Chào mừng bạn đến với website họ Tưởng

PHIM QUA SỰ KIỆN

You must have Flash Player installed in order to see this player.

LIÊN KẾT WEBSITE

LỜI HAY Ý ĐẸP

- Có những ước mơ sẽ vẫn chỉ là ước mơ dù cho ta có nỗ lực đến đâu nhưng nhờ có nó ta mạnh mẽ hơn, yêu cuộc sống hơn và biết cố gắng từng ngày.
Xem tiếp
Làng khoa bảng Tả Thanh Oai (tập 2/7)

IV -CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ

1 - ĐÌNH HOA XÁ , MINH NGỰ LÂU.

Hai di tích nằm gần bên nhau, phía tả sông Nhuệ, thuộc làng Tả Thanh Oai xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì. Mảnh đất này được Dư địa chí của Nguyễn Trời, coi “là 1 trong 4 kinh trấn phên dậu phía nam của kinh đô Thăng Long – Hà Nội ta”.


Tả-Hữu Thanh Oai là một địa phương có truyền thống văn hoá lâu đời. Nhiều truyền thuyết, ca dao, tục ngữ...  được lưu truyền mãi đến ngày nay - mà truyền thuyết về cô gái Tó (hay bà Chúa Hến) được kể lại từ đời này qua đời khác, và cũng được in sâu vào tâm khảm của nhân dân địa phương như “chuyện cổ Tấm Cám” khi xưa. Nơi này, chính là nơi Lê Hoàn dừng binh để lấy quân lương, là quê hương - nơi sinh trưởng của bà chúa Tó - một người con gái đã vận động nhân dân vùng Hữu Thanh Oai đóng thuyền, vùng Tả Thanh Oai góp lương thực cho quân Lê Hoàn đánh trận - còn chính bản thân mình lại làm ra loại bánh dùng làm lương khô cho quân lính - đó chính là loại bánh chè lam - đặc sản trong ngày hội làng... Người được vua phong thứ phi.

Đình Hoa Xá là một ngôi đình cổ to đẹp. Đình cách cầu Tó không xa, ở kề bờ tả sông Nhuệ. Kiến trúc đình mang dáng vóc cung đình. Tương truyền đình được xây từ lâu đời, trước mặt là hồ bán nguyệt, giáp đường trục chạy theo sông Nhuệ, cổng được gọi là Ngọ Môn. Đình thuộc thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội có quy mô khá lớn, bao gồm các bộ phận kiến trúc: giếng đình - sân - nghi môn ngoại - sân - nghi môn nội - sân - hai dãy tảo mạc - đình chính và khu vườn rộng. Phía sau nghi môn nội là đôi ngựa đá tạc đủ yên cương, tác phẩm thời Tây Sơn do Tiến sĩ Thượng thư Bộ binh Ngô Thì Nhậm, người làng tiến cúng vào đình từ năm 1798. Đình Hoa Xá, được kiến trúc 5 gian nối liền với hậu cung, chạm trổ rất tinh vi. Mái đình uốn cong, trên nóc có rồng chầu mặt nguyệt. Hai bậc thềm có đôi sư tử ôm quả cầu. Hiện còn giữ được các sắc phong của các triều đình, thần phả, ngọc phả, lư sử, đồ thờ tự, nhiều hoành phi câu đối.

Đình thờ vua sáng lập nhà Tiền Lê, là vua Lê Hoàn tức Lê Đại Hành và bà phi người làng Tó, được dân tôn danh là bà Chúa Hến hay bà Chúa Trai.

Theo cuốn “Hoa Xá Lê đế- phi miếu phả lục”, do quan Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và quan Quản giám bách thần chi điện, Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao lại vào năm Vĩnh Hựu (1740) thì:

“Một hôm, Vua qua ấp Hoa Xá ở Tả Thanh Oai, tạm dừng quân để lấy binh lương, giờ Ngọ, nhà vua trông thấy một người con gái cùng gánh gạo trong đám dân công. Cô đội nón lá, mặc áo vải thô, mắt sáng, mày thanh, mặt xinh như ngọc, miệng cười tươi như hoa. Trong phút nghỉ ngơi, cô xuống sông vốc nước rửa tay, tóc búi tó. Trên trời có đám mây năm sắc che thân. Nhà vua cho rằng người con gái đó không phải bình thường. Rồi đem lòng thầm ước nhưng mặt ngoài còn e.

Ít lâu sau, thiên hạ thái bình. Quân sĩ reo ca khải hoàn rước Vua về kinh đô Hoa Lư. Nhà Vua mở tiệc thưởng người có công. Các đình thần tôn tặng vua Lê mỹ hiệu: “Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Binh, Trí Nhân, Quảng Hiếu Đại Hành Hoàng Đế”. Lê Hoàn chọn ngày ngự giá Bắc tuần, thăm hỏi dân làng. Ngày về tại ấp Hoa Xá: bên tả giang, mời già trẻ trong ấp cùng đến dự yến. Rồi cho vời nàng Đô Hồ, ban quần gấm áo ngự, phong làm quý phi. Sai bà tắm gội, thay áo mũ, cùng sánh xa giá về kinh.

Lúc đó bà con, họ hàng và dân ấp đều vui mừng lấy làm vinh hiển. Vua Lê lại cấp 185 mẫu ruộng đất, tiền của để bà đóng thuyền thả sông và lập cung điện ở vườn cũ, gọi là “Đô Hồ phi cung”. Khi vua băng hà “dân ấp Hoa Xá có lập đền thờ để tưởng nhớ ơn đức giúp dân, ghi tạc công lao phá Tống của ngài”.

Lúc thánh phi mất, dân làng hàng năm cúng giỗ. Nơi ở cũ của bà dựng lầu Minh Ngự. Nhà cung phi sửa thành miếu điện. Từ đó, miếu - đình Hoa Xá là nơi phối thờ hai vị và hồn thơm hiển ứng, đời đời linh thiêng giúp cho dân làng”.

Nhớ ơn bà, nhân dân tôn thờ bà cùng với vua Lê Đại Hành làm Thành Hoàng làng và thường gọi bà với cái tên dân dã là bà Chúa Hến hay bà Chúa Trai.

Minh Ngự Lầu xưa được gọi là miếu bà Chúa Hến, tương truyền là ngôi nhà mà bà Chúa Hến đã sinh ra. Sau khi bà trở thành Đô Hồ phi nhân, dân làng Tó sửa sang thành Minh Ngự Lâu. Di tích có quy mô không lớn, nhưng liên quan chặt chẽ đến đình Hoa Xá. “xưa kia, khi ngày rằm tháng Giêng làm lễ hội làng, thì từ tối 14, tượng và ngai của ông bà được rước về Minh Ngự Lầu. Sau khi tắm rửa, ở lại một đêm đến sáng hôm rằm thì rước trở về đình...”. Sau đó là nghi thức Tế: Thành Hoàng, dâng hương, chia lộc cho dân làng.

Trong các ngày hội, ngoài nhiều trò chơi còn có nghi lễ hát xướng ca nhằm ca ngợi công đức thành hoàng, ca ngợi cảnh đẹp, truyền thống hiếu học của làng, cầu chúc dân làng an khang thịnh vượng.

Đình Hoa Xá và Minh Ngự Lầu được làm theo lối kiến trúc - nghệ thuật truyền thống, hiện vẫn còn một số mảng chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 và lưu giữ được rất nhiều hiện vật mang giá trị cổ vật quý hiếm: 16 đạo sắc phong thần của các triều đại phong kiến Lê - Tây Sơn và Nguyễn phong tặng cho Đô Hồ phi nhân là “Nhân uyển chi thần”, phong cho Lê Đại Hành là “hoàng đế –thượng đẳng thần”; rất nhiều- câu đối, bài thơ ca ngợi công đức của hai vị Thành Hoàng, đặc biệt còn bút tích để lại của Ngô Thì Nhậm trong bài cung tiến ngựa đá” ở cuối thế kỷ 18, là những tấm bia đá, những bộ kiệu đòn, kiệu Bát Cống thế kỷ 18 và tượng Đô Hồ phi nhân.

Tượng ghi lại hình tượng bà Đô Hồ thể hiện người con gái trẻ, nền nã, đoan trang, nhưng lại có chất giảm dị của cô thôn nữ, dáng đứng thẳng, tay phải cầm bơi chèo, tay trái cầm một túm hoa quả thể hiện một chiến công trèo thuyền tải lương và công tác hậu cần của Bà khi xưa. (Đó là dân làng tỏ lòng biết ơn công lao của vua Lê Đại Hành, bà Đô Hồ Phi Nhân. Lãnh đạo xã và thôn Tả Thanh Oai mời ông Vũ Tiến nhà nghệ nhân điêu khắc tạc tượng Bà bằng gỗ cây Mít ở trước cửa chùa Phe. Khánh thành tượng của Bà được trịnh trọng đặt ở một bệ trong hậu cung đúng ngày 10-10-1981).

Dưới thời Quân chủ, đình làng là nơi công quyền, rất nghiên minh, phụ nữ ít khi được ra đình, còn khi việc làng: tế, lễ, khao vọng, đón quan trên, thưởng phạt dân chúng thì ở đình ngồi theo thứ bậc lệ làng.

Tại Minh Ngự Lầu, Bác Hồ đã về thăm Tả Thanh Oai và nói chuyện, căn dặn dân làng phải chăm lo đồng ruộng và gìn giữ những di tích lịch sử quý giá của làng xã.

Đình Hoa Xá (được trùng tu lớn gần đây nhất vào năm Quý Mùi niên hiệu Bảo Đại – 1943).

Gần đây hàng năm ban khánh tiết các cụ quản lý đình và nhân dân vẫn liên tục trùng tu Đình Hoa Xá  và Minh Ngự Lâu.

Đình Hoa Xá và Minh Ngự Lầu được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) xếp hạng tại Quyết định số 226/QĐ-BT ngày 5/2/1994.

2 - ĐÌNH TỔ THỊ.

