Ông Ngọ Văn Tuyến tại lăng họ Ngọ
Lăng họ Ngọ (còn gọi là Linh Quang Từ) thuộc thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1964, tức là vào loại sớm trong đợt cấp bằng di tích lịch sử văn hóa của quốc gia. Nói là Lăng họ Ngọ nhưng thực chất đây là lăng mộ của Phương quận công Ngọ Công Quế. Bia 4 mặt ở khu di tích ghi rõ điều này. Ngay tại mộ đá cũng khắc dòng chữ: “Ngọ tướng công chi mộ”.
Tướng công Ngọ Công Quế là bậc trượng phu văn võ song toàn, luôn hết lòng vì nước, vì dân, nhân cách khoan hồng độ lượng... Ông có nhiều công lao trong quá trình dẹp loạn, an dân nên được triều đình nể trọng, phong thưởng rất hậu. Những bổng lộc được ban thưởng, Ngọ tướng công đều chia bớt cho mọi người, phần khác đem về quê để xây dựng, tu bổ đình chùa, cầu cống... Vì thế nhân dân địa phương nơi quê nhà tôn thờ ông là Hậu thần thờ phối hưởng cùng thành hoàng ở đình làng.
Theo tục xưa, với những người có công lớn, danh gia vọng tộc thì được xây lăng mộ “hoành tráng”. Trực tiếp người sống có thể thiết kế, chỉ đạo xây dựng lăng mộ của mình. Tướng công Ngọ Công Quế đã trực tiếp cùng thiết kế và chỉ đạo việc xây dựng “sinh phần” của mình năm 1697 (từ đó đến nay chỉ trùng tu một lần vào năm 1714, khi tướng công Ngọ Công Quế còn sống). Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ được chạm khắc đá rất công phu, tỉ mỉ và tinh xảo. Các cổ vật trong lăng đa số được giữ gìn tương đối nguyên vẹn. Trong khi các lăng tẩm ở Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá và ngay cả các lăng vua thời Nguyễn ở Huế cũng đều xuất hiện sự trùng lặp về trang phục thì ở lăng mộ đá Ngọ Quận công này từ quan lại, binh lính đến lính hầu... không hề có sự trùng lặp về trang phục ở bất cứ bức tượng nào. Điều đó chứng tỏ trình độ điêu luyện của các nghệ nhân, hơn nữa, đây còn là một kho tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu.
Tổng diện tích khuôn viên của khu lăng mộ đá vào khoảng 400m2. Lăng hình chữ nhật, cửa lăng hướng về phía Nam. Đá dùng xây lăng mộ được làm từ đá muối và đá ong. Những loại đá này có sẵn tại núi Y Sơn (dân gian thường gọi là núi Ia) ở xã Hòa Sơn bên cạnh.
Qua cổng lăng, trên khu đất trước phần mộ là hai dãy tượng chầu được bố cục cân đối hai bên trục thần đạo. Trên nền cổng có chạm hai người đứng hầu và có khắc chữ “Linh Quang Từ”. Tại trung tâm phần mộ là tháp đá vuông với hai tầng mái, tầng mái có cửa bốn mặt, chóp hình vuông, bốn góc các mái cong như mũi hài. Ở phía bắc phần mộ là nhà bia gồm bốn mặt và có cấu trúc kiểu tháp đá gần giống tháp mộ. Bốn mặt đều có hình hai con lân ngồi chầu ở phía dưới và có trổ cửa tò vò. Trên bia đá có khắc nội dung tóm lược công đức của tướng công Ngọ Công Quế với quê hương, đất nước...
Mạnh Thắng
|