Trang nhà > Vườn Thiền > Chùa Nành (Pháp Vân Tự)
Pagoda of Nành
Chùa Nành (Pháp Vân Tự)
Pagode Nanh
Chủ Nhật 1, Tháng Sáu 2014
Pháp Vân Tự là ngôi chùa cổ của làng Nành, vốn thờ tượng Pháp Vân nhưng các dấu tích chủ yếu có từ thời nhà Mạc. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hoá quốc gia (năm 1989). Địa chỉ: thôn Phù Ninh, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Toạ độ: 21°04’50"N 105°56’52"E, cách Hồ Gươm chừng 15km về hướng đông-bắc. Có thể đến thăm theo quốc lộ 1A hoặc bằng xe bus số 10b (tuyến Lương Yên–Trung Mầu) xuống ở bến đỗ gần chợ vải Ninh Hiệp.
Lược sử
Chùa Nành xưa kia thuộc tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc; rất gần các địa danh nổi tiếng của Bắc Ninh như đền Gióng, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Luy Lâu. Dân còn gọi là chùa Cả vì 2 chùa khác của làng Ninh Hiệp vừa sinh sau vừa nhỏ hơn: chùa Khánh Ninh xây năm 1664, chùa Đại Bi dựng năm 1673.
Tương truyền chùa Nành lập ra từ thời Lý và xưa kia từng được coi là một trong bốn chùa lớn cùng với chùa Dâu (Thuận Thành), chùa Keo (Gia Lâm), chùa Đậu (Thường Tín). Chùa thờ tượng nữ thần Pháp Vân theo hệ thống tứ pháp Việt Nam, tuy không thấy đề cập trong sách “Cổ Châu Phật Bản Hạnh” lưu ở chùa Dâu.
Nhiều làng cổ ở mạn phía bắc sông Đuống vốn được lập trên những quả gò nổi lên giữa vùng đồng đất phẳng. Gò nổi có âm Hán–Việt là Phù. Tên Nôm của mỗi làng bị Hán hoá đồng thời với Phù, mặt khác cũng biến đổi theo ngôn ngữ dân gian nên cả hai cùng song song tồn tại đến ngày nay như những địa danh kép: Phù Ninh/Nành, Phù Lưu/Giầu, Phù Chẩn/Cháy, Phù Đổng/Gióng, Phù Cầm/Gầm...
Theo bản Phả Ký chùa Đại Thiền (tức chùa Nành), nhân dân thời Tiền Lê đã rước tượng Pháp Vân từ chùa Dâu về thành Đại La để làm lễ cầu đảo. Sau khi trời cho mưa thuận gió hoà, dân rước trả lại chùa Dâu, nhưng đến đó thì không thấy tượng đá đâu nữa. Bỗng trong chùa làng Nành có ánh sáng lạ, thì ra pho tượng đá toả sáng từ trên chạc cây mận lớn ở khu vườn chùa. Dân làng bèn dựng ngôi đền và rước tượng vào thờ, còn cây mận ở vườn chùa được hạ xuống lấy gỗ tạc thành tượng Pháp Vân, từ đó những cuộc cầu đảo ở chùa này rất linh ứng. Huyền thoại này cho thấy bà Nành được đồng hoá với bà Dâu để trở thành Pháp Vân.
Như vậy chùa Nành có nguồn gốc từ rất lâu đời và có thể là một trong những trung tâm của Phật giáo Cổ Pháp. Tuy nhiên, chùa Nành chỉ để lại nhiều dấu tích từ thời nhà Mạc. Vào thời đó chùa được trùng tu lớn, tấm bia “Pháp Vân tự bi” niên hiệu Diên Thành thứ 6 (1583) cho biết: chùa được các hoàng thân nhà Mạc cùng nhân dân Phù Ninh hưng công xây dựng lại với quy mô lớn hơn gồm 3 gian thượng điện và 1 nhà thiêu hương.
Đến thời Lê, Trịnh, ngôi chùa lại được mở mang thêm. Năm 1675, Phú Quận công họ Trạch, người Phù Ninh, đã bỏ tiền xây thêm nhà bái đường và giải vũ hai bên, tạo thành quần thể khép kín theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Tương truyền, nhà thuỷ đình do bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền (vợ vua Lê Cảnh Hưng, mẹ Lê Ngọc Hân) công đức xây dựng vào thế kỷ 18.
Hiện làng Nành vẫn bảo lưu được nhiều nghi thức của lễ hội dân gian truyền thống gắn với tục thờ Pháp Vân. Đó là Hội Đại hay còn gọi là hội nâng phan (mồng 4, 5, 6 tháng 2 âm lịch). Tục nâng phan là một nghi lễ chỉ có ở làng Nành. Cây phan tượng trưng cho bó lúa được nâng lên khỏi miệng hố, thể hiện ước vọng của nhà nông cầu mong sự phồn thực, no đủ....
