Thiên nhiên đã ban tặng cho đầm Đông Hồ (Hà Tiên-Kiên Giang) cảnh quan sinh học đa dạng có tiềm năng phát triển kinh tế. Nhưng tiềm năng thiên phú ấy đang dần bị lãng quên…
Đầm Đông Hồ nằm ở phía Đông thị xã Hà Tiên, là một trong những quần thể danh lam thắng cảnh nổi tiếng được mệnh danh là “Đông Hồ ấn nguyệt” nằm trên địa bàn phường Đông Hồ và một phần phường Tô Châu với diện tích tự nhiên là 1.384ha và diện tích mặt nước 936ha.
Đa dạng sinh học đầm Đông Hồ khá cao, với 21 hòn núi nhỏ nằm rải rác trong vùng đồng bằng ngập nước, 322 loài thực vật như Thiên tuế, Thu hải đường, Điểu bế, Lan bầu rượu, Bạc thau, Giảo cổ lam; 155 loài động vật có xương sống, 114 loài chim, 31 loài thú, 142 loài Phytoplankton, loài cá trác vây đuôi dài, cá tía, cá tráo mắt to, sếu đầu đỏ, cò quăm cánh xanh, Gầm Gì lưng nâu, Cú Muỗi á châu, Chim hút mật họng hồng, Chim sẻ khoang cổ, Vooc bạc Đông Dương, Sóc đồi…, trong đó có nhiều loài chim, thú quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và danh mục Sách đỏ thế giới.
Đông Hồ gắn liền với Hà Tiên thập cảnh của Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích sáng lập. Thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Tiên nhiều danh thắng quyến rũ, văn nhân tài tử về đây thưởng ngoạn: Hòn Phụ Tử, Núi đá dựng, Thạch Động, Mũi Nai… tất cả tạo lên một Hà Tiên quyến rũ, êm đềm và thơ mộng làm say đắm khách du lịch.
Đầm Đông Hồ có giá trị nhiều mặt là vậy, nhưng lại đang đứng trước nguy cơ thay đổi cảnh quan do những tác động của thiên nhiên cũng như bàn tay của con người. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hệ sinh thái thực, động vật có sự thay đổi, có sự thoái hóa dẫn đến diệt vong, nước biển dâng không có thời kì cho thủy triều rút xuống để phơi mặt đất rừng cho hạt cây nẩy mầm làm cho quá trình hình thành rừng tái sinh không diễn ra. Bên cạnh đó, dân cư lấn chiếm diện tích mặt hồ để nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt cộng với việc xả chất thải công nghiệp, sinh hoạt, khu du lịch xuống hồ, mặn hóa do nuôi trồng thủy sản… đã khiến môi trường hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, cảnh quan môi trường bị suy thoái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của đầm.
Quy hoạch, bảo tồn và phát triển đầm Đông Hồ là cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học gắn liền với phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Phát triển hệ thống quy hoạch tổng thể cho đầm Đông Hồ là một phần dự án bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang. Dự án được thực hiện với sự đồng tài trợ của chính phủ Đức và Australia phối hợp với chính phủ Việt Nam thực hiện tại một số tỉnh ĐBSCL trong 5 năm nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và xóa đói giảm nghèo. Tiến sĩ Lê Đức Tấn, GĐ Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ, cho biết: “Đầm Đông Hồ có nét độc đáo riêng mà ít đầm ngập mặt nào có được đó là mùa khô nước mặn, mùa mưa nước ngọt, đầm nằm trong cảnh quan của các quần thể khác nên rất đẹp vào lúc hoàng hôn và buổi sáng cho nên cần phải giữ gìn và tôn tạo nó để đem lại hiệu quả nhất”. “Lợi ích của đầm Đông Hồ là không thể phủ nhận, khi được quy hoạch, bảo tồn sẽ giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ giúp xóa đói giảm nghèo mà vẫn đảm bảo cảnh quan phát triển bền vững” – Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Kiên Giang đánh giá lợi ích của việc quy hoạch, bảo tồn và phát triển đầm Đông Hồ như vậy.
Trương Anh Sáng