Ngày 28/11/2012
Kênh rss của VNTimes
Xem phim online
Nghe nhạc online
Tuyển dụng-Việc làm
14.03.2012 20:20:53

Lễ hội Đền Sòng – Thanh Hóa

Lễ hội Đền Sòng xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Việt . Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam khơi nguồn từ việc biết ơn bốn tố chất cơ bản làm nên sự sống đó là: trời, đất, nước, cây. Với lòng biết ơn, tri ân, tri tình của người Việt Nam đã hình thành nên nhiều truyền thuyết Việt, những câu chuyện cổ tích Việt song hành cùng thời gian lịch sử.


Lễ hội Đền Sòng xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Việt . Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam khơi nguồn từ việc biết ơn bốn tố chất cơ bản làm nên sự sống đó là: trời, đất, nước, cây. Với lòng biết ơn, tri ân, tri tình của người Việt Nam đã hình thành nên nhiều truyền thuyết Việt, những câu chuyện cổ tích Việt song hành cùng thời gian lịch sử. Từ thờ Tam phủ phát triển thành thờ Tứ phủ và hình thành Tam Tòa Thánh Mẫu gồm ba mẹ cai quản  ba miền: Đệ nhất Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, đệ nhị Mẫu Thượng Ngàn áo xanh cai quản rừng núi và cuối cùng là đệ tam Mẫu Thoải cai quản vùng sông nước. Mẹ là sự hóa thân của Mẫu Thượng Thiên chính là tiên chủ Quỳnh Hương – Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam.

Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các Nữ thần (thường gọi là Thánh Mẫu). Đạo Mẫu là một bộ phận quan trọng trong tín ngưỡng dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đạo Mẫu được thờ ở các đền, phủ ở miền Bắc Việt Nam chủ yếu là thờ theo kiểu “tiền Phật hậu Thần".


Đạo Mẫu hình thành từ rất lâu, có ý kiến cho rằng nó hình thành từ thời tiền sử, khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu. Theo dòng chảy của lịch sử, khái niệm này được mở rộng không chỉ các vị thần trong tín ngưỡng dân gian mà gồm cả các nữ anh hùng dân tộc và họ được thần thánh hóa trở thành hiện thân của Thánh Mẫu.

Đối với một nước có nền văn hóa gắn với văn minh nông nghiệp như Việt Nam, thì luôn đề cao việc thờ Mẫu hay những vật liên quan đến sự sinh sôi nảy nở của vạn vật. Hơn nữa người Việt cũng có tín ngưỡng phồn thực, họ tâm niệm thờ yếu tố “nữ” để mong muốn cho sự vật sinh sôi phát triển ngày càng nhiều. Mặt khác do sự tiếp xúc với Phật – Đạo – Nho trong cuộc sống nên người Việt rất coi trọng đạo đức nhân tâm. Tất cả hòa quyện tạo nên bản sắc hài hòa trong nếp sống cầu an của người Việt hàng ngàn năm qua. Vì thế việc thờ cúng, tế lễ cho những người sinh thành, bảo vệ, chở che cho dân tộc luôn được nhân dân thành kính thực hiện.  

Như vậy chính từ tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Việt, nhất là cư dân nông nghiệp, nhân dân Bỉm Sơn đã sáng tạo ra một lễ hội truyền thống mang đậm chất dân gian đó là lễ hội Đền Sòng để tưởng nhớ ngày Mẫu Liễu giáng trần cứu nhân độ thế hay còn gọi là ngày “rước bóng Đền Sòng”.

Từ bao đời nay, khách hành hương dù đi đâu về đâu vẫn không quên câu “tháng sáu hội Gai, tháng hai hội Mía” (hội gai tức là hội Đền Hàn, hội Mía tức là lễ hội Đền Sòng). Đây là hai lễ hội văn hóa tâm linh vào loại lớn nhất xứ Thanh.


