Chìm nổi mưu sinh trên lòng hồ thuỷ điện Na Hang

08/6/2012 07:17

Gió hầm hập hắt cái nóng bỏng rát lên mặt, con thuyền máy vẫn nổ phành phạch đưa chúng tôi ra giữa lòng hồ thuỷ điện Na Hang (Tuyên Quang)...

Hơn 11 giờ trưa, trời oi bức, xa xa giữa mênh mông nước vẫn thấp thoáng những thân phận người bé li ti quăng chài, ngụp lặn câu cá, bắt tôm để duy trì cuộc sống vốn dĩ chật vật, khó khăn.

"Người nhái" trên hồ

Xây dựng năm 2002, Nhà máy thuỷ điện Na Hang với lòng hồ rộng 8.000 ha mặt nước bao quanh bởi núi non hùng vĩ được coi là "Hạ Long trên cạn" để phát triển du lịch. Không chỉ thế, vùng non nước hữu tình ấy còn là địa bàn mưu sinh của hàng trăm thân phận người cùng chung cảnh bần hàn.

Những mái lều tranh nằm dập dềnh trên mặt hồ thuỷ điện

Con thuyền máy rẽ nước lao một mạch từ đầu hồ đến cuối hồ nơi giáp với địa bàn của huyện Lâm Bình mất hơn một tiếng. Chúng tôi ngỡ ngàng bởi cái cảnh lên bến xuống thuyền tấp nập của những người sống giữa khu rừng nguyên sinh Tát Kẻ-Bản Bung. Người vác ngô, kẻ gánh gạo rộn ràng như đi hội. Những bao tải rễ cây thuốc lấy từ rừng cũng được khuân vác xuống thuyền vận chuyển về xuôi. Nhưng cũng không ít thân phận lặng lẽ, nặng nhọc khua mái chèo rong ruổi khắp mặt hồ kiếm sống.

Trên cái bè ghép bằng những cây bương lớn anh Nguyễn Hữu Toản - người dân vẫn gọi anh là "người nhái" trên lòng hồ thuỷ điện này chốc chốc lại phi thân xuống nước để vớt đó tôm. Hơn hai chục cái đó mỗi ngày thả dưới lòng hồ anh kiếm được nửa kg tôm, một ít tép với mấy lạng cua, thu nhập khoảng sáu bảy chục ngàn đồng một ngày nếu đem ra thị trấn bán cho mấy quán cơm bụi.

Anh Toản nhăn nhó bảo: "Mỗi ngày 70 ngàn đồng, tôi đi thuyền lượt đi lượt về trả 30 ngàn tiền vé còn 40 ngàn đồng mua được dăm lạng thịt với vài gói muối là hết. Kể ra làm cái nghề này không đủ nuôi một cái miệng, huống hồ nhà tôi có hai vợ chồng và 4 đứa con". Trước kia, nhà anh Toản nằm giữa cái lòng hồ bây giờ. Tưởng rằng khi chuyển lên khu tái định cư sẽ có công việc mới nhàn hạ mà có tiền nhưng rồi ra vào luẩn quẩn anh trở lại hồ kiếm kế sinh nhai.

"Người nhái" Nguyễn Hữu Toản mưu sinh bằng những cái đó tôm

Kể ra đã có gần chục năm thả đó tôm, thu nhập còm cõi mỗi ngày nhưng anh không có ý định tìm công việc khác. Anh bảo, muốn có việc phải xuống tận Hà Nội, xa xôi thế thì anh chịu. Còn ở đây hay ra tỉnh cũng khó kiếm được công việc ổn định rồi cứ đi đi về về cũng bằng tội. Ngay cả vợ anh ngày ngày cũng chỉ biết lên rừng lấy cây thuốc, lấy phong lan về bán. Vừa rồi trèo cây bị ngã gãy chân giờ nằm liệt giường điều trị chưa khỏi. Gánh nặng chèo lái 4 con "tàu há mồm" dựa vào anh và hai chục cái đó tôm.

Cũng cùng cái cảnh nghèo mưu sinh bằng nghề tôm cá, năm 2009 sau bao năm tằn tiện ông Phùng Văn Phú ở xã Khau Tinh cũng sắm được cái thuyền gắn động cơ máy. Suốt từ sáng đến chiều trong hơn 3 năm nay, con thuyền máy và người thợ cá già cứ rong ruổi khắp gần 8.000 ha mặt hồ thuỷ điện đánh bắt cá bằng lưới đáy. Thu nhập hàng ngày có khá hơn cái thời còn chèo cái thuyền tôn nhưng xem ra nếu tính chi li thì công xá quá bèo bọt.

"Mỗi ngày con thuyền máy nó ngốn trung bình 5 lít xăng, mất hơn trăm ngàn đồng. Tiền bán cá, tôm ngày cao nhất được 200 ngàn đồng còn trung bình chỉ từ 100 đến 150 ngàn đồng. Như thế, cực nhọc đến mấy cũng chỉ lấy công làm lãi chứ không dành dụm được đồng nào"- ông Phú chia sẻ.

