Chuyện chép bên dòng
sông Trâu
Phạm Minh Hoàng
Nhà thơ Lưu Tuấn Kiệt, hội viên Hội Văn học- Nghệ
thuật Hưng Yên rất tâm đắc với huyền thoại về con trâu vàng quê
mình. Trong tập truyện và ký "Hương rau khúc" (Nhà xuất
bản Hội nhà văn- 2005) cuả mình, nhà thơ có kể về một ký ức của
ông về dòng sông Ngưu Giang chảy qua trước nhà và mong ước dòng
sông ấy sẽ được đào đắp trở lại thành con sông trên bến dưới thuyền,
mang nước sông Cái vào tưới mát ruộng đồng. Chung một cảm xúc ấy,
tôi cũng lần mò men theo dòng sông trâu vàng...
I- Những huyền tích và thư tịch cổ
Trong "Lĩnh Nam trích quái" có một câu
chuyện về con sông ấy, đó là chuyện "Sự tích con trâu vàng
núi Tiên Du". Truyện kể rằng, ở vùng đầm lầy chân núi Tiên
Du (Bắc Ninh) có con trâu vàng náu mình. Một pháp sư đã dùng gậy
(tích trượng) yểm vào trán trâu. Con trâu đau quá, lồng chạy về
hướng nam, quần nát cả một cùng thuộc huyện Tế Giang, chưa hết,
trâu còn bơi qua sông Cái rồi chạy ngược lên phía Bắc. Vùng trâu
chạy qua hiện vẫn còn mang tên Như Phượng, Như Loan, Đại Lạn, Đa
Ngưu..., đường do vết chân trâu giẫm nay là sông Ngưu Giang (chảy
qua Văn Giang, Khoái Châu của Hưng Yên) hay sông Kim Ngưu (thuộc
Hà Nội), vũng trâu đằm là vùng đầm Đa Ngưu...
Lần theo câu chuyện kể, tôi đã nhiều lần đi dọc theo
con sông Ngưu Giang. Tuy thế, cũng chỉ tìm ra đầu dòng của nó bắt
nguồn từ thôn Bến, xã Phụng Công của nhà thơ Lưu Tuấn Kiệt mà thôi.
ở đó, thì con sông trâu vàng lại có một huyền tích khác. Câu chuyện
được nhà thơ điền dã, khảo tả và gửi nó về cho một đề tài nghiên
cứu văn nghệ dân gian của tỉnh. Từ đó, nó lại được thạc sĩ Vũ Tiến
Kỳ, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tra cứu tư liệu, chỉnh
lý bổ sung mà trở thành câu chuyện về con trâu vàng trong tập sách
"Truyện cổ dân gian Hưng Yên" dày tới 700 trang, mới xuất
bản của ông.
Chuyện kể rằng, ngày xưa vào đầu đời Lý, tại kinh
thành Thăng Long, nhà vua có nuôi một con trâu có bộ lông vàng óng.
Năm sau, trâu mẹ đẻ ra trâu con lông cũng màu vàng như mẹ. Nhà vua
sợ dân chúng bắt nhầm mất con nghé của vua nên cho buộc vào cổ nó
một cái chuông vàng để đánh dấu và phòng khi nghé con đi xa, trâu
mẹ nghe tiếng chuông mà tìm.
Có một lần, con nghé vàng ra sông Cái tắm, rồi bơi
sang bên kia sông ăn cỏ. Ăn no, nó vượt qua đê ở đoạn đầu làng Bến
(xã Phụng Công, huyện Văn Giang ngày nay) rồi lang thang đi vào
cánh đầm lau sậy. Không thấy con, từ bên kia sông phía kinh thành,
trâu mẹ cứ kêu: "Nghé ọ! Nghé ọ! Gọi con lạc cả giọng mà không
thấy nghé vàng về, trâu mẹ chạy bổ ra sông Cái. Bỗng nó nghe thấy
tiếng chuông ở xa lắm. Nó liền bơi qua sông nhằm hướng có tiếng
chuông mà chạy tới. Trâu mẹ chạy mạnh đến nỗi những bước chân của
nó chạy đến đâu đất lún sụt xuống thành một dòng sông. Dân gian
đặt tên là dòng Ngưu Giang. Hai mẹ con trâu vàng gặp nhau rừng rỡ
đằm mình xuống một vũng nước nô đùa, quẫy đạp thoả thích. Chỗ ấy
thành một cái đầm. Dân gian gọi là đầm Đa Ngưu. Về sau, dân các
nơi đến sinh cơ lập nghiệp bên dòng sông thành làng Kim Ngưu, Đa
Ngưu còn đến bây giờ. Để nhớ chuyện trâu vàng của vua về tắm, dân
trong vùng mở một chợ Trâu bên đầm Đa Ngưu. Cũng có thuyết cho rằng:
nghe tiếng chuông vàng ở trang Nhân Dục (nay thuộc phường Hiến Nam,
thị xã Hưng Yên), con trâu mẹ đang tắm ở hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) vùng
chạy về nơi có tiếng chuông. Vệt chân trâu mẹ sau thành dòng Ngưu
Giang.
