Chủ nhật, 21/06/2015 13:08PM
Các ấn phẩm của Báo Hải Dương: Hải Dương hằng ngày phát hành thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7. Hải Dương cuối tuần phát hành thứ 5. Hải Dương hằng tháng phát hành từ 10-15 hằng tháng. Hải Dương Online cập nhật tin tức liên tục trong ngày.
Đời sống kinh tế - xã hội
Thứ nhì Bổi Lạng
  27/01/2010 15:10:57 PM

Lăng (ảnh trên) và bia ghi công đức bà Bổi Lạng (ảnh dưới) ở xã Bình Lãng (Tứ Kỳ). Ảnh: TTG


Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa/ Thứ nhì Bổi Lạng, thứ ba Thạch Sùng. Câu ca này có ý nghĩa ngợi ca ba người giàu có vào hàng tuyệt đỉnh mà tôi nhớ từ khi còn để chỏm. Nhưng sau này mới biết Thạch Sùng ở đời Tần (Trung Quốc), cô Đỏ Thanh Hoa cũng chưa rõ, còn Bổi Lạng lại ở ngay quê mình, thuộc huyện Tứ Kỳ, sống dưới triều vua Lê Hy Tông thế kỷ 18.


BẮT ĐẦU TỪ CHUYỆN CHÚA TRỊNH ĐI THĂM NỮ PHÚ THƯƠNG

Làng Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương có người đàn bà tên là Nguyễn Thị Trị, nhũ danh là Thuyết, lấy chồng họ Sái, nổi tiếng giàu có , tiếng vang khắp cả xứ Đông, bay vào tận thành Thăng Long, đến tai chúa Trịnh. Vốn nhà chúa hiếu kỳ, lại là người độc đoán, ngài nảy ý đi kinh lý một chuyến xem thực hư ra sao. Nếu có chuyện như vậy thì bắt Sái thị phải đóng góp cho triều đình. Nếu thị phi, sẽ trừng trị thẳng tay những kẻ đơm đặt làm giảm uy danh nhà chúa. Bởi thời ấy có lời đồn rằng Sái thị còn giàu hơn và chi tiêu còn hào phóng hơn nhà chúa nhiều lần.

Đoàn tùy tùng có dăm trăm quan quân, đến trấn lỵ Hải Dương lại có khoảng dăm trăm sĩ tốt đi theo hộ tống, tính ra gần một nghìn người. Cờ giong trống mở náo động cả vùng sông nước. Sái thị vui mừng tột độ. Bà chỉ là một  thứ dân giàu có mà được đích thân chúa đến thăm thì vinh hạnh vô cùng. Sái thị quỳ lạy:

- Khải chúa, dân nữ vốn con nhà nông phu, chỉ kiệm cần lao động, bươn chải trên chốn thương trường, trước là chịu ân điển nhà chúa, sau là nhờ phúc ấm tổ tiên mà từ hai bàn tay trắng, có ruộng vườn sản nghiệp. Nay được chúa để mắt tới, hạ cố về thăm, dân nữ chúng con muôn phần cảm động. Tỏ lòng  ơn chúa, xin cho chúng con được thết đãi ba quân, được hầu hạ nhà chúa một lần, dẫu có chết đi cũng muôn phần thỏa nguyện.

Chúa Trịnh nghe lời Sái thị tâu bày, thấy kẻ dân phụ tuy giàu có mà khoan dung giản dị, lời lẽ chân thành cung kính, thật lòng, bèn chuẩn y:

- Đã vậy cho nhà ngươi tùy lòng, nếu không hại gì đến sản nghiệp...

Sái thị sai người nhà dựng rạp, làm cỗ chiêu đãi quan lính và đoàn tùy tùng phủ chúa. Hàng nghìn người ăn uống thả sức trong ba ngày. Tất cả thức ăn là sơn hào hải vị, được mua từ các nơi xa chuyển về. Tất cả bát đĩa, dụng cụ trong bữa ăn dùng toàn đồ sang trọng quý phái. Hết bữa này sang bữa khác toàn dùng đồ mới, không cần phải rửa ráy gì hết. Từng đoàn xe ngựa, phu khuân vác mang đồ sành sứ từ Bát Tràng, Chu Đậu, hoặc từ lò gốm Cậy về Bình Lãng, khiến cho cả chặng đường dài mù mịt ngựa xe. Quân lính nhà chúa được một phen đánh chén thỏa thích. Ngà ngà rượu say, chúng tranh luận phẩm bình rồi gây gổ lời nọ tiếng kia sinh ra ẩu đả, dùng chén bát, ấm đĩa choảng nhau túi bụi. Nhà chúa biết tin định xử tội, Sái thị bèn chạy tới quỳ trước thiên nhan:

- Khải chúa, nhân ngày vui thế này, xin chúa bớt giận. Đối với dân nữ dù bị vỡ vài trăm chiếc bát, vài nghìn cái chén, cũng chẳng sá gì với công ơn của chúa, của anh em binh lính xông pha trận mạc bảo vệ triều đình. Xin chúa rộng lòng tha cho anh em, thì dân nữ mới thỏa lòng. Nếu Chúa ra tay, thì dân nữ lại đắc tội với gia đình họ. Rằng vì dân nữ thết đãi mà con em họ phải mất mạng...

Chúa lại tha. Được thể, bọn quan quân vừa đánh chén, vừa đòi hút xách, nghe hát cô đầu. Chúng phá phách, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Nhìn cảnh tượng ấy ai ai cũng lắc đầu lè lưỡi, mà Sái thị dửng dưng không tỏ gì tiếc của. Nhà chúa cũng phải thầm phục.
 
Sái thị ân cần đưa chúa đi thăm cảnh quan gia đình. Tới đâu cũng thấy trâu bò, lợn gà gia cầm gia súc đầy đàn đầy đống. Các kho thóc lúa ngô khoai ngập tràn như kho của nhà chúa. Rồi dẫn chúa đi thăm những công trình bà làm công đức cho dân làng, khu vực. Chúa cũng thầm phục con người vừa giàu có lại rộng rãi, tính tình cởi mở khoan dung... Quân lính càng kính phục bà, bởi một người quê mà giàu sang, phóng túng. Họ ở chốn kinh kỳ mà chẳng bao giờ được ăn chơi xả láng như ở cái làng Bình Lãng hẻo lánh này.

Ngày Sái thị qua đời, người ta làm ma cho bà thật long trọng. Biết tính bà khi còn sống đã rộng rãi, nên dân làng dựng rạp từ nhà bà ra tới lăng mộ, lợp toàn bằng bánh đa để che nắng cho mọi người đưa ma. Xong công việc, bánh đa ấy chia cho trẻ con và dân làng ăn. Thế nên thời ấy có câu ca:

Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa
Thứ nhì Bổi Lạng, thứ ba Thạch Sùng


Từ một người con gái nông thôn, trở thành phú thương

Nhà nghèo, siêng năng sống ở vùng quê lụt lội, ngoài hai chục tuổi, Nguyễn Thị Trị lấy chồng họ Sái quê Hà Tĩnh.

Vợ chồng Sái Thị chọn nghề buôn bán lúa gạo để lập nghiệp. Những năm nước lũ, họ đoán biết tình hình nên bàn nhau thu mua gạo để dành. Sau mùa lụt lội , giá gạo chênh lệch giữa các vùng đã cho vợ chồng Sái thị những khoản lãi lớn. Họ tậu ruộng, trâu bò, mở rộng trồng cấy, đầu tư chăn nuôi gia súc. Và  cứ thế sản nghiệp của ông bà ngày càng sinh sôi nảy nở, chẳng bao lâu trở thành giàu có nổi tiếng khắp vùng rộng lớn, vượt ra khỏi địa hạt xứ Đông... Nói đến bà, người ta biết đó là một gia đình có ruộng đất thẳng cánh cò bay, tiền vạn xâu, thóc lúa trâu bò không sao đếm xuể...

Bà là người hiếu thảo, nuôi hai con trai trưởng thành, lại nhận nhiều con nuôi, con đỡ đầu, quan tâm các cụ bà và bạn bè từ thuở hàn vi. Bà có lòng từ thiện.
 
Đến vùng quê La Tỉnh, cùng huyện Tứ Kỳ thấy chiếc cầu gỗ bắc qua sông Vạn cũ kỹ hỏng nát, dân chúng qua đây rất khó khăn, lại nguy hiểm tính mạng. Bà chẳng đắn đo cho người mua gỗ lát đóng 2 con thuyền, chọn hai người bản xã là Phạm Cân và Đỗ Văn Ha làm lái đò lâu dài chở khách sang sông. Bà cho mỗi người 5 mẫu ruộng tại bản xã, cày cấy hưởng hoa lợi để chở đò công đức cho dân. Những ruộng ấy lại chuyển cho thế hệ sau chở đò được thừa kế.

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ NHÀ PHÚ THƯƠNG BỔI LẠNG

Con người có thật trong lịch sử đã được dân gian lưu truyền nhiều giai thoại: Thuở nhỏ cô đi mò cua bắt hến ở con sông gần làng để sinh sống hàng ngày. Một lần vào buổi chiều, cô mò được một sảo hến rất ngon, đem về ngâm nước chờ sớm mai ra chợ bán.