Năm 1907, một chi hội của Đông kinh nghĩa thục do cụ Cử Huyên đứng đầu được thành lập tại xã Ninh Hiệp, trở thành trung tâm truyền bá tư tưởng yêu nước và canh tân của vùng Bắc Ninh. Từ năm 1942 đến 1945, chùa Nành là cơ sở của các nhà cách mạng Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng... Ngày 21-01-1989 chùa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia.
Kiến trúc
Chùa Nành được xây lại hoàn toàn dưới triều Nguyễn. Kết hợp đền Thần với chùa Phật, nơi đây nhân vật trung tâm là bà Nành đã hoá thành Pháp Vân. Về kiến trúc, thay cho tam quan là toà ngũ môn giống như ở một số ngôi đền lớn của miền Bắc. Cổng ngũ môn 2 tầng kiểu vòm cuốn bằng chất liệu đá xanh được xây muộn vào đầu thế kỷ 20.
Phía trước ngũ môn có một toà thủy đình trên ao nhỏ, thường dùng để biểu diễn rối nước, sau ngũ môn là một sân gạch rất rộng. Thủy đình mới được trùng tu, còn chùa chính và hai nhà giải vũ rộng 7 gian ở hai bên sân lớn thì đến đầu năm 2014 vẫn đang trong tình trạng cũ nát.
Sân trước chùa Nành. Panorama ©2013 NCCong
Mặt chùa nhìn hơi chếch về hướng tây. Chùa chính xây theo lối chữ “Công” với toà thượng điện có nền cao hơn 1m so với các kiến trúc xung quanh. Tiền đường rộng 7 gian 2 chái, thuộc loại hiếm với hai lầu chuông và khánh theo kiểu chồng diêm đăng đối cùng nhìn xuống sân trước. Sát hai bên hồi xây nổi lên 2 góc mái nhỏ, mỗi góc 4 mái, có 4 đao con cong vút toả ra bốn phía. Nằm giữa hai góc mái là đôi rồng chầu nguyệt lớn. Bộ vì làm theo kiểu “thượng cốn, hạ kẻ” cũng là một nét đặc trưng riêng của chùa Nành.
Hai dãy hành lang hai bên sân giữa của khu nhà phía sau được che dưới bóng cây um tùm. Các bộ phận còn lại của kiến trúc mang phong cách muộn, song chắc hẳn trước khi được trùng tu, chùa Nành đã có quy mô rất lớn. Các tài liệu, thư tịch khắc trên bia đá, chuông và khánh đồng cũng như hệ thống tượng pháp đều khẳng định giai đoạn huy hoàng kéo dài suốt từ thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 19.
Vào đầu thời Thiệu Trị, khi làng Nành bị tố giác có mộ mẹ con Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và bàn thờ họ trong dinh Thiết Lâm của bà Chiêu Nghi, triều đình Huế đã sai quật mồ và triệt phá dinh. Có thể lúc này chùa Nành bị vạ lây nên không còn dấu tích gì về kiến trúc cũ.
Lưu ý
Chùa Nành có 116 pho tượng, gồm tượng Phật, tượng Thập điện Diêm vương, tượng Tứ trấn, tượng Hộ pháp, tượng Bát bộ Kim cương, tượng Mẫu, tượng Hậu... Nhiều tượng mang niên đại cuối thế kỷ 17, tiếp đến là những tượng của thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Ở hành lang của chùa còn có 18 vị Tổ truyền đăng mà người Việt thường gọi là Thập Bát La Hán. Đáng lưu ý là hình tượng một vị Tổ được tạc trên hòn đá tự nhiên.
Quả chuông “Pháp Vân tự hồng chung” ghi niên hiệu Thịnh Đức 1 (1653) và mang phong cách thời Mạc với nghệ thuật điêu khắc đặc biệt: quai chuông đúc hình lưỡng long chạy ra, đuôi rồng chầu vào nhau, đầu rồng bò xuống thân chuông. Chuông đúc núm, mỗi núm trang trí các hình hoa cúc, viền chuông trang trí cánh sen cách điệu, vai chuông thon, đáy nở, có thể xếp là một trong không nhiều quả chuông cổ trong các ngôi chùa ở nước ta.
Di tích lân cận
- Chùa Kiến Sơ: làng Gióng, xã Phù Đổng.
- Đền Gióng: làng Gióng, xã Phù Đổng.
- Đình, miếu Công Đình: thôn Công Đình, xã Đình Xuyên.
- Đình, miếu Tế Xuyên: thôn Tế Xuyên, xã Đình Xuyên.
Bản đồ trực tuyến
Đông Tỉnh