Đã có lúc, tôi định thử tìm xem đâu là huyền tích
gốc của dòng sông Trâu vàng ấy. Hỏi bà Dương Thị Cẩm, thạc sĩ chuyên
ngành Hán Nôm, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Hưng Yên, thì bà cười
mà nói rằng, thực ra, con sông này lại có một huyền tích nữa đấy,
cứ thử vào trang điện tử chính thức của tỉnh Hưng Yên mà xem. Thú
vị và tò mò, tôi dùng Google tra một lúc, cuối cùng cũng tìm ra
huyền tích này. Đó là câu chuyện na ná những chuyện mà tôi đã biết,
có điều, nó gắn liền với một danh nhân là pháp sư Khổng Minh Không.
Tương truyền, Khổng Minh Không có thời gian tu tại chùa Công Luận
(thị trấn Văn Giang). Nhờ có pháp thuật cao cường, pháp sư đã chữa
khỏi bệnh cho một vị vua nhà Lý.Để trả ơn, nhà vua ban cho ông một
túi đồng về để đúc chuông. Khi chuông đánh lên, con trâu vàng tưởng
là con nó, bèn lồng lên đi tìm. Những vết chân trâu tạo thành dòng
Ngưu Giang, còn nơi nó đầm mình là làng Đa Ngưu.
Ấy thế mà ngay ở làng Đa Ngưu, cũng chẳng có ai biết
về các câu truyện mà tôi đã kể ở trên. Thậm chí, ngay đến cả cái
đầm Đa Ngưu rất danh tiếng trong...truyền thuyết cũng chẳng có ai
biết nó nằm ở đâu trong cả cái xã Tân Tiến này. Hỏi mãi, tôi vẫn
thấy các cụ ở làng Đa Ngưu trả lời rằng, trước đây, ở cạnh làng
Đa Ngưu, trải sang tít lên tận thôn Kim Ngưu phía trên, có một khu
ruộng được gọi là vườn đầm. ậ Vườn dầm, có một cây đa cổ thụ cực
lớn, gốc to đến nỗi phải hai ba mươi người nối tay nhau ôm mới kín.
Tiếc thay, cây đa ấy, trong thời kháng chiến chống thực dân, dân
làng đã phải đốn hạ, lấy gỗ để làm áo quan cho một đơn vị bộ đội
về làng chống càn bị giặc Pháp sát hại. Những cụ già ở đây nói,
cái tên Vườn đầm đã có từ khi các cụ còn thơ ấu, chứ cái đầm thực
sự thì chẳng thấy đâu. Có người phỏng đoán, có lẽ sau 18 năm đê
Phi Liệt vỡ, phù sa đã bồi đắp mất cái đầm ấy rồi. Hiện ở khu vườn
đầm, vẫn còn một con mương nhỏ dẫn nước. Các cụ mà tôi gặp đều đoan
chắc rằng, đây không phải là con mương mới đào, mà nó là "di
sản" từ xa xưa để lại.
