Sách đồng chùa Bút Tháp
từ Văn bản đến tôn giáo
Thiền Phong Phạm Tuấn
Tháng 3 năm 2009, Sư chùa Bút Tháp cùng Hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng tiến hành tu sửa ngọn tháp Tôn Đức đã phát hiện ra 2 cuốn sách bằng đồng. Cuốn thứ nhất 23 tờ, cuốn thứ hai gồm 33 tờ, đều khổ 14x24.5 cm, xếp chồng trong một bọc bằng giấy dó đã hư mục theo thời gian. Hai bộ sách đồng đến nay đã được trả về an toạ trong tháp và công việc tu sửa cũng đã hoàn thành. Tuy nhiên các vấn đề liên quan đến văn bản, nội dung … của 2 cuốn sách đồng này đến nay vẫn chưa giới thiệu. Bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo sát và giới thiệu văn bản trong tương quan văn hoá Phật giáo chùa Bút Tháp.
Về tháp Tôn Đức
Tháp Tôn Đức được dựng sau khi Minh Hành viên tịch vào tháng 3 năm 1659. Một năm sau, vào ngày rằm tháng 11, được sắc chỉ của vua Lê ban ra và Hoàng hậu Trịnh thị Ngọc Trúc, đạo hiệu là Pháp Tính đã hưng công tạo dựng ngọn tháp để an tàng xá lị cho Minh Hành Thích Tại Tại. Tháp gồm 5 tầng, các tầng trên có hình chữ Phật và dòng chữ Tôn Đức tháp. Tầng dưới cùng là hệ thống các bài văn trong các giai đoạn về sau khi trùng tu chùa Bút Tháp được các đệ tử khắc thêm vào. Tầng thứ 3 là bài văn khoán tháp Tôn Đức ghi lại con người hành trạng của Minh Hành thiền sư. Dựa trên hệ thống thư tịch tại chùa Bút Tháp, trong đó cơ bản là bia hành trạng trên tháp cho biết Minh Hành thiền sư họ Hà, người huyện đất Hu Giang phủ Kiến Xương tỉnh Giang Tây. Ông cùng thầy là Chuyết Công, vị tổ khai sáng dòng Lâm Tế Đại Việt đến nay hoằng hoá đạo pháp ở Thăng Long, sau mới chuyển về chùa Bút Tháp và Phật Tích. Năm 1644, Chuyết Công viên tịch, Minh Hành đã kế đăng trụ trì chùa Bút Tháp và tiến hành xây dựng chùa trên cơ sở tiền tài bởi các hoàng thân, quận công con vua phủ chúa cung cấp. Năm 1647 chùa Bút Tháp xây dựng hoàn thành cơ bản diện mạo như ngày nay (trong đó toà Cửu Phẩm mãi đến năm 1739 mới xây dựng). Tại chùa Bút Tháp, Minh Hành thu nhận đệ tử là Chân Trụ, Chân Trí, Chân Nguyên, Chân Lượng, Lê Thị Ngọc Duyên, Trịnh Thị Ngọc Trúc… Ngoài ra, đệ tử của Minh Hành là Chân Trụ về trụ trì chùa Hoa Yên (Đông Triều - Quảng Ninh) cũng lập một tháp đá thờ vọng thầy. Tháp Tôn Đức ngay chân chùa Hoa Yên đến nay vẫn còn, trên tháp có khắc bài văn có nội dung giống với bài văn khắc trên tháp Tôn Đức ở chùa Bút Tháp.
Nội dung sách.
