Đình thờ Thành hoàng làng là người anh hùng dân tộc Lý Phục Man, một danh tướng có công giúp Lý Bí dựng nước Vạn Xuân hồi thế kỷ VI, ông có công dẹp giặc xâm lược nhà Lương, được thờ chính tại Quán Giá.
Sự tích kể về Thành hoàng làng “Lý Phục Man” là người quê ở làng Cổ Sở (Hoài Đức ngày nay). Lúc còn ít tuổi đã tỏ ra là có tài hơn người, ông cưỡi voi, bắn tên rất giỏi. Vua Lý Nam Đế thấy dũng khí hiên ngang thực xứng đáng bậc đại trượng phu cho theo việc binh hùng lập được nhiều công lớn, phong cho ông làm đại tướng quân, trấn thủ vùng Đỗ Động - Đường Lâm, một thời gian giặc đã phải lui hàng (dẹp giặc Lương), bờ cõi yên ổn, nhân dân vui sướng làm ăn, già trẻ đều được đội ơn đức tính của Người. Gặp khi quân Lâm ấp vào cướp phá vùng Cửu Đức, Lý Phục Man biên thư kiến nghị triều đình, vua bèn sai ông đi dẹp giặc. Người phụng mệnh cùng tướng sỹ đến Cửu Đức đánh tan được giặc Lâm ấp. Nhà Vua khen ngợi nhuệ khí của Người - đúng là bậc hào kiệt ở vùng Sơn Tây và phong cho tướng quân tên là Phục Man, họ là Lý gọi là “Lý Phục Man” - tước hiệu Lý Phục Man có từ đó, và gả công chúa cho rồi thăng chức là Thiếu úy Tham Nghị. Cảm kích công ơn của Ngài, người dân Phượng Cách đã tôn thờ làm đức Thành hoàng làng, qua các triều đại phong kiến được nhiều đạo sắc phong vua ban.
Cổng đình mới được tu sửa lại, tứ phụng nằm trên đỉnh bên dưới là tranh tứ quý, tất cả đều được trang trí sơn mới tạo nên những đường nét sinh động góc cạnh. Trước cổng đình dựng bức tắp môn trang trí rồng phượng vờn mây màu sắc hài hòa, bức tắp môn có ý nghĩa như một vật cản chắn chướng khí tràn thẳng vào đình, hay những ánh mắt phạm thượng nhìn trực diện vào trong đình. Phía ngoài ao sen trong lành ví như điểm tụ thủy tụ phúc cho dân làng - một nét phong thủy quen thuộc của mỗi ngỗi đình Việt.
Thạch trụ dựng giữa sân đình
Một điều khác thường ít đình làng nào có được mà ta tìm thấy khi đến thăm đình Phượng Cách. Đó chính là hai cột đá hình trụ hộp (Thạch trụ) cao hơn 4m dựng giữa sân đình có khắc đôi câu đối:
“Trung Thiên Minh Nhật Nguyệt
Chính Khí Tráng Sơn Hà”
Trên mỗi đỉnh trụ có tượng nghê bằng đá chầu hướng mặt vào nhau, phía dưới cặp câu đối được khắc chữ chìm. Tương truyền hai cột đá được lấy từ núi Mã Yên xưa (một ngọn núi trong vùng, trước bị khai thác đã không còn) đem về dựng làm vật khí, hướng mà hai cột đá nhìn về cũng chính là hướng trông về núi Mã Yên – Nơi gốc tích của chúng. Đây là một nét độc đáo mà ít đình làng ở vùng Bắc bộ có được.
Đình Phượng Cách gồm Hạ điện và Thượng điện, ngoài ra còn có hai dãy nhà Tả vu, Hữu vu năm gian chạy dọc hai bên sân. Hạ điện kết cấu bởi năm gian, cửa bức bàn, được chống đỡ bởi hệ thống gồm 24 chiếc cột gỗ cùng với bộ vì kèo vững chắc, các cột trụ được sơn son vẽ hình rồng vờn mây trên thân tạo cảm giác tráng lệ, uy nghiêm mà không kém phần cổ kính.
Tách giữa Hạ điện và Thượng điện là một khoảng không gian thoáng đãng trong lành nhiều cây xanh, cây cảnh đẹp. Bước lên bậc thềm của gian Thượng điện ta ấn tượng mạnh bởi nét cổ kính của chắn song con tiện, móng đá kè hai bên từ của chính tỏa ra. Mái đình thẳng chạy dài chùm hiên cửa tránh mưa hắt vào bên trong, ngói lợp hình mũi hài đều tăm tắp.
Không gian nối giữa Thượng điện và Hạ điện
Bên trong Thượng điện còn giữ được nhiều đồ thờ quý giá có niên đại lâu đời, bốn bộ kiệu phủ vải đỏ được bảo quản kỹ lưỡng có các đường nét chạm khắc tinh xảo, thanh thoát. Gian chính giữa đặt án thờ, bên trên có ngai thờ - nơi ngự của Thành hoàng làng, bên dưới đôi hạc đứng trên lưng rùa cùng với đôi lục bình gốm xanh càng tăng thêm vẻ lỗng lẫy cho gian thờ. Ngai thờ ngự trên cùng có cửa cánh hoa chạm khắc sinh động, đôi câu đối, bức hoành phi sơn son thiếp vàng nguy nga sang trọng. Theo lời cụ thủ từ trông đình kể lại, Thượng điện xưa là nơi rồng trầu nên khí thiêng, đất thịnh người dân lập đình thờ đã chọn vị trí đắc địa này để làm vượng khí cho dân làng làm ăn sinh sống sau này. Lần tu sửa mới nhất của Thượng điện là vào năm 1959, vì vậy mà vẫn giữ được rất nhiều di vật cổ như các cột trụ gỗ, các mảng điêu khắc, nhất là hình rồng phía trên trần vô cùng sinh động với các đường nét chạm khắc dứt khoát, điêu luyện làm toát lên vẽ dũng mãnh, oai linh của loài rồng, bên cạnh đó còn nhiều mảng điêu khắc khác không kém phần hấp dẫn mang giá trị lịch sử nghệ thuât cao. Ngày thường nhà Thượng điện khóa cửa bảo quản kỹ lưỡng, chỉ mở vào các dịp lễ tết để bao sái đồ thờ.
Hai dãy nhà dải, mỗi bên năm gian là nơi dựng các bia đá của các dòng họ trong làng, tổng cộng có 19 bia đá ghi danh tính những người có công, có đỗ đạt cao của làng. Ngoài ra, mỗi dãy nhà dành riêng ra một gian làm nơi cất giữ hai ông ngựa.
Hội làng Phượng Cách được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, hội lớn được tổ chức 5 năm một lần. Lễ hội là dịp để dân làng tổ chức ăn mừng mùa vụ, cúng tế Thành hoàng làng tưởng nhớ công ơn của ngài và cầu sức khỏe, cầu phước làm ăn buôn bán thuận lợi.
Di tích đình Phượng Cách được xếp hàng Di tích lịch sử quốc gia theo quyết định số 599/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 13/3/1992.