Nhưng có một điều vô cùng chắc chắn là, con sông
Ngưu Giang ngày xưa phải là một dòng sông lớn chứ không chỉ bé xíu
như một con mương như bây giờ. Sách "Đại Nam nhất thống chí"
viết: "Sông Kim Ngưu cách huyện Văn Giang 5 dặm về phía đông
nam, nước chảy từ sông Nhị qua bãi Sơn Hô, qua đầm Công Luận, chảy
qua các xã Kim Ngưu và Đa Ngưu, chảy quanh co trong huyện...hạ lưu
từ trước thông với Xích Đằng, nay bị lấp". Còn An Nam chí thì
lại lại nói rằng, sông này có tên là hồ Kim Ngưu, ở địa phận huyện
Tế Giang, ngày trước có con trâu vàng chạy từ châu Vũ Ninh đến đây,
Cao Biền nhà Đường sai người đào, chỗ này bèn biến thành hồ... ở
phía tây của làng Đa Ngưu, ngay cạnh bờ bắc của con sông Ngưu Giang,
hiện có cánh đồng Hàng Bến. Những năm bẩy mươi của thế kỷ 20, nhân
dân làm thuỷ lợi, nạo vét lòng sông, đã tìm thấy cả những chiếc
thuyền gỗ mục nát, những đồ sành sứ. Các cụ cao niên ở đây đều khẳng
định, đó là bến Trâu, và con sông là một thuỷ lộ quan trọng ít nhất
là từ thời sứ quân Lã Tá Đường cát cứ vùng này trong cái loạn 12
sứ quân thuở xa xưa.
Còn trước đấy, có lẽ vùng này cũng khá danh tiếng.
Đó chính là đất của huyện Câu Lậu. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng,
từ thế kỷ VI, Thuỷ tinh chú đã ghi lại truyền thuyết: "Trong
sông của huyện có giống trâu lặn (tiềm ngưu), hình giống trâu, lên
bờ đánh nhau, sừng mềm lại xuống nước, sừng cứng lại lên" cũng
vẫn theo giáo sư Vượng, đây cũng chính là huyện Trâu có bộ lạc Trâu
thờ Trâu làm vật tổ, lấy tên vật tổ (tô- tem) đặt cho tên đất, tên
đầm, tên sông...
II- Và vùng đất mang hình con trâu
Trong tất cả các câu truyện, các truyền thuyết về
dòng sông Ngưu Giang đều nhắc đến làng Đa Ngưu. nhưng dân ở đây
rất ít người biết đến các truyền thuyết áy. các bậc túc nho, những
ông già, bà lão thì lại kể một câu chuyện khác về đất làng mình.
Đó là câu chuyện về thế đất mà làng đang nằm lên nó. Nguyên đó là
thế đất hình con trâu. Chuyện này, hoá ra trong sách cũng nói tới.
Đó là cuốn "Tang Thương ngẫu lục" của Phạm Đình Hổ và
Nguyễn án. Truyện mộ mẹ Đào Khản trong sách kể rằng, đất làng Đa
Ngưu, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Tân Tiến, huyện
Văn Giang, Hưng Yên), nhà phong thuỷ vẫn bảo là kiểu đất đẹp, hình
trâu nằm. Trong tập Địa kiềm của Cao Biền có câu: "Thấy dây
thì dừng, gặp cỏ thì ngừng" chính là chỉ vào đó...
Cụ Nguyễn Văn Dần, người thôn Đa Ngưu lại khẳng định,
thực ra đất làng Đa Ngưu chỉ nằm trên bụng con trâu còn đầu trâu
và đuôi trâu lại là địa phận của hai làng bên cạnh. Cụ Dần còn nói,
sở dĩ nằm trên bụng trâu nên dân làng mới phát về nghề buôn thuốc
bắc, đã có nhiều gia đình làm nghề này và phát đạt, nổi tiếng phú
thương ở những vùng đất khác như Nam Định, Hải Phòng. Đặc biệt,
người làng còn quần tụ nhau tạo thành một phố chuyên nghề thuốc
bắc. Đó chính là phố Phúc Kiến (nay là phố Hải Thượng Lãn ông) của
Hà Nội. Cái lý do phong thuỷ, thế đất chẳng biết hư thực thế nào,
chứ việc làng Đa Ngưu là một làng buôn "danh chấn giang hồ"
xứ Bắc thì chẳng ai phủ nhận được, đến ngay viên Công sứ Băc Ninh
Wintrebert cũng đã nhận xét "Trong huyện Văn Giang có một làng
Đa Ngưu chuyên cung cấp 9 phần 10 thuốc bắc cho các hiệu thuốc ở
Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Bắc Trung kỳ".
Cụ Dần còn cho tôi biết, cũng vì là phần trung tâm
nhất của con trâu, nên bao giờ chợ Trâu cũng nằm trên đất làng.
