Khám phá ‘kinh thành Huế’ thu nhỏ tại xứ Thanh
Triệu Trường còn gọi là Nguyên Miếu hay chùa Vua, được dựng năm 1803, là công trình kiến trúc tưởng niệm - miếu thờ của vương triều Nguyễn có quy mô và giá trị đặc biệt về kiến trúc cũng như nghệ thuật trang trí.
Theo các tư liệu lịch sử, năm 1545, khi Nguyễn Kim mất, thi hài ông được đưa đến án tang tại núi Thiên Tôn. Năm 1803 vua Gia Long cho xây gần đó một miếu 3 gian 2 chái thờ Nguyễn Kim và để thờ vọng Nguyễn Hoàng (1558-1613). Miếu được đặt tên là Nguyên miếu. Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là lăng Trường Nguyên.
Ảnh tư liệu về miếu Triệu Tường - Gia Miễu. |
Khu di tích lăng miếu Triệu Tường được xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng dưới chân núi Triệu Tường thuộc làng Gia Miêu, xã Hà Long, nằm cạnh đường 7 đi về miền tây đến huyện Thạch Thành. Toàn bộ kiến trúc của khu vực Lăng miếu Triệu Tường được miêu tả như sau:
Sách Niên giám Đông Dương năm 1901 viết: “ Làng Quý Hương, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các vị tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng lũy, làm đúng như một tòa thành nhỏ, đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường”.
Còn sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Lăng Trường Nguyên của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế bản triều. Ở núi Triệu Tường huyện Tống Sơn. Tĩnh Hoàng Hậu cũng hợp táng ở đây. Năm Gia Long thứ 5 dâng tên là Trường Nguyên; năm Minh Mệnh thứ 3 ngự chế bài minh và năm Thiệu Trị thứ nhất ngự chế bài thơ, điều khắc vào bia, dựng đình ở phía tả lăng”.
Thành Triệu Tường có chu vi 182 trượng, bao quanh có hào nước và có cầu gạch bắc qua. Bên ngoài còn có hai lớp lũy bao bọc và 4 cửa trổ theo bốn phương. Phạm vi lăng trong được chia làm 3 khu vực. Khu vực chính là Nguyên miếu (miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng); khu vực bên đông là Trừng Quốc Công (miếu thờ cha Nguyễn Kim); khu vực bên tây là trại lính và nhà ở của các gia nhân coi lăng (đây là khu vực phụ) có hai viên quan thuộc dòng tôn thất được cử ra coi lăng gọi là Chánh sứ và Phó sứ có thêm hai thuộc quan nữa giúp việc: một diện sứ và một miếu thừa.
Đình Gia Miễu, dấu xưa của cụm di tích. Ảnh: thanhnhaho.vn |
Khu vực Nguyên miếu nằm trong thành Triệu Tường là khu trung tâm “được xây dựng năm Gia Long thứ 2 (1804). Miếu chính và miếu trước đều 3 gian, 2 chái. Gian chính giữa thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế, gian bên tả thờ Thái Tổ - Gia Dụ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng), đều hướng về Nam, hàng năm gặp tiết ngũ hương và các tiết khác đều tế theo lệ các miếu ở kinh, quan tỉnh khâm mạng làm lễ.”
Trang trí và sắp đặt trong Nguyên miếu được tác giả nước ngoài H.Le Bretsin miêu ta như sau: “Trước các bài vị có kê hai cái sập chạm rồng. Bên trái và bên phải là hai rương quần áo thờ. Mỗi lần vua Nguyễn về Nguyên miếu đều cúng tế theo đúng mọi nghi lễ quy định. Người ta trải lên bức sập trong cùng một chiếc chiếu hoa. Trên chiếu hoa lain trải chiếu son để bầy các món ăn. Rồi tiếp đến là hai bàn thờ. Trên bàn thờ phía trong những ngày cúng kị bằng các mâm quả, các cây đèn thiếp, trên bàn thờ phía ngoài bầy ngũ sự bằng thiếp, những lọ hoa, hai con hạc gỗ, sơn son thiếp vàng, hai khay vàng giấy để sau khi lễ xong thì đem đốt. Khoảng giữa hai bàn thờ là những cái bàn để dâng bò, dê, lợn cúng tế. Khi nhà Vua đến cúng bái thi trải một cái chiếu trước bàn thờ ngài.”
Trải qua hơn một thế kỷ, ngày nay, lăng miếu Triệu Tường chỉ còn dấu vết trên nền đất. Dấu xưa còn lại là đình làng Gia Miêu nay đã được tôn tạo và được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích quốc gia năm 2007.