Đình Tổ Thị và đền thờ Chúa Bà ở ngay đầu chợ Tó, đình Tổ Thị là nơi thờ bà Ngô phu nhân, cùng chồng là ông Trần Phổ Hoá có công nuôi công chúa (con của vua Lê Đại Hành và Đô Hồ Phi Nhân) nên bà được vua phong là Thượng Ban nhũ mẫu (hay Ngô Thượng ban). Hội làng tổ chức  trong 4 ngày: 13, 14, 15, 16 tháng Giêng, Trong ngày Rằm rước sách linh đình, có rước cỗ thờ và  rước Giầu vàng từ đình Tổ Thị đến Ngự Lâu (nhà Bà Chúa Hến) để kỉ niệm cuộc gặp gỡ tình duyên giữa Bà và Vua Lê Đại Hành. Ngoài ra còn các nghi lễ hát xướng ca ngợi công đức thành hoàng, cảnh đẹp, có đọc “Mục lục” đề cao truyền thống  văn vật của làng, cầu chúc dân làng an khang thịnh vượng. Ngày 16 lễ “Giã đám” đặc biệt đám rước Giầu vàng từ đình Hoa Xá lên đình Tổ Thị đông vui vô kể. Năm 1947 giặc Pháp đã đốt phá đình Tổ Thị, dân làng không khôi phục lại đình được, mà đất đình đã bị dân sinh hoá không còn dấu tích. Hiện chỉ còn 13 đạo sắc phong cho ông bà, lưu ở đình làng Hoa Xá.

3 -KHU DI TÍCH  CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH CHỐNG HẠN.

Năm 1958, thời tiết rất khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, Đảng uỷ và Uỷ ban nhân dân ra sức tìm mọi cách để cứu lúa.

Trong những ngày này, ba thôn: Nhân Hoà, Thượng Phúc, Siêu Quần cấy sắp xong. Riêng thôn Tả Thanh Oai, diện tích bình quân nhân khẩu cao hơn, diện tích bị hạn nặng hơn, tập trung vào 50 mẫu bắc bộ ở cánh đồng Quai Chảo. Thanh niên, dân quân tát dọc theo bờ sông Lán, bộ đội về giúp dân tát dọc bờ sông Hoà Bình. Giữa lúc nhân dân Đại Thanh đang gia sức chống hạn, một vinh dự lớn lao đối với nhân dân địa phương, vào buổi sáng ngày 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu, tức ngày 12-1-1958, đã được Bác Hồ về thăm. Cùng đi với Bác có đồng chí Vũ Quý, Bí thư tỉnh uỷ Hà Đông và một số đồng chí khác. Tới xã, Bác đi thẳng ra cánh đồng Quai Chảo. Bác xắn quần quá gối, sách đôi dép lốp đến tầu tát gầu giai của cụ Ba Lan (Ngô Văn Lan) Bác bảo cụ tạm nghỉ, Bác nói: “Tôi tuy đã xa công việc nhà nông mấy chục năm nay, nhưng tát nước thì vẫn nhớ” Bác cùng đồng chí Vũ Quý, Bí thư Tỉnh uỷ tát nước. Trong tư thế vững chãi của người tát nước gầu giai, Bác thả gầu, múc nước, đổ nước thần thục như một lão nông. Bác ôn tồn động viên mọi người, trong đó có cả bộ đội trở về vị trí làm nhiệm vụ. Sau đó Bác xắn quần lội qua sông Lán, đi về cống Minh Lâu. Bác căn dặn cán bộ, đảng viên và một số nhân dân có mặt tại đó: các cô, các chú tích cực tát nước chống hạn, cấy hết diện tích, Bác chờ thành tích của các cô, các chú báo công lên cho Bác”

Theo lời căn dặn của Bác Hồ, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã dấy lên phong trào thi đua mới với khí thế rầm rộ. Các thôn còn đóng thêm một số guồng đạp nước, nhiều gầu tát trước kia chỉ tát 1 khau, sau đó đã tát 2 khau. Ba thôn đã cấy xong, cánh đồng Quai Chảo cũng căn bản đủ nước, toàn bộ trâu bò tập trung bừa cấy, một thời gian ngắn cũng cấy xong. sau đó thanh niên, dân quân thôn Tả Thanh Oai đã đào con sông cắt đôi cánh đồng Quai Chảo và được đặt tên là con sông thanh niên, Con sông có tác dụng tưới tiêu, đến nay vẫn phát huy tác dụng tốt.

Tấm lòng của Bác là nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân dân Đại Thanh. Vượt qua khó khăn, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã dốc toàn bộ sức lực chiến thắng thiên tai, cấy hết diện tích, giành vụ sản xuất Đông Xuân năm 1958 bội thu.

Từ đó về sau phong trào làm thuỷ lợi nhỏ và vừa ở cả 4 thôn đạt kết quả rất cao. Phong trào chống hạn được nhân dân thực hiện bằng nhiều biện pháp góp phần đưa năng xuất, sản lượng mỗi năm một tăng.

Ngày nay Đảng uỷ và UBND, HĐND và UBMTTQ đã dựng đài tưởng niệm tại chỗ đó để ngàn đời sau được chiêm ngưỡng hình ảnh Bác Hồ chống hạn tại xã ta.

4 - KHU DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ THỜ NGÔ THÌ NHẬM.

Nhà thờ Ngô Thì Nhậm trước đây được gọi là đền Sùng Đức. Theo bia Sùng Đức từ ký. Có niên đại Cảnh Thịnh thứ hai (năm 1794) thì đều do thân phụ của Ngô Thì Nhậm là Văn Dụ vương (tức Ngọ Phong công Ngô Thời Sĩ) xây năm Bính Tuất đời Cảnh Hưng (1766), sau khi ông thi đậu Hoàng giáp. Trong nhà thờ còn lưu giữ được chân dung Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sĩ và một số đồ dùng của Ngô Thì Nhậm.

Qua nhà thờ Ngô Thì là khu mộ Ngô Thì Sĩ và Ngô Thì Nhậm, vốn là nhà ở của Ngô Thì Nhậm, hướng Tây Nam, phía trước là cánh đồng rộng. Ngôi mộ Ngô Thì Nhậm trước đây ở đồng Hoa Cà, năm 1976 dời về đây, còn mộ của Ngô Thì Sĩ trước đây ở cánh đồng Dọc Muống, chuyển về đây.

DANH NHÂN NGÔ THÌ NHẬM (1746-1803)

Ngô Thì Nhậm sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (25-10-1746), tại làng Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Thủa nhỏ ông tên là Phó sau đổi thành Nhậm, tên tự là Hi Doãn, hiệu là Đạt Hiên. Xuất thân trong một gia đình quý tộc là con trưởng của Ngô Thì Sĩ có truyền thống hiếu học, lên 7 tuổi Ngô Thì Nhậm theo học cụ nội mình là Đan nhạc công Ngô Trân, năm 11 tuổi đã đọc được truyện, kinh, sử…15 tuổi học bố mình là Ngô Thì Sĩ. Ông vốn rất thông minh lại cần cù học tập, 16 tuổi đã soạn được một quyển đề là Nhị thập thất sử toán yếu, 17 tuổi sát hạch ở trường huyện hai lần đều xếp hạng ưu, 21 tuổi soạn xong quyển Tứ gia thuyết phả, khoa thi Hương năm Mậu Tý (1768) ông đỗ Á nguyên. Năm sau (1769) ông đỗ khoa Sĩ vọng và được bổ Hiến sát phó sứ Hải Dương. Tuy làm quan ông vẫn chăm học, khi rỗi rãi còn mở lớp dậy học, học trò theo học rất đông.

Cuối năm 1771 gặp lúc cha bị cách chức, ông xin về phụng dưỡng. Thời gian này ông biên soạn quyển Hải Đông chí lược.

Năm 1775 khi ông 30 tuổi dự thi khoa Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng, đời Vua Lê Hiển Tông, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, được bổ lại chức Hiến sát phó sứ Hải Dương rồi được bổ chức Cấp sự trung Bộ hộ. Năm 1776 được thăng Giám sát  Ngự sử đạo Sơn Nam, Thái Nguyên sau đó làm giám khảo khoa thi Hương ở Hải Dương, rồi thăng chức Đốc Đồng Kinh Bắc, rồi về kinh làm Đông các Hiệu thư, hàn lâm viện Hiệu Thảo, làm thày dạy cho Trịnh Tông (Trịnh Khải). Năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780), Ngô Thì Nhậm được thăng Công bộ hữu Thị lang. Ông vướng vào “vụ án năm Canh Tý-1780” mà sử cũ đều chép về tranh quyền đoạt ngôi chúa Trịnh. Theo gia phả hai năm sau (1782), quân Tam phủ lập Trịnh Tông (Trịnh Khải) lên nắm quyền, ông phải về quê vợ ở xã Bách Tính (huyện Nam Chân, nay thuộc Nam Định) và Thái Bình lánh nạn. Thời gian này ông sáng tác được tập thơ Thuỷ Vân Nhàn Vịnh và bộ Xuân Thu Quản Kiến.

Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất phù Lê, chấm dứt quyền thống trị của họ Trịnh, Ngô Thì Nhậm từ Thái Bình về Thăng Long nhận chức Đô cấp sự trung bộ Hộ khiêm toàn tu Quốc sử triều Lê Chiêu Thống.

Tháng 6 năm 1788 Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Lê Chiêu Thống chạy trốn sang Tầu. Ngô Thì Nhậm về ở ẩn tại thôn Kim Quang, huyện Thạch Thất- Sơn Tây. Trần Văn Kỷ giới thiệu ông với Nguyễn Huệ. Ngô Thì Nhậm cùng nhiều kẻ sĩ Bắc Hà đã đi theo Tây Sơn. Nguyễn Huệ đã vời và tin dùng, giao cho ông làm thị lang bộ Công, tước Tình phái hầu và cùng với 4 viên tướng thân tín của Nguyễn Huệ là Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Thuyết thành bộ năm tin cậy gìn giữ Bắc Hà để Nguyễn Huệ yên tâm về Huế.

Cuối năm 1789 Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh sang dày xéo nước ta. Thế giặc rất mạnh, Ngô Thì Nhậm sáng suốt đề ra chủ trương rút lui chiến lược về Tam Điệp, còn Ngô Văn Sở chủ trương: “Giặc đến thì phải sống chết với giặc, còn mất với thành”. Số đông ngả theo Sở. Chính Ngô Thì Nhậm là người độc lực xoay chuyển lại chủ trương đó. Kế sách của ông là toàn quân rút về trấn giữ vùng Tam Điệp, chờ đại quân Nguyễn Huệ ra, tấn công quét sạch giặc, theo tinh thần của ván cờ “trước thì chịu thua người một nước, sau mới được người ta một nước, đừng có đem nước sau thành nước trước…”. Cái “nước cờ Tam Điệp” ấy, Ngô Thì Nhậm đã huy động cả kinh nghiệm lịch sử, tình hình địch ta, chiến lược công thủ; đặc biệt là nhân tố lòng người và cuối cùng là cả uy tín và thân xác của mình để đảm bảo, cuối cùng được Ngô Văn Sở đồng tình. Lịch sử đã chứng minh rằng cái “Nước cờ Tam Điệp” ấy là sản phẩm của một trí tuệ xuất sắc về chiến lược, về tâm lý, về sự thông kim bác cổ. “Nước cờ Tam Điệp” đã tạo cơ hội cho Nguyễn Huệ mở cuộc hành quân thần tốc lập nên chiến thắng lịch sử, ít hao binh tổn tướng, giải phóng kinh thành Thăng Long, diệt 29 vạn quân Thanh trong mấy ngày tết Kỷ Dậu (1789).

