Đây cũng là một trong 10 cảnh đẹp của đất Hà Tiên xưa, từng được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua bài Kim Dự lan đào tức đảo vàng chắn sóng.
Thi sĩ Mạc Thiên Tứ có làm hai bài thơ tựa là Kim Dữ lan đào (hay Kim Dự lan đào); một bài bằng chữ Hán, trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737, bài kia bằng chữ Nôm, xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều mô tả cảnh đẹp của núi Kim Dữ, một trong mười thắng cảnh của Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. “Suy hình hài như thả ngọc phong”, ý muốn nói Kim Dự như một hòn đảo ngọc, bập bềnh trôi nổi trên biển.
Nhà giáo, thi sĩ Đông Hồ giải nghĩa: Kim Dữ là hòn đảo vàng. Lan là khép cánh cửa lại, ngăn chặn, như cánh cửa khép lại. Đào là sóng gió. Vậy, Kim Dữ lan đào là hòn đảo vàng ngăn chặn sóng gió từ ngoài biển không lọt vào được bên trong; ngụ ý nói rằng, Hà Tiên có tầm quan trọng trong việc che chắn cho giang sơn của chúa Nguyễn.

Buổi sáng ở biển Hà Tiên, mặt trời như quả bóng màu da cam lừng lững nổi lên từ dưới biển, tàu ghe đầy ắp cá tôm tấp nập xuôi về bến Giang Thành. Buổi chiều, Hà Tiên lộng gió, biển xanh mênh mông với muôn trùng lượn sóng bạc. Chung quanh núi Pháo Đài có khá nhiều cây phượng vĩ cổ thụ, đỏ rực như màu xác pháo khi hè về. Có một vài cây hoàng lan hoa vàng nhạt tỏa hương ngan ngát khi màn đêm buông xuống. Trải qua thời gian, cùng với những biến động thăng trầm của lịch sử, di tích xưa trên đỉnh núi bây giờ đã hoang phế, gần mất dấu.
Ngày nay, trên núi có một toà kiến trúc bề thế, đó chính là khách sạn Pháo Đài. Con đường dưới chân núi được mở rộng, tráng nhựa, chạy uốn quanh lên đỉnh, từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cảnh biển và thị xã Hà Tiên.

Năm 2003, cầu bê tông nối liền hai bờ cửa biển Hà Tiên được xây dựng. Đứng giữa đỉnh cầu, du khách có thể nhìn bao quát cảnh biển Hà Tiên, vịnh Đông Hồ, núi Đại Tô Châu, Tiểu Tô Châu, tượng đài Mạc Cửu cùng với phố chợ Hà Tiên sầm uất, nhộn nhịp. Giá lưu trú ở khách sạn Pháo Đài khá mềm, phòng đầy đủ tiện nghi cho ba người giá 250.000 đồng/ngày, phòng đôi 200.000 đồng/ngày. Vào các dịp lễ, tết, giá phòng nghỉ ở Hà Tiên nhảy vọt lên gấp ba, bốn lần!
Từ núi Pháo Đài, du khách có thể đi bộ ra chợ Hà Tiên rất gần, chừng 400 mét. Đi chợ đêm Hà Tiên vui chơi, ăn uống, mua sắm là một thú vui không thể thiếu được trong chuyến du lịch. Giá cả các mặt hàng thủy hải sản ở đây khá rẻ so với một vài nơi khác, tôm khô vừa lạt 350.000 đồng một ký lô, khô cá sửu 100.000 đồng/kg...
Hàng tiêu dùng ở chợ đêm Hà Tiên cũng rất phong phú, du khách có thể mua khăn rằn, sữa tắm, kem, đèn pin, vải, trái cây có xuất xứ từ Thái, Campuchia, Trung Quốc, giá cả thường rẻ hơn trong nội địa rất nhiều.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thesaigontimes, Hatien và nhiều nguồn ảnh khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, không vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký.
Khi đăng nhận xét, bạn có thể chọn Ẩn danh (Anonymous), chọn Tên (Name) hay URL (blog) hoặc bằng các tài khoản Blogspot, WordPress của bạn.
Cảm ơn bạn đã comment. @Điền Gia Dũng