Một đầm nước rộng hơn 800ha nằm sâu trong đất liền, nối thông ra biển Tây thuộc Vịnh Thái Lan bởi con sông Mỹ Bình dài trên 8km. Đó là đầm Bà Tường (còn gọi là đầm Thị Tường), một sinh cảnh thiên nhiên kỳ thú nằm gần cuối về phía tây nam của bán đảo Cà Mau.
Mỏ cá tôm trên cạn
Đầm Bà Tường có hình dáng tương tợ chiếc đàn ghi ta với chiều dài hơn 10km, nơi rộng nhất gần 3km. Người ta chia đầm Bà Tường ra làm ba phần. Chổ “eo đàn” là nơi phân chia giữa đầm Trên và đầm Giữa. Kế tiếp đầm Giữa là phần đầm Dưới hẹp dần lại, nối vào sông Mỹ Bình kéo dài như chiếc cần đàn. Đầm nước này nằm trong địa phận của 4 xã thuộc hai huyện Cái Nước và Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau.
Nhìn sóng nước mênh mông tựa hồ như biển người ta dễ cho rằng đầm Bà Tường rất sâu, nhưng trái lại, chỉ trừ một lòng lạch nhỏ chảy ngoằn ngoèo ven bờ đầm phía đông, còn hầu như toàn bộ mực nước ở đây, cả khi thuỷ triều lên, cũng không nơi nào cao quá đầu một người lớn.
Vì thế khách lạ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy trên đầm những xuồng ghe đi lại đều rất bé nhỏ. Quanh bờ đầm là rặng dừa nước ngút ngàn, phía sau bờ dừa nước là các vườn dừa, những đồng ruộng chỉ mới được khai phá tạo lập khoảng 100 năm trở lại đây.
Cả trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đầm nước này nằm sâu trong vùng giải phóng của những người kháng chiến. Ngày đó, rất ít khi người ta dám đi ngang đầm vào ban ngày, vì đây là vùng oanh kích tự do của các loại máy bay.
Ngày ấy, mỗi khi có việc phải vượt đầm vào ban đêm, người chèo xuồng chỉ cần rà mạnh hai mái chèo làm sáng lên dưới mặt nước hai vệt dài lân tinh, thế là những chú cá đối đi ăn theo đàn giật mình hoảng sợ phóng vọt lên khỏi mặt nước, những con xấu số sẽ rơi vào xuồng.
Mỗi chuyến qua lại như vậy, người đi đường cũng “khai thác” được năm ba ký, đủ cho hàng chục người ăn một bữa. Ngày ấy, trên đầm còn có rất nhiều cá heo, mà người địa phương gọi là cá nược.
Những đêm trăng sáng đi trên đầm, người ta hay giải trí bằng cách gõ vào be xuồng hay bất cứ vật gì đó gây tiếng động rồi gọi: “nược đua”. Thế là những chú cá heo thân hình trơn láng, có con ước nặng đến trăm ký sẽ nổi lên mặt nước bơi đua cùng xuồng chèo. Cho đến ngày nay, đầm Bà Tường vẫn là một cái túi chứa đầy tôm cá.
Cư dân quanh đầm có cuộc sống khá sung túc vì ngoài vườn ruộng (ngày nay là những cánh đồng tôm), nguồn lợi cá tôm từ đầm là một phần quan trọng đem đến đời sống sung túc cho họ. Cư dân trong vùng hầu hết đều có cơ ngơi nhà cửa ruộng vườn trên bờ, nhưng họ còn có những nếp nhà sàn dựng ngay trên mặt đầm để tiện việc khai thác tôm cá quanh năm.
Kỷ vật của biển
Như nhiều tài liệu khoa học đã chứng minh, sự hình thành đồng bằng sông Cửu Long và bán đảo Cà Mau là bắt nguồn từ sự bồi lắng của phù sa từ con sông Mê Kông. Trước khi đổ vào lãnh thổ Việt Nam, sông Mê Kông lần lượt đi qua năm quốc gia của khu vực Nam Á: Trung Quốc, Mianma, Lào, Thái Lan và Campuchia, có tổng chiều dài đến 4.800km, với lưu vực to lớn, rộng gần 800.000 km2.
Trên đường đi, trước khi ra với biển Đông, sông Mê Kông còn kịp tải theo dòng chảy của mình gần một tỉ tấn phù sa/năm. Khi vừa vào đến lãnh thổ Việt Nam, sông Mê Kông tách dòng làm đôi thành hai con sông mẹ, đó là sông Tiền và sông Hậu.
Và, như là có bàn tay sắp đặt của tạo hóa, để cho những hạt phù sa kia không trôi tuột đi, trước khi sông Tiền và sông Hậu hòa vào đại dương, nó lại tách mình trải ra thành chín nhánh: Ba Lai, Ba Thắc, Cổ chiên, Cung Hầu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cửa Tiểu, Định An, Trần Đề. Chính là do cái sự trải ra này mà cường lực dòng chảy của sông Mê Kông đã trở nên chậm lại, hiền hòa.
