Bất ngờ “vương quốc khỉ lông vàng” trên núi ở Hải Dương

Bất ngờ “vương quốc khỉ lông vàng” trên núi ở Hải Dương

(VTC News) - Bà vợ ông Nguyện thấy chồng nói về đàn khỉ, cũng xen vào vẻ tiếc nuối. Bà bảo, chẳng phải đâu xa xôi lắm, mới chục năm trước, bà cùng con cái vào chân núi bọn khỉ “đểu” vẫn tìm cách trêu chọc.

Nhắc đến khỉ, vượn, tôi thường nghĩ đến những đại ngàn xa tít mù tắp, cả ngày cuốc bộ ở vùng cực Bắc, cực Tây của Tổ quốc. Nhưng thật không ngờ, một hôm nói chuyện với ông Tăng Bá Hoành (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương), ông bảo: “Ở Kinh Môn có mấy quả núi nhiều khỉ lông vàng lắm. Tớ đã từng lấy cả danh dự nhà khảo cổ của mình ra để bảo vệ mấy quả núi, quần thể khỉ, nhưng thất bại cậu ạ. Giờ chắc bọn khỉ lông vàng ở đó chết sạch rồi. Cậu thử tìm về xem còn con nào không”.

Nghe chuyện những quả núi ở Hải Dương có khỉ, dù thông tin tịt mịt lắm, song tôi vẫn cố công tìm hiểu.

Quả núi hiếm hoi chưa bị bắn mìn ở Tử Lạc.

Đường vào làng Tử Lạc (thị trấn Minh Tân, Kinh Môn, Hải Dương) bẩn thỉu, bụi mù. Vào làng mà cứ như kiểu rẽ mây trên Sapa đầu xuân. Các nhà máy xi măng, các công trường khai thác, xe tải chở đá ật ưỡng đi lại thật là khủng khiếp.

Hỏi chị bán nước ở đầu làng, chị bảo: “Khỉ à, đúng là ở đây từng có nhiều khỉ lắm. Khỉ lông vàng, khỉ má đỏ, đít đỏ. Chồng em còn tóm được khỉ con về nuôi mà. Nhưng giờ núi bị bắn phá nhiều lắm. Không biết có còn khỉ không? Anh thử hỏi mấy ông già xem”.

Ông Nguyện chỉ những quả núi đang bị phá nham nhở. Trên những quả núi đó, từng có rất nhiều khỉ lông vàng. 

Tôi tìm vào nhà ông Nguyễn Văn Nguyện, nguyên Bí thư xã Minh Tân, hiện là Chủ tịch Mặt trận thôn Tử Lạc. Ông Nguyện dẫn tôi ra đầu làng, chỉ mấy rông núi bị bắn mìn nham nhở bảo: “Hai mươi năm trước, khu vực này đẹp lắm. Tôi đã từng vào vùng đất ngập nước Vân Long ở Ninh Bình, thấy không đẹp bằng ở đây đâu. Khỉ lông vàng nhiều lắm, phải gọi là “vương quốc khỉ lông vàng”, không biết có bao nhiêu đàn, mỗi đàn từ 10 đến 30 con, hót ríu rít cả ngày…”.

Theo ông Nguyện, 20 năm trước, làng Tử Lạc có phong cảnh vô cùng đẹp. Núi non lô nhô giữa cánh đồng, với các thung, các áng. Ông chỉ tay về những dải đất trống, bảo đó là Mỏ Phượng, Núi Voi, Núi Gấu, Hang Làng, Năm Cửa, Áng Chuối, Áng Thuyền, Áng Thơ, Áng Rong, Áng Sấu, Áng Bát, Chợ Giời… Rồi ông dọc những bài thơ nói về những áng, những núi. Đẹp đến thế là cùng!

Chùa trong động Hàm Long may mắn còn giữ lại được. 

