Du Lịch > Kinh nghiệm lữ hành

20/10/2011 11:48 | 4,315 lượt xem

Một ngày ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

 

Hoàng Trọng Muôn tại chợ Hữu Nghị ở cửa khẩu Tân Thanh
 

Gần hai năm, giữa tháng 10 này, tôi mới trở lại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn. Vẫn là cửa khẩu lớn vào loại nhất phía Bắc nên lượng người và hàng hóa qua lại sầm uất, nhưng trong không khí của những ngày cuối Thu, khi cái se lạnh chưa kịp len về khiến cho những phiên chợ cửa khẩu khá trầm lắng. Chưa phải dịp cuối năm, chưa phải dịp giá rét, vì thế mà gần 11 giờ trưa, trên các con phố vốn đông đúc, nhộn nhịp của Tân Thanh vào những ngày giáp tết, sau tết, trở nên khá lạ lẫm vì sự thưa thớt và thảnh thơi của một số ít người qua lại. Chỉ độ tháng nữa, trở lại nơi này, chắc chắn tìm được một chỗ đậu xe ôtô đã rất vất vả và những dòng người tấp nập, chen chúc nhau, vai nối vai, chân theo chân sẽ tràn ngập Tân Thanh.

Chuyến đi cửa khẩu Tân Thanh lần này, tôi chắc mẩm sẽ có được cái gì đó mới lạ để viết. Vì vậy mà khá hồi hộp. Có lẽ, mỗi lần trở lại, dù là địa danh quen thuộc thì trong mỗi người bao giờ cũng mang những tâm trạng và cảm xúc khác nhau, mới mẻ, lạ lẫm và có phần háo hức. Tôi đã lập một kế hoạch sẽ theo đường tiểu ngạch sang bên kia biên giới dự một phiên chợ Trung Quốc xem hàng hoá tết của họ thế nào nhưng rồi không liên lạc được với anh bạn ở Lạng Sơn mọi lần vẫn dẫn tôi sang, nên cuối cùng không dám đi vì không quen đường, không quen thông thổ, sợ lạc và gặp chuyện rắc rối. Tiếc thế chứ. Cũng định alô cho một vài người bạn ở thành phố Lạng Sơn, hội viên hội Văn học nghệ thuật ở đây nhưng rồi lại thôi vì nghĩ là ngày Chủ Nhật, họ còn phải sum họp gia đình. Vì thế mà cứ lang thang, cứ nhẩn nha quanh chợ, chẳng biết làm gì ngoài việc ngắm nghía các gian hàng và xem mọi người mặc cả, mua bán.

 

Đường phố Tân Thanh rất vắng vẻ
 

Hàng hoá ở đây tràn ngập, phong phú cả về chủng loại, mẫu mã, giá cả, hơn nhiều so với nhiều chợ ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Có cả hàng đắt tiền và hàng của các địa phương bên Trung Quốc sản xuất. Đó là lí do mà mọi người các nơi hàng năm đều đổ về đây mua sắm rất đông. Nhiều nhất là đồ may mặc (quần áo, giày dép, chăn, màn), đồ nội trợ và hàng điện tử. Tuy nhiên, do lượng người còn ít ỏi, do chưa đến gần tết nên hàng hóa mẫu mã mới khá ít, chủ yếu là hàng hóa thanh lí của mùa Hè với mức giảm giá thực sự gây sốc tới 70, 80, thậm chí 90% (đó là nếu biết cách mua, còn không thì cũng tùy từng mặt hàng). Và cả hàng hóa của những mùa đông năm trước mang ra bán thanh lí trước khi có những lô hàng mới nhập về. Thế nên giá cả cũng tương đối dễ chịu và sự nói thách cũng không quá đáng sợ.

 

Bến xe Tân Thanh khá vắng vẻ
 

Lên đây, cảm xúc tiếc nuối cho một ngôi chợ khang trang, bề thế và hiện đại vẫn làm tôi nghèn nghẹn khi ngôi nhà lớn được xây dựng từ nhiều năm trước vẫn mới chỉ sử dụng được một phần diện tích rất nhỏ cho một số quầy hàng, còn lại chủ yếu là để không, làm kho chứa hàng và cho khách đến Tân Thanh đi… vệ sinh vì trong đó có mấy nhà vệ sinh khá sạch sẽ, hiện đại, chứa được đông người.