Sau chiến thắng, vua Quang Trung muốn dùng “ngọn bút thay giáp binh” đã giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đảm trách công việc ngoại giao với nhà Thanh, tuỳ ứng với nhà Thanh. Các ông đã dùng “ngọn bút thay giáp binh” và đã giành thắng lợi vẻ vang. Vua Càn Long nhà Thanh đã dẹp mộng cất quân trả hận, không những thế còn chấp nhận việc cầu phong, việc xin công chúa (con Càn Long) làm vợ, việc xin đất làm đô (thực chất là đòi vùng Lưỡng Quảng) của Quang Trung. Tài ngoại giao của Ngô Thì Nhậm làm cho ông đáng được xếp vào hàng nhân vật đứng sau Nguyễn Trãi trong lịch sử ngoại giao của nước Việt Nam. (các văn kiện ngoại giao do ông thảo trong thời kỳ này đều được tập hợp thành quyển Bang giao hảo thoại và Bang giao tập).

Năm 1790 ông được thăng Thượng thư Bộ binh. Năm 1792 kiêm chức Tổng tài Quốc Sử quán. Năm 1793 ông được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang Quang Trung (mất 1792) và cầu phong cho Quang Toản.

Ông đã được vua Thanh Càn Long tiếp và gặp các sĩ phu Trung Quốc. Những sáng tác của ông lúc này được tập hợp trong Hoàng Hoa đồ phả, còn gọi là Sứ trình thi hoạ hay Hoa trình gia ấn.

Năm 1797 ông trông coi việc San tu quốc sử đã khắc in bộ Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ. Năm 1798 được giữ chức Giám chi văn miếu Bắc Thành. Ông cho sửa sang các nơi và xin mở các kỳ thi. Ông còn cho mở chợ, nắn lại đường, xây Văn chỉ của làng Tả Thanh Oai. Nội bộ triều đình Quang Toản lục đục nên quân Tây Sơn bất lực trước sức tấn công của Nguyễn Ánh. Khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi vua, Ngô Thì Nhậm buồn bã trở về thiền viện ở nhà riêng tại phường Bích Câu viết tập Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.

Sau khi Nguyễn Ánh kéo quân ra Bắc. Ngô Thì Nhậm cùng các cựu thần nhà Lê có cộng tác với Tây Sơn bị truy bức nghiệt ngã, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan đều bị đưa ra Văn Miếu đánh đòn. Vì có hiềm thù nên Đặng Trần Thường (là bạn cũ) đã cố ý sai đánh ông ác hiểm. Trong dân gian còn lưu truyền hai vế đối nổi tiếng của hai vị quan cao hai triều đại đối kháng nhau:

Ai Công Hầu, ai Khanh Tướng, chốn trần ai, ai dễ biết ai.

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thì phải thế.

Ngô Thì Nhậm mất ngày 16-2 năm Quý Hợi, năm Gia Long thứ hai (7-3-1803) tại quê Tả Thanh Oai. Lăng mộ và nơi thờ ông hiện nay ở ngõ 15, xóm Văn Lâm, đội 2, thôn Tả Thanh Oai.

Ngô Thì Nhậm là người có tài học rộng bao quát nhiều lĩnh vực, trở thành một nhà văn hoá lớn, một nhà chiến lược và cũng là một nhà tư tưởng, về sự nghiệp văn chương lớn, ông để lại hơn 20 tác phẩm có giá trị như Hàn các anh hoa, Hi Doãn thi văn tập, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh…Ông còn là Tổng tài Quốc sử quán, tổ chức biên soạn và in Đại Việt sử kí tiền biên (do thân phụ ông là Ngô Thì Sĩ khởi soạn).

Ông đã chọn con đường đi với phong trào nông dân Tây Sơn, nhờ đó lập nên sự nghiệp lớn về chính trị, quân sự và ngoại giao trở thành nhân vật nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.

Với những công lao to lớn của Ngô Thì Nhậm, tháng 4 năm 1994, Bộ Văn thông tin cấp bằng công nhận lăng mộ và nơi thờ ông là di tích lịch sử văn hoá.

5 - DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN KHAI KHOA.

Nhà thờ họ Nguyễn Khai Khoa (còn gọi là Nguyễn Thừa Chính) đã có từ lâu đời. đến năm Khải Định thứ 6 Nhâm Tuất 1922, họ tái thiết nhà thờ. Toạ lạc bên bờ sông Nhuệ, trước cửa đình Hoa Xá 50 mét nhìn hướng Nam. Năm 1994 cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất số D 0196781 thuộc tờ bản đồ số 6 thửa 210 diện tích 383 m2 đề chứng nhận nhà thờ họ Nguyễn. Nhà thờ chính hướng Nam. Ba gian trong thờ Tổ, ba gian ngoài nghị bàn, tế lễ, nội tự ngoại khách. Tường gạch vôi, mái gỗ lim lợp ngói. Nhà nghỉ ba gian nhỏ, hướng Tây lợp ngói. Phía trước là sân gạch, vườn hoa, bình phong, hai bên và phía sau là vườn cảnh. Tường xây bao quanh. Cổng ra Đường Tả Thanh Oai sông Nhuệ.

Nội tự nhà thờ họ Nguyễn Khai Khoa được thờ cúng lâu đời gồm khám thờ, bài vị, bát hương, đài nến, hoành phi, câu đối, cờ, lọng, biển, chiêng, trống. Mỗi năm tế Tổ 3 dịp: 14- Giêng tế Xuân; mùng 10- 8 giỗ cụ Thuỷ Tổ khảo; 13- 12 giỗ cụ Thuỷ Tổ tỷ. Ngày 14 tháng Giêng tế Tổ trùng với hội làng lễ nghi long trọng hơn cả, rất đông vui cả họ các nơi nô nức về dự lễ Tổ và hội làng.

VĂN TẾ TỔ DÒNG HỌ NGUYỄN KHAI KHOA

LÀNG TẢ THANH OAI - HÀ NỘI.

Đón nhận bằng:

“ NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN, DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐÃ XẾP HẠNG”.

Việt Nam quốc – Hà Nội thành – Thanh Trì huyện – Tả Thanh Oai xã – Tả Thanh  Oai thôn – Nguyễn tộc đại tôn từ đường.

Cung thỉnh tổ tiên, hôm nay ngày 19 tháng 2 năm canh dần.

Nguyễn tộc ( khai khoa) tứ chi: giáp, ất, bính, đinh đồng thượng hạ đẳng.

Cùng đại diện các chi họ: Đồng Dương, Triều Khúc, Thắng Lãm, Quảng Bị, Đại Kim, Bắc Giang, Đầu Hàn, Cao Mại, Xuân Húc (Vĩnh Phúc); ….

Chúng con cùng về hội tụ dưới mái từ đường, tiến hành nghi lễ đón nhận bằng: “NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN, DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐÃ XẾP HẠNG” do chính quyền thành phố Hà Nội trao tặng. KÍNH MONG TỔ TIÊN HIỂN LINH CHỨNG GIÁM.

Đại tôn đồng tộc, trên dưới một lòng tu sửa lễ nghi thành tâm hiến cúng tiến lễ.

CUNG NGHÊNH THỈNH:

1.Cung thỉnh: Cao cao tằng thủy tổ khảo Nguyễn Vĩnh, tự Phúc Vĩnh tiên sinh, thi chúng Hoành Từ khoa đời Trần Nghệ Tông ( 1370) - nguyên quán Đồng Dương; Tước phong: điện các học sĩ , hiển cung đại phu.

Cao cao tằng thủy tổ tỷ húy Túc, hiệu Tiềm Đức phu nhân – nguyên quán Đồng Dương.

2.Cung thỉnh: Đệ nhị đại tổ khảo húy Nguyễn Đổng – Tự Dương Khê tiên sinh – nho sinh xung văn học quán – nguyên quán Đồng Dương.

* Đệ nhị đại tổ tỷ húy Quyên, hiệu Từ Thắng nhụ nhân – nguyên quán Đồng Dương.

3.Cung  thỉnh: Đệ tam đại tổ khảo húy Nguyễn Hoạt, tự Ngư ẩn tiên sinh, Bản phủ hiệu Sinh – nguyên quán Đồng Dương.

* Đệ tam đại tổ tỷ - hiệu Đức Trinh huy nhân – nguyên quán Đồng Dương (Dĩ tiền tịch tại Triều Khúc xã).

4.Cung thỉnh: Đệ tứ đại cao tằng tổ khảo – thủy tổ chi họ Nguyễn khai khoa làng Tả Thanh Oai, húy Nguyễn Hồ, Thụy Dưỡng Hạo tiên sinh – thi trúng Hoành Từ khoa triều Lê Quang Thuận ( 1460) – tán tự Thừa Chính xứ Nghệ An – Dụ Ân Hầu trụ quốc tướng công – Đại tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu.

* Đệ tứ đại tổ tỷ hiệu Từ ý phu nhân.

5.Cung thỉnh: Đệ tứ đại Hiển tổ khảo Nguyễn Trung, hiệu Thuận Trai, nguyên quán Đồng Dương, Đệ Tam giáp tiến sĩ Nhâm Thìn khoa (1472) triều Hồng Đức – Lễ Bộ Thượng Thư, phụng xứ nhập thị kính diên, kiêm Trưởng Hàn Lâm viện thiếu bảo công thần.

* Kế khoa chi tử đệ ngũ đại nguyễn Nghiễm, đệ tam giáp đồng tiến sĩ (1494) – khoa Quý Sửu – Thăng Thừa Tướng ( xuất tướng, nhập tướng); nguyên quán Đồng Dương, thiên cư về Triều Khúc.

6.Cung thỉnh: Đệ tứ đại Hiển Tổ Khảo Nguyễn Chỉ - Hội Nguyên tiến sĩ ( Hoàng Giáp )khoa Quý Dậu (1453), niên hiệu Thái Hòa, khai khoa Tiến làng Tả Thanh Oai, đứng đầu bia tiến sĩ của làng – nguyên quán Triều Khúc, về định cư ở Tả Thanh Oai.

* Kế khoa chi tử Nguyễn Khánh Dung, đệ tam giáp tiến sĩ khoa Mậu Tuất, triều Hồng Đức (1468).