Nhưng giờ núi bị phá, áng bị lấp sạch, tan nát hết rồi. Ông Nguyện nhớ mãi cảnh ông Tăng Bá Hoành về họp bàn, “tuyên chiến” với cả lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh, để bảo tồn cảnh quan vùng núi ngập nước tuyệt đẹp này, nhưng không được. Nhà máy xi măng Hoàng Thạch đã khởi công xây dựng, thì người ta phải phá núi lấy đá làm nguyên liệu chứ. Đàn khỉ thì cũng chỉ coi là đàn kiến mà thôi!

Nhưng người dân Tử Lạc đều ghi ơn ông Hoành, vì sự kiên quyết của ông mà giữ được núi Hàm Long, nơi có ngôi chùa trong hang nổi tiếng, cùng với Hang Dơi có sức chứa vô vàn bon đạm, hàng vạn người thời chiến tranh.

Quả núi bị bóc sạch trước khi khai thác đá. 

Nhớ về đàn khỉ, ông Nguyện chợt buồn. Ông Bảo, Kinh Môn là vùng đất bán đảo, bị vây quanh bởi các con sông, thì Tử Lạc lại là bán đảo của bán đảo, có con sông Đá Bạc và sông Hàn ôm ấp. Bên kia sông là tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Tử Lạc là vùng đất “khỉ hót 3 tỉnh cùng nghe”.

Bây giờ, thi thoảng người dân Tử Lạc vẫn nghe thấy tiếng khỉ hót, nhưng hiếm hoi lắm. Còn nhìn thấy nó thì chẳng mấy ai có cơ duyên nữa. Chúng sợ tiếng mìn, sợ bọn săn bắn, nên trốn sâu vào hang, trốn lên tận đỉnh núi, rúc vào chỗ khuất nẻo.

Ông Nguyện như chợt trở về tuổi thơ cùng chúng bạn trong làng, vào áng, vào núi chăn trâu, cắt cỏ. Khắp các rông núi là những khu vườn vải tu hú, với những cây vải to 2-3 người ôm. Quả vải tu hú nhỏ và chua loét, khó ăn. Nhưng vải tu hú lại là món ưa thích của bọn khỉ.

Tôi đã cho ông Nguyện xem hình ảnh chú khỉ lông vàng (ảnh trên) tôi chụp được từ một thợ săn ở xã Túng Sán, dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) và ông Nguyện khẳng định rằng, nó giống với khỉ lông vàng ở Tử Lạc. 

Ông Nguyện và đám trẻ làng thả trâu rồi trèo lên cây vải chọc ghẹo bọn khỉ. Những đàn khỉ hàng trăm con cũng chẳng sợ người, sà xuống ghẹo người, ghẹo trâu, khiến trâu lồng lên giận dữ. Khỉ với người sống vui vẻ, hòa bình lắm.

Bà vợ ông Nguyện thấy chồng nói về đàn khỉ, cũng xen vào vẻ tiếc nuối. Bà bảo, chẳng phải đâu xa xôi lắm, mới chục năm trước, bà cùng con cái vào chân núi bọn khỉ “đểu” vẫn tìm cách trêu chọc đàn bà con gái.

Phụ nữ ở Tử Lạc ít khi một mình dám vào núi lắm. Nếu có việc phải vào, thì phải rủ nhau vài người cùng đi. Nếu phát hiện có một mình, chúng xông đến giật nón, giật mũ, lôi rách cả áo. Xua đuổi chúng, chúng cáu lên, hò hét cả bọn lấy đá sỏi ném như mưa rào. “Bọn khỉ chả khác gì người!” – vợ ông Nguyện cứ thở dài, như thể tiếc nuối một xóm của đồng loại ở những rông núi đang bị bắn phá nham nhở kia.

Một chú khỉ nhỏ lạc về làng, người dân bắt được nhốt lồng nuôi chơi. 

