free hit counter script

Những ngôi đình cổ

Hình ảnh của Những ngôi đình cổ

TẠ HỮU YÊN

Nước Đại Việt ta, từ thuở xa xưa, mái đình đã được dựng lên để thờ những vị thành hoàng - những vị có công với nước và những ông tổ của các ngành nghề. Có tư liệu cho hay: thời Lý, chúng dân sinh hoạt dưới mái chùa; thời Trần, bà con nơi hương thôn họp bàn việc làng, việc nước dưới mái đình.

Cho đến hôm nay, nơi đồng quê, trong tiếng võng kẽo kẹt vào buổi trưa hè chang chang nắng, khi nghe bà mẹ ru con với cái giọng ngái ngủ, lời ru ấy vẫn làm cho ta xao xuyến, bồi hồi:

Mái đình giếng nước cây đa
Đây là đất cổ, đây là hồn quê…

Mái đình ngói đã phủ rêu, cây cột trụ đứng đó trong nắng mưa, hai con nghê trên đỉnh cột đứng chầu, nghe thấp thoáng đâu đây cái hồn làng khi dăm ba chiếc đa vàng nhạt, lác đác rơi khi ta đứng nhìn vòm xanh cổ thụ. Kìa, những câu đối thờ được khắc vào cột, sáng lên trong nắng trưa, trong ánh nến đỏ, cụ từ đọc giọng thuốc lào mà sao ta nhớ tổ tiên quá thể.

Vùng châu thổ Bắc Bộ có bao nhiêu mái đình rêu phong cổ kính. Chỉ riêng vùng đất phía nam kinh thành Thăng Long, những câu đối nơi các ngôi đình ấy, đã nhắc ta nhớ về quá khứ liệt oanh, nhớ về ông bà từng đổ máu xương bảo vệ và dựng xây đất nước này.

Thôn Trung, Lủ Trung, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, nơi đây là cửa ngõ kinh thành Thăng Long xưa, có nhiều hình được dựng lên, bốn mùa thoảng thơm hương trầm. Ngôi đền thờ thần Quý Minh, em thúc bá với Thánh Tản Viên thời Hùng Vương thứ 18. Câu đối ở đình vừa nói về lịch sử, vừa “vẽ” phong cảnh địa phương:

Tản lĩnh vân cao, dao vọng thần quang thiên thu nhiễu,
Tô giang thủy tú, trường lưu danh tích bách hinh triều.

(Núi Tản áng mây cao, xa ngóng ánh thần, tươi tốt ngàn cây vây bọc,

Sông Tô dòng nước đẹp, mãi truyền dấu thánh, linh thiêng trăm khí chầu về).

Đình Tương Mai, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thờ Thượng tướng Trần Khát Chân, vị tướng sĩ đã đánh bại Chế Bồng Nga khi cho chiến thuyền vào cướp phá kinh thành Thăng Long. Câu đối thờ ông:

Phù Trần chúa, bình Chiêm binh, triều đại kỷ cương công bất hủ,

Phóng Mai thôn, vọng Đốn tích, giang sơn y cựu miếu trùng quang.

(Phò vua Trần, dẹp quân Chiêm, bao triều đại đổi thay, công lao không mai một,

Thăm làng Mơ, ngóng núi Đốn, dải non sơn nguyên vẹn, đền miếu vẫn uy nghi).

Tướng Tam Trinh là một dũng tướng dưới cờ Hai Bà Trưng, ông tổ lò vật phường Mai Động, Thăng Long xưa. Đình Mơ Táo phía dưới chợ Mơ thờ ông. Cột đình sáng lên câu đối:

Thành hoàng tổ nghiệp dân thừa tự,
Đô úy triều phong thế vĩnh lưu.

(Nhân dân thừa tự đức Thành hoàng,
Đời đời nhớ Đô úy do triều phong tặng).

Ngôi đình thôn Mai Động cũng có câu đối thờ ông:

Đức hóa thánh văn truyền Việt địa,
Uy danh thần vũ trấn Nam thiên.

(Văn thánh đức cao truyền đất Việt,
Võ thần oai mạnh dậy trời Nam).

Xã Đại Áng nằm trong đội hình huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đình Đại Áng thờ ba vị thần: Quý Minh Đại Vương, Lý triều công chúa (làng Đại Áng xưa là thực ấp của bà công chúa này) và Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng đóng quân tại đây, trước khi đem quân vây phủ Tống Bình (Hà Nội)). Câu đối thờ Quý Minh Đại Vương:

Nhất trận uy phong bình Thục khấu,
Thiên thu hương hỏa hiển Hùng bang.

(Một trận oai phong dẹp quân nhà Thục,
Ngàn thu hương hỏa rạng nước vua Hùng).

Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng thì được thờ ở đình Quảng Bá thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Câu đối thờ ông:

Bắc khấu đồ binh, vạn cổ sơn hà khai quốc thống,
Nam bang phi mạo, triệu nhân phụ mẫu kỷ nhân bi

(Giặc Bắc dẹp yên, muôn thuở vẫn non sông, ghi công mở nước,
Nước Nam vùng dậy, triệu người tôn cha mẹ, bia tạc lòng dân).

Trên địa bàn huyện Thanh Trì, đến xã nào cũng gặp những ngôi đình cổ kính. Đình Thanh Liệt thờ tướng Phạm Tu, vị tướng cánh tay phải của Lý Nam Đế - Lý Bí - người có công rất lớn đánh dẹp quân nhà Lương. Câu đối thờ tướng quân họ Phạm:

Tướng sử Lục triều Lương địch quốc,
Thần bi nhất Phạm Liệt danh hương.

(Chống quân Lương thời Lục triều, dũng tướng lừng danh sử chép,
Dòng họ Phạm đất Thanh Liệt, thần võ còn dấu bia truyền).

Đình làng là một dấu ấn thiêng liêng của văn hóa Việt. “Trong nhiều truyền thuyết tốt đẹp, dân tộc Việt Nam ta luôn gìn giữ một truyền thống có ý nghĩa trong và đẹp: tưởng nhớ tổ tiên” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

Từng sang Việt Nam, đi đến một số làng quê thăm những ngôi đình, đền, chùa,… tiến sĩ A.Samađi, nhà nghiên cứu mỹ học Philippin, viết: “Sang tới Việt Nam mà không tới thăm những ngôi đình là chưa biết gì về Việt Nam cả”.