Giới thiệu cổ vật - Bảo vật Quốc gia:
Thể tồn bi ký
và Quốc hiệu Việt Nam 1670!
Trên một tấm bia đá 2 mặt, được phát hiện trên sườn núi Phia Mạt (Phia Mạt tiếng địa phương là núi tròn trượt) thuộc khu Vườn Sái phía Đông Đông Nam thị trấn Đồng Đăng (gần quốc lộ 1A tại Km 12 + 500) huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn năm 1991. Tờ báo Vietnam News ra ngày 6/7/1991 đăng bài có tiêu đề Important historcal discovery - "Một phát hiện lịch sử quan trọng". Bia này trước đây được dựng trong Đình Thuỷ Môn, nên thường gọi là bia Thuỷ Môn Đình (theo ba Hán tự lớn ở mặt trước tấm bia), do Nguyễn Đình Lộc giữ chức Đô tổng binh sứ ty Bắc quân Đô đốc phủ Hữu Đô đốc (như phó chủ tịch tỉnh ngày nay), tước Thao quận công dựng năm 1670. Đình Thuỷ Môn vừa là nơi làm việc, vừa là nơi thờ tự của dòng họ Nguyễn Đình tại Đồng Đăng.
Đây là bia đá xám hình khối, thân bia cao 1,5m, rộng 0,82m. Bia có chân mộng cao 0,17m dài 0,6m rộng 0,15m để lắp vào đế bia trên lưng một con rùa đá lớn. Trán bia hình bán nguyệt cao 0,2m, ở mặt trước trán bia trang trí chạm nổi “Lưỡng long chầu nhật” và mây lửa. Diềm bia trang trí dải hoa dây. Sát chân đế bia có 2 con hạc đứng chầu. Bia có chiều dầy 0,18m, suốt độ dày của bia từ chân đế đến đỉnh có hình trang trí một bên Rồng chầu và bên kia Hổ phục, với phần đuôi các con vật hướng lên trên. Mặt trước khắc Hán tự "Thể tồn bi ký", nghĩa là Bia gìn giữ bảo tồn truyền thống tộc họ. Diềm bia soi gờ nổi xung quanh, hoa văn trang trí loại dây lá, hai bên là đôi câu đối, phiên âm:
An trấn Thuỷ Môn đình đình tiền thuỵ lục.
Tỏa thược Thiên Nam giới giới hạn thiên thu.
Dịch nghĩa:
Gìn giữ đình Thuỷ Môn, trước đình đường quanh suối lượn.
Khoá chặt ải Nam Quan, quan ải phân định sách trời.
Nhà bia tại tại Km 12 + 500 Đồng Đăng
Câu đối là sự hoà quyện ý thơ trong bản tuyên ngôn độc lập của Thái uý Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) thuở trước. Nội dung: "Lúc đầu phân chia ra Thiên, Địa, Nhân rồi sau mới có vua có cha. Lẽ thường là thần dân là con cháu cũng bẩm khí trời đất mà sinh ra mà lớn lên, vậy ai cũng đội ơn ấy, còn như lại đem cơ nghiệp ban cho ta thì rõ ràng phải hết lòng trung hiếu tu dưỡng trí đạo để báo đền công đức của vua cha vậy. Tuy gọi là tài, kém có khác nhau nhưng dù sao sự bình trị cũng nhờ ở con người có chịu ra sức làm việc phấn đấu hết sức không. Như tôi nhờ tổ tiên nhiều năm tích điều thiện lại là con trưởng nên tuổi vừa 20 đã được phong cho trấn giữ vùng yết hầu chốn biên thuỳ, đây là nơi đón tiếp sứ thần của hai nước (Việt - Hoa) công văn giấy tờ bề bộn, ngày đêm canh cánh lo âu..." đó là quan niệm nhân sinh quan của Nguyễn Đình Lộc cho chúng ta biết ý thức về trọng trách cá nhân thật sâu sắc, tiếp đó "...May lại gặp lúc vua Lê thịnh trị, chúa Trịnh nhờ thiên vận mở mang bờ cõi các man di đều quy phục, như tôi (Nguyễn Đình Lộc) tấm thân nhỏ bé mà lại được ký thác trọng trách. Xét các châu thuộc bản xứ lúc đầu ai nấy tự xây nhà cửa không chịu đoàn kết với nhau, thường kìm hãm tranh giành nhau, tôi tuy tài hèn sức mọn nhưng luôn coi trọng ngũ mỹ tiêu trừ tứ ác, ái nhân tín nghĩa noi đức hiếu sinh của bề trên hết lòng khuyên giải, chí hướng của dân may nhờ ở đây, mâu thuẫn dần được giải quyết thoả đáng, phong tục ổn định dần, thế sự cải đổi, bọn nha lại không được như trước đây cứ tự ý mình làm khác đi. Công việc chính trị không giao cho bọn tiểu nhân mà phải giao cho người quân tử...", qua đó cho thấy khả năng thích nghi hoàn cảnh thật nhạy bén nắm chắc bản chất sự việc, cộng với thái độ ứng xử khôn khéo để từ một cộng đồng cư dân với mối quan hệ lỏng lẻo mất đoàn kết, chỉ sau một thời gian ông đã chuyển hoá căn bản về chất gắn kết họ lại thành khối vững chắc giữ vững trọng trách nơi biên cương "khoá chặt ải Nam Quan" kế thừa và phát huy giữ vững nền độc lập dân tộc. Thể hiện tài năng thiên bẩm tuổi trẻ tài cao của Nguyễn Đình Lộc, của một người chỉ huy "... Công việc chính trị không giao cho bọn tiểu nhân mà phải giao cho người quân tử ...", chúng ta phải khâm phục tài "dụng nhân" của Tây Đô Vương Trịnh Tạc bởi khi được bổ nhiệm và dựng “Thể tồn bi ký” thì Nguyễn Đình Lộc mới 26 tuổi!