Chơi vơi theo con nước

Đã có nhiều cuộc vận động, thậm chí là xua đuổi nhưng không ít gia đình vẫn "gan lì" bám trụ lại mặt hồ. Cuộc sống trên mặt hồ là đầy rẫy những nguy hiểm bất ngờ xảy ra khi nước dâng, nước rút.  Những cái lều lá có thể chìm ngỉm dưới đáy hồ chỉ trong vòng một đêm mưa. Họ biết nhưng vì hoàn cảnh nên đến chết cũng không chịu di dời. Cán bộ kiểm lâm, cán bộ quản lý lòng hồ nói hết nước hết cái nhưng đâu vẫn vào đấy.

Cái khó là những trường hợp "khó bảo" ấy thường có hoàn cảnh khó khăn không lối thoát. Họ không biết đi đâu, làm gì để mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Đế bảo: "Rừng đóng cửa, bây giờ còn cái hồ này cũng cấm thì chúng tôi chẳng còn đường nào mà đi nữa". Nhưng trên hết vì sự an nguy cho tính mạng nên lực lượng chức năng đã nhiều lần phải dùng biện pháp cưỡng chế để đưa các hộ gia đình dời khỏi mặt hồ.
Nhưng lên bờ một thời gian, sự việc yên ắng nhiều gia đình lại rồng rắn kéo nhau xuống nước dựng lều lán, quây hồ thả cá. Hay chỉ đơn thuần là có chỗ chui ra chui vào để tiện đánh bắt.

Đưa vợ đi khỏi quê hương Ninh Bình rồi định cư ở đây từ năm 1997, anh Trần Văn Hoàng cũng không ít lần bị "trục xuất" khỏi hồ. Đôi vợ chồng với 3 đứa con lít nhít, cuộc sống khốn khó nên có đứa học chưa qua lớp 2 đã nghỉ học ở… lều. Còn những đứa bé khác cũng đứng trước nguy cơ thất học bởi không có tiền đã đành nhưng có đến trường cũng chẳng biết lối nào mà đến.

Sống giữa mênh mông nước, bát ngát rừng đến khi bi bô tập nói lũ trẻ cũng đã biết làm. Công việc kéo đó tôm hoặc vớt củi, vào rừng hái măng đối với những đứa trẻ lớn lên ở đây chẳng có gì là nặng nhọc. Bởi chúng sớm quen với cuộc sống lam lũ, quen với tiếng sóng nước ọc ạch vỗ mạn thuyền, quen với cảnh dập dềnh, đỏng đảnh xuống lên của con nước. Anh Hoàng tâm sự: "Nhiều lần hai vợ chồng cũng định trở về quê nhưng nghĩ ngại. Giờ về quê làm gì có đất đai, có ruộng vườn rồi làm gì để sống. Nhưng cứ bám lại nơi này thì tương lai của con cái mù mịt quá. Rồi chúng lại khổ như vợ chồng tôi".

Cái lều bé tẻo teo lợp phên nứa nằm trên cái bè gỗ lớn ghim cố định sát bờ hồ. Nhưng anh Hoàng kể, vào mùa mưa vợ chồng con cái lại bồng bế nhau lên rừng… ở ẩn. Mưa lớn, nước từ hàng trăm con suối, ngóc ngách trên rừng đổ xuống hồ nhanh đến khủng khiếp. Chỉ một đêm những cái lều tranh vách nứa sẽ không còn nhìn thấy vòm mái, không nhanh chân tất cả sẽ bị nhấn chìm.

Nhưng vào mùa vụ khi nhà máy xả nước để sản xuất thì những cái bè cá lồng lại nằm trơ chểnh. Cá chưa đến kì thu hoạch nằm trong lồng giãy đành đạch vì khô nước. Kế hoạch thoát nghèo làm giàu của những phận người sống trên hồ cứ lao đao, chìm nổi.

Dạo quanh hồ những mái lều tranh nằm rải rác, những con người cứ ngơ ngác như không biết phải làm gì, đi đâu? Anh Nguyễn Văn Thư, Kiểm lâm viên đóng chốt ở phân khu lòng hồ Pắc Tạ thở dài: "Mặc dù được vận động rất nhiều, đôi khi là biện pháp mạnh để cưỡng chế nhưng các gia đình vẫn không chịu từ bỏ cuộc sống dưới hồ. Làm căng với họ đôi khi cũng khó vì nếu lên bờ họ không biết làm gì để mưu sinh. Ngày kiếm vài chục ngàn đồng với hoàn cảnh như thế là quý lắm rồi".

Tối lờ mờ, nhìn xuống lòng hồ ánh đèn cháy bập bùng, leo lét thoát ra từ mái lều tranh. Những chiếc thuyền đánh cá trở vào bờ dọc ngang lộn xộn như những bóng ma trơi. Tiếng trẻ con ríu rít và cả tiếng mái chèo khua dào dạt, lách cách. Cuộc sống của những con người sống cách nhà máy điện chẳng xa mà sao thấy cứ tối tăm.

Đoàn Biên Thùy