thì Nguyễn Huệ là người được trao quyền đại tướng. Tại Nam Bộ con cháu họ Nguyễn còn tiếp tục chiến đấu. Huệ bốn lần mang quân vào Gia Định và thành phố đã đổi chủ 7 lần. Nguyễn Ánh phải bỏ ra đảo Phú Quốc. Năm Quí Măo 1783 tướng Châu Văn Tiếp từ Phú Yên vào, cũng vượt cửa Cần Thơ, tính giải cứu Gia Định để đón chúa Nguyễn Ánh đã từ Phú Quốc trở về. Trong trận này một tướng tài của Nguyễn Ánh là Nguyễn Huỳnh Đức bị bắt. Bấy giờ ông có phận sự giữ đoạn hậu cho chúa Ánh chạy ra Côn Lôn. Nếu trời không mưa to gió lớn thì Ánh đă có thể bị phò mã Tây Sơn bấy giờ là Trương Văn Đa bắt được. Thuyền của Tây Sơn bấy giờ bị đắm nhiều, quân Tây Sơn đành phải rút lui còn bản thân chúa Nguyễn lại trốn được ra Phú Quốc.
Khi Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương bị bắt, thì người cháu Thái Thượng Vương là Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát được. Đến khi Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ về Quy Nhơn rồi, Nguyễn Phúc Ánh lại cùng những tôi tớ tâm phúc lúc trước khởi binh từ đất Long Xuyên, tiến lên đến Sa Đéc, và cùng với quan chưởng dinh là Đỗ Thanh Nhân, quan cai đội Lê Văn Câu và các tướng là Nguyễn Văn Hoằng, Tống Phước Khuông, Tống Phước Lương về đánh đuổi quân Tây Sơn, lấy lại thành Sài Côn. Bấy giờ Nguyễn Phúc Ánh mới có 17 tuổi, các tướng đều tôn làm Đại Nguyên Súy, Nhiếp Quốc Chính.[5]
Tàn phá lăng tẩm triều Nguyễn[sửa | sửa mã nguồn]
Trong Đại Nam Liệt Truyện chép về Nguyễn Huệ có ghi. "Huệ tàn ngược vô đạo, sơ cứ đô thành giả, Liệt thánh chư tôn giai phạm chi" (Huệ tàn bạo vô cùng, lúc mới chiếm cứ Kinh đô xâm phạm tất cả các lăng của Liệt thánh).
Tất cả các lăng tẩm của các chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Khoát đều bị phá hoại. Riêng về lăng của Nguyễn Phúc Luân (thân phụ của Nguyễn Ánh) vào năm Canh tuất (1790) quân Tây Sơn khai quật hài cốt đổ xuống sông Hương.
Trong Đại Nam Liệt Truyện tiền biên, trong phần chép về Hoàng Nữ Ngọc Tuyền (con của chúa Nguyễn Phúc Khoát) có chép: "... gặp lúc giặc Tây Sơn vô đạo phạm lăng tẩm các Liệt thánh, bà mật lệnh cho con rể là Nguyễn Đức Duệ với lão ni thân tín đến các xã Định Môn, Kim Ngọc, Cư Chính ngầm khiến nhân dân tùy nghi bảo vệ, cho nên có người ở xã Cư Chính là Nguyễn Ngọc Huyên chôn dấu Cơ thánh lăng ở nơi an ổn". Điều trên chứng tỏ các lăng đều bị đào bới. Khi tu sửa các lăng, đức Thế Tổ cho an táng ở tại nơi cũ. Nhưng di tích cũ chẳng còn lại một gì. Ngay các lăng của Hoàng Tử, Công Chúa từ đời Thái Tổ[cần dẫn nguồn] đến Hưng Tổ cũng bị phá hủy".[2]
Trong sử nhà Nguyễn dùng những chữ nhẹ nhàng như "phạm", "xâm phạm" để chỉ hành động của Tây Sơn vì là phép kỵ húy trong việc dùng chữ trước các lăng của Liệt thánh.
