Là huyện trong quy hoạch theo hướng phi nông nghiệp của thành phố Hà Nội, Hoài Đức được xác định là huyện nằm trong vùng phát triển dịch vụ, giao dịch kinh tế tài chính. Là một huyện trong khu trung tâm (nội thành) "Hà Nội mới" hiện đại xứng tầm khu vực. Hệ thống giao thông hiện đại nhất thủ đô. Đường rộng thênh thang đáp ứng nhu cầu đi lại không tắc nghẽn như khu nội thành cũ.[cần dẫn nguồn]
Năm Gia Long thứ 4 (1805): Gia Long đổi tên phủ Phụng Thiên của Thăng Long (thời Hậu Lê) thành phủ Hoài Đức, với nguyên trạng phần đất Phụng Thiên cũ, gồm 2 huyện Vĩnh Thuận (tức là huyện Quảng Đức thời Hậu Lê) và Thọ Xương (hay Vĩnh Xương) thời Lê [1]. Như vậy, phủ Hoài Đức những năm đầu nhà Nguyễn (từ những năm 1805-1831) không bao gồm phần đất huyện Hoài Đức ngày nay (phần đất này lúc đó thuộc các huyện Đan Phượng và Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây). Phần thuộc huyện Đan Phượng thời Nguyễn gồm các xã: Dương Liễu, Yên Sở,... thuộc tổng Dương Liễu; Lai Xá (Lai Xá, Kim Chung),... tổng Kim Thia; Sơn Đồng tổng Sơn Đồng; Đắc Sở, Lại Yên,... tổng Đắc Sở;... Phần thuộc huyện Từ Liêm thời Nguyễn gồm các xã: Vân Canh,... tổng Hương Canh; La Phù,... tổng Yên Lũng;...[2]
Đồng thời, năm 1831, tách huyện Từ Liêm ra khỏi phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) cho lệ vào phủ Hoài Đức, (một phần của huyện Hoài Đức ngày nay cũng theo huyện Từ Liêm nhà Nguyễn nhập vào phủ Hoài Đức). Phủ lị ở thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương, nay là quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tường thành phủ chu vi 203 trượng, cao 7 thước, 2 tấc, mở 3 cưa, hào rộng 2 trượng 5 thước, tường thành hình vuông, chiều Đông Bắc – Tây Nam. Phía Bắc giáp phố Ấu Triệu hiện nay. Năm 1833, dời đến xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, do phủ kiêm lí, đắp thành phủ mới, có hào, mặt trước, nay là đường Nguyễn Phong Sắcquận Cầu Giấy Hà Nội. Năm 1883, tại lỵ sở phủ Hoài Đức diễn ra một trận kháng cự của quân đội nhà Nguyễn cùng quân Cờ Đen chống lại cuộc tấn công của quân đội Viễn chinh Pháp (Pháp đánh Phủ Hoài), trước khi nhà Nguyễn chính thức đầu hàng Pháp.
Quy mô phủ Hoài Đức như sau:
Huyện Thọ Xương (8 tổng: 193 phường, thôn, trại) gồm các tổng: Tả Túc, Tiền Túc, Hữu Túc, Hậu Túc, Tả Nghiêm, Tiền Nghiêm, Hữu Nghiêm, Hậu Nghiêm.
Huyện Vĩnh Thuận (5 tổng: 57 xã, thôn, phường, trại) gồm các tổng: Thượng, Trung, Nội, Hạ, Yên Thành.
Huyện Từ Liêm (13 tổng: 91 xã, thôn, trang, trại, phường, sở), được chuyển từ tỉnh Sơn Tây về, gồm các tổng: Thượng Hội, Thượng Trì, Hạ Trì, Phú Gia, Minh Cảo, Cổ Nhuế, Dịch Vọng, Hương Canh, Tây Đam, Thượng Ốc, Yên Lũng, La Nội, Thiên Mỗ.
Năm 1888, huyện Đan Phượng (thời nhà Nguyễn) thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, được nhập vào phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội (kéo theo một phần đất của Hoài Đức ngày nay, thuộc Đan Phượng thời đó, được nhập vào phủ Hoài Đức).
Huyện Đan Phượng (9 tổng: 60 xã, thôn, châu, phường, vạn) gồm các tổng: Sơn Đồng, Hạ Hiệp, Thượng Hiệp, Kim Thia, Phượng Thượng, Dương Liễu, Đắc Sở, Thiên Mạc, Thu Vĩ.
Từ ngày 6 tháng 12 năm 1904, phủ Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Đông (đổi tên từ tỉnh Cầu Đơ). Năm 1942, thì bỏ phủ Hoài, phần đất nguyên của phủ Hoài Đức được nhập vào Hà Nội. Sau năm 1945, mới có huyện Hoài Đức.[3]
Ngày 20 tháng 4 năm 1961: Kì họp khoá II, kỳ 2, Quốc hội đã quyết định mở rộng Hà Nội lần thứ nhất, 3 xã của huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Đông) là: Kiên Cường (Trung Văn), Hữu Hưng (nay chia thành 2 xã: Tây Mỗ và Đại Mỗ), Xuân Phương được sáp nhập vào Hà Nội.[4]
Tháng 8 năm 1991: Tỉnh Hà Tây được tái lập, tách từ tỉnh Hà Sơn Bình. Tại kì họp thứ 9 quốc hội khoá VIII ngày 12 tháng 8 năm 1991, ranh giới thành phố Hà Nội được điều chỉnh, Hoài Đức cùng với 4 huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây được trao trả cho tỉnh Hà Tây.[10]
Ngày 23 tháng 6 năm 1994, chuyển giao các xã Phụng Châu, Tiên Phương cho huyện Chương Mỹ và các xã Tân Phú, Đại Thành, Cộng Hòa, Tân Hòa cho huyện Quốc Oai; đồng thời, thị trấn Trạm Trôi được thành lập và trở thành huyện lị của huyện.[11]
Ngày 4 tháng 1 năm 2006, chuyển xã Dương Nội vào thành phố Hà Đông mới được thành lập.[13]
Từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, huyện Hoài Đức được sáp nhập vào Hà Nội.[14]
Hoài Đức có Đại Lộ Thăng Long, quốc lộ 32, tỉnh lộ 72 chạy qua, Đường Đê Tả Đáy được bê tông hoác với 2 làn đường riêng biệt, mỗi làn rộng 4m, nhiều đường đô thị trong toàn thể hệ thống đô thị.