Hai quyển sách khai quật được trên tháp Tôn Đức chùa Bút tháp là các bài chú hoặc các kinh Phật. Đây là 2 quyển sách đồng đóng quyển, mỗi quyển đóng lại bằng 3 khuyên tròn. Sách còn nguyên vẹn, do thời gian, gỉ hoen đi nhiều chữ nhưng cũng không vì thế mà chúng ta không nghiên cứu tường tận nội dung được. Chúng tôi nghiên cứu văn bản cho thấy đây là 2 quyển với nhiều thần chú ngữ trong nhiều bản kinh dùng trong các thời khoá cúng trong hành trì của chư tăng nhằm cầu vãng siêu trong tương quan Thiền - Tịnh - Mật của Phật giáo Lâm tế Đại Việt thế kỉ XVII – XVIII. Dưới đây chúng tôi tiến hành giới thiệu từng quyển như sau:
Quyển thứ nhất
Sách có bìa ghi tên là 南無大方廣佛華嚴經華嚴海會佛菩薩Nam mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh Hoa Nghiêm Hải Hội Phật Bồ tát. Thực ra đây được cho như tên của sách nhưng bản chất câu này là một lời chú niệm trong hành trì khi tụng kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh và các chú ngữ tụng niệm. Chữ Nam mô ở đầu cầu đã nói lên nghĩa đó, cũng như trong tra cứu trong Đại tạng kinh không hề có bản kinh nào là Nam mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh Hoa Nghiêm Hải Hội Phật Bồ tát mà chỉ là câu niệm.
Cũng giống như nhiều văn bia, kinh sách Phật giáo trong cùng giai đoạn Lê Trung hưng, văn bản sách đồng mở đầu dùng bốn câu: “Hoàng đồ củng cố, đế đạo hà xương, Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển” để ca ngợi đất nước, đạo của vua rồi mới đến Phật pháp. Đây cũng chính là một phần hệ thống quan điểm đạo Phật phát triển trong thời đại Nho giáo thịnh hành thời Lê, đạo của đế vương luôn ở trên đạo Phật(!?). Tiếp theo là ghi chép cho người được an táng trong tháp là thiền sư Minh Hành: 教授師摩訶比丘明行在公和尚贈封明越成等正覺化身菩薩弟子正宮皇太后鄭氏玉竹道號法性Giáo thụ sư Ma Ha Tỷ khưu Minh Hành Tại công Hoà thượng tặng phong Minh Việt Thành Đẳng Chính Giác hoá thân bồ tát. Đệ tử Chính cung Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đạo hiệu Pháp Tính. Tiếp theo nội dung là phần chú của kinh Thủ Lăng nghiêm từ Bài kệ gồm 4 câu, tiếp Tán Lăng Nghiêm chú, và Phát đại nguyện. Ba phần này nối liền nhau gắn với các lời Tổng nguyện thành Phật là tụng quy Tam bảo: Nam mô Thường trụ thập phương Phật, Nam mô thường trụ thập phương Pháp, Nam mô thường trụ thập phương Tăng, Nam Mô Thích Ca mâu Ni Phật….. Phần tiếp theo là các bài chú ngữ dùng trong hành trì Mật giáo, đó là các chú Đà la ni như trong Thủ lăng nghiêm, Tiêu tai Cát tường thần chú, Công đức Bảo sơn thần chú, Chuẩn đề thần chú…. gọi chung là 十小咒Thập tiểu chú và般若波羅蜜多心經Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh. Chúng tôi thống kê các thần chú trong bộ sách đồng như sau:
- Thứ nhất là bản chú 大佛頂首楞嚴神咒Đại Phật đỉnh Thủ lăng nghiêm thần chú, gồm 5 hội, khắc bản rõ trong sách đồng. Bản này có trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh (gọi tắt ĐTK) sách 19, quyển số No. 0945, trong大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經卷第七Đại Phật đỉnh Như lai Mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ tát Vạn hạnh Thủ Lăng nghiêm kinh quyển thứ 7 do天竺沙門般剌蜜諦Thiên trúc Sa môn Ban Thích Mật Đề dịch thời Đường.