Sáng hôm sau khi đổ hến vào thúng định mang đi, thì lạ chưa, trước mắt cô là những thỏi vàng. Gia đình cô trở nên giàu có. Từ đó Bổi Lạng thường bắc cầu, dựng quán, công đức và chu cấp giúp đỡ người nghèo, cảm thông nỗi khốn khó như mình thuở trước.

Lại có chuyện: Thuở đói nghèo, Bổi Lạng thành tâm tín Phật. Tâm đức bà thấu tới tận Trời, Phật. Một năm trời làm lụt lội, mùa màng mất cả, cơn đói hoành hành khắp vùng quê. Bà đem thóc gạo của mình chia cho người đói khổ, chỉ cho mình mấy thùng sỏi. Người dân cảm động khấn lạy trời phật ban cho bà  giàu có để giúp đỡ nhân gian. Thật lạ kỳ, những hòn sỏi đều biến thành vàng cả. Bà thành giàu có lại tiếp tục làm công đức và buôn bán làm ăn trở thành đại danh gia, lừng danh cả nước, đến vua chúa cũng phải nể phục.

Thực ra Bổi Lạng là người khôn ngoan, nhanh trí hơn người, biết tính toán làm ăn và cần cù thương khó. Bà lại kín đáo và sống có hiếu nhân. Nhà gần sông Thái Bình chảy qua, hàng ngày bà ra sông mò hến khi thủy triều lên xuống. Một chiều, nước sông rút đi, bà theo mép nước ra xa mò hến thì nhặt được mấy thỏi vàng, càng mò thêm lại càng có nhiều báu vật. Bà mang về và lấy đó làm vốn để buôn bán trao đổi giữa thương trường. Vàng bạc châu báu ấy có thể là của nhà Mạc, trong một trận kịch chiến với quân Lê - Trịnh cuối thế kỷ 16, trên đoạn sông Thái Bình, khu vực làng Bình Lãng. Số vàng bạc ấy quân Lê - Trịnh bị đắm thuyền rơi hết xuống sông, dù mò vớt vẫn không thể nào hết được?

Chúng tôi đã về thăm khu bia bà Bổi Lạng. Mới đến đầu làng hỏi, từ trẻ em đều bảo: “Các bác tìm bia bà Bổi Lạng à? Kia  kìa, chỗ hai cây cao to đấy". Lăng cổ tọa lạc trên giữa cánh đồng ở phía nam làng Bình Lãng. Lăng xây bằng đá khối, hình tháp có chiều cao khoảng 5-6 mét. Phía trước có thạch sàng, bên phải có tấm bia hình long đình khá lớn. Trán bia có dòng chữ “Sái phụ Nguyễn Thị Trị sản chí phú tự sự bi ký” (Bia tự truyện về bà Nguyễn Thị Trị, vợ người họ Sái, rất giàu có). Văn bia do thám hoa Nguyễn Qúy Đức soạn, thợ đá An Hoạch (Thanh Hóa)  và Kính Chủ (Hải Dương) khắc dựng bia và lăng vào tháng 4 năm Vĩnh Thịnh 16, khi chủ nhân còn sống.

Tìm hiểu, thì biết trên đất Tứ Kỳ bây giờ còn 18 cầu đá, trong đó cầu làng Mũ, xã Phượng Kỳ được dân gọi là cầu Bà Bổi... Cầu dài 7,5 mét rộng 1,5 mét có 5 nhịp, được đỡ bởi 6 trụ cầu vẫn còn sử dụng.

KHÚC HÀ LINH

Để tôn vinh nữ doanh nhân Bổi Lạng, chúng ta cần:

 

1. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu sâu về doanh nhân này, cố gắng giải đáp những vấn đề cần thiết mà có thể giải đáp được.

 

2. Sau khi nghiên cứu khẳng định những nét lớn và tương đối chính xác về thân thế, sự nghiệp của bà, nên tôn tạo di tích lịch sử đã có, trong phạm vi có thể và tương xứng.

 

3. Đưa tên tuổi bà vào lịch sử địa phương, lịch sử chuyên ngành và được giảng dạy ít nhất là ở huyện Tứ Kỳ và tỉnh Hải Dương cùng lịch sử phụ nữ, lịch sử doanh nhân huyện nhà... và ở Trung ương.

 

4. Đưa di tích lịch sử này vào danh mục địa danh du lịch của tỉnh, của cả vùng Đông Bắc...

 

GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học