Tuy nhiên, để cho gần một tỉ tấn phù sa/năm kia không bị mất tích giữa đại dương, còn phải kể đến công lao của một kẻ lặn lội tháng năm ngoài biển khơi, mà trước nay ít người để ý đến, ngoài các nhà địa lý học. Đó là câu chuyện về một dòng hải lưu.
Chính dòng hải lưu Bắc – Nam nổi tiếng của vùng nam Thái Bình Dương, phát xuất từ ngoài khơi phía nam lục địa châu Á, dòng hải lưu này tiến dần vào đất liền, áp sát vào duyên hải miền Trung của Việt Nam, đúng vào vùng bờ biển Bình Trị Thiên.
Từ đó, nó ôm sát cái viền cung của bờ biển Việt Nam để đi về phía nam, trên con đường thiên lý này, nó đã đón hết phù sa của sông Mê Kông chở về cực nam. Và, vì đụng phải Hòn Khoai và Bãi Cạn ngoài khơi phía nam của mũi Cà Mau, nên nó tạt vòng lại.
Ở đây cũng là sự kỳ diệu của tự nhiên: thềm lục địa bắt đầu từ dãy Thất Sơn, nối qua vùng Hà Tiên, vòng qua vịnh Congpongxom, đảo Phú Quốc, kéo dài đến Hòn Khoai là một vệt dài hơn trăm hòn đảo mà bên dưới là dãy đá rạn thềm lục địa nhô lên trong lòng biển.
Tất cả những yếu tố trên đây hợp thành hai cánh tay vĩ đại, hàng triệu năm qua đã đón bắt dòng phù sa màu mỡ của sông Mê Kông, bồi tụ nên vùng đồng bằng phì nhiêu và rộng gần bốn triệu hecta này. Và, cho đến ngày nay, nó vẫn còn tiếp tục nối dài bán đảo Cà Mau ra biển hằng năm có đến trăm mét.
Sự có mặt của đầm Bà Tường là nằm trong quá trình thành kiến tạo nói trên. Nó là một kỷ vật của biển gửi tặng đất liền. Ngày xưa, khi tập tục ăn trầu còn phổ biến trong các bà, các chị ở vùng này, người dân trong vùng vẫn ra mỏ vỏ sò ngay lạch nước chảy của phía đầm Dưới, lặn xuống xúc đem về nung vôi.
Những dòng họ kỳ cựu đến khai phá vùng đất này vẫn còn lưu giữ được những bộ cột nhà bằng lõi đước suôn thẳng, lớn cỡ bốn, năm gang tay vòng mà ông bà họ đã tìm thấy dưới lớp sa bồi của đầm Bà Tường năm, bảy chục năm trước. Tương truyền ngày xưa quanh đầm là những cánh rừng đước cổ thụ đã bị đổ sập và chôn vùi trong trận bão năm Thìn (1904). Phía bờ đông của đầm Giữa vẫn còn cái vịnh có tên là vịnh Nước Sôi. Ở đây có mạch khí ga lục ục sôi trào quanh năm.
Một sinh cảnh thiên nhiên kỳ thú như thế, nhưng cho đến bây giờ, đầm Bà Tường vẫn chỉ mới là một dự án còn nằm trên giấy của ngành du lịch tỉnh Cà Mau. Nằm cách thành phố Cà Mau chưa đến 30 km đường chim bay, nhưng để đến được đầm Bà Tường, phải đi theo con đường thuỷ ngoằn ngoèo gần gấp đôi con đường thẳng. Bắt đầu từ con sông nhỏ Rạch Rập tại phường Tám, TP. Cà Mau, qua Nhà Phấn, Rạch Mũi, Cái Rắng, Rau Dừa, Biện Tràng, Vịnh Dừa, trổ ra rừng chồi Mũi Ong Lục thì đến đầm Bà Tường.
Con đường này ngày truớc đi bằng xuồng chèo phải mất ít nhất 6 giờ. Nhưng ngày nay chỉ cần 40 phút ngồi ca nô là đến nơi. Chi phí cho một chuyến đi và về bằng ca nô trong ngày 1.000.000 đồng. Quanh đầm vẫn chưa có cơ sở dịch vụ du lịch nào.
Tuy nhiên, du khách có thể sẽ được những gia đình ngư dân trên đầm đón tiếp một cách nồng hậu, ăn uống không mất tiền, nhưng với điều kiện là du khách phải biết…nhậu
- theo SGTT
Một ngày đầu năm Mèo mời quý vị theo chân nhà Việt Bách tham quan bức tranh biển giữa đồng bằng nhé!
Nhờ đầm nằm cạnh Căn Cứ Tỉnh Ủy thời chiến (hay Căn Cứ nằm cạnh đầm ???) mà bây giờ đường vô đầm đã trải nhựa láng o, từ TP Cà Mau chạy xe 30phút là tới nơi
Cặp theo bờ Kinh 4, chạy một hồi bạn sẽ gặp những trại xuồng, bến vỏ dưới mé sông như vầy. Chỉ vài cây đước, mấy tàu lá dừa cặm đơn giản dưới mé sông nhưng mang trong mình nhiều câu chuyện sông nước của người dân miệt này
Hay như chiếc ghe hàng bông – một tiệm tạp hóa hay siêu thị nổi trên sông – lại có sức cuốn hút vô cùng tận đối với con nít vùng sông nước. Chiếc ghe này cũng là chủ đề rất quen thuộc của chị NNTư đây!!!
