Văn miếu Mao Điền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Toàn cảnh Văn Miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền là một trong số ít văn miếu còn tồn tại ở Việt Nam. Nguyên được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa nhưng vào thời nhà Mạc đã được bốn lần tổ chức thi đại khoa. Văn miếu Mao Điền ở tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; hiện tại nằm ngay cạnh đường quốc lộ số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng.

Văn miếu Mao Điền được lập ra để thờ Khổng Tử và các bậc đại nho theo truyền thống của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước Đông Á khác.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Văn Miếu Mao Điền nằm trên quốc lộ số 5, cách thành phố Hải Dương 15 km. Tại miền Bắc Việt Nam Văn Miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Từ giữa thế kỷ thứ XV, với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, quan lại nhà Lê đã cho xây dựng một loạt những trường học (trường quốc lập), trong đó có Văn Miếu Mao Điền thuộc tổng Mao Điền, phủ Bình Giang, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Năm 1948 thực dân Pháp đánh chiếm Mao Điền, biến Văn Miếu thành khu căn cứ chiếm đóng, phá nhà, xây lô cốt, tường rào kẽm gai xung quanh.. Đạn bom và những năm tháng chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Từ một di tích lịch sử có thắng cảnh đẹp, Văn Miếu trở thành một nơi hoang phế.

Trận bão năm 1973 đã đánh sập 5 gian nhà Giải vũ – Tây vu.

Năm 2002 được sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương và các cấp Đảng bộ chính quyền tỉnh Hải Dương đã khởi công xây dựng, tu bổ lại Văn Miếu. Sau hơn hai năm nỗ lực thi công, công trình đã khánh thành.

Đặc điểm[sửa | sửa mã nguồn]

Cổng vào Văn Miếu Mao Điền

Ngay từ khi mới xây dựng, Văn Miếu đã là một công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi. Phần chính gồm hai toà nhà lớn 7 gian, mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng, áp sát vào nhau. Nhà trong thờ Khổng Tử và Mạnh Tử. Nhà ngoài là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng Đông và Tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu. Tiếp đến là hai gác chuông xây cất rất hoành tráng. Phía trước là hai hồ nước trong xanh in bóng cây gạo già hàng trăm năm tuổi. Xung quanh là các loại cây cảnh, cây ăn quả.

Xưa kia Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long nên gọi là xứ Đông. Đây là vùng "đất học" vì thế triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hoá giáo dục của cả nước, tiến hành tổ chức nhiều kỳ thi Hội. Hàng năm đến kỳ thi, sĩ tử ở khắp nơi tề tựu về đây dựng lều chõng kín khắp cả khu cánh đồng Tràn phía trước. Trong số các sĩ tử đó có nhiều người Hải Dương đã tham dự và hiển đạt, như danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trong quá trình tồn tại, Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước.

Tháng 2 âm lịch hàng năm, tỉnh Hải Dương lại mở hội Văn Miếu. Người Hải Dương ở khắp nơi lại tề tựu về dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.

Xếp hạng di tích[sửa | sửa mã nguồn]

Di tích đã được xếp hạng bảo vệ cấp Nhà nước Việt Nam. Nhiều đoàn khách du lịch và học sinh, giáo viên các trường đến đây tham quan, chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, việc tổ chức hiện nay (cho đến đầu năm 2007) chưa thực sự xứng tầm là một điểm tham quan du lịch cấp quốc gia.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]