Sáng 22.8, tại di tích Chăm Phong Lệ, đoàn khảo cổ Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP.Đà Nẵng cùng bộ môn Khảo cổ, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) Hà Nội bất ngờ khai quật được một hố vuông có cạnh dày bằng gạch Chăm, dài 4,25 m, sâu gần 2 m.
Sau khi múc sạch khoảng 30 m khối cát, sỏi xếp xen kẽ từng lớp trong lòng hố, mọi người phát hiện ở giữa đáy hố là dãy đá cuội cùng thạch anh tạo hình bán nguyệt, ở 4 góc và cạnh đáy có 8 hốc lõm hình trụ. Bên trong mỗi hốc xếp 1 viên gạch vuông vức nằm trên 1 viên đá cuội tròn bị cát bao phủ, xung quanh là thạch anh màu hồng nhạt.
Giảng viên Nguyễn Chiều, bộ môn Khảo cổ, Khoa Lịch sử, ĐH KHXHNV Hà Nội cho biết, kỹ thuật xây dựng hệ móng bằng cát, sỏi đầm chặt giúp người Chăm xây đền tháp cao nhưng không bị ngã đổ. Niên đại của di tích Chăm Phong Lệ được xác định xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 10, đầu thế kỷ 11, tương ứng với di tích Chăm Khương Mỹ ở Quảng Nam.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng nhận định căn cứ vào quy mô của nền móng vừa phát lộ có thể đây là dấu tích của một kiến trúc đền tháp Chăm lớn nhất từ trước đến nay. Đây là lần đầu tiên giới khảo cổ Chăm được tiếp cận dưới đáy lòng tháp Chăm với các hiện vật gần như nguyên vẹn.
Nguyễn Tú
>> Phát hiện đền tháp lớn ở di tích Chăm Phong Lệ