Di tích chùa Liên Phái có tên chữ là "Liên Phái tự" thuộc phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Thời Lê, chùa có tên gọi là Liên Tông, phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương. Tại chùa còn lưu giữ một tấm bia Gia phả bi ký dựng năm Bảo Thái thứ 3 (1722). |
Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, các đơn nguyên kiến trúc được bố trí mặt bằng gần vuông. Đáng chú ý nhất là tòa cửu phẩm ở trước chùa. Đó là một ngọn tháp tương đối lớn, được nét chạm trổ khá mạnh mẽ. Tòa cửu phẩm này, là một kiến trúc đáng chú ý vào bậc nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội. Trước đây, ở chùa Liên Phái có 30 ngọn tháp.
Hiện nay chỉ còn có 7 ngọn tháp, xếp làm hai hàng, ở phía sau chùa và một vài ngọn nằm rải rác ở bên ngoài khu vực chùa. Trong đó, có một ngọn tháp bằng đá xanh là ngọn cổ nhất ở khu vườn chùa. Hiện nay, tháp vẫn còn tương đối nguyên vẹn, cao 5 tầng hình tứ giác. Viền chân tháp trang trí hình hoa sen, chạm nổi, thân cánh sen hai lớp giữa có hoa văn xoắn hình đao lửa, đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc thời Hậu Lê ở nước ta. Trong lòng tháp có bài vụ của Tổ Cứu Sinh, trên trần viền khối hình bát quái, bao quanh vòng tròn âm dương, ở chân tháp tầng một có trang trí hình lân chàu, hoa sen nở xen kẽ lá lật ở ô phía trước.
Liên Phái là chốn tổ của phái Liên Tông - một trong những dòng thiền xuất hiện ở nước ta dưới thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII).
Hiện nay chùa Liên Phái còn bảo lưu được bộ di vật lịch sử văn hóa rất phong phú và đa dạng. Đó là: 19 tấm bia đá ghi việc hậu Phật, một pho tượng hậu bằng đá, 22 đôi câu đối gỗ, 10 chiếc hương án sơn son thếp vàng lộng lẫy, 16 bức hoành phi, 4 bức tranh gỗ, 3 bài thơ chữ Hán, 2 cuốn thư chạm hoa lá, tứ linh, cửa võng… Chùa Liên Phái là một trong những chứng tích của một dòng phái Phật giáo tồn tại ở nước ta vào thế kỷ XVII, XVIII, là nguồn tư liệu quý báu trong việc tìm hiểu lịch sử phát triển Phật giáo ở Việt Nam.
|