Có khá nhiều người bán hàng là người dân Trung Quốc sang nên được nói chuyện với họ trong lúc họ rảnh rỗi thật thú vị và biết được nhiều điều. Cách buôn bán cũng như quan niệm về cạnh tranh của họ thật độc đáo và họ luôn biết cách đoàn kết, nương tựa nhau, cùng giúp nhau bán hàng, trong khi người Việt mình thì mạnh ai nấy bán, thậm chí còn nói xấu nhau, bôi nhọ nhau, chửi nhau để tranh giành khách. Có nhiều cô gái Trung Quốc khoảng trên dưới 20 tuổi đứng bán hàng rất xinh và duyên dáng, nói tiếng Việt rất giỏi và cười rất tươi, nên tôi có dịp để giết thời gian. Cái ghi nhận nhất là mặc cả thoải mái, xem thoải mái, thậm chí thử thoải mái, không mua cũng không bị mắng, không bị càu nhàu dù chỉ mới sáng ra chưa bán được hàng, chứ không như những gian hàng của người Việt mình. Không biết khi những cô gái xinh xắn, sởi lởi này về làm vợ có thành mấy bà chằn như phụ nữ Việt mình không nhỉ? Điều này tôi cũng đã tự hỏi vài lần khi vào Hội An, khi ra Móng Cái, lúc lên Lào Cai. Không biết có ai lấy được vợ Trung Quốc chưa để có thể biết rõ ràng, đầy đủ về phụ nữ nước họ, ngoài những thước phim trên truyền hình.

 

Hàng đại hạ giá ở cửa khẩu Tân Thanh
 

Ở đây, sát biên giới nhưng giá cả hàng hoá ở tận trên trời. Thậm chí hai quầy sát nhau, hàng hoá cùng loại nhưng có hai mức giá chênh lệch đến không tưởng tượng nổi. Đấy là vào dịp này còn đỡ, chứ cuối năm hay ra Giêng, khi lượng người đổ về đây quá đông thì giá cả theo đó mà đội lên cao ngất ngưởng. Vì thế, những ai mới lần đầu đặt chân đến đây, nếu chưa được hướng dẫn kỹ, chưa hiểu gì về Tân Thanh sẽ mua hàng hoá đắt hơn nhiều dưới Hà Nội, dù vẫn là những hàng hoá như vậy từ đây chuyển về. Đã đến Tân Thanh phải biết mặc cả, phải biết qua về giá trị các mặt hàng. Có thể mặc cả bằng nửa giá họ đưa ra, thậm chí có những món hàng có thể mua chỉ bằng một phần ba, một phần năm mức giá ban đầu. Nếu khéo léo, tinh ý và biết cách mặc cả, mua bán, ít nhất mỗi món hàng nơi đây có thể mua được rẻ hơn dưới Hà Nội từ hai, ba chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng. Thậm chí có chiếc áo rét bị hét giá một triệu, nhưng nếu biết mua, có thể mua được với giá khoảng... 150 nghìn. Tuy nhiên, với quần áo rét, muốn mua được thật rẻ thì phải chờ đến khoảng tháng Ba, khi mùa hè chuẩn bị về, người ta chất đống quần áo rét lại để cất vào kho, để mang về Trung Quốc thì khi ấy mua cực rẻ, chỉ cần trên dưới trăm nghìn là có thể được một chiếc áo rét như áo béo, áo khoác hoặc những bộ quần áo mùa đông khá chất lượng và đẹp. Bao giờ mùa hè mua quần áo mùa đông cũng rẻ mà vì không bán được, sang năm lỗi mốt khó bán nên người bán hàng muốn bán tống bán tháo đi để thu hồi vốn.

Ở đây cũng tập hợp được một lực lượng chôm chỉa, nhặt đồ vào loại nhanh tay nhất, nhanh chân nhất và cũng lịch sự nhất. Đội quân đó có thể là những người bốc vác thuê hiền lành, có thể là những anh xe ôm vui tính, cũng có thể là mấy người đi mua hàng cùng… Nói chung là đa dạng. Chỉ cần sơ ý khoảng vài chục giây khi đi đường, khi xem hàng hoá là bạn có thể mất chiếc điện thoại di động, chiếc ví…, thậm chí bị xách nhầm cả túi đồ vừa mua được đang để bên cạnh. Nếu kịp nhìn thấy, nói to và nhận là đồ của mình, thì những người chôm chỉa sẽ lịch sự trả lại đồ, thậm chí còn xin lỗi vì… nhầm. Còn nếu bạn nổi khùng lên với họ, gây gổ với họ, họ cũng sẽ lặng lẽ bỏ đi, không nói gì, nhưng sau đó bạn hãy liệu thần hồn, vì bạn bị theo dõi và nếu chỉ đi ít người hay chỗ hơi vắng một chút là có một đội quân ra cho bạn một bài học ngay với những lí do đoàng hoàng, đầy đủ chứ không hề đánh trộm. Tôi đã có vinh dự được chứng kiến vài vụ như vậy và kinh hãi, giật mình thon thót cả lúc ngủ mơ.