- Tiếp sau phần chú Lăng nghiêm là chú Quán thế âm Bồ tát, nguyên văn lời chú ghi là千手千眼無礙大悲心陀羅尼Thiên thủ Thiên nhãn vô ngại Đại bi đà la ni, bản này chính là tên gọi tắt trong bản千手千眼觀世音菩薩大悲心陀羅尼Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ tát Địa bi tâm Đà la ni, được dịch bởi 三藏不空Tam tạng Bất Không thời Đường, lưu trong ĐTK kí hiệu No. 1064.
- Sau 2 bài chú chính của sách, đến phần các phụ thần chú, đây chính là 十小咒thập tiểu chú - 10 bài chú nhỏ, trong nghi lễ tu tập trong chùa chiền gọi là thập tiểu chú. Các bài chú như sau:
1. 如意宝轮王陀罗尼Như Ý bảo luân vương Bồ tát đà la ni, được lưu trong bản佛說觀自在菩薩如意心陀羅尼呪經Phật thuyết Quán tự tại Bồ tát Như ý Bảo luân vương Đà la ni kinh trong ĐTK, kí hiệu No. 1081 do 三藏法師義淨Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh chế dịch thời Đường.
2. 消灾吉祥神咒Tiêu tai cát tường thần chú, tên đầy đủ là炽盛光大威德消灾吉祥陀罗尼Xí thịnh Quang đại Uy đức Tiêu tai Cát tường Đà la ni, lại có tên nữa là大火轮金刚咒Đại hoả luân kim cương chú, hoặc炽盛光佛顶真Xí thịnh Quang Phật đỉnh chân ngôn. Bản thần chú này xuất phát từ trong 佛说炽盛大威德消灾吉祥陀罗尼经Phật thuyết Xí thịnh Đại uy đức Tiêu tai cát tường Đà la ni kinh, trong ĐTK kí hiệu No. 963 do 三藏沙門大廣智不空 Tam tạng Sa môn Đại Quảng Trí Bất Không dịch thời Đường.
3. 功德寶山神咒Công đức Bảo sơn thần chú, hiện trong ĐTK chúng tôi tra cứu không rõ, tuy nhiên một số văn bản Phật giáo trong các tạng kinh vẫn còn có. Các tài liệu đến nay đều ghi rằng bản thần chú này là một trong “十小咒Thập tiểu chú” - 10 thần chú nhỏ của 早晚课诵集 Tảo vãn khoá tụng tập.
4. 佛母准提神咒Phật mẫu chuẩn đề thần chú, còn gọi tắt là准提神咒 Chuẩn đề thần chú, xuất xứ từ văn bản 準提心要Chuẩn đề tâm yếu, trong ĐTK quyển số No. 1078 do 堯挺Nghiêu Đỉnh đời Minh soạn… cùng hiều văn bản khác trong ĐTK.
5. 聖無量壽决定光明王陀羅尼Thánh vô lượng thọ quyết định quang minh vương Đà la ni – Phần này hiện còn đầy đủ trong sách, nhưng khi đóng sách và sắp xếp sách, chúng tôi nghi ngờ đã xếp lộn trong văn bản. bản này được cho là có truyền bản thời Nguyên mà không có trong kinh tạng (bản chú này xuất hiện trong nhiều văn bản Phật giáo, chúng tôi chưa tìm thấy trong ĐTK).
6. 藥師灌顶真言Dược sư quán đỉnh chân ngôn. Bản này được nhiều văn bản cho là xuất phát trong藥師琉璃光如来本愿功德經Dược sư Lưu li quang Như lai bản nguyện kinh trong ĐTK (bản chú này xuất hiện trong nhiều văn bản Phật giáo, chúng tôi chưa tìm thấy trong ĐTK).
7. 觀音靈感真言Quán âm Linh cảm chân ngôn, bản dịch thời Nguyên, không thuộc kinh bản nào, cũng là một trong những pháp môn tụng niệm phổ quá của Quán âm Bồ tát (bản chú này xuất hiện trong nhiều văn bản Phật giáo, chúng tôi chưa tìm thấy trong ĐTK).