Thể Tồn bi ký
“Một phát hiện lịch sử quan trọng” bởi "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan" nghĩa là Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam và là ải quan trấn giữ phương Bắc. Vì "Ải quan trấn giữ phương Bắc" là yết hầu của "nước Việt Nam" đó là “Một phát hiện lịch sử quan trọng”! Từ xưa chưa có tài liệu nào nói “Trấn Bắc ải quan” là “Yết hầu của nước Việt Nam”! Nguyễn Đình Lộc với chức Đô tổng binh sứ ty Bắc quân Đô đốc phủ Hữu Đô đốc - một phó tỉnh trưởng - tên nước Việt Nam trên “Thể tồn bi ký” mang ý nghĩa “hành chính” rất lớn, khẳng định Quốc hiệu Việt Nam đã có từ năm 1670!
Trong lịch sử dân tộc, hai chữ Việt Nam từng xuất hiện trên các bia khác như: Bia chùa Bảo Lâm dựng năm 1559 ghi: "Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ" nghĩa là các danh lam của Việt Nam nhiều không biết cơ man nào mà kể, (do Hoàng thái hậu, mẹ của Mạc Kính dựng). Hay bia chùa Phúc Thánh dựng năm 1604: "Việt Nam cảnh giới. Kinh Bắc thừa tuyên" nghĩa là đây là cảnh quan và địa giới của nước Việt Nam và là thừa tuyên xứ Kinh Bắc. Cho đến khi phát hiện “Thể tồn bi ký” thì ý nghĩa quốc gia của tên gọi này mới thể hiện thật rõ nét: "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan", điều đó khẳng định quốc hiệu Việt Nam không phải do nhà Thanh ban cho như Đại bách khoa toàn thư Anh - Encyclopaedia Britannica 1992 - nêu: "Năm 1802 một triều đại mới được hình thành ở Việt Nam (Đại Việt) do Nguyễn Phúc Ánh, một thành viên của hoàng tộc ở Huế. Ông đã xoá bỏ được chế độ ngắn ngủi của nhà Tây Sơn và thống nhất được đất nước. Nhà Thanh lúc bấy giờ là thời của Gia Khánh hoàng đế, đã nhìn nhận triều đại mới này như một việc đã rồi, nhưng một cuộc tranh cãi đã xảy ra về tên gọi của đất nước nới này, Nguyễn Phúc Ánh đề nghị gọi tên là Nam Việt, nhưng nhà Thanh đã đảo ngược hai chữ và đề nghị là Việt Nam. Cuối cùng hai bên đã nhất trí và Nguyễn Phúc Ánh đã trở thành vua của Việt Nam". Nguyễn Đình Lộc với Thể tồn bi ký là trang sử sống động, rạng danh đất Việt, minh chứng khẳng định chủ quyền lãmh thổ Việt Nam - quốc hiệu Việt Nam đã có từ năm 1670!
Nhà bia tại Km 12 + 500 Đồng Đăng
Rồi đây Đình Thuỷ Môn sẽ được phục dựng theo mô típ kiến trúc thời Lê Trung Hưng cuối thế kỷ XVII và Thể tồn bi ký sẽ được dựng lại trong Đình Thuỷ Môn, chúng ta và những thế hệ mai sau được mục sở thị nơi làm việc của phiên thần họ Nguyễn, người chứng minh danh xưng Việt Nam là của người Việt Nam từ năm 1670, chứ không phải triều đình nước ngoài ban phát và nơi đây mãi mãi là cửa ngõ, là “yết hầu” của nước Việt Nam./.
Trần Hữu Tính
Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn