[ Tải bài này về (download) trong format PDF] Đền Bà Kiệu* - Đông Tác giao lưu

Categories

Trang nhà > Hà Nội (Ha Noi City) > Miếu đình (Temples) > Đền Bà Kiệu*

Đền Bà Kiệu*

Thứ Sáu 3, Tháng Chín 2010, bởi NCC

Đền Bà Kiệu ở số nhà 59 đại lộ Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo văn bia ghi lại, đền xưa thuộc huyện Thọ Xương. Đến đầu thế kỷ XX, đền thuộc phố Bờ Hồ (Rue du Lac), toạ lạc theo hướng Nam, đối diện đền Ngọc Sơn.

Đền Bà Kiệu là tên được nhân dân quen gọi, tên chữ vốn là “Thiên Tiên điện” như có ghi trên bức hoành phi bằng chữ Hán. Trước kia còn gọi là đền Huyền Châu. Theo bia “Trùng tu Huyền Châu từ bi ký” viết vào năm 1866 (Tự Đức 19) thì đến Huyền Châu, nguyên thuộc huyện Thọ Xương, xây dựng từ đời Lê Trung hưng. Sách Thăng Long cổ tích khảo và Hà thành linh tích cổ lục cho biết đền Huyền Châu ra đời vào niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1628). Đến cuối đời Cảnh Hưng ông Lê Trọng Sinh cho xây dựng một tam quan. Đền đời Tây Sơn, vị quan Trần Hữu Ứng và vợ là Trần Thị Bảng cung tiến tiền để đúc một quả chuông đồng vào năm 1800 (Cảnh Thịnh thứ 8). Đến năm 1864 có lần trùng tu lớn, gỗ lấy từ núi Nưa, đá lấy từ núi Nhuệ, đều là những nguyên liệu nổi tiếng của Châu Ái. Dấu tích kiến trúc chủ yếu của đền hiện nay là kết quả của đợt sửa chữa dưới thời vua Tự Đức 17 (1864).

Bấm vào các mũi tên để xem ảnh rộng ©2011 Thang Bui

Biển gỗ treo trên hậu cung trong đền viết: “Thiên Tiên điện” và 27 đạo sắc phong thần cúa các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn cho biết đền Bà Kiệu thờ ba vị nữ thần: Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ (Quỳnh Hoa và Quế Hoa). Bà Liễu Hạnh còn có tên tôn kính là bà chúa Liễu, Chúa Sòng Mẫu Nghi thiên hạ, Mẫu Phủ Giày.

Thần phả cho biết: Công chúa Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, vì đánh vỡ chén ngọc nên bị giáng xuống trần, mang tên là Giáng Tiên, lấy chồng là Đào Lang. Hết hạn đầy xuống trần gian bà lại trở về với Ngọc Hoàng. Thỉnh thoảng vẫn quay lại trần gian, mang theo hai tiên nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Họ trú ngụ ở Phố Cát (Thanh Hoá), dạy dân cày cấy.

Công chúa Liễu Hạnh, Bà Chúa Liễu là một trong “tứ bất tử” trong tâm thức tín ngưỡng của nhân dân ta. Bà được phong vào hàng “Đệ nhất Thượng đẳng thần”.

Đền thờ Bà Chúa Liễu, theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt là một di tích tôn giáo, một di tích quý của Thủ đô và cả nước ta.


Cây đa Đền Bà Kiệu

Theo tư liệu văn bia hiện còn cho biết, đền Bà Kiệu là một di tích hoàn chỉnh gồm phần kiến trúc và khuôn viên. Do có sự quy hoạch mở đường hồi đầu thế kỷ này nên đã tách kiến trúc làm hai phần. Tam quan ở sát Hồ Gươm, còn đền thờ ở về bên này đường, toạ lạc theo hướng nam, sát bờ bắc của hồ Hoàn Kiếm.

Tam quan gồm ba gian xây gạch, kiểu tường hồi bít đốc, mái lớp ngói ta. Khu kiến trúc chính của đền có kết cấu hình chữ Công, gồm nhà tiền tế, phương đình và hậu cung.

Nhà đại bái ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, mái nhỏ đều như gợn sóng. Bộ mái gần gũi với kiến trúc của cố đô Huế. Bờ nóc dạng bờ đinh, bên trên gắn hình cá hoá rồng bằng gốm hoặc men xanh đang nhìn vào bình nước thiêng ở giữa.