Còn cái nồi đang kháp rượu này thì có sức cuốn hút vô cùng tận…với người lớn
Anh chủ lò rượu – sau một hồi bị rủ rê – gật đầu khiêng máy xuống vỏ chở khách dạo một vòng đầm
Bỏ lại những mái nhà với những rặng đước cặp bên
Chiếc vỏ lãi tăng tốc vượt qua đoạn kênh Giáp Nước đầy dừa nước
Đầm Thị Tường xuất hiện mênh mông trước mặt
Một vùng mây, trời, nước nhìn tít tắp. Những căn chòi nhỏ ẩn hiện xa xa trong sóng nước
Có thể là một mái nhà của cặp vợ chồng trẻ với đầy đủ tiện nghi
Cũng có khi là một căn chòi trống hoác, nằm trên cái võng này mà ngủ trưa một giấc chắc sướng phải biết
Dạo hết một vòng đầm Trong, cũng nên ghé qua khu căn cứ tỉnh CM thời kháng chiến
Chỉ có tượng đài hình bó đuốc đang cháy nóng quá
nên cả đoàn lên vỏ đi dạo tiếp đầm Giữa
Đầm Giữa là nơi có nhiều tôm cá nhứt, bắt đầu gặp những đám chà. Mấy nhánh cây cắm đại giữa đầm, vậy mà tới con nước rút lên bắt cả tấn cá
Tiếp theo nào là nò, đó, vó, đăng…nếu đi sát buổi sáng chắc có thêm lờ, lọp…
Nhưng đang trưa nên chỉ thấy mấy cái lú phơi nắng sau một ngâm mình trong nước
Ở trên có nói, nếu đi ban đêm chỉ cần lấy dầm đập nước là cá đối phóng vô xuồng, không cần phải tốn công bắt gì cả! Bây giờ ban ngày cá cũng phóng lên bơi đua với xuồng nè
Cận cảnh mấy anh cá đây!!!
Cái này gọi là đẩy te. Ai nói đàn bà đi biển mồ côi một mình đâu!
Thấy một ngôi nhà bề thế giữa đầm, định ghé xuồng lại mua vài ký cá về làm quà
Chị chủ nhà hiếu khách chạy ra đón
Thấy có mấy chiếc xuồng đậu cặp quanh nhà là hơi nghi nghi rồi, ghé vô thì y như rằng một mâm nhậu đang hồi gay cấn
Anh chủ nhà xởi lởi: phải đi sớm chút mới có cá, tụi này dỡ vó bán hết từ đêm cho tụi lái rồi
Tiếp tục ghé một nhà bề thế khác, cũng có câu trả lời tương tự
Thấy bầy vịt ta mập ú, mẹ G hỏi mua 1 cặp đem SG nấu cháo cho cu Bách, chị chủ nhà cười cười: nhiêu đó chưa đủ nhà này ăn tết nữa cô ơi !!!
Mẹ G cũng cái tật nhiễm kiểu “dịch vụ du lịch” ở các nơi khác, hỏi thêm anh chủ nhà câu nữa : sao mình ko nuôi bè cá hay tôm gì để bắt bán anh? Ảnh cũng tròn mắt : “Trời, cá tôm ở đây nhóc, bắt còn không hết nuôi mần chi”
Ờ nuôi làm chi hen, chim trời cá nước mặc sức mà bắt. Chỉ cần chiếc xuồng cặm vài cái lú là tha hồ tôm cá.
Anh chủ nhà nhiệt tình chỉ qua vựa cá khúc cuối đầm, ở đó mấy ông lái tập trung lại chắc kiếm được cá ngát về nấu canh chua đó. Vỏ quay mũi hướng về vựa cá thẳng tiến, mấy ông lái cũng thật thà: Tụi này bán cá về Cà Mau hết rồi cô cậu ơi, ở ngoài chợ CM cá ngát bán đầy, mà cô cậu ở đâu xuống đây vậy. Cha mẹ Bách cười thầm ko lẽ nói mình từ CM vô đây…
Vậy là chia tay đầm Thị Tường trong tiếc nuối, ko có cá, ko có tôm, ko có hình hoàng hôn tím, ko có ảnh rạng đông đỏ rực mặt đầm, ko thấy cảnh nhộn nhịp thu hoạch tôm cá, cảnh mua bán dậy cả mé đầm buổi sớm mai, chỉ được nhất là đã có nhiều bầy cá thi bơi đua song song cùng chiếc vỏ lãi của mình, cảnh tượng kỳ thú mà khi đi ko nghĩ là mình được hưởng…chia tay trong tiếc nuối để mà có cớ quay lại!!!
Lần sau nhé đầm ơi, sẽ đi vào 1 đêm rằm, xin ngủ lại đêm và nhìn bình minh trên sóng nước!!!