7.Cung thỉnh: Tổ khảo Nguyễn Mô – giáp chi, đệ ngũ đại tổ khảo, thi trúng Hoành Từ khoa Canh Tý (1480), niên hiệu Quang Thuận (triều Lê) – tự Thanh Khê tiên sinh.

Đệ ngũ đại tổ tỷ giáp chi – hiệu Tứ Đạt huy nhân.

8. Cung thỉnh: Tổ khảo Nguyễn Giác – tự Minh Ban - ất chi, đệ ngũ đại tổ khảo – thủy tổ chi họ Nguyễn Viết, xã Thắng Lãm – đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhị danh (Bảng nhãn) triều Hồng Đức (1484) – Hình Bộ Tả thị lang, gia hành đại phu; nguyên quán Tả Thanh Oai. Định cư ở Thắng Lãm.

* Hiển đệ ngũ đại tổ tỷ, hiệu Tứ Yến nghi nhân.

9.Cung thỉnh: đệ ngũ đại tổ khảo tự Trọng Hậu – Bính chi; đồng mỗ quan tiên sinh

* Hiển ngũ đại tổ tỷ - Bính chi; hiệu Từ huệ phu nhân.

10.Cung thỉnh: hiển ngũ đại tổ khảo nguyễn quý công – Đinh chi.

Hiển ngũ đại tổ tỷ - Đinh chi.

11.Cung thỉnh: Đệ ngũ đại tổ cô Nguyễn Thị Phượng – tước Phong Lân nữ Công Chúa ( triều Lê – Trịnh ).

12.Cung thỉnh: đệ lục đại Thủy tổ Nguyễn gia tộc Triều Khúc, Cao Tằng Tổ Khảo Nguyễn Gia Du, đệ tam giáp đồng tiến sĩ, ất Sửu khoa (1505), niên hiệu Đoan Khánh, nguyên niên Phủ Doãn quan – nguyên quán Triều Khúc, xã Tân Triều.

* Đệ lục đại hiển tổ tỷ Nguyễn Gia tộc Triều Khúc.

13.Cung thỉnh: Hiển tổ khảo, húy Nguyễn Lãng – Thủy tổ chi họ Nguyễn Hữu – Quảng  Bị. Đệ lục đại tổ khảo, Hữu Công phò Lê diệt Mạc – tước phong Xuân Đài hầu – giáp chi ( Nguyễn mô chi tử ).

14. Cung thỉnh: Hiển tổ khảo Nguyễn Tông Trình, đệ tam giáp tiến Sĩ, Giáp Tuất khoa (1744) niên hiệu cảnh Hưng – nguyên quán Tả Thanh Oai.

15.Cung thỉnh: Hiển tổ khảo Nguyễn Văn Giáp – nguyên quán Tả Thanh Oai – cử nhân Giáp Tý khoa, Bố Chính tỉnh Sơn Tây, kiêm tổng Đốc Sơn – Hưng – Tuyên; Hiệp Đốc Bắc Kỳ quan vụ đại thần, thủ lĩnh xuất sắc của phong trào Cần Vương chống thực dân xâm lược pháp cuối thế kỷ XIX – phó tướng của thủ lĩnh Ngô Quang Bích tiên sinh, có đền thờ lớn ở Tiên Động – Cẩm Khê – Phú Thọ . Mộ tại Xuân Húc – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc.

16.đồng Cung thỉnh: liệt vị tâm đức xây dựng từ đường, đặt hậu từ đường. cùng liệt vị thần linh, thổ địa, bản gia táo quân,… đồng lai thượng hưởng.

Cẩn cáo­­­

Bia trong nhà thờ:

(Mặt trước bia)

Văn bia Nguyễn Tộc Đại Tôn

Tả Thanh Oai-Thanh Trì-Hà Nội

Đệ nhất đại thuỷ Tổ khảo nguyễn Vĩnh tự phúc Vĩnh quê ở Đồng Dương, Thanh Oai, Hà Đông đỗ khoa Hoành từ Canh Tuất, Thiệu Khánh 1370 đời Trần Nghệ Tôn. Hiển cung đại phu, điện các đại học sĩ, tuấn phát thư trạch công thiệu thư, kỵ ngày 24 tháng Tư. Tổ tỉ chính thất hiệu Tiềm Đức nghi nhân kỵ ngày 27 tháng 5.

Đệ nhị đại Tổ khảo Nguyễn Đổng tự Dương Khê đỗ nho sinh xung văn học quán, kỵ ngày 26 tháng 9. Tổ tỉ huý là Quyên, hiệu Từ Thắng Nhụ Nhân kỵ ngày 14 tháng 11.

Đệ tam đại Tổ khảo: Nguyễn Hoạt tự là Ngư Ẩn đỗ hiệu sinh, tổ tỉ là  Đức Trinh Nhụ Nhân dĩ tiền tịch tại Triều khúc xã.

Đệ tứ đại Tổ khảo: Nguyễn Hồ thuỵ Dưỡng Hiệu đỗ khoa Hoành từ, Lê Quang Thuận 1460-1469 làm quan kim tử vinh lộc đại phu, chức Thừa Chính tỉnh Nghệ An, Dụ Ân hầu trụ quốc tướng công. Cụ thiên cư từ Triều Khúc về Tả Thanh Oai, kỵ ngày 10 tháng 8. Tổ tỉ hiệu Từ Ý kỵ ngày 13 tháng Chạp, sinh ngũ nam nhất nữ, trưởng tử mất sớm còn tứ nam lập ra tứ chi Giáp, Ất, Bính, Đinh.

Đệ ngũ đại Tổ khảo:

-Thiếu tổ chi giáp là cụ nguyễn Mô thuỵ là thanh Khê đỗ khoa Hoành từ Canh tý Hồng Đức 1480 chức Thái thú Trường An, Mậu Lâm tá lang kỵ ngày 23 tháng 9. Tổ tỷ hiệu Từ Đạt kỵ ngày 9 tháng 9.

-Thiếu Tổ chi Ất là cụ Nguyễn Giác tự là Minh Ban thiên cư Thắng Lãm (Văn Nội, Phú Lương) Thanh Oai, Hà Đông. Đỗ Bảng nhãn triều Hồng Đức 15, khoa Giáp Thìn 1484 năm 30 tuổi, Hình bộ Tả thị lang, tước Gia hành đại phu. Tổ tỉ hiệu là Từ Yến phu nhân, Thuỷ tổ họ Nguyễn Viết.

-Thiếu tổ chi Bính là cụ Nguyễn Trọng Hậu chức Đồng Mỗ quan kỵ ngày 18 tháng Giêng. Tổ tỉ hiệu là Từ Huệ Nhụ nhân.

-Thiếu tổ chi Đinh cựu phả không tường duệ hiệu.

-Tổ cô Nguyễn Thị Phượng. Lân Nữ công chúa kỵ ngày 3 tháng Chạp.

Hậu duệ của các cụ Tổ đã sinh cơ lập nghiệp tại Đồng Dương, Triều Khúc, Tả Thanh Oai, Thắng Lãm, Đại Định (Thanh Oai) Quảng Bị (Chương Mỹ), Liên Bạt (Ứng Hoà), Xuân Húc (Vĩnh Tường) Cao Mại (Lâm Thao), Đẩu Hàn (Bắc Ninh), Nhã Nam (Bắc Giang), làng Nủ, Hà Nội.

(Mặt sau bia)

Các cụ tổ đại đăng khoa,có sự nghiệp lớn.

1. Cụ Nguyễn Phúc Vĩnh: nguyên quán Đồng Dương, Hoành từ khoa, đời Thiệu Khánh nhà Trần 1370.

2. Cụ Nguyễn Chỉ: Tiến Sĩ, nguyên quán Triều Khúc, thiên cư Tả Thanh Oai, Hoàng giáp khoa Quý Hợi, Thái Hoà 1453.

3. Cụ Nguyễn Hồ: Tả Thanh Oai, Hoành từ khoa, Quang Thuận triều Lê 1460. Kim tử vinh lộc đại phu, Thừa chính tỉnh Nghệ An, Dụ ân hầu, Trụ quốc tướng công.

4. Cụ Nguyễn Khánh Dung: Tiến sĩ Mậu Tuất khoa, triều Lê Hồng Đức 1478.

5. Cụ Nguyễn Mô: Tả Thanh Oai, Hoành từ khoa Canh Tý Hồng Đức 1480, chức Thái thú Trường An.

6. Cụ Nguyễn Giác: Thắng Lãm (Văn Nội -Phú Lương -Thanh Oai -Hà Đông) Bảng Nhãn Giáp Thìn khoa 1484, Hồng Đức 15, năm 30 tuổi. Hình bộ Tả thị lang, Gia hành đại phu. Thuỷ tổ họ Nguyễn Viết.

7. Cụ Nguyễn Trọng Hậu: chức Đồng Mỗ quan.

8. Lân Nữ Công chúa: Nguyễn Thị Phượng.

9. Cụ Nguyễn Trung: Tiến sĩ, Đồng Dương, Nhâm Thìn khoa, Hồng Đức 1472, Lễ bộ Thượng thư, kiêm Trưởng hàn lâm viện, Thiếu bảo công thần, phụng sứ.

10. Cụ Nguyễn Nghiễm: Đồng Dương Thiên cư Triều Khúc, Đệ tam giáp Tiến sĩ, Quý Sửu khoa, Hồng Đức 1493, Lễ bộ Tả thị lang, Thừa tướng xuất tướng nhập tướng.

11. Cụ Nguyễn Gia Du: Triều Khúc, Đệ tam giáp Tiến sĩ, Ất Sửu khoa, Đoan Khánh 1505, Phủ doãn quan.

12. Cụ Nguyễn Lãng: có công lớn phù Lê diệt Mạc 1548-1553 được phong Xuân Đài Hầu và phong đất ở Quảng Bị (Chương Mỹ), Thuỷ tổ họ Nguyễn Hữu.

13. Cụ Nguyễn Tông Trình: Tả Thanh Oai, Đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Giáp Tuất 1754, hiến sát Sơn Tây, phó đốc thị kiêm Bố Chính Nghệ An, tổng trấn Lạng Sơn, hàm lâm thị tộc, đốc thị hầu.

14. Cụ Nguyễn Văn Giáp: Cử nhân, Giáp Tý khoa, Tự Đức 1864, một thủ lĩnh xuất sắc của phong trào Cần Vương chống Pháp, Bố chính tỉnh Sơn Tây, kiêm Tổng Đốc Sơn Hưng Tuyên, Vua Hàm Nghi phong Hiệp Thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần. Mộ để ở làng Xuân Húc (Vân Xuân, Vĩnh Tường).