Bộ khung tiền tế định vị khá vững chắc, có 8 cột trụ, chu vi cột cái là 115 cm, cột quân là 105 cm. Các hàng cột hiện được làm bằng đá trắng, hình hộp chữ nhật mỗi cạnh 25 cm.

Cột đá ở cửa cung có đôi câu đối cho biết thêm về nguồn gốc Bà Chúa Liễu:

Khảm nhất chung anh thiên tượng mẫu
Khôn trùng phối hậu đại trung tiến.

Tạm dịch:

Trời kia xa thẳm, tụ khí anh linh ra người mẹ
Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian, mà lại thành tiên.

Nhà tiền tế có bốn tượng cá chép hoá rồng đặt trên xà và dưới điểm của hai mái sau, trước. Các tường dẹt, được thể hiện khá sinh động, chau chuốt và đem lại hiệu qủa nghệ thuật đáng kể cho kiến trúc đền.


Phần kiến trúc phía nam đền Bà Kiệu thời Pháp thuộc, đằng sau là Tháp Bút và cầu Thê Húc
(ảnh: Võ An Ninh)

Liền sau tiền tế là một kiến trúc nhỏ dựng trên bốn chân cột lớn kiểu phương đình, hai tầng bốn mái. Bốn mái chạm mảng các hoa văn truyền thông phổ biến theo kiến trúc thời Nguyễn.

Hậu cung là nơi toạ lạc của các vị thần được thờ với một nếp nhà ngang xây gạch kiểu tường hồi bít đốc. Các nữ thần được toạ lạc trong một khám thờ lớn, chạm khắc cầu kỳ. Lớp trên gồm 3 pho trong toà Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Thuỷ, Mẫu Địa). Lớp dưới có các tượng công chúa Liễu Hạnh và hai tiên nữ Quỳnh Hoa, Quế Hoa. Ngoài khám thờ này còn có bốn tượng nhỏ (2 tượng cô, 2 tượng cậu). Hai bên có hai khám thờ nhỏ, bên phải đặt tượng chầu Thủ đền, bên trái là Bà Chúa Thượng Ngàn.

Hai gian bên là nơi thờ những vị thần phổ biến trong các đền Mẫu như Ngọc Hoàng, các vị tôn ông. Các pho tượng này có kích thước nhỏ, tạo tác dưới thời Nguyễn (Thế kỷ XIX). Di tích đền Bà Kiệu hiện nay còn giữ được bộ sưu tập văn hoá lịch sử gồm nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau trải dài qua ba triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn.

Các khám, long ngai, hương án, án văn, câu đối, hoành phi… đều được chạm tỉ mỉ với các hình rồng, hoa dây, phượng vũ mang nét chạm thế kỷ XIX. Những đồ thờ này được sơn son thếp vàng lộng lẫy làm tăng vẻ đẹp của di tích. Các bia Cảnh Thịnh 8 (1800), Tự Đức 19 (1866)… cùng 27 đạo sắc phong từ triều Lê, Tây Sơn đến Nguyễn phong thần cho Bà Chúa Liễu và hai vị tiên nữ. Thời Lê có 3 đạo Cảnh Hưng 44 (1783), 3 đạo Chiêu Thống Nguyên niên (1787). Thời Tây Sơn có 3 đạo Quang Trung 5 (1792), 3 đạo Cảnh Thịnh nguyên niên (1793). Triều Nguyễn có các sắc đời Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khấnh và Duy Tân.

Đài tưởng niệm Cảm tử quân Hà Nội ở cạnh đền Bà Kiệu

Đền Bà Kiệu là một trong những ngôi đền Mẫu được dựng sớm nhất ở nước ta. Đền gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá tinh thần của Thăng Long, đặc biệt là đối với thắng cảnh Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Chúa Liễu Hạnh đã mang đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng người Việt từ xa xưa về những vị ‘tứ bất tử” của dân tộc.

Di tích đền Bà Kiệu đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá năm 1994.

Nguồn: Hà Nội Di tích Lịch sử và Danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, Hà Nội 2000

Địa chỉ lân cận

- Đền Ngọc Sơn: đối diện đền Bà Kiệu.
- Đền Bạch Mã ở số 76 phố Hàng Buồm.
- Ô Quan Chưởng ở đầu phố Hàng Chiếu.
- Chùa Cầu Đông ở số 38B phố Hàng Đường.
- Nhà số 48 phố Hàng Ngang, nơi Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập.
- Nhà cổ ở số 87 phố Mã Mây.
- Chợ Đồng Xuân.

Xem online : http://hanoipanorama.blogspot.com/

Trả lời bài này