Cập nhật: 11:30 AM GMT+7, Thứ tư, 31/12/2014
    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Bảo tàng Phòng không - Không quân được thành lập ngày 22-10-1963. Bảo tàng hiện đang tọa lạc tại địa chỉ số 171 đường Trường Chinh, Thành phố Hà Nội. Tiền thân của Bảo tàng Phòng không - Không quân là Phòng Truyền thống Phòng không thành lập năm 1958. Năm 2004, Bảo tàng được đầu tư xây dựng mới, đến ngày 28-8-2007, Bảo tàng Phòng không - Không quân chính thức mở cửa phục vụ công chúng tham quan .


     

    Tòa nhà trưng bày Bảo tàng Phòng không - Không quân Việt Nam.

    Bảo tàng có tổng diện tích trưng bày 18.200m2 (trong đó, diện tích ngoài trời: 15.000m2 và trong nhà 3.200m2). Bảo tàng Phòng không - Không quân được xếp hạng 2 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật minh chứng cho quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam.

    Một góc không gian trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Phòng không - Không quân.

    Không gian trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Phòng không - Không quân giới thiệu các bộ sưu tập hiện vật, vũ khí độc đáo của 4 lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam gồm: Máy bay, Pháo Cao xạ, Tên lửa và Ra đa. Tại phần trưng bày này, công chúng có dịp chiêm ngưỡng 73 hiện vật thể khối lớn gồm các loại vũ khí, khí tài của Quân chủng Phòng không - Không quân gắn liền với nhiều chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Các hiện vật tiêu biểu như: khẩu pháo 37mm của Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã dùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; khẩu pháo 90mm bộ đội Phòng không đã dùng chiến đấu và giành chiến thắng trận đầu ngày 5-8-1964; Ra đa phát bằng sóng điện từ được dùng trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, bắt được tín hiệu máy bay chiến lược B.52 sớm 35 phút để kịp thông báo cho quân và dân Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu; Bệ phóng tên lửa bắn rơi máy bay B.52 đầu tiên trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12- 1972; Máy bay Mig.21, phi công của ta đã lái và bắn rơi máy bay B.52 đêm 27-12-1972.....

    Khách tham quan trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân.

    Ngoài ra, Bảo tàng còn trưng bày các loại máy bay Mig.17, Mig.19, Mig.21, trực thăng vận tải, trực thăng săn ngầm… trong đó có chiếc máy bay A.37, Phi đội Quyết Thắng đã sử dụng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

    Bảo tàng Phòng không - Không quân là bảo tàng chuyên ngành của một quân binh chủng quân đội nhân dân Việt Nam, nội dung hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng gồm:

    Phần khánh tiết: Thiết kế trang trọng với mái vòm, biểu tượng của bầu trời Tổ quốc Việt Nam thanh bình. Vì sự bình yên của bầu trời Tổ quốc mà hơn 50 năm qua, bộ đội Phòng không - Không quân đã chiến đấu, chiến thắng và không ngừng phát triển. Chính giữa phòng là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc; người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, người đặt nền móng đầu tiên xây dựng lực lượng Phòng không - Không quân. Phần này cũng giới thiệu một số hình ảnh về thành tích vẻ vang mà bộ đội Phòng không - Không quân đã đạt được trong hơn 50 năm xây dựng lực lượng, chiến đấu và trưởng thành.

    Tiếp đó là các phần trưng bày theo chủ đề và các sự kiện lịch sử tiêu biểu, những dấu mc quan trọng của bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam. Hơn 3.000 hiện vật, hình ảnh trưng bày tại tầng 1 và 2 của tòa nhà theo 6 chủ đề đã phản ánh chân thực, tái tạo lại những trang sử oai hùng, những chiến công xuất sắc của bộ đội Phòng không - Không quân trong hơn 50 năm qua cũng như trong giai đoạn hiện nay.

    Chủ đề 1: Bộ đội Phòng không - Không quân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (những chiến công của trung đoàn 367 tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1946 - 1954).

    Chủ đề 2: Sự hình thành và phát triển các lực lượng Phòng không - Không quân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1964);

    Chủ đề 3: Bộ đội Phòng không - Không quân cùng với quân và dân miền Bắc đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, đỉnh cao là đập tan cuộc tập kích đường không chủ yếu bằng máy bay chiến lược B.52 vào Hà Nội và Hải Phòng  (2/1965 - 1/1973);

    Phần trưng bày bộ đội PKKQ đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ  nhất của đế quốc Mỹ ra miền Bắc (7/2/1965 – 1/11/1968).