Lăng Chiêu Nghi là lăng của bà Phi Trần Thị Xạ, vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát, được xây dựng năm 1751. Chỉ có lăng này là không bị quân Tây Sơn phá năm 1790 và hiện nay vẫn còn giữ được. Sự giống nhau của lăng Chiêu Nghi với quy thức lăng mộ các chúa và các Phi chứng tỏ nó đã từng được các vua nhà Nguyễn chọn làm mẫu để phục hồi các lăng mộ của tổ tiên họ.[3]
Cuộc trốn chạy của Nguyễn Phúc Ánh[sửa | sửa mã nguồn]
Chúa Nguyễn hòa hiếu với Xiêm và cầu viện Pháp[sửa | sửa mã nguồn]
Tháng mười năm Tân Sửu (1781) Xiêm La cho quân xâm lấn Chân Lạp (Cao Miên) theo lệnh của quốc vương Trịnh Quốc Anh. Hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương điều khiển binh sĩ kéo vào đất của Nặc In khi đó đặt dưới quyền bảo hộ của chúa Nguyễn. Nguyễn Ánh liền sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Thụy đem 3.000 quân sang Chân Lạp cứu nguy. Tại Chân Lạp, Chất Tri hoà giải với tướng Việt rồi đem quân trở về gây cuộc đảo chính quốc vương Trịnh Quốc Anh, giết đi và tự xưng vua lấy hiệu là Rama I.
Tháng ba năm nhâm dần (1782) vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem hơn 100 chiếc thuyền vào cửa Cần Giờ, đánh nhau với quân Nguyễn Vương ở Thất Kỳ Giang (tức Ngả Bảy). Quân Nguyễn phải bỏ Sài Gòn chạy về đất Tam Phụ (Ba Giồng), rồi ra lánh ở đảo Phú Quốc.
Khi quân Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ về Quy Nhơn rồi, các tướng nhà Nguyễn lại nổi lên đánh quân Tây Sơn. Chúa Nguyễn Ánh về sửa sang mọi việc để chống giữ với Tây Sơn, nhưng qua năm sau vua Tây Sơn lại sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem binh vào đánh.
Người Xiêm can thiệp giúp chúa Nguyễn[sửa | sửa mã nguồn]
Nguyên lúc thất trận ở Sài Côn, tướng Châu Văn Tiếp chạy sang Xiêm La cầu cứu. Đến tháng 2 năm 1784 vua Xiêm đem thủy quân sang Hà Tiên, tìm Nguyễn Vương để mời sang bàn việc. Chúa Nguyễn lại tiếp được mật biểu của Châu Văn Tiếp, cho nên mới đến hội với tướng nước Xiêm, rồi cùng sang Bangkok xin binh cứu viện.
Xiêm Vương tiếp đãi Nguyễn Vương rất hậu, và sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem hai vạn quân cùng 300 chiếc thuyền sang giúp quân chúa Nguyễn. Khi đánh quân Tây Sơn ở Mân Thít, Châu Văn Tiếp bị thương nặng mà mất. Từ đó quân Xiêm ỷ thế đi đến đâu quấy nhiễu dân sự, làm nhiều điều tàn ác.
Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là Trương Văn Đa sai người về Quy Nhơn phi báo. Vua Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đem binh vào chống giữ. Nguyễn Huệ vào đến Gia Định nhử quân Xiêm La đến gần Rạch Gầm và Xoài mút rồi đánh một trận, giết quân Xiêm chỉ còn được vài nghìn người, chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Nguyễn Huệ sau đó đem binh đuổi theo quân chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bấy giờ hết cả lương thực, cùng với mấy người chạy về Trấn Giang, ra đảo Thổ Chu, đảo Cổ Cốt, rồi sang Xiêm La.
Sau đó Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn để đô đốc là Đặng Văn Chân ở lại trấn đất Gia Định.