.
.

Thám sát khảo cổ di tích tại Thừa Thiên Huế:

Thực hiện Dự án Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hổ Quyền- Voi Ré

Thứ Năm, 24/09/2009, 17:55 [GMT+7]

Là hai di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng dưới triều các vua Nguyễn, Hổ Quyền và điện Voi Ré là một bộ phận cấu thành của Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1993. Tuy nhiên, thời gian và sự tàn phá của chiến tranh đã làm cho Hổ Quyền và điện Voi Ré bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhằm bảo tồn và phục hồi cụm di tích độc đáo này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế và Phân viện khoa học công nghệ và xây dựng miền Trung đã khảo sát và lập dự án "Bảo tồn, tu bổ phát huy giá trị di tích Hổ Quyền và điện Voi Ré" từ năm 2007.

Gần đây, TTBTDTCĐ đã tiến hành thăm dò khảo cổ di tích Hổ Quyền và điện Voi Ré để có thêm cơ sở khoa học cho việc triển khai dự án trên, đồng thời phục vụ hiệu quả cho hoạt động phát huy giá trị di tích lâu dài. Và nhiều vết tích quan trọng đã xuất lộ…

Xuất lộ vỉa đá tự nhiên trước sân điện Long Châu. Ảnh: Thanh Vân
Xuất lộ vỉa đá tự nhiên trước sân điện Long Châu. Ảnh: Thanh Vân

Mục tiêu mà đợt thám sát khảo cổ học đặt ra là: Đối với di tích Hổ Quyền, xác định cấu trúc nền móng, bậc cấp lên xuống của khu vực khán đài cũng như cấu trúc của hệ thống thoát nước trên khu vực khán đài và đường chạy quanh đấu trường; xác định cấu trúc nền, móng của cổng chính, tường thành bao quanh, lối ra vào của một trong số những chuồng hổ, tìm hiểu cơ chế đóng, mở các chuồng thú. Đối với di tích Voi Ré: xác định mặt nền gốc của sân miếu, cấu trúc móng bình phong và tường bao bốn phía; tìm hiểu cấu trúc nền móng của một trong số các cổng vòm, nhà Tả- Hữu Tòng Tự, cổng tam quan, bậc thềm miếu, điện. Điểm đặc biệt là việc thám sát khảo cổ lần này do nhóm khảo cổ phòng Nghiên cứu Khoa học- Hướng dẫn phối hợp với một số thành viên của các phòng ban có liên quan thuộc TTBTDTCĐ Huế tiến hành.

Ông Trịnh Nam Hải, phòng Nghiên cứu khoa học- Hướng dẫn, Chủ trì khai quật. Đoàn thám sát khảo cổ học, cho biết, sau 2 tháng thám sát khảo cổ tại khu vực Hổ Quyền- Voi Ré đã phát .hiện nhiều điều thú vị liên quan đến lịch sử xây dựng và tu bổ các công trình, đặc biệt là sự khác biệt về cấu trúc hệ thống bậc cấp xung quanh khu vực khán đài giữa hai thời điểm Minh Mạng (thời điểm xây dựng Hổ Quyền) và Thành Thái (thời điểm tu bổ và cải tạo công trình). Những vết tích xuất lộ và các di vật khảo cổ trong quá trình thám sát cũng cung cấp thêm nhiều chứng cứ quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử kiến trúc thời Nguyễn, đặc điểm của một số loại vật liệu kiến trúc độc đáo, đa dạng và cơ chế hoạt động của hệ thống thoát nước tại di tích Hổ Quyền; độ cao mặt nền di tích Hổ Quyền, vật liệu lát mặt sân di tích Voi Ré, vị trí chính xác và cấu trúc nền móng cũ của công trình…

Theo Báo cáo sơ bộ kết quả thám sát khảo cổ học, với 13 hố thám sát tại di tích Hồ Quyền, đoàn thám sát khảo cổ học đã xác định được cấu trúc hệ thống nền móng, bậc cấp hai bên trái, phải cũng như bậc cấp phía Đông Nam và Tây Nam của khán đài. Đặc biệt quan trọng là đã xác định chính xác hai giai đoạn xây dựng và tu bổ thuộc hai đời vua khác nhau dưới triều Nguyễn. Xác định được nền vữa chạy trên thành đấu trường, cơ chế của hệ thống thoát nước dưới thời vua Minh Mạng cũng như những bất cập của thời kỳ tu bổi dưới  thời vua Thành Thái.