    Chủ đề 4: Bộ đội Phòng không - Không quân chiến đấu trong đội hình quân binh chủng hợp thành, chiến dịch Đường 9 Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào (1971), chiến dịch Quảng Trị (1972), chiến địch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975;

    Chủ đề 5: Chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc; Xây dựng và sẵn sàng chiến đấu, quản lý vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN (từ 1975 đến nay);

    Chủ đề 6: Các chuyên đề về đoàn kết quốc tế, đoàn kết quân dân, hợp tác nghiên cứu... Phần này giới thiệu về chuyến bay hợp tác vũ trụ quốc tế Việt Nam – Liên Xô năm 1980 và có nhiều sưu tập tặng phẩm của các đoàn quốc tế đến thăm và tặng bộ đội Phòng không - Không quân...

    Hình ảnh phi công Phạm Tuân trước giờ cất cánh đêm 27-12-1972 bắn rơi 1 máy bay B.52 của Mỹ.

    Những chiến công và dấu mốc quan trọng của bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam và các lực lượng vũ trang của Quân đội Nhân dân Việt Nam bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc được trưng bày và giới thiệu tại bảo tàng như:

    Ngày 1-4-1953, thành lập Trung đoàn pháo cao xạ 367 - Trung đoàn Pháo phòng không đầu tiên của quân đội ta, đơn vị đã trực tiếp tham gia và góp phần lập nên chiến công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ngày 1-4-1953 đã trở thành ngày truyền thống của bộ đội Pháo cao xạ phòng không Việt Nam.

    Ngày 3-3-1955, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Ban nghiên cứu sân bay - đây được lấy là ngày truyền thống của bộ đội Không quân Việt Nam.

    Ngày 1-3-1959, lần đầu tiên bộ đội ra đa phát sóng điện từ quản lý bầu trời - đó cũng là ngày truyền thống của bộ đội Ra đa.

    Ngày 22-10-1963, Quân chủng Phòng không- Không quân được thành lập nhằm tập trung lực lượng, nâng cao sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc XHCN khi đó. Ngày 22-10 hàng năm được coi là ngày truyền thống của Quân chủng Phòng không - Không quân v.v…

    Một số hiện vật như: cây đàn ghi ta, măngđôlin, sáo… bộ đội Phòng không - Không quân tự chế để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

    Một số sự kiện quan trọng cũng được Bảo tàng giới thiệu như:

    Bộ đội Phòng không - Không quân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất (từ 7-2-1965 đến 1-11-1968).

    Ngày 3 và 4-4-1965, Không quân Việt Nam mở mặt trận trên không chiến thắng tại cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).

    Trận đầu đánh thắng của bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam ngày 24-7-1965;

    Đánh thắng chiến tranh điện tử của đế quốc Mỹ, cùng quân và dân miền Bắc bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng năm 1967.

    Chiến đấu ở chiến trường khu IV; bảo vệ tuyến vận tải chiến lược 559 (đường Hồ Chí Minh). 

    Đặc biệt, sa bàn điện tử chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972 đã tham gia cuộc thi Sáng kiến khoa học kỹ thuật về giải pháp kỹ thuật, đạt giải Nhất cấp Quân chủng năm 2009, giải Nhất cấp toàn quân năm 2009, giải Ba cấp toàn quốc năm 2009.

    Trong tháng 12 năm 2014, Bảo tàng Phòng không - Không quân đang trưng bày 2 chuyên đề: Quyết chiến quyết thắng vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014) và 25 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989- 22/12/2014).

    Banner triển lãm” Quyết chiến quyết thắng  vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc” tại Bảo tàng Phòng không  - Không quân.

    Giám đốc Bảo tàng Phòng không – Không quân, đại tá Nguyễn Hữu Đạc cho biết: “Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng, đơn vị còn làm nhiệm vụ quản lý hơn 30 di tích Phòng không - Không quân trong cả nước và 86 phòng truyền thống, nhà truyền thống trong toàn quân binh chủng. Chỉ với 28 cán bộ chiến sĩ được biên chế trong 3 ban chuyên môn, đơn vị vẫn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi năm, Bảo tàng Phòng không - Không quân Việt Nam đón và phục vụ trên 180.000 lượt người đến thăm quan bảo tàng”.

    Bài và ảnh: Minh Vượng



    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Bảo vật Quốc gia Việt Nam

    Cổ vật Việt Nam

    Sưu tập Báo chí cách mạng VN (1925-1945)

    • Di sản văn hóa Phật giáo
    • Đèn cổ Việt Nam
    • Khu vực:

    Liên kết Website

    Thống kê truy cập

    • Trực tuyến: 2224
      Thành viên online:
      0
      Số lượt truy cập: 31921776