Tộc phả còn ghi các cụ đặt hậu được họ cung thỉnh thêm trong ngày lễ Tổ, nguyên văn chữ Hán Nôm như sau:

“Khải Định bát niên hậu hựu phủ tự chư danh kế hậu:

-         Cố hương lão kiêm nhiệm câu đương Nguyễn Quý công huý Trạch, thuỵ Phúc Trực phủ quân.

-         Cố hương lão trắc thất Nguyễn thị hàng nhất huý Thanh nhụ nhân.

-         Cố hương lão kiêm nhiệm câu đương Nguyễn Quý công huý Vấn, thuỵ Minh Đức phủ quân.

-         Cố hương lão chính thất Ngô thị hàng tam hiệu Thuận Nghĩa nhụ nhân.

-         Cố hương lão Nguyễn Quý công huý Thư phủ quân.”

Đến năm 1948 giặc Pháp phá mất cổng và tường bao, nhà thờ bị hư hại. Tới nay sau nửa thế kỷ, cả họ đã tâm đức tu sửa lại nhà thờ, xây thêm được nhà bia trong dựng bia thạch phả Nguyễn Tộc Khai Khoa và cột cờ ở phía Tây nhà thờ chính.

Cổng nhà thờ hướng Tây, bên phải trong cổng có cột cờ cao 9 m. Nhà thờ được quyết định công nhận là di tích lịch sử tháng 4 năm 2010.

6 - NGHĨA TRANG LIỆT SĨ XÃ TẢ THANH OAI:

Khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ nằm cạnh UBND xã Tả Thanh Oai, có đài liệt sĩ ở giữa hai bên có các mộ của các liệt sĩ hy sinh ở các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc của xã Tả Thanh Oai.

Danh sách các liệt sĩ của làng Tả Thanh Oai qua các thời kỳ kháng chiến đã được khắc bia đá tôn vinh ở khu Văn chỉ, cạnh Minh Ngự Lâu. Để ghi công các Anh hùng, liệt sĩ:

Danh sách liệt sĩ- thời kỳ kháng chiến chống pháp

Stt  Họ Tên                       năm sinh               năm hi sinh      ghi chú

1. Trần Hữu Dong               1918                       1946           bộ đội

2. Nguyễn Văn Minh          1923                       1946           bộ đội

3. Lưu Đình Giao                1927                      1946            bộ đội

4. Ngô Thanh Tùng             1929                      1946           bộ đội

5. Nguyễn Duy Hoà                                           1946           bộ đội

6. Tưởng Dân Bảo              1907                       1947        Bí thư tỉnh uỷ

7. Đào Xuân Đạt                 1918                       1947           bộ đội

8. Ngô Vi Trường               1919                       1947           bộ đội

9. Ngô Văn Toàn                1919                       1947           bộ đội

10. Nguyễn Đức Lư            1920                        1947            bộ đội

11. Nguyễn Văn Thu          1922                        1947            bộ đội

12. Nguyễn Vĩnh Nguyên    1922                        1947           bộ đội

13. Ngô Thời Hựu              1923                        1947            bộ đội

14. Nguyễn Viết Thu          1925                        1947            bộ đội

15. Nguyễn Huy Hào          1925                        1947            bộ đội

16. Nguyễn Viết Xuân        1926                        1947            bộ đội

17. Nguyễn Xuân Lý            1927                        1947           bộ đội

18. Ngô Thời Ưu                 1928                        1947            bộ đội

19. Ngô Đình Đắc                1918                        1948            bộ đội

20. Nguyễn Duy Thư           1920                        1948      d.k tại địa phương

21. Phạm Được                    1922                        1948            bộ đội

22. Nguyễn Duy Đệ             1923                        1948      d.k tại địa phương

23. Nguyên Văn Quán         1933                        1948      d.k tại địa phương

24. Nguyễn Du Mùi             1930                        1949      d.k tại địa phương

25. Phạm Xuân Vận             1906                        1950           bộ đội

26. Nguyễn Cao Đăng         1908                         1950     d.k tại địa phương

27. Nguyễn Quang Du         1910                        1950      d.k tại địa phương

28. Nguyễn Vĩnh Trường    1920                         1950           bộ đội

29. Ngô Vi Đớp                   1922                         1950     d.k tại địa phương

30. Ngô Đình Chí                1925                         1950     d.k tại địa phương

31. Nguyễn Quang Khả       1928                         1950           bộ đội

32. Tưởng Văn Hiến            1929                         1950     d.k tại địa phương

33. Đào Thị Nhật                 1930                         1950     d.k tại địa phương

34. Nguyễn Duy Tắc           1924                          1951     d.k tại địa phương

35. Nguyễn Quang Đăng     1925                          1951          bộ đội

36. Nguyễn Duy Tứ             1925                          1951          bộ đội

37. Nguyễn Văn Liễu           1927                          1951          bộ đội

38. Nguyễn Du Hiển            1929                          1951          bộ đội

39. Nguyễn Thị Nhị             1930                          1951     d.k tại địa phương

40. Nguyễn Văn Ất              1934                          1951     d.k tại địa phương

41. Nghiêm Bỉnh Tư            1919                          1952          bộ đội

42. Đào Văn Phiến               1929                          1952          bộ đội

43. Nghiêm Văn Dũng         1920                          1952          bộ đội

44. Trương Đình Thi            1928                          1953          bộ đội

45. Ngô Đức Vịnh                1931                          1953          bộ đội

46. Ngô Quang Chung         1932                          1953          bộ đội

47. Ngô Duy Mâu                1934                          1953          bộ đội

48. Nguyễn Quang Thực     1934                           1954          bộ đội

Danh sách các liệt sĩ: Thời Kỳ Kháng Chiến Chống Mỹ.

Tt   họ tên                        năm sinh                 năm hy sinh      ghi chú

1. Nguyễn Văn Khuê          1939                          1966           bộ đội

2. Ngô Văn Viết                  1943                          1966           bộ đội

3. Ngô Vi Thân                   1944                          1966           bộ đội

4. Ngô Vi Huấn                  1944                           1966           bộ đội

5. Đào Văn Sử                    1946                           1967           bộ đội

6. Vũ Đức Thịnh                1946                           1967           bộ đội

7. Ngô Vi Lực                                                       1967           bộ đội

8. Nguyễn Văn Lợi             1936                          1968           bộ đội

9. Nguyễn Cao Phong         1937                          1968           bộ đội

10. Nguyễn Xuân Lưu         1940                          1968           bộ đội

12. Đặng Văn Trường          1942                          1968           bộ đội

13. Nguyễn Quang Liễu       1943                          1968           bộ đội

14. Nguyễn Đình Thi           1945                          1968           bộ đội

15. Lê Xuân Hồng                1945                          1968           bộ đội

16. Nguyễn Du Hoà              1947                         1968            bộ đội

17. Vũ Công Tuấn                                                  1968            bộ đội

18. Nguyễn Đức Nhuận       1947                           1968           bộ đội

19. Nguyễn Duy Tính          1948                           1968           bộ đội

20. Nguyễn Đức Niệm         1932                           1969           bộ đội

21. Ngô Xuân Lợi                1935                           1969           bộ đội

22. Nguyễn Văn Kế             1940                           1969           bộ đội

23. Nguyễn Thế Sinh           1940                           1969 bộ đội

24. Ngô Đình Mai                1941                           1969           bộ đội

25. Nguyễn Duy Dậu           1945                           1969           bộ đội

26. Đào Văn Mậu                1947                            1969           bộ đội

27. Trần Văn Nứa                1949                            1969           bộ đội

28. Ngô Vi Chuông             1947                            1970            bộ đội

29. Nghiêm Văn Hùng        1948                            1970            bộ đội

30. Nguyễn Mạnh Huyến    1949                            1970            bộ đội

31. Ngô Phượng Vĩ             1950                            1970            bộ đội

32. Nguyễn Văn Trạch        1950                            1970            bộ đội

33. Nguyễn Thái Hùng        1927                            1971            bộ đội

34. Trần Hưu Chung            1947                            1971            bộ đội

35. Nguyễn Quang Phú (Phúc) 1952                       1971            bộ đội

36. Nguyễn Văn Tý             1940                            1972            bộ đội

37. Nguyễn Văn Quang       1947                            1972            bộ đội

38. Nguyễn Xuân Quang     1951                            1972            bộ đội

39. Ngô Trần Tâm               1953                            1972            bộ đội

40. Nguyễn Duy Tư             1949                            1973            bộ đội

41. Trần Văn Khi                 1950                            1973            bộ đội

42. Giáp Văn Sử                   1954                            1973            bộ đội

43. Trần Quang Định           1953                            1974            bộ đội

44. Trần Trung Hiền            1928                            1975            bộ đội

45. Ngô Vi Hoà                    1955                            1975 bộ đội

46. Nguyễn Văn Tiến          1958                             1975            bộ đội

LIỆT SĨ THÔN TẢ THANH OAI:

Thời Kỳ Chiến Đấu Bảo Vệ Tổ Quốc

Stt  họ tên                           năm sinh                  năm hy sinh       ghi chú.

1. Nguyễn Văn Bình           1954                            1978              bộ đội

2. Nghiêm Văn Vinh           1955                            1978              bộ đội

3. Nguyễn Như Trí              1957                            1978              bộ đội

4. Tưởng Văn Phong           1958                            1979              bộ đội

5. Phạm Văn Vĩnh               1960                            1979              bộ đội

6. Lê Thanh Kiêm               1949                            1979              bộ đội

7. Nguyễn Xuân Vinh         1965                            1984              bộ đội

8. Nguyễn Như Thống        1963                            1985              bộ đội

9. Ngô Vi Chỉnh                  1961                            1985              bộ đội

7 - CHÙA TỔ THỊ.

Chùa Tổ Thị (tục gọi là chùa Chợ), ở đầu Làng cũng bị giặc Pháp đốt phá năm 1947. Cũng như đình Tổ Thị, dân làng không khôi phục lại chùa được, mà đất chùa đã bị dân sinh hoá không còn dấu tích.

8 - CHÙA BÙI: (Bùi Linh tự).

Số Đời trụ trì: Hiện được biết 3 đời (còn trước nữa không nắm được).

Sư cụ trụ trì: Thích Đàm Tâm, được trên 40 năm tại chùa Bùi, nay đã trên 90 tuổi. Sư Thầy Thích Bàn Thiện ở chùa được gần 20 năm.

Nguồn gốc: Xa xưa, vốn là quán Linh Tiên của người phương Bắc dựng, trải qua bao năm tháng nay đã trở thành chùa Bùi.

