Làng Văn hoá - Du lịch các Dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô - Ngải Sơn (thị xã Sơn Tây), là nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam để giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Đây là điểm tham quan lý tưởng cho nhân dân trong nước cũng như khách du lịch quốc tế và là biểu tượng sinh động để các nước trên thế giới hiểu được chính sách dân tộc của Việt Nam.
Với bề dày hàng ngàn năm lịch sử, là một quốc gia đa dân tộc-54 dân tộc anh em với sự phong phú, đa dạng, đặc sắc của các sắc thái văn hoá là nguồn gốc của ý tưởng xây dựng Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam được Bộ Văn hoá-Thông tin nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề xướng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc và đã được cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt trực tiếp quan tâm chỉ đạo, phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Quyết định số 667/QĐ-TTg.
Làng dân tộc II nhìn từ hồ Đồng Mô
Xây dựng Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và khách quốc tế; đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, năng động, đa dạng, hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc, tiến hành việc giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, nâng cao dân trí và hoàn thiện con người theo hướng chân, thiện, mỹ.
Đây là một tổ hợp văn hoá, thể thao và vui chơi giải trí có quy mô quốc gia trên nền tảng các giá trị văn hoá các dân tộc Việt Nam vì vậy nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành hữu quan. Đặc biệt được sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng nên Ban quản lý Dự án đã rà soát cảnh quan của Làng VHDLDTVN, trong đó chú trọng trồng cây xanh và có phân loại theo từng vùng cụ thể. Mỗi khu của Làng Dân tộc sẽ có những đại diện là chính đồng bào các dân tộc để du khách thấy được tập quán sinh hoạt, ngôn ngữ, nét văn hoá của dân tộc đó. Làng VHDLDTVN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng triển khai thực hiện cải tạo môi trường nước.
Toàn cảnh làng Gia rai.
Là một trung tâm hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, với tổng diện tích 1544 ha (trong đó có 605ha mặt đất và 939ha mặt nước), bao gồm 7 khu chức năng: Khu vực I: Khu các làng dân tộc: Diện tích 198,61ha, có đồi cao, thung lũng, mặt nước, thể hiện sự phân bố các làng dân tộc trải rộng trên mọi miền đất nước; Khu vực II: Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí: Diện tích 125,22 ha, nằm ở trung tâm của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, kết nối với cổng chính và các khu chức năng. Đây là một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí hiện đại, đa chức năng nhưng mang đậm nét văn hóa dân tộc. Các hạng mục như: vườn thượng uyển, vườn chim, thủy cung, khu ẩm thực dân gian, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm nghỉ dưỡng, công viên, trò chơi trên nước… Khu vực III: Khu Di sản văn hóa Thế giới: Diện tích 46,5 ha. Đây là khu phức hợp các dịch vụ du lịch tổng hợp, thể thao quy mô lớn tái hiện các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như Vạn Lý Trường Thành, tháp Eiffel, Kim tự tháp Ai Cập...; Khu vực IV: Khu Công viên bến thuyền: Diện tích 341,53 ha gồm 310,04 ha mặt nước hồ Đồng Mô và 31,49 ha đất có mặt nước. Đây là khu vực dịch vụ du lịch gắn với mặt nước hồ Đồng Mô và cổng B của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được nhiều các nhóm bạn trẻ, các câu lạc bộ thường xuyên lựa chọn để tổ chức hội hè; Khu vực V: Khu Cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô: Diện tích 600,9 ha, đây là không gian cảnh quan, mặt nước hồ Đồng Mô có sử dụng khai thác phát triển một số hoạt động du lịch sinh thái phù hợp, đảm bảo môi trường và phát triển du lịch bền vững; Khu vực VI: Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp: Diện tích 138,89 ha Là khu phức hợp các dịch vụ du lịch tổng hợp, thể thao có quy mô lớn để khai thác có hiệu quả không gian cảnh quan tự nhiên; khu vực VII: Khu Quản lý điều hành văn phòng: Diện tích 78,5 ha, bao gồm: Khu văn phòng, quản lý điều hành trung tâm, Khu nhà công vụ của cán bộ nhân viên, Nơi ăn ở của đồng bào các dân tộc trong cả nước tới tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Nơi đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Hiện Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang duy trì tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, du lịch đa dạng và đặc sắc vừa góp phần bảo tồn văn hoá dân tộc, vừa tạo sức hấp dẫn, ấn tượng, thu hút du khách. Từ ngày đi vào hoạt động cho đến nay công trình đã đáp ứng các nhu cầu về đời sống văn hoá tinh thần, vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc đồng thời là một thiết chế văn hoá góp phần bảo tồn, phát huy giá trị và tôn vinh văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Ngọc Hà