Lễ hội Đền Sòng (rước bóng Đền Sòng) được tổ chức thường xuyên hàng năm kể từ khi Đền Sòng được xây dựng. Theo thông lệ cứ đến ngày 26/2 (âm lịch) hàng năm là ngày chính hội được diễn ra ở Đền Sòng. Trước đây lễ hội thường bắt đầu từ ngày mùng 10 đế ngày 26/2 là kết thúc, nhưng những năm gần đây thời gian tổ chức lễ hội kéo dài từ đầu tháng 2 âm lịch, song thú vị nhất vẫn là ngày chính hội 26/2 – theo truyền thuyết thì đây là ngày Mẫu Liễu giáng trần để khuyến thiện trừ ác.

Vậy là cứ mỗi độ tết đến xuân về, trăm hoa đua nở thì khách thập phương và nhân dân Bỉm Sơn lại nô nức hướng về ngày hội “rước bóng Đền Sòng”, rước vị Thánh đã có công phù trợ cho cư dân Bỉm Sơn có cuộc sống bình yên, thịnh vượng.

Hằng năm, để tổ chức lễ hội Đền Sòng thành công tốt đẹp, những chức sắc, những người chịu trách nhiệm về khâu tổ chức lễ hội đã có quá trình chuẩn bị rất công phu, cẩn thận ít nhất một tháng trước khi lễ hội diễn ra chính thức. Các công việc cần chuẩn bị như: Chọn người tham gia đám rước; Chọn người tham gia hầu bóng, cúng tế; Sắm lễ phẩm....

Thường thì vào ngày 25/2 (âm lịch) khi già làng Cổ Đam thắp một nén nhang bái yết Thánh Mẫu Liễu Hạnh, mong Mẫu ban cho một năm dân khang vật thịnh thì bắt đầu tổ chức rước bát hương Mẫu từ chính cung ra đài lễ (ngày nay do một bà đồng cao tuổi được trọng vọng có vinh hạnh thay mặt nhân dân làm việc này). Bát hương Thánh Mẫu được cung kính rước từ chính cung qua cung đệ Nhị, đệ Tam cuối cùng là cổng Tam quan và xung quanh đền. Sau đó bà đồng rước bát hương Mẫu ba vòng quanh kiệu rồi cung kính đặt vào trong kiệu. Chiếc kiệu đặt bát hương Mẫu được cung kính rước ra đài lễ. Đi đầu đám rước là ban nhạc gồm: đàn nhị, sáo, mỏ, trống, bục, tiếp theo là kiệu võng do tám thanh niên trai tráng trong trang phục quần áo đỏ, dải thắt lưng và khăn chít đầu màu vàng khiêng kiệu, theo sau kiệu võng là kiệu Mẫu cũng do tám thanh niên khiêng và cuối cùng là kiệu rước ảnh Quang Trung do bốn thanh niên khiêng. Ảnh Quang Trung cao chừng 2m, rộng 1m với trang phục màu đỏ khoác áo bào màu vàng, đầu chít khăn vàng, tay rút gươm, mắt nhìn thẳng thể hiện ý chí quyết tâm tiến quân ra Bắc Hà tiêu diệt 20 vạn quân Thanh dành độc lập tự do cho đất nước. Dọc hai bên đường từ cổng Tam quan ra tới đài lễ là các nghĩa binh trong tư thế trang nghiêm xếp thành hai hàng. Khi kiệu rước bóng và kiệu ảnh Vua Quang Trung được đặt trên đài lễ, sau ba tiếng trống bát hương được rước từ kiệu Mẫu lên bàn thờ trên đài lễ. Tiếp theo đó các bà đồng cùng nam thanh nữ tú lên thắp hương cầu mong Thánh Mẫu ban phước lành cho mình.

Tế lễ xong, ban tổ chức, chủ tế các bản hội và quần chúng nhân dân cùng cung kính rước kiệu Mẫu và kiệu ảnh Hoàng Đế Quang Trung lên đèo Ba Dội và đền Chín Giếng.

Đặc biệt, Lễ hầu đồng thường diễn ra từ những ngày đầu cho tới khi lễ hội kết thúc. Hầu đồng thường diễn ra ở sân ngoài trước cổng Tam Quan và các sập thờ ở trong đền, chủ yếu là dâng hương hoa, trà, rượu với mục đích ngưỡng vọng đến Mẫu và những người có công đối với Đền Sòng.

Bên cạnh phần lễ phần hội cũng rất đặc sắc với thi cờ tướng và hái chầu văn.

Nhật Vy