Vị trí nhà thờ, hình thể (quang cảnh): Chùa toạ lạc ở dưới đường tầu gần cuối làng, mảnh đất rộng trên 3000m2, gồm: nhà điện 3 gian; nhà thờ Tổ 5 gian (mới xây dựng năm 2009); nhà ngang 6 gian; nhà vong 3 gian; nhà khách 3 gian (3 nhà trên xây dựng lại những năm gần đây); Tam quan, Lầu Đức Quan Âm, sân chùa, chùa chính, gian thờ các vị sư tổ và chỗ ở cho: thầy chùa, các sư, tiểu chủ trì.

Ngày giỗ Tổ: 28/4, 10/7, 30/12 Âm lịch.

Nội dung hoạt động của chùa:

Chùa là nơi sinh hoạt của các cụ bà quy y cửa phật. Thường là mùng 1, ngày rằm lễ phật, giải vận hạn đầu năm, sám hối tâm linh cho chúng sinh cải tà quy chính, cầu xin phúc lộc thọ, tụng kinh, cúng âm phần cho người mới khất.v.

Các ngày lễ trọng:

1, - Ngày 15 tháng Giêng (Lễ Thượng Nguyên)

2, - Ngày 8 tháng 4 (Đản Phật – Lễ vào hè cho Dân)

3, - Ngày 1 tháng 7 (Lễ Tán Hạ)

4, - Ngày 8 tháng 12 (Đản Phật –Lễ Tất Niên)

9 - CHÙA PHE: (Tiên Linh tự).

Số Đời trụ trì: hiện nhớ được 6 đời.

Nguồn gốc: lâu đời.

Thời gian xuất hiện ở Tả Thanh Oai. Lâu đời.

Thuỷ Tổ: sư cụ Giác Linh.

Tổ phả: trên 6 đời bị thất lạc.

Ngày giỗ tổ: 20 – 11.

Lịch sử chùa:

Chùa toạ lạc ở gần đình Hoa Xá. Xa xưa, vốn là quán Linh Tiên của người phương Bắc dựng, trải qua bao năm tháng nay đã trở thành chùa Phe, với đầy đủ: Tam quan, sân chùa, chùa chính, gian thờ các vị sư tổ và chỗ ở cho: thầy chùa, các sư, tiểu chủ trì. Chùa là nơi sinh hoạt của các cụ bà quy y cửa phật.

Tông đồ:

1 - Giác Linh sư cụ, Thích Đàm Hy.

2 - Giác Linh sư cụ, Thích Đàm Đắc.

3 - Giác Linh sư cụ, Thích Đàm Độ.

4 - Giác Linh sư cụ, Thích Đàm Nguyện.

5 - Giác Linh sư cụ, Thích Đàm Tuất.

6 – Sư thầy, Thích Đàm Toàn.

Nội dung hoạt động của chùa:

Thường là mùng 1, ngày rằm lễ phật, giải vận hạn đầu năm, sám hối tâm linh cho chúng sinh cải tà quy chính, cầu xin phúc lộc thọ, tụng kinh, cúng âm phần cho người mới khất.v.

10 - CHÙA THẮM: (Linh Am tự).

Biết được trước sư Thầy Hưng, trụ trì là: Sư thầy Phượng, Sư thầy Hằng.

Truyền rằng từ thời cụ Ngô Thì Sĩ, dân làng tổ chức xây chùa thờ phật ở gần Minh Ngự Lâu, cũng với đầy đủ: Tam quan, sân chùa, chùa chính, gian thờ các vị sư tổ và chỗ ở cho: thầy chùa, các sư, tiểu chủ trì. Chùa là nơi sinh hoạt của các cụ bà quy y cửa phật. Thường là mùng 1, ngày rằm lễ phật, giải vận hạn đầu năm, sám hối tâm linh cho chúng sinh cải tà quy chính, cầu xin phúc lộc thọ, tụng kinh, cúng âm phần cho người mới khất.v.

Hiện tại chùa Thắm đang trùng tu: sửa chữa, xây dựng.

11 - ĐỀN Chúa Bà: (Giao Trì Linh Từ).

Đền nằm trong quần thể khu di tích lịch sử đình Tổ Thị, đã có cùng với ngôi Đình.

Ngôi Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, sau này tục truyền lại là thờ Công Chúa con của vua Lê Đại Hành và bà Đô Hồ Phi Nhân. Vì sau khi bị giặc Pháp Phá nền còn lại một số như: Tượng Mẫu, Tượng Chúa Bà và một tấm bia Hạ Mã.

Từ xưa đến nay được biết đã qua năm đời các cụ trụ trì: Cụ Đô Đen; Cụ Cả Phác; Cụ Nhiêu Hợi; Cụ Đỗ Thị Thảo và trụ trì hiện nay Cậu Nam (Nguyễn Hoàng Nam).

Gĩô Tổ từ xưa đến nay đều làm vào ngày 24 – 4 Âm lịch hàng năm.

Đền hiện nay đã được sửa sang nhiều lần và là nơi hoạt động tín ngưỡng của toàn thể nhân dân trong thôn.

12 - MIẾU ÔNG.

Thờ: Dũng mãnh Tướng Quân.

Theo “Ngọc phả lục miếu thờ đức Lê Đại Hành Hoàng Đế và Thánh Phi đình Hoa Xá” của làng:

“Mời phối hưởng có vị Lê triều phò Thánh Gía, phá Tống từng lập đại công dũng mãnh Tướng Quân linh thần vị tiền. Dũng mãnh Tướng Quân có đền thờ chính ở giáp Phúc Lâm, do dân giáp thờ phụng. Nay còn một bãi cây rậm quanh chỗ thờ, tương truyền là nơi ngày xưa Dũng mãnh Tướng Quân đóng quân tại đó”.

Nay ở dưới ngõ Khánh Hội, hiện còn có quần thể Miếu Ông, giếng Miếu Ông. Dân làng từ xưa tới nay vẫn ra Miếu Ông cầu cúng xin Ngài phù hộ. Đám ma khi đưa linh cữ người quá cố đi chôn của làng qua Miếu Ông đều dừng chân và không đánh trống.

13 - VĂN CHỈ CỦA LÀNG.

Văn chỉ (Từ vũ), ở phía trên chùa Tổ Thị. Theo Lư sử điển yếu điều lệ thì Văn chỉ ở hướng Đinh rồng nhập cước (rồng chạm chân tới). Chỗ gần thì lấy Thổ tinh miếu làm án tiền; xa thì lấy Tam thai xuyên châu làm án ngự. Sông Nhuệ quanh co uốn chầu, nối với cầu Quang Liệt, bãi Rồng ôm phía sau, không biết bồi đắp từ đời nào. Văn chỉ do Binh bộ Thượng thư, Tình Phái hầu Ngô Thì Nhậm cho làm, mua nhà của quan huyện Hoài An, tu sửa lại để tế lễ. Hàng năm, tư văn hàng huyện tế tiên hiền tại đây (trước đó, tế ở Văn chỉ hàng huyện tại thôn Cầu Đơ). Đến triều Nguyễn, tư văn sáu tổng trong huyện bỏ lệ tế chung tại đây mà về tế riêng ở từng tổng. Về sau, năm 1947 giặc Pháp chiếm, đốt phá làng cả khu Văn chỉ không còn dấu tích, còn Bia “Văn Chỉ” các cụ trong làng Tả Thanh Oai phải đưa về sau đình Hoa Xá lưu giữ.

Tháng 3 năm 2011, chính quyền kết hợp với dân làng đang tiến hành xây dựng Văn chỉ, trên diện tích 200m2 ở cạnh khu Minh Ngự Lâu, để khích lệ phong trào học tập của địa phương.

14 - ĐÀN THIÊN NÔNG.

Ngày xưa nghề nông: cấy, cày ở làng phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, mưa, nắng, úng, hạn, thiên tai, dịch hoạ thất thường, nên việc Tế Thần Nông rất là quan trọng.

Đàn Thiên nông, xưa đặt ở xứ Mả Thí, đến tiết Thượng điền, các giáp cử người ra quét dọn để tế lễ. Về sau đàn được dời đến xứ Mả Sổ, xung quanh đắp tường đất, đến tiết Thượng điền các giáp làm lễ tế thần. Tế xong, các giáp thi nấu cơm làm trò vui, lấy lứa ở cây, lấy nước ở thượng lưu sông. Ai nấu chín sớm nhất được hạng ưu.

Ngày nay, áp dụng khoa học: giống, phân, cần, nước (chủ động được tưới, tiêu) đã hạn chế được rất nhiều mất mùa, nên không còn lệ tế lễ thần ở đàn Thiên nông nữa.

V CÁC LỄ THỨC THỜ CÚNG, LỄ HỘI VÀ PHONG TỤC

  1. TÍN NGƯỠNG VÀ LỄ HỘI

LỄ HỘI LÀNG TẢ THANH OAI TRƯỚC NĂM 1945.

Từ xa xưa cho đến 19/8 năm 1945. Hằng năm quê ta “vào đám” (lễ hội) tháng Giêng. Hội chính vào 4 ngày: 13, 14, 15, 16 tháng Giêng âm lịch.

Các trò chơi trong làng được mở ở xung quanh đình những nơi đất chống như:

Cờ người: môn cờ Tướng bàn cờ được vẽ rộng ở sân, quân cờ Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt là nam nữ thanh niên đóng diễn mặc quần áo đẹp có thêu tên quân cờ di chuyển theo hiệu lệnh hai người cầm quân đấu cờ trên sân, hoặc trên bàn cờ.

Đập niêu: người chơi đeo mặt nạ che kín hai mắt, cầm khúc gậy ngắn, đi khoảng chục bước đến chỗ treo niêu, nếu ai đập trúng vỡ niêu sẽ có thưởng.

Bắt Vịt trên sông: Vịt được thả từ 3 -5 con xuống lòng sông, trai tráng không phân biệt trong ngoài làng đều được tham gia, lao xuống bơi ngụp lặn đuổi bắt vịt trong tiếng trống liên hồi và trống cổ động hò reo láo động hai bên bờ sông. Ai bắt được vịt coi đó là sự may mắn được Thánh ban lộc đầu năm.

Thi nấu chè lam: Sáng 14 tháng Giêng tổ chức làm chè lam, bánh khảo đây chính là thức ăn, lương khô, thời gian sử dụng dài ngày, phần thi này thể hiện và lưu truyền tưởng nhớ tới bà Đô Hồ Phi Nhân đã làm chè lam để nuôi quân giúp chồng làm nên nghiệp lớn. Đội nào thắng cuộc sản phẩm sẽ được dâng lên lễ Thánh và được thưởng lộc đầu năm.