8. 七佛滅罪真言Thất phật diệt tội chân ngôn, xuất hiện trong佛說高王觀世音經Phật thuyết Cao vương Quán thế âm kinh chú sách thuộc bản sách Đôn Hoàng số 85 quyển No. 2898 高王觀世音經 và một bản chú thích thời Thanh bởi Chu Thượng Trí.
9. 往生净土神咒Vãng sinh Tịnh độ thần chú, tường gọi tắt là 往生咒Vãng sinh chú, bản này chính là “拔一切業障根本得生净土陀羅尼Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sinh Tịnh độ Đà la ni” được lưu trong 小无量寿经Tiểu vô lượng thọ kinh do 天竺三藏求那跋陀羅Thiên trúc Tam tạng Cầu Ba Bạt Đà La dịch thời Lưu Tống trong ĐTK sách 12, quyển No. 368, hoặc trong 佛說阿彌陀佛根本秘密神咒經 Phật thuyết A di đà Phật căn bản thần chú kinh do 三藏菩提流支Tam tạng Bồ Đề Lưu Chi dịch thời Tào Nguỵ tập Bảo Tích của ĐTK kí hiệu sách 12 quyển No. 0366 gọi là 無量壽佛說往生淨土呪Vô Lượng thọ Phật thuyết Vãng sinh tịnh độ chú, hoặc trong ĐTK sách 61 quyển No. 1154 tập 淨土指歸集 Tịnh độ chỉ quy tập….
10. 善天女咒Thiện thiên nữ chú, còn gọi là大吉祥天女咒Đại cát tường Thiên nữ chú. Bản này có nguồn gốc từ 金光明經 Kim Quang minh kinh quyển 2, phẩm thứ 8 do Đàm Vô Sấm dịch thời Bắc Lương trong ĐTK sách 16 quyển No. 0663.
- Sau cùng là 般若波羅蜜多心經 Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh, bản này truyền bản rộng nhất ở Trung Quốc cũng như Việt Nam từ xưa đến nay là bản dịch của三藏法師玄奘Tam tạng pháp sư Huyền Trang thời Đường, được lưu trong sách 08 quyển No. 0251 của ĐTK.
Quyển thứ 2:
Sách thứ 2, đóng quyển đồng với 3 vòng khuyên tròn. Sách còn nguyên bản, đủ các phẩm chương. Từ đầu sách đến cuối sách theo đúng cách đọc cổ từ phải sang trái. Mở đầu sách là các bài tán tụng dâng hương và bài nguyện mở kinh, với cầu mong siêu độ cho tất cả chúng sinh, tiếp theo là tên sách, ghi rõ 金刚般若波罗蜜经Kim cương Bát nhã ba la mật kinh được dịch bởi Diêu tần tam tạng pháp sư 鸠摩罗什 Cưu Ma La Thập dịch. Ngay đầu sách Kinh Kim cương đã ghi rõ người khắc là Chân Khả. Về Chân Khả mà đến nay chúng ta chưa có đủ tư liệu về hành trạng. Đồng thời sách cũng ghi tên Minh Hành Tại công hoà thượng và Ưu bà di Trịnh Thị Ngọc Trúc đạo hiệu là Pháp Tính. Toàn bộ sách gôm 32 phẩm của Kinh Kim cương được khắc đầy đủ. Trong đó, đặc biệt đầu sách ghi rõ các chân ngôn chú ngữ hành trì trogn tụng niệm của chư tăng trong các thời khoá. Cuối sách ghi弟子如 …奉刊寫 Đệ tử Như…. phụng san tả (do sau chữ Như bị mờ mất chữ). Sau đó nội dung ghi 秉受大戒比丘尼妙慧善善募緣重刊 Bỉnh thụ Đại giới Tỉ khưu ni Diệu Tuệ Thiện Thiện mộ duyên trùng san. Như vậy, theo văn bản kinh Kim Cương kinh thì người viết chữ là hàng chữ Như trong truyền thừa bài kệ tông Lâm Tế chàu Bút Tháp nói riêng và miền bắc nói chung còn người khắc chữ hàng chữ Chân là Chân Khả. Người mộ duyên tức là người quyên tiền là Tỳ khưu ni Lê Thị Ngọc Duyên pháp hiệu là Diệu Tuệ Thích Thiện Thiện đứng ra chủ trì. Ưu bà di Trịnh Thị Ngọc Trúc là người hưng công.
