Di tích đền Ngọc Sơn: Một biểu tượng văn hóa

Cập nhật lúc 09:59, Thứ Năm, 22/07/2010 (GMT+7)

Đền Ngọc Sơn nằm trong Hồ Gươm, một danh thắng đồng thời là di tích lịch sử nổi tiếng ngay tại trung tâm Thủ đô Hà Nội. Đền Ngọc Sơn có một giá trị đặc biệt ở chỗ còn giữ lại rất nhiều câu đối, hoành phi và đề tự bằng chữ Hán được viết khá đẹp, thuộc đủ các kiểu chữ chân, thảo, triện, lệ - tuy phần nhiều là chân phương - làm tăng vẻ cổ kính của di tích. Không chỉ thế, ngôi đền còn có ý nghĩa lớn, giúp cho khách tham quan có một tầm nhìn và cảm nghĩ thấu đáo hơn khi vãn cảnh.

 

Cầu Thê Húc dẫn vào cổng đền Ngọc Sơn.

Thật hiếm thấy một nơi nào ở giữa trung tâm đô thành phồn hoa náo nhiệt lại có một di tích danh thắng với bộ mặt khác lạ như ở đây, kết hợp được cảnh đẹp thiên nhiên với nghệ thuật kiến trúc tao nhã của con người, đồng thời thể hiện truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc: Tinh thần thượng võ chống ngoại xâm, tính hiếu học, lòng mến mộ văn chương và đạo lý. Thiên nhiên và con người, văn và võ đã được kết hợp hài hòa trong thắng cảnh đền Ngọc Sơn - Hồ Gươm... Và tất cả cái hay, cái đẹp đó đã được thể hiện qua những tư liệu văn tự nằm trên tường, trên cột, trên gỗ, trên đá nơi đền Núi Ngọc được "kẻ sĩ Bắc Hà" khắc ghi. Trong bài viết này, xin được giới thiệu số ít trong những câu đối, hoành phi và đề tự ở đền Ngọc Sơn.

 

1. Lâm thủy đăng sơn, nhất lộ tiệm nhập giai cảnh;

 

Tầm nguyên phỏng cổ, thử trung vô hạn phong quang. 

 

(Ngắm nước, trèo non, một lối lần vào cảnh đẹp/ Tìm nguồn, thăm cội, trong đây biết mấy phong quang).

 

2. Ngọc ư tư/ Sơn ngưỡng chỉ.

 

("Ngọc" chỉ vật quý, ở đây muốn nói về tài đức con người/ "Ngưỡng chỉ" nghĩa là ngửa trông núi: tỏ ý mến mộ người có đức).

 

3. Khánh Thụy nhất phong cao, Ngọc Bội trúc kình truyền thắng tích;

 

Điếu Đài song miếu trĩ, linh kim diệu Đẩu hộ thần quang.

 

(Một cung Khánh Thụy vươn cao, núi Ngọc Bội ghi chiến công, dấu danh thắng truyền lại/ Hai miếu Điếu Đài đối lập, gươm vàng thiêng chiếu sao Đẩu, ánh thần diệu chở che)

 

4. Cố điện hồ sơn lưu vượng khí;

 

Tân từ hương tỏa tiếp dư linh.

 

(Hồ núi kinh thành xưa còn lưu khí thịnh/ Khói hương ngôi đền mới tiếp nối dấu thiêng)

 

5. Nhân gian văn tự vô quyền toàn bằng âm đức;

 

Thiên thượng chủ tư hữu nhãn đơn khán tâm điền.

 

(Cõi đời chữ nghĩa không quyền, toàn dựa vào âm đức/ Thượng giới chủ tư có mắt, chỉ nhìn xét cõi lòng)

 

6. Luận sự thường tồn trung hậu tâm, vật đại phân hắc bạch;

 

Vi văn bất tác khinh bạc ngữ, đồ tự sính thư hoàng.

 

(Luận việc thường giữ lòng trung hậu, chớ rạch ròi đen trắng/ Làm văn không dùng lời khinh bạc, chỉ tự chuốc chê bai)

 

7. Tử khí quang hồi thiên chỉ xích;

 

Hồng trần vọng cách thủy đông nam.

 

(Khí tốt rọi về, trời gang tất/ Bụi hồng cách nẻo, nước đông nam)

 

8. Văn quang xung Đẩu Bắc;

 

Đình ảnh lạc hồ trung.          

 

(Ánh sáng văn chương xông lên sao Bắc Đẩu/ Bóng đình ngả xuống lòng hồ)

 

9. Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy;

 

Văn tòng đại khối thọ như sơn.

 

(Gươm rớt khí thiên ngời tựa nước/ Văn hòa trời đất thọ đầy non)

 

10. Sơn danh bất tại cao thủy linh bất tại thâm tự hữu chủ giả;

 

Thiên trụ lại dĩ tôn địa duy lại dĩ lập duy thử hạo nhiên.

 

(Núi nổi tiếng không vì cao, nước linh thiêng không vì sâu, chính vì vốn có chủ/ Cột trời nhờ đó mà cao vững, dải đất nhờ đó mà bền chắc, toàn nhờ khí hạo nhiên)

 

11. Bát đảo, mặc ngân hồ Thủy mãn;

 

Kình thiên, bút thế thạch phong cao.

 

(Tràn quanh đảo ngấn mực đầy hồ/ Chạm bầu trời, thế bút ngất núi)

 

12. Cổ hữu huyệt địa tiến nghiễn chú Đạo đức kinh, chước đại phương nghiễn trứ Hán xuân thu: thạch tư nghiễn giã, phỉ tượng hà tượng, bất phương bất viên, diệu tồn chư dụng, bất cao bất hạ, vị hồ quyết trung, phủ Hoàn Kiếm thủy, ngưỡng Thạch bút phong, ứng Thượng Thai nhi thổ vân vật, hàm nguyên khí nhi ma hư không.

(Xưa có việc xoi đất làm cái nghiên chú thích sách Đạo đức kinh, đẽo nghiên đá viết sử nhà Hán: Cái nghiên đá này, nếu không là biểu tượng thì sao thành hình tượng, chẳng vuông chẳng tròn, diệu náu công dụng, chẳng cao chẳng thấp, vị trí trung bình, cúi xuống nước Hồ Gươm, ngẩng lên ngọn Tháp Bút, đáp Thượng Thai  mà nhả sắc mây lành, ngậm nguyên khí mà mài vòm trời rộng.) (Trùng tu năm 1877. Phương Đình làm bài minh).

Thanh Thủy

 

.
.
;
.
.