Nhớ nhất là cảnh chị em đi gặt lúa, vừa vui mà vừa tức cái lũ khỉ chúa nghịch ngợm, thọc mạch. Lúa mọc vàng ươm, tốt bời bời, chúng không phá. Nhưng hễ chị em phụ nữ vào khe núi gặt, là chúng kéo đến trêu ghẹo.

Chị em gặt lúa, xếp thẳng thớm, chúng hò nhau kéo xuống ruộng giũ cho rối tinh rối mù lên. Cầm liềm đuổi, chúng lại chạy tót lên núi. Lúc gánh lúa về, mấy tên khỉ đểu cáng xông ra, nhảy lên một bên quang gánh, rồi đột ngột nhảy tót ra, khiến chị em chao đảo, gánh lúa bật tung. Trời thì nóng, tức lắm, nhưng chẳng làm gì được chúng. Đuổi chúng, chúng chạy tót lên núi rồi cả lũ hò hét như thể trêu ngươi.

Bà vợ ông Nguyện nghĩ lại cảnh đàn khỉ trêu đàn bà con gái, mà không thấy có chút gì bực dọc. Chục năm nay, được nghe tiếng khỉ hót vang lại từ những rông núi kia cũng hiếm, chứ nói gì được chúng… trêu ghẹo.

Ông Nguyện bảo rằng, muốn tìm hiểu trên núi còn khỉ hay không, thì gặp anh Đào Văn Mạnh, là trưởng thôn Tử Lạc. Anh Mạnh sống ngay dưới chân mấy quả núi, nên anh là người nắm rõ nhất về đàn khỉ lông vàng.

Anh Đào Văn Mạnh chỉ nơi đàn khỉ vẫn thường về. 

Loanh quanh qua mấy hố nước như thể miệng núi lửa, do khai thác cao lanh, qua chân mấy quả núi đã bị bóc đi, thì thấy một mái nhà lúp xúp giữa những lùm cây thấp phủ một màu trắng xóa của bụi. Căn nhà nhỏ, nhưng đóng kín mít, chằng bạt khắp nơi để ngăn bụi.

Nhắc đến đàn khỉ lông vàng, anh Mạnh hào hứng hẳn lên. Sau nửa tiếng đồng hồ ca ngợi vẻ đẹp của “Hạ Long trên cạn”, anh Mạnh thở dài thườn thượt. Cũng như cư dân Tử Lạc, anh đều tiếc nuối cho một kỳ quan của làng, đã bị đánh đổi vì phát triển kinh tế.

Anh Mạnh bảo, những quả núi ở làng Tử Lạc từng là “vương quốc của Tề Thiên Đại Thánh”. Nhưng giờ thì tan tác cả rồi. Suốt một thời gian dài, các doanh nghiệp đua nhau bắn phá núi. Đàn khỉ bị dồn co cụm lại, rồi thợ săn mò vào tiêu diệt. Chẳng có ai ngoài anh là có trách nhiệm với đàn khỉ, nhưng anh chẳng làm được gì. Giờ đàn khỉ mất môi trường sống, lại sợ bị “người ăn thịt”, nên trốn sâu vào trong núi Mìn. Thời gian nữa, quả núi này bị bắn (bắn mìn, khai thác), thì đàn khỉ cũng sẽ tiêu đời…

Nói rồi, anh Mạnh dắt chiếc Win 100 cũ nát, rồ ga chở tôi đi tìm đàn khỉ đang sợ hãi co rúm trong một xó núi nào đó…

Còn tiếp...

Phạm Ngọc Dương

Tin đọc thêm

» Tận mắt voọc hoang dã quý hiếm nhất thế giới (kỳ 2)
» Những kẻ truy sát voọc ngũ sắc cực quý
» Khỉ sẽ biết nói như người?
» PS ảnh: Quá đau đớn cuộc giết cả gia đình nhà khỉ
» Nghe vượn tưởng đã tuyệt chủng hót ở đại ngàn Cao Bằng
» Bí ẩn không thể lý giải về “người lai vượn”


Bình luận