Bên cạnh đó, cấu trúc nền móng của đấu trường, các biện pháp gia cố nền móng cổng chính và các cửa chuồng thú… cũng đã được xác định. Kết quả thám sát khảo cổ học tại di tích Voi Ré cho thấy, công trình được xây dựng trên nền đất vững chắc. Theo tư liệu lịch sử, điện Voi Ré được xây dựng trên triền Đông Nam của đồi Long Thọ. Đây có lẽ là lý do phần móng của nhiều hạng mục công trình di tích này được gia cố và xây dựng khá đơn giản, trừ cổng Tam Quan. Kết quả thám sát cũng đã chứng minh rằng, di tích này ít nhiều có thay đổi, đặc biệt phần nền của sân thượng, sân hạ được nâng cao sau mỗi lần tu bổ do đã có ba lần sửa chữa, trùng tu vào các năm 1825 thời Minh Mạng, 1917 thời Khải Định và 1960 thời Ngô Đình Diệm. Ngoài ra, đoàn thám sát đã xác định kỹ thuật xây vữa đất sét xuất hiện ở nhiều hạng mục của công trình...

Mặc dù đã có nhiều vết tích xuất lộ qua đợt thám sát khảo cổ học, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để tìm lời giải. Đó là câu hỏi về cơ chế đóng- mở cửa của hệ thống các chuồng hổ tại Hổ Quyền; đặc điểm và màu sắc của cửa chính công trình, kiểu kết cấu xây dựng của công trình trên khu vực khán đài dành cho nhà vua, hệ thống nắp đậy trên các chuồng hổ... Từ đây, đoàn khảo cổ đã đưa một số kiến nghị như, cần có một cuộc thảo luận để tìm ra câu trả lời chính xác khoa học về cơ chế đóng mở của hệ thống cửa chính, các cửa chuồng thú tại đấu trường Hổ Quyền, giúp cho công tác tu bổ được hoàn thiện. Việc tu bổ di tích Hổ Quyền nên theo phương án phục hồi đấu trường Hổ Quyền ở thời kỳ Minh Mạng chứ không phải là Thành Thái, bởi làm như vậy sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, đặc biệt là bất cập lớn nhất hiện nay tại di tích này đó là, khi vua Thành Thái cho nâng tường thành phía trong đấu trường và tôn nền chạy xung quanh đấu trường thì ông lại quên đi việc cải tạo hệ thống thoát nước và nâng cao tường phía sau.

Tuy nhiên vấn đề nảy sinh là nếu phục hồi lại đấu trường ở thời kỳ vua Minh Mạng thì người xem không thể quan sát được đấu trường vì tường thành quá cao. Do đó, giải pháp mà đoàn khảo cổ đưa ra là làm một hệ thống bậc cấp không cố định, có thể di chuyển khi cần để giúp người xem quan sát đấu trường. Như thế sẽ cùng lúc hài hoà được cả hai thời kỳ xây dựng và tu bổ di tích Hổ Quyền…Với di tích điện Voi Ré, nhằm xác định một cách đầy đủ, toàn diện hơn cấu trúc nền gạch phía trong cổng Tam Quan trên nền sân hạ để có những nhận định đầy đủ chính xác hơn, cần mở rộng hố thám số 11. Đồng thời cần tiến hành các biện pháp xử lý chống mối, chống đỡ cho toàn bộ công trình nhất là khi mùa mưa đang đến, bởi hiện nhiều hạng mục của di tích đang bị mối tấn công và có thể sụp đổ bất cứ lúc này nếu không có giải pháp kịp thời…