 

Hoàng Trọng Muôn ở cửa khẩu Tân Thanh
 

Lên Tân Thanh còn được tận mắt chứng kiến hàng hoá được vận chuyển về qua các con đường tiểu ngạch, nườm nượp thành những hàng dài dằng dặc không có điểm kết thúc mà mọi người ngầm hiểu là hàng lậu. Nó được công khai diễn ra ngay cạnh nách của cửa khẩu. Hàng hoá trước đây được tập kết trong những ngôi nhà dân cấp 4 lụp xụp, tạm bợ, thấp lè tè nhưng khoảng hai, ba năm nay thì không còn tập kết ở đó nữa, mà có một đội quân xe máy và cả xích lô đông đảo chờ sẵn ở dưới chân núi, ngay sau lưng chợ Tân Thanh và chỉ đợi những người gùi hàng xuống núi, lập tức đưa lên xe chạy thục mạng như ma đuổi. Vì thế nếu ai đi đường và tò mò ra xem mà không nhanh chân có thể bị xe đâm hoặc bị mắng, hoặc bị dọa vì xung quanh đó có vài quán nước với những thanh niên đi lại lớt phớt hoặc ngồi uống nước canh chừng. Vì thế mà mấy lần tôi định mang máy ảnh ra hành nghề nhưng bắt gặp những ánh mắt u ám, lạnh lẽo đến sởn da gà ấy lại hết muốn chụp luôn. May mà đứng xem không bị ai ra gây sự và lần nào tôi cũng đứng xem khá lâu, thậm chí đi theo chân những người vận chuyển một đoạn khá xa. Giá như trời rét, khoác trên người quần áo mùa Đông thì tôi đã có thể ngụy trang máy ảnh và có thể chụp được nhiều tấm ảnh khiến nhiều người giật mình.

 

Hoàng Trọng Muôn cũng tay xách nách mang với rất nhiều hàng hoá
 

Đứng bên cửa khẩu bên này có thể nhìn thấy Trung tâm thương mại của cửa khẩu bên Trung Quốc với ngôi nhà cao tầng uy nghi, bề thế hơn nhiều lần ở Tân Thanh, bám chênh vênh bên núi. Có lần, anh bạn đã rủ tôi sang đó nhưng tôi không vào vì nghĩ rằng những nơi đó không có gì thú vị và hàng hoá được bán cũng nghiêm túc hơn. Tất nhiên phải đi bằng đường núi mới sang dễ dàng được chứ đi qua cửa khẩu phải làm thủ tục khá nhiều nên mất thời gian vô cùng.

Những hàng quà ở đây cũng rất đáng sợ. Có nhiều loại quà, rau quả chỉ ở Tân Thanh mới nhiều và đa dạng về giá như hạt dẻ, rau cải ngọt, vịt nướng, quất ngọt... Tuy nhiên, nếu mua, ngoài chuyện mặc cả, người mua nên tinh ý hỏi xem sẽ được cân bằng loại cân nào. Cùng một mặt hàng nhưng nếu giá khác nhau sẽ được cân bằng những chiếc cân khác nhau, có thể chênh lệch nhau gấp ba lần. Vì thế, mua rẻ chưa chắc đã là tốt. Dù sao thì việc họ nói thẳng giá rẻ cân thiếu là đã quá lịch sự, quá đàng hoàng cho những người mua hàng.

Nếu có dịp đi mua hàng Lạng Sơn, mọi người nên mua hàng ở chợ Đồng Đăng. Chợ Đông Kinh ở thành phố Lạng Sơn cũng như chợ Tân Thanh, giá rất trên trời mà hàng hóa lại dễ bị mua nhầm, dễ bị mua đắt. Nhưng nếu mua ở chợ Đồng Đăng, hàng hóa khá rẻ, lại nhiều hàng tốt vì hầu hết các hàng hóa đi theo đường nhập lậu từ Hang Dơi đều tập kết về đây, sau đó chuyển về các nơi, thậm chí còn ngược lên cả Tân Thanh, xuống chợ Đông Kinh.

Cuối cùng thì những dự định về viết lách của tôi sau chuyến đi phá sản hoàn toàn. Chẳng có gì có thể viết được cho mới mẻ. Có lẽ phải trở lại vào dịp cuối năm và phải ở lại qua đêm để đi được nhiều hơn, để cảm nhận nhiều hơn.

Mời Kết Bạn

Gởi lời mời kết bạn đến

Gửi