Lăng Gia Long

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Lăng vua Gia Long

Lăng Gia Long - còn gọi là Thiên Thọ Lăng(天授陵), Lăng Gia Long thực ra là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.

Lịch sử xây dựng[sửa | sửa mã nguồn]

Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Từ bờ sông Hương đi vào lăng có con đường rộng hai bên trồng thông và sầu đông cao vút, xanh um, tạo ra một không khí trong mát, tĩnh mịch. Hai cột trụ biểu uy nghi nằm ở ngoài cùng báo hiệu khu vực lăng.

Với chu vi lên đến 11.234,40 m; Thiên Thọ Lăng gồm những lăng sau:

Trụ biểu lăng vua Gia Long
Du khách tổ chức picnic bên Lăng Gia Long

Toàn bộ khu lăng là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Ðại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất. Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Ðại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm, bên trái và bên phải có 14 ngọn núi là tả thanh long và hữu bạch hổ. Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực:

  • Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi.
  • Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất
  • Bên trái khu lăng là Bi Ðình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia Thánh đức thần công của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.
  • Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc. Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong một không gian tĩnh lặng và đầy chất thơ.

Miêu tả chi tiết[sửa | sửa mã nguồn]

Mộ phần của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu
Cánh cửa bằng đồng ở Bửu Thành
Mặt sau cánh cửa bằng đồng ở Bửu Thành
  • Khu Lăng Tẩm

Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là "Tả thanh long" và "Hữu bạch hổ". Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực:

  • Khu Lăng Mộ

Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm "Càn Khôn hiệp đức" - một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung.

Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là "sự hoàn thiện rực rỡ". Cũng có một cách giải thích khác là "hoàn thành vào ngày mai", bởi người ta cho rằng: "Sườn của điện này chưa có sơn son thếp vàng và chạm khắc còn đơn giản" (theo L. Cadière). Bên trong điện Minh Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa.

  • Khu Bi Đình

Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia "Thánh đức thần công" của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.

  • Lăng lận cận

Men theo các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng, du khách thả bước dưới bóng thông tươi mát để sang thăm các lăng phụ cận. Đáng lưu ý nhất là lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, nằm trong một vị thế u tịch mà sâu lắng. Điện Gia Thành ở đó cũng là một công trình kiến trúc được xây dựng theo mô thức của điện Minh Thành, dùng để thờ người phụ nữ đã sinh ra vị vua có tài nhất của triều Nguyễn, đó là vua Minh Mạng.

Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực quan phòng rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - một hợp lưu của Hương Giang. Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Sử cũ cho hay, thầy Địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông "đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh", nơi mà "ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm" (theo L. Cadière).

Quá trình xây dựng Lăng[sửa | sửa mã nguồn]

Cũng vì quá sâu sắc với công trình xây cất "ngôi nhà vĩnh cửu" của mình mà có lần suýt nữa, Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Một trận gió làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ, vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết. Gia Long không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn, gần nơi xây dựng lăng.

Đường tham quan[sửa | sửa mã nguồn]

Đến thăm lăng Gia Long, quý khách có thể tham quan theo hai đường: đường thủy và đường bộ.

  • Đường thủy

Từ sông Hương khoảng 18 km sẽ đến Lăng.

  • Đường bộ

Đi đường bộ chừng 16 km rồi qua bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số đường rừng thì bắt gặp hai Trụ biểu uy nghi nằm ngoài cùng. Trước đây, đó là những cột báo hiệu, nhắc nhở mọi người phải kính cẩn khi đi qua khu vực này và có đến 85 cột như vậy trong quần thể lăng Gia Long. Năm 1859 còn 42 cột và hiện nay du khách chỉ trông thấy 2 cột. Và du khách dường như rút ra được một điều: lăng nào có bán vé thì lăng đó được trùng tu bảo vệ, lăng nào không bán vé thì sức tàn phá ghê rợn, chẳng ai chăm sóc, chẳng ai quan tâm. Ngày nay, chỉ còn rừng thông xanh làm đường biên cho khu lăng, bởi quanh lăng không có la thành. Nguyên nhân này cũng là nguyên nhân gây chi tình trạng xuống cấp của khu di tích.

Thời gian tham quan[sửa | sửa mã nguồn]

Theo gợi ý của L. Cadière từ hơn 60 năm trước đây, du khách nên viếng lăng Gia Long vào buổi chiều. Đó là thời khắc có thể ngắm cảnh hoàng hôn đang đến từ phía bên kia các hồ nước. Sự phối hợp giữa hồ nước cùng cảnh vật xung quanh, rừng thông sẽ tạo cho người tham quan một cảm giác khó tả. Chính lúc ấy, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp hùng tráng và kỳ vĩ của khu lăng này. Phong cảnh xinh tươi hòa với nét uy nghi của đồi núi xa xa. Sự khắc khổ tĩnh lặng của cái chết hòa với sự sinh động, nét tuyệt mỹ của thiên nhiên chung quanh. Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong sự tĩnh lặng. Cái cảm giác buồn của cảnh, cái ghê rợn của sự chết chóc và sự đổ nát, sự xuống cấp cùng với sự thờ ơ của du khách với di tích làm cho di tích thêm phần huyền bí.

Giá trị[sửa | sửa mã nguồn]

Lăng Gia Long là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó, thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Đến thăm lăng, du khách được thả mình trong một không gian tĩnh lặng nhưng đầy chất thơ để suy ngẫm về những thành bại của cuộc đời mình cũng như vinh nhục của vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Dù hết sức cố gắng của trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế nhưng xem ra di tích không mấy thu hút khách tham qua, một phần do điều kiện xa xôi, một phần giá trị về mặt kiến trúc còn thua kém các lăng Tự ĐứcLăng Khải Địnhlăng Minh Mạng nên thật sự chưa thu hút du khách.

Sự trùng tu[sửa | sửa mã nguồn]

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi công công trình bảo tồn và tu bổ di tích Thiên Thọ cung - khu vực lăng và tẩm chính của quần thể lăng vua Gia Long, tại xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế vào cuối năm 2007 để đưa vào phục vụ du khách và bảo tồn các giá trị ban đầu.

Các hạng mục sẽ tu bổ là: hệ thống mộ, quách, sân chầu ở khu vực lăng vua và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu; hệ thống tẩm gồm nhà đông - Tây phối điện, Tiền - Hậu cổng, cổng Hữu của Minh Thành điện; nhà Bi Đình cùng hệ thống sân, lan can, tường, kè hồ... với tổng kinh phí 13,7 tỉ đồng.

Công trình này do Công ty Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương (Bộ Văn hóa - Thông tin) đảm nhận. Với sự trùng tu này, một tín hiệu lạc quan cho các công trình lăng tẩm thuộc quần thể di tích cố đô Huế một lần nữa được quan tâm đúng mức.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế
  • Việt báo
  • Thế thứ 13 triều Nguyễn - Nhà xuất bản Văn Nghệ
  • HTV du lịch và cuộc sống - Cái chết của những lăng mộ

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]