Hát trống quân, lễ hát xướng: nam nữ những bài hát đã có quy định trong điểm yếu điều lệ của làng, ca ngợi công lao đánh giặc, xây dựng quê hương của bà Chúa Hến và vua Lê Đại Hành đã được dân làng suy tôn là Thành Hoàng Làng.

Để chuẩn bị cho những ngày “vào đám” trước đó 5-7 ngày dân làng đã tất bật, tưng bừng náo nhiệt, họp hành, ăn nhậu linh đình, uống thả sức, ăn tha hồ, còn thì gói phần mang về để cả gia đình cùng hưởng thụ, dù chỉ còn ít hay nhiều không câu nệ, vì người ta thường nói: “một miếng việc làng bằng sàng só bếp:”. Mỗi chàng thanh niên trai tráng nếu được mang danh hiệu “linh bàn” (trai đủ 18 tuổi lên Đinh, lên Tráng) thì phải nộp đủ “lệ làng”, như: lệ “sôi linh”, lệ “sôi cân, lợn cân” với phe giáp, nhất là đến lượt “làm cỗ thờ” gồm có bánh dầy, bánh chưng, bánh gai, bánh cắt. Đặc biệt là mứt cà và mâm “cỗ yến”.

Toàn bộ “mâm cỗ thờ” là đồ chay đặc biệt. Người đứng trông coi “cỗ thờ” là cụ “Thủ Mừ”. Tất cả những người tham gia làm cỗ đều được kén chọn là người thanh tâm, trong sạch. Từ việc đãi gạo cho việc sửa lá đều phải chở thuyền ra giữa dòng sông, tìm dòng trong sạch nhất. Mọi công việc đều phải rất thận trọng nếu không thì chỉ sai sót nhỏ cũng sẽ dẫn tới “tai vạ”.

Các phe giáp tưng bừng nhộn nhịp họp bàn kén quân Kiệu, chọn “Tổng cò”, bầu người đàn anh “ông khẩu”, cử “Chạ Đồng Văn” vv. Sau khi lựa chọn các “Hiệp” kéo quân cờ tới Đình để nhận mũ áo. Toàn Mũ võ sĩ và áo Nậu bằng nỉ đỏ, thêu hoa văn thật là cổ kính.

Mở đầu “vào đám” là 2 ngày “Tập Kiệu” (12-14) . Đám rước “tập kiệu”, Kiệu Giáp, vua Ông đi trước, Kiệu Ất, vua Bà đi sau, phía trước là Tàn vàng, Tán tía, Bát bửu, Gương vàng, cờ, quạt chiêng trống nghiêm trang, phường Bát âm, “Chạ Đồng Văn, tiếng nhạc vang vang tưng bừng nhộn nhịp “Chạ Đồng Văn” cứ liên tục đổ hồi thì “Tổng cò” cũng chẳng thề phất cờ để toàn đám rước nhích bước. Người đàn anh “Trống khẩu” mỗi khi hô “chạ nghe” thế là tất cả hàng người đều tập trung đôi “mắt ngọc” vào cỗ Kiệu, nhất là 8 người “quân kiệu” toàn tâm toàn ý vào đôi tay, để chỉ “chớp mắt” là kiệu đã sang vai.

Đêm 14 rạng ngày Rằm, dân làng rước khám thờ Vua ông, Vua bà đi theo đường “Ngự đạo” tới “Minh Ngự Lâu”. Con đường Ngự đạo chưa đầy nửa cây số từ đình Hoa Xá đến Ngự Lâu, ấy vậy mà đám rước đi từ chập tối đến quá nửa đêm mới hạ kiệu.

“Minh Ngự Lâu” là nơi xưa kia vua Lê Hoàn sai cung nữ đưa cô gái quê người làng Tó “Kẻ Tó” tới đó để tắm gội rồi sau đó lên xe về cung vua. Nay hàng năm rước thần tượng tới đó để “Mộc dục” (tắm gội).

Trong ngày Rằm rước sách linh đình, rước cỗ thờ rồi đến việc trên đình Tổ Thị rước Giầu vàng tới Ngự Lâu để chào mừng lễ kỷ niệm vua Lê Hoàn gặp người hiếu nghĩa có “Tường Vân” hộ mệnh, sau trở thành Thánh phi, làng Tả Thanh Oai thờ làm Thành Hoàng.

Sau khi lễ Mộc dục các vị chức sắc phong thần tượng có mũ áo chỉnh tề, Vua ông mặc áo vóc tía, mũ miện Đế Vương, Vua bà mặc áo vóc vàng đội mũ Thánh phi lên kiệu Bát cống để “Hồi loan”.

Đêm Rằm rạng 16 trên đường “Ngự Đạo” đám rước long trọng bực nhất trong 4 ngày đêm. Trên kiệu ngoài đèn hương đặc biệt có 2 cốc hoa Thuỷ Tiên có nước. Chợt nghe 2 tiếng “Chạ Nghe” hàng người xúm xung quanh kiệu đều trố mắt nhìn lên trên kiệu 2 cốc hoa Thuỷ Tiên không hề sóng sánh, tua Tàn vàng chỉ hơi rung rinh không hề trao đảo, mọi người đều đồng thanh hô “khéo!” thỉnh thoảng đàn anh “Trống Khẩu” lại hô to “Chúc Thánh cung” đáp lại như tiếng sấm vang “Vạn vạn tuế” hai biên đường Ngự Đạo hàng trăm cây Đinh liệu (Bó nứa) sáng rực góc trời, làm tăng thêm vẻ thiêng liêng sầm uất.

Những người đến chiêm ngưỡng để cầu phúc cầu duyên không chỉ riêng người làng mà còn không ít người các xã lân cận và những bà con người làng đi làm ăn nơi xa xôi cũng nhớ ngày Hội làng về dự lễ và thăm quê hương đất Tổ.

Ngày 16 lễ “Giã đám” đặc biệt đám rước Giầu vàng từ đình Hoa Xá lên đình Tổ Thị đông vui vô kể.

2. PHONG TỤC, NÉT VĂN HOÁ CỦA LÀNG:

Xông đất, Việc Họ, Cưới xin, Ma chay ở làng.

A -LỆ XÔNG ĐẤT ĐẦU NĂM Ở LÀNG TẢ THANH OAI.

Lệ xông đất đầu năm có từ thời xa xưa, do tiền nhân để lại.

Người xông đất cho làng là người được hội đồng Hương lão chọn trước:

-  Phải là người làng, đã lên lão làng tầm 70 tuổi, xưa tầm 60 tuổi.

- Người có uy tín ở trong làng đức cao vọng trọng, gia đình khá giả có nề nếp, con người phúc hậu có đạo nghĩa với làng.

- Năm tuổi phải hợp phong thuỷ với năm Âm lịch được cử ra xông đất như theo luật Can, Chi:

Hàng chi cụ thể theo tam hợp cục, bao gồm: Thân – Tý – Thìn; Tỵ - Dậu – Sửu; Dần - Ngọ - Tuất; Hợi – Mão – Mùi.

Hoặc theo nhị Hợp, Sửu hợp Tý, Dần hợp Hợi, Mão hợp Tuất, Thìn hợp Dậu, Tị hợp Thân, Ngọ hợp Mùi.

Kết hợp hàng can cụ thể, Giáp hợp Kỷ, Ất hợp Canh, Bính hợp Tân, Đinh hợp Nhâm, Mậu hợp Quý.

Lưu ý, tránh tuổi tứ hành xung là: Dần - Thân - Tỵ - Hợi; Thìn - Tuất - Sửu - Mùi; Tý - Ngọ - Mão - Dậu. Ví dụ: Dần xung Thân, Tỵ xung Hợi; Thìn xung Tuất; Sửu xung Mùi; Tý xung Ngọ; Mão xung Dậu.

Khi người đã nhận lời xông đất cho làng phải chuẩn bị lễ vật: hương hoa oản quả, ra đợi ở cổng đình trước (10 – 15 phút) giờ đón giao thừa lúc 0 giờ đêm (đầu giờ Tý) ngày Mồng một tháng Giêng. Đúng giao thừa cửa đình mở, mình phải là người đầu tiên bước vào đình dâng lễ vật. Hội Hương lão nhận lễ vật lên thắp hương ở đình, sau đó trả và cho phần lộc thánh cho người xông đất làng. Mọi vận may, sui trong năm đó của cả dân trong làng được ước đoán theo người xông đất đầu năm.

Còn các gia đình cũng có người xông nhà mở vận may rủi cho gia đình mình trong năm đó, chính là người bước vào nhà mình đầu tiên trong năm đó. Vậy nên, những gia đình có tang trong năm thường tránh đi chúc tết hàng xóm trong năm đó để tránh mang vận sui sẻo cho hàng xóm. Để tránh người xông nhà ngẫu nhiên, nhiều gia đình liên hệ, nhờ trước người đến nhà mình xông đất đầu năm, sáng ngày mồng một tết. Thường là người anh, em, bạn bè thân quen, trẻ khoẻ mạnh, ưa nhìn, nhanh nhẹn, tính tình cởi mở, làm ăn có sự nghiệp phát đạt, học hành đỗ đạt. Đặc biệt tuổi người xông nhà phải hợp với tuổi của người chủ nhà theo luật Can, Chi như trên. Hoặc người có mệnh cung phong thủy hợp với mệnh cung phong thủy chủ nhà, hoặc người có vận niên tốt theo dự đoán của tử vi trọn năm (vận niên các tuổi) xông đất được coi là mang lại nhiều điềm lành cho gia đình trong năm mới. Vì vận khí của bản thân người đó do vận niên từng năm quy định, những ảnh hưởng tốt của họ có thể hóa giải xung sát, xua đuổi tà khí ở những nơi họ đến hoặc cư ngụ. Người đến xông đất nên có lì xì cho chủ nhà và chúc Tết một lúc thì về để chủ nhà có lộc và làm ăn hanh thông, công việc được thuận lợi nhanh chóng. Trường hợp chủ nhà có mệnh cung phong thủy mang lại vượng khí cho gia đình cũng có thể tự xông đất nhà mình.

Ngoài ra trong 3 ngày tết ngày nay, ở các gia đình thì trẻ già gái trai đi chúc tết một mình hay 2 hoặc 3 người thậm chí nhiều hơn nữa ăn mặc rất thanh nhã và đẹp mắt đến ông bà, cha mẹ, chú bác cô dì, cậu mợ, anh chị em, người thân cùng chúc nhau đón mừng năm mới thể hiện với tấm lòng trân tình nhất không câu lệ không e ngại như trước kia. “Mừng tuổi” cho các cụ già, cháu nhỏ phong bao bằng tiền,  không những thế mọi người còn sắm lễ theo lòng thành của mình đến đình Hoa Xá, các chùa trong làng để lễ Thánh, lễ Phật cầu mong cho gia đình, cho bản thân một năm an khanh thịnh vượng.