Những phát hiện qua đợt thám sát khảo cổ học di tích Hổ Quyền và điện Voi Ré đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho Dự án bảo tồn, tu bổ di tích Hổ Quyền và điện Voi Ré, từ đó phát huy giá trị di tích và tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách khi đến Huế. Bên cạnh đó, kết quả của đợt thám sát khảo cổ còn góp phần bổ sung, chỉnh lý nhiều chi tiết quan trọng trong nội dung của hồ sơ di tích đã lập trước đây. Đặc biệt, đây cũng chính là cơ hội đầu tiên để đội ngũ cán bộ TTBTDTCĐ có thể thử sức, nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác thám sát khảo cổ học nhằm đạt tới sự chân xác trong khoa học bảo tồn trên hành trình gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa Huế.

Thanh Vân

Xuất lộ cấu trúc nền móng cũ tại di tích Hổ Quyền. Ảnh: Thanh Vân
Xuất lộ cấu trúc nền móng cũ tại di tích Hổ Quyền. Ảnh: Thanh Vân

Hổ Quyền được xây dựng năm 1830 tọa lạc tại địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, TP. Huế. Là trường đấu lộ thiên hình vành khăn, Hổ Quyền gồm hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, trát vôi vữa. Tường dày 1.1m ở nền và 0.5m ở đỉnh. Đường kính của vòng tường ngoài là 45m, chu vi 140m, cao 4,5m. Vòng tường trong có đường kính 35m, chu vi 110m, cao 6m. Hai vòng tường cách nhau 4m ở nền và 3m ở đỉnh.

Dưới thời Nguyễn, Hổ Quyền là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và người dân. Các trận đấu được tổ chức hàng năm tại đây. Trận đấu cuối cùng diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái.

 

Miếu thờ voi tại di tích điện Voi Ré. Ảnh: Thanh Vân
Miếu thờ voi tại di tích điện Voi Ré. Ảnh: Thanh Vân
Điện Voi Ré (hay còn gọi là Long Châu Miếu) là một di tích độc đáo thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, nằm cách trung tâm TP. Huế khoảng 5 km về phía Tây- Nam, trên địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều. Điện Voi Ré tọa lạc trên một khu đất rộng, diện tích chừng 2.000 m2, nằm về phía Đông- Nam đồi Thọ Cương. Tương truyền các quản tượng ngày xưa thường đưa voi đến uống nước ở hồ này trước mỗi trận đấu giữa voi và cọp tổ chức tại Hổ Quyền. Theo truyền thuyết, dưới thời Trịnh- Nguyễn phân tranh, trong một trận giao tranh với quân đội Đàng Ngoài, một dũng tướng của Đàng Trong hy sinh giữa trận tiền. Đau buồn trước cái chết của chủ, con voi của vị dũng tướng đã chạy trên một quãng đường dài hằng trăm dặm từ chiến địa về tận thủ phủ Phú Xuân, đến địa điểm phía Đông đồi Thọ Cương, nó đã rống lên một tiếng vang trời như đau thương cùng cực rồi phủ xuống trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước sự trung thành của một con vật có nghĩa, dân địa phương đã làm lễ an táng, xây mộ cho nó và gọi một cách mộc mạc là mộ Voi Ré. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng bên cạnh mộ con voi một ngôi điện thờ với tên gọi là Long Châu Miếu để thờ các vị thần bảo vệ và miếu thờ bốn con voi dũng cảm nhất trong chiến trận của triều Nguyễn. Từ truyền thuyết và sự kiện lịch sử đó, dân gian quen gọi ngôi miếu này là điện Voi Ré.


.
.
.
.