Sách thứ 2, đóng quyển đồng với 3 vòng khuyên tròn. Sách còn nguyên bản, đủ các phẩm chương. Từ đầu sách đến cuối sách theo đúng cách đọc cổ từ phải sang trái. Mở đầu sách là các bài tán tụng dâng hương và bài nguyện mở kinh, với cầu mong siêu độ cho tất cả chúng sinh, tiếp theo là tên sách, ghi rõ 金刚般若波罗蜜经Kim cương Bát nhã ba la mật kinh được dịch bởi Diêu tần tam tạng pháp sư 鸠摩罗什 Cưu Ma La Thập dịch. Ngay đầu sách Kinh Kim cương đã ghi rõ người khắc là Chân Khả. Về Chân Khả mà đến nay chúng ta chưa có đủ tư liệu về hành trạng. Đồng thời sách cũng ghi tên Minh Hành Tại công hoà thượng và Ưu bà di Trịnh Thị Ngọc Trúc đạo hiệu là Pháp Tính. Toàn bộ sách gôm 32 phẩm của Kinh Kim cương được khắc đầy đủ. Trong đó, đặc biệt đầu sách ghi rõ các chân ngôn chú ngữ hành trì trogn tụng niệm của chư tăng trong các thời khoá. Cuối sách ghi弟子如 …奉刊寫 Đệ tử Như…. phụng san tả (do sau chữ Như bị mờ mất chữ). Sau đó nội dung ghi 秉受大戒比丘尼妙慧善善募緣重刊 Bỉnh thụ Đại giới Tỉ khưu ni Diệu Tuệ Thiện Thiện mộ duyên trùng san. Như vậy, theo văn bản kinh Kim Cương kinh thì người viết chữ là hàng chữ Như trong truyền thừa bài kệ tông Lâm Tế chàu Bút Tháp nói riêng và miền bắc nói chung còn người khắc chữ hàng chữ Chân là Chân Khả. Người mộ duyên tức là người quyên tiền là Tỳ khưu ni Lê Thị Ngọc Duyên pháp hiệu là Diệu Tuệ Thích Thiện Thiện đứng ra chủ trì. Ưu bà di Trịnh Thị Ngọc Trúc là người hưng công.
Từ sách đồng đến tông giáo Phật giáo Việt Nam
Năm 1630 Chuyết Chuyết đến Thăng Long và ngay sau đó, ông cùng các đệ tử dựng một khoa cúng Thuỷ lục, nhằm cầu siêu cho tướng sĩ trận vong trong chiến tranh Lê Trịnh cũng như độ cho cõi dương thế được an lành phúc phận. Việc làm này thực thi được là do Chuyết Chuyết đuợc sự hậu thuẫn của vua chúa hoàng thân quốc thích Lê Triều trong đó đặc biệt là Lê Thần tông và chúa Trịnh Tráng cùng con gái là Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Thực chất tạo nên sự phát triển của tông giáo Lê triều là mối gắn kết giữa vua chúa quan lại và tầng lớp tăng lữ, khiến cho sự thịnh hành đạo giáo kéo dài qua triều Nguyễn đến nay. Tông Lâm Tế vẫn phát triển từ sơn môn pháp phái đến thanh quy tu tập cũng như ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian đến tận ngày nay. Từ cúng đàn Thuỷ lục đến việc hình thành nên lễ nghi tín ngưỡng của một tông phái Đạo Phật Lâm tế miền bắc Đại Việt của Đông Đô Thuỷ tổ Chuyết Chuyết gắn liền với sự thịnh hành lễ nghi tín ngưỡng (mà ảnh hưởng của nó đến nay là các trò diễn xướng mê tín trong làng xã chùa chiền), điều này dẫn đến Chuyết Chuyết đã sai các đệ tử Minh Hành, Minh Huyễn nhiều lần về nước thỉnh kinh kệ Bắc tông cũng như các hành trì nghi lễ thanh quy trong chốn thiền môn tịnh thất để ứng dụng cho tông phái ở Bắc Việt. Việc Chuyết