B -VIỆC HỌ:

trong làng các họ lớn thường tổ chức Tế Tổ vào tháng Giêng.

Ngày xưa: Đến ngày giỗ, tế Tổ các đinh nam đến nhà câu đương (là đinh nam trong họ mỗi năm 1 người đăng cai lần lượt từ cao xuống thấp tuổi thường độ tuổi 50, nhà cửa vợ con đầy đủ) hoặc nhà trưởng họ hoặc nhà thờ họ (là nhà của tổ tiên để lại các đời trưởng kế tiếp nhau trông coi thờ cúng, khi dòng trưởng có biến động không thể trông giữ nhà thờ hoặc phạp tự thì tuỳ theo có thể dòng kế tiếp lên thay thế hoặc thành nhà thờ chung của cả họ và họ cắt cử người đến trông coi từ đường); các họ nhỏ đóng góp gạo tiền đủ một xuất ăn của người đó, họ lớn có ruộng họ (do họ đóng tiền mua hoặc người có khả năng kinh tế cung tiến cho họ); chỉ có đinh nam mới được đi việc họ: trình họ cơi trầu chai rượu gồm (nam mới sinh để chia phần; 50 tuổi mặc áo the  khăn xếp đen; 60 tuổi mặc áo the  khăn xếp đen, 70 tuổi mặc áo the  khăn xếp xanh, 80 tuổi mặc áo the  khăn xếp đỏ, 90 tuổi mặc áo the  khăn xếp đỏ, 100 tuổi mặc áo the  khăn xếp đỏ thêm quần đỏ);  đồ tế gồm hương hoa vàng mã (vàng đại) trầu cau nến oản rượu gà lợn xôi. Tế ở đàn tế hoặc nhà thờ (chủ tế, bồi tế, người 50 tuổi trở lên, quan viên và những người có học); thủ tục tế: kiểm soát lễ vật, rửa tay sửa sang mũ áo, dâng hương, bái hưng, dâng rượu lần 1, đọc trúc văn, dâng rượu 2 lần nữa, thụ lộc, đốt trúc văn, bái hưng; xong về nhà trưởng tộc ăn cơm đoàn kết, mâm 6 người ngồi theo vai vế, các cụ, các ông, bác chú, các cháu, ăn không hết hoặc không đến được thì chia phần mang về nhà.

Ngày nay: các ruộng họ không còn, tham gia việc họ mở rộng cả trai gái dâu rể các thành viên đóng góp, tiền ăn, quỹ công đức, quỹ khuyến học. Nội dung trương trình: ngày hôm trước dựng rạp, treo cờ tổ quốc, cờ họ, trải cờ ngũ sắc từ nhà ra đường, lắp tàn, lọng, chấp kích, bát bửu. Sáng hôm Tế, đoàn ra mộ thắp hương kính cáo thần linh thổ địa vong linh tiên tổ về từ đường để cháu con phụng sự, về nhà thờ, ban tổ chức giới thiệu đại biểu, các thành phần dự lễ, tế lễ nổi trống chiêng, chào cờ tổ quốc, hành lễ gồm: đông xướng, tây xướng, chủ tế, 6 bồi tế (mũ, giầy, quần, áo tế nghiêm chỉnh), thủ tục: nổi trống chiêng, kiểm soát lễ vật, rửa tay sửa sang mũ áo, dâng hương, bái hưng, dâng rượu lần 1, đọc trúc văn, dâng rượu 2 lần nữa, thụ lộc, đốt trúc văn, bái hưng, vái lễ hết. Các đoàn vào dâng hương, đọc lịch sử dòng họ, các đoàn và đại biểu phát biểu, mừng thọ các cụ cao tuổi, khen thưởng các cháu học sinh giỏi ở trường, đỗ và tốp nghiệp đại học, trung cấp, đọc kinh tế công khai quỹ công đức, quỹ khuyến học, ăn cơm đoàn kết, họ về; ban liên lạc, ban khánh tiết họp rút kinh nghiệm.

C -CƯỚI XIN:

Xưa ( qua người làm mối cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, ăn hỏi: để nhận lời thách cưới tuỳ theo yêu cầu của nhà gái; ngày xin cưới, đội mấy mâm lễ gia tiên sang nhà gái để nhà gái gửi lễ ông bà nội ngoại, nhà thờ họ, chia cau mời cưới họ hàng, dân làng, bạn bè, lợn gà gạo tiền để nhà gái làm cỗ cưới. Nên theo lệ nếu ăn cưới ở nhà trai thì dân làng có đồ mừng, còn ăn cưới ở nhà gái thì không phải mừng làm tăng thêm tư tưởng trọng nam kinh nữ nhưng sẽ: “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”; sau 3 ngày cưới mang lễ về lại mặt nhà vợ) sinh con càng nhiều càng tốt “ cha mẹ sinh con, trời sinh cỏ”, đa thê “chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Để có người làm trong gia đình nên hay có tảo hôn, cho con cưới sớm.

Nay (trai, gái tìm hiểu nhau trước nếu đồng ý báo cáo gia đình, ăn hỏi: thảo luận ngày xin cưới mấy mâm lễ 5, 7, 9; ngày xin cưới, tìm ngày tốt giờ tốt nhà trai tổ chức bao nhiêu mâm lễ thì có bấy nhiêu nam thanh niên ăn mặc đẹp, hè áo sơ mi trắng, quần đồng mầu đội lễ thường gồm: cau, rượu, chè, thuốc lá, mứt sen, bánh cốm, bánh phu thê, lợn sữa quay. họ hàng có mặt hai chủ hôn nhà trai, nhà gái phát biểu định ngày đón dâu, lại quả . Nam nữ ra chính quyền địa phương đăng ký kết hôn theo pháp luật (chế độ một vợ, một chồng), đi chụp ảnh cưới. Tổ chức cưới tuỳ theo nhà trai, nhà gái (vì bỏ tục thách cưới) nên họ hàng, làng xóm ai dự ăn ở nhà nào thì tối hôm trước đến uống nước và mừng phong bì tiền ở nhà đấy, bạn bè có thể mừng bằng hiện vật, hoặc vào mâm ăn rồi mừng phong bì, bạn bè đến giúp nhau dựng rạp, làm cỗ ăn trong 2 ngày, hàng xóm cho mượn nhà, sân để khách đông đến ăn cỗ (còn có nhà chật hẹp thì mượn hội trường rộng của các cơ quan đóng trong địa phương bầy cỗ mời khách) ăn xong, chỉ họ hàng, bạn bè thân cận ở lại dự tiệc ngọt đón nhà trai, đưa dâu về nhà chồng. Thường sau 3 ngày cưới vợ chồng về thăm nhà vợ. Thời nay nam nữ đã bình đẳng, tự do hôn nhân, mừng cưới ở nhà gái để cho gia đình bớt gánh nặng kinh tế tổ  khi chức cưới không phải thách cưới như xưa. Sinh con theo luật.

D -MA CHAY:

Khi có người mất (gia đình báo họ hàng bạn bè thân cận, báo chính quyền làm giấy báo tử, lau người mặc quần áo mới đậy mặt, xem giờ tốt khâm liệm (đồ mua ở nhà tang lễ thành phố: vải trắng, tất tay, bài tổ tôm….) được giờ niệm bó người đưa vào quan tài, nếu mất phải giờ xấu cho lá mỏ Quạ vào áo quan, phát tang, gia chủ mặc đồ tang (con trai: áo xô, khăn xô, mũ rơm; con dâu: áo xô, khăn xô; con gái: áo xô, khăn xô; con rể: áo vải, khăn vải) hàng cháu ĐT3 chít khăn trắng, hàng chắt  ĐT4 chít khăn vàng, hàng chút ĐT5 chít khăn đỏ; họ hàng chít khăn trắng, nếu hàng chắt, chút cũng khăn vàng, đỏ), (lệ khăn tang, áo xô: mục đích tỏ rõ cho quan khách biết quan hệ huyết thống của người đó với người đã khuất). Lúc này mới được than khóc, kèn trống, đón khách đến viếng đám ma (khách để đồ lễ: hương, phong bì tiền), thắp hương khấn vái linh cữu, vái gia chủ, gia chủ vái đáp lễ. Quy định viếng để linh cữu qua 1 đêm, đặc biệt mới để 2 hoặc 3 đêm. Làng quy định không đưa đám trong ngày 13, 14, 15 tháng Giêng vào lúc hội làng; giờ chuẩn bị đưa đám (các cụ cao tuổi đã quy y cửa Phật: có các thầy chùa, sư, vãi đọc tụng kinh); đọc điếu văn:  linh cữu trung niên do trưởng thôn đọc, đã 60 tuổi trỏ lên mà vào hội các cụ ở làng do hội người cao tuổi đọc. nếu là cựu chiến binh có tiêu binh 4 người đứng bên linh cữu phủ quốc kỳ; Đưa đám trên đường làng ra nghĩa trang, khi qua Đình làng, Miếu Ông không được đánh trống, thổi kèn. Vào nghĩa trang có đồ cúng kính báo thần linh thổ địa, sau đó hạ huyệt, đắp đất, phủ vòng hoa, đặt bia, thắp hương bái từ. Ở nhà lập ban thờ riêng cúng cơm ngày thứ 3 ra mộ thắp hương, 35 ngày đưa lên chùa, làm cơm 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu đúng 1 năm ngày mất theo âm lịch, giỗ hết 2 năm, 3 năm bốc mộ chuyển xương sang tiểu sành (ngày xưa tìm đất đặt mộ mong đời sau thịnh vượng nhờ âm phần) chôn vĩnh viễn, ở nhà bỏ ban thờ riêng đưa bài vị lên ban thờ chung cùng tổ tiên.

Nay một số trường hợp do người chết ốm bệnh truyền nhiễm, ung thư, bốc mộ không tiêu .v.v.., đưa ra (Hoàn vũ) ở nghĩa trang Văn Điển hoả táng sau lấy tro xương về thờ cúng như trên, và mặc áo tang đen đồng phục và áo xô.

Những nét văn hoá của làng thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục đã từ lâu hoà đồng vào thủ đô Thăng Long – Hà Nội, dẫu thay đổi nhiều theo thời gian vẫn được xem là trang nhã và duyên dáng đặc trưng của người dân thủ đô (bộ áo dài thướt tha mà thanh niên nữ mặc trong ngày cưới, các dịp lễ hội, áo the khăn xếp các cụ ông cũng mặc trong dịp lễ tết long trọng).


Biên tập: Bác sĩ Tưởng Văn Hòa

16-9-2011