Chợ Trâu vốn nổi tiếng một vùng, buôn bán nhiều mặt hàng, nhưng
tập trung nhiều nhất là đại gia súc, đặc biệt là trâu, bò. Từ khoảng
bẩy, tám chục năm trước trở lại đây, chợ đã năm, sáu lần di chuyển
địa điểm, khi thì lên Kim Ngưu, khi thì ra Đa Lộc, Hoà Bình (các
thôn trong xã Tân Tiến). Nhưng cuối cùng người ta vẫn tụ tập về
vị trí cổng làng Đa Ngưu. Nghe nói, trước đây chợ rất hoành tráng,
các gian hàng đa phần được làm bằng gỗ lim, chia thành năm, sáu
dãy. Chợ cũ giờ chẳng còn, nhưng nhìn vào ngôi đình trăm cột bằng
gỗ lim cỡ một người ôm của làng (đã được công nhận là di tích lịch
sử văn hoá quốc gia) thì chắc các cụ kể về cái chợ Trâu là đúng.
Đình chỉ làm được khi dân làng bỏ tiền đóng góp, mà rõ ràng là dân
làng sống bằng nghề buôn bán, trước tiên là ở chợ làng, nên chắc
chợ phải đồ sộ lắm.
Tuy hào hứng kể về phòng thuỷ làng mình như thế,
nhưng cụ Dần lại "ngậm tăm" luôn khi tôi hỏi đến địa thế
hai làng ở đầu trâu và đuôi trâu ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
Tôi đành phải lặn lội dò hỏi dân làng Đa Lộc, Đa Phúc bên cạnh.
Hoá ra, theo dân gian đồn đại, thế đất cũng có ảnh hưởng đến dân
hai làng này. Làng Đa Lộc (có lẽ chính là địa danh "Đại Lạn"
trong truyền thuyết về con trâu vàng của Lĩnh Nam trích quái chăng?)
ở vị trí đầu con trâu phong thuỷ, nên đàn ông con trai ở đây tính
tình mạnh mẽ, phóng khoáng và có phần ngông ngạo. Còn ở làng Đa
Phúc thì lại phát về nghề làm bánh đúc, hầu hết những người làm
bánh đúc bán ở chợ Trâu hay các chợ khác trong vùng đều xuất thân
từ làng Đa Phúc. Đó là do làng ở đuôi con trâu!!!?
Dân gian suy luận vậy, chẳng biết thực hư thế nào,
nhưng tôi cho rằng, cũng chẳng đúng lắm. Bởi, có một danh nhân quê
ở Đa Ngưu (ở thế đất "bụng trâu" chứ không phải "đầu
trâu" là làng Đa Lộc) lại nổi tiếng về khí phách hiên ngang.
Đó là nhà cách mạng Phó Đức Chính. Cùng với Nguyễn
Thái Học lãnh đạo Việt Nam quốc dân đảng làm cuộc khởi nghĩa Yên
Bái không thành, ông hào sảng bước lên máy chém với lời nói "Đại
sự không thành, chết là vinh!" và ngạo nghễ ngửa mặt nhìn lưỡi
đao phập xuống cổ mình.
Giờ thì dòng Ngưu Giang chẳng được "trên bến
dưới thuyền" như ngày xưa nữa. Và, trong khu vực châu thổ Bắc
bộ này, cũng có nhiều con sông, nhiều địa danh gắn với huyền tích
về con trâu vàng. Đồng thời, hiện cũng chẳng còn ai tin về những
huyền tích xa xưa. Nhưng với riêng tôi, mỗi khi nhìn dòng sông quê
mình, tôi lại thấy hình như đâu đó, trong bóng nước lặng lờ kia,
con trâu vàng, con trâu nguyên khí của vùng đất nông nghiệp lúa
nước quê tôi, con trâu là đầu cơ nghiệp của người dân quê tôi vẫn
đang mài miết chạy. ở đầu nguồn của dòng sông, thuộc xã Phụng Công
(Văn Giang) giờ đang có một dự án khu đô thị thương mại cao cấp,
chẳng mấy chốc sẽ mọc lên những ngôi nhà cao tầng, những địa điểm
vui chơi giải trí. Chẳng biết rồi người ta có khai thác khía cạnh
văn hoá của dòng sông vào những việc như thế hay không.
Nguồn: vannghesongcuulong.org
|