Mỹ Thuật Ðông Sơn

Nguyễn Khắc Lễ

("Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam", 1981)
 

Mỹ thuật Ðông Sơn tượng trưng cho thời cực thịnh của mỹ thuật thời kim khí của người Lạc Việt. Thời kỳ này dánh dấu một bước tiến khá dài của người Lạc Việt về phương diện kỹ thuật cũng như về phương diện mỹ thuật.

Về kỹ thuật, thời bấy giờ, Tổ Tiên của người Việt Nam chúng ta đã tìm ra quặng đồng, quặng sắt. Ðã biết cách luyện các kim khí đó, rồi lại còn biết pha chế để tạo ra các hợp kim có đủ tính chất cần dùng cho dụng cụ.

Về mỹ thuật, những dụng cụ kim khí thời này có hình dạng rất đẹp, lại còn được trang trí bằng các hình vẽ, hình kỷ hà đủ kiểu, nói lên sự phong phú về óc thẩm mỹ của Tổ Tiên.

Mỹ thuật Ðông Sơn đã có một tầm ảnh hưởng rất rộng. Riêng ở Ðông Sơn, các nhà khảo cổ đã tìm được hàng ngàn dụng cụ kim loại đủ kiểu. Ngoài ra, ở các vùng Hoa Nam, Lào, Cambốt, Thái Lan, Miến Ðiện, Ma Lai, Nam Dương, người ta cũng tìm thấy nhiều dụng cụ có sắc thái tương tự (nhưng tất nhiên không đẹp bằng), chứng tỏ rằng Mỹ Thuật Ðông Sơn đã chi phối khắp vùng Ðông Nam Á (xem bài nghiên cứu "New Light on A Forgotten Past", của giáo sư Wilhelm G. Solheim II, đăng trên tạp chí National Geographic, tháng 3.1971)

 

Trống Ðồng Ðông Sơn

Trống đồng là một loại nhạc cụ dùng trong các buổi lễ hay khi đi đánh nhau. Trống đồng được tìm thấy ở nhiều nơi trên đất Việt Nam, như Thanh Hóa (Ðông Sơn, 24 trống), Hà Ðông (9 trống), Bắc Ninh, Cao Bằng (mỗi tỉnh 3 trống), Hà Nam, Hà Nội, Hòa Bình, Kiến An (mỗi nơi 2 trống), Nam Ðịnh, Lào Cai, Sơn Tây, Yên Bái, Hải Dương, Nghệ An, Thủ Dầu Một, Kontum (mỗi nơi một trống).

Ở Hoa Nam thì tìm thấy nhiều nhất ở Vân Nam (5 trống). Các tỉnh khác thì Quế Châu, Quảng Tây, Tứ Xuyên (mỗi tỉnh tìm thấy 3 trống), Quảng Ðông (2 trống).

Tại Cambốt, Lào, Thái Lan, Miến Ðiện, Mã Lai, Nam Dương cũng thấy nhiều trống đồng cổ. Riêng Thái Lan và Lào cũng như ở xứ Mường (thượng du Việt Nam) ngày nay người ta vẫn còn dùng trống đồng.

Trống đồng đẹp nhất phải kể đến các trống Ngọc Lũ, Hòa Bình, và Hoàng Hạ.

 

Trống Ðồng Ngọc Lũ

Trống đồng Ngọc Lũ tìm thấy ở chùa Ngọc Lũ (Hà Nam) vào năm 1901. Trống này cao 0,63 mét, đường kính mặt trống 0,86 mét, được trang trí bằng các hình trạm sâu xuống cả trên mặt trống lẫn tang trống.

Chính giữa mặt trống là một hình ngôi sao (hay mặt trời) 14 cánh. Chung quanh ngôi sao này là 16 vòng tròn đồng tâm có trang trí bằng nhiều hình kỷ hà hay hình vẽ khác nhau:

  • Giữa vòng thứ 5 và thứ 6 có khắc hình 2 căn nhà mái cong, có sàn, trong có người tóc dài ngồi. Trước nhà là 4 đàn trống và doàn vũ nhạc nhảy múa, thổi khèn. Sau nhà có 2 người đang giã gạo.
     

  • Xen kẽ với 2 nhà sàn trên là 2 nhà sàn mái tròn trong có người cầm kiếm. Trước nhà này có một người tay phải cầm kiếm, tay trái cầm một con chim. Sau nhà là một đoàn võ sĩ cầm lao, cầm kiếm đang múa.
     

  • Giữa vòng thứ 7 và thứ 8 có trạm hình 2 đàn hươu (10 con mỗi đàn) và xen kẽ với 2 đàn chim đang bay (mỗi đàn 8 con).
     

  • Giữa vòng thứ 8 và thứ 9 có khắc 18 con chim mỏ dài đang bay, xen kẽ với 18 con chim đang đậu dưới đất.
     

  • Trên tang trống, phần phình ra có khắc hình thuyền trên có những người cầm lao, kiếm, cung, đang chuẩn bị chiến dấu, hoặc đang nhảy múa hoặc chèo thuyền.
     

  • Trên phần thẳng đứng có những đường trang trí kỷ hà thẳng đứng hay nằm ngang đóng khung lấy những hình người cầm rìu và lá chắn.

 

Trống Ðồng Hòa Bình

Trống đồng Hòa Bình tìm thấy ở Mường Dâu, Hòa Bình. Trống này thường gọi là trống Moulié (tên người mua được và tặng lại cho Viện Bảo Tàng). Trống này được tàng trữ trong Bảo Tàng Quân Ðội Pháp, rồi được chuyển cho Bảo Tàng Viện Guimet (Paris).

 

Trống Ðồng Hoàng Hạ

Trống Ðồng Hoàng Hạ tìm thấy ở làng Hoàng Hạ (Hà Ðông), cao 0,615 mét và đường kính mặt trống là 0,78 mét.

Mặt trống đồng Hoàng Hạ cũng trang trí bằng các vòng tròn đồng tâm trong đó có khắc hình nhà sàn, người, chim bay. Tang trống chỗ phình ra cũng khắc hình thuyền. Các nhân vật trên thuyền tương tự như ở trống Ngọc Lũ, nhưng thứ tự bố trí hơi thay đổi một chút.

Các trống đồng tìm thấy ở Hoa Nam, Lào, Cambốt, Ma Lai tuy về hình thức (hình dáng và trang trí) có giống trống đồng Lạc Việt, nhưng những nét chạm trổ còn thô sơ vô cùng. Có thể đấy chỉ là những trống bắt chước trống Lạc Việt một cách vụng về mà thôi.

Nguyễn Khắc Lễ