Chuyết không phát triển sơn môn pháp phái trong Trung nam bộ cũng một phần môi trường văn hoá và con người cũng như văn tự của Bắc việt thích ứng cho sự phát triển trong việc hoằng hoá của ông. Từ đó, tông giáo hình thành, lễ quy được duyệt, chùa chiền hành trì có quy cũ. Năm 1644, Chuyết Chuyết tịch, Minh Hành kế nối là đệ tử thượng thủ. Dĩ nhiên còn nhiều đề tử của Chuuết Chuyết, như Minh Lương…. nhưng các vị hoặc còn trẻ, hoặc sự thấm đạo ắt không thể bằng Minh Hành cũng như các chư tăng và các trí thức người Hoa đi theo Chuyết Chuyết dạt sang phương Nam. Như thế, hành trì trong chùa chiền Đại Việt bấy giờ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành trì phát triển mạnh trong tông giáo thời Minh bởi bản thân Chuyết Chuyết cũng đi ra từ giòng truyền thừa đó. Thời Minh, hành trì kết hợp Thiền - tịnh - mật phát triển mạnh mẽ, các khoa cúng và các chú ngữ được các thiền sư, các thủ toà đưa vào trong tăng chế tạo nên các thanh quy trong chốn thiền môn tịnh thất và phân biệt hai thời khoá rõ ràng là Khoá buổi sáng và khoá buổi chiều tối, gọi là nhị khoá (sau này có sách “Nhị khoá hiệp giải” tổng kết lại các loại hình trên). Và việc, sách đồng chùa Bút Tháp cơ bản theo thanh quy - tăng quy của chốn thiền môn là lấy khoá buổi sáng tương ứng với quyển sách thứ nhất. Riêng khoá chiều, trong hành trì thời Minh là lấy Di đà kinh để phổ độ siêu thăng Tịnh độ thì trong sách đồng thứ 2 ở tháp chùa Bút Tháp lại là Kinh Kim cương. Điều này có lẽ là ứng dụng trong việc tuỳ táng với Kim cương bất hoại thân như một trấn yểm phù chú từ dạng thức chú ngữ mật tông của sách thứ nhất đến sách thứ 2.
Tạm kết
Bài viết của chúng tôi bước đầu khảo sát văn bản của 2 bản sách đồng trên tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp đồng thời giới thiệu sơ lước sự phát triển của nó trong tương quan văn hoá Phật giáo Đại Việt. Trong một bài viết khác, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu so sánh trong sự phát triển của văn hoá Phật giáo Việt Nam một cách tường tận hơn.
La Hán Viện ngày ngày 14 tháng 9 năm 2009.
Phụ chú:
- Trong khi văn bản sách đồng đang được phục chế, chúng tôi đã chụp ảnh và dập lại văn bản, tuy nhiên chưa có thời gian khảo cứu cho văn bản thống nhất theo thứ tự. Một phần, kinh sách bị thời gian làm cho gỉ hoen mất chữ, nên việc sắp xếp cũng khó khăn cho các nhà giám định. Đồng thời, khi san khắc lại văn bản, việc sắp xếp cũng không chính xác bởi toàn văn quyển thứ nhất là các bài văn thần chú với các chữ dị thể của văn chú ngữ Phạn âm. Điều này chúng tôi không rõ khi tiến hành thao tác khảo sát các nhà chuyên môn có phân loại và sắp xếp cho đúng không. Hy vọng là đánh số để sắp xếp cho đúng thứ tự của bản sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét