.

Thăm đền Quan Lớn Bùng

(Baonghean) - Báo Nghệ An cuối tuần (số 9362, ngày 24/3/2013) có bài viết: “Đoan Quận công Bùi Thế Đạt với địa danh Trường Tiền ở Huế”, đề cập tới sự nghiệp của vị tướng nổi danh và có nhiều công lao bậc nhất nhì triều Lê Trịnh, cũng như khẳng định ông là người Việt Nam thứ hai có tác phẩm nhắc tới địa danh “Bãi cát vàng”, tức hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay. Vừa qua, chúng tôi đã có cuộc điền dã thăm lại quê hương cũng như nơi thờ phụng của nhân vật lịch sử nổi tiếng này…

Quê hương của Đoan Quận công xưa thuộc xã Tiên Lý, huyện Đông Thành. Mảnh đất này có con sông Bùng vốn bắt nguồn từ xã Vân Hội chảy tới thôn Bùng Xá, xã Tiên Lý và dần chảy rộng ra thành sông nên gọi là sông Bùng. Cứ vào mỗi đêm thu trăng sáng, mặt sông phẳng lặng, sóng nước lăn tăn tạo nên cảnh sắc lung linh vô cùng tươi đẹp, trở thành biểu tượng của con người và mảnh đất Bùng Xá. Ta biết rằng, thân phụ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt có tước là Bùng Quận công, đền thờ hai vị đó mang tên đền Quan Lớn Bùng và cây cầu nổi tiếng ở huyện Diễn Châu hiện nay có tên cầu Bùng chính là vì vậy.

Từ thị trấn Diễn Châu đi thêm khoảng 1km, theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi rẽ sang con đường nhỏ vào xóm Trung Yên, xã Diễn Ngọc. Cách Quốc lộ 1A chỉ vài chục mét đã tới tận cổng đền thờ Quan Lớn Bùng. Đoan Quận công vốn là võ tướng có công lao với triều đình Lê Trịnh, nên sau khi ông mất, triều đình tặng phong là “Phúc thần” và ra sắc lệnh xây dựng đền miếu để thờ phụng. Ngôi đền thờ của ông lúc bấy giờ được xếp vào hàng “Quốc tạo, quốc tế” (nhà nước xây dựng và tế lễ).

Đền Quan Lớn Bùng hiện nay nằm ở vị trí khuất sâu trong xóm nhỏ, quy mô lại quá nhỏ hẹp so với tầm vóc của nhân vật được thờ. Đền không có tam quan uy nghi, lộng lẫy hướng chính diện mà hiện nay lối vào đền là một lối nhỏ ngay bên hông, bốn phía xung quanh là nhà và vườn của người dân. Ông Bùi Quang Vinh, Trưởng ban quản lý đền cho biết, trước đây đền Quan Lớn Bùng có quy mô rất lớn với tam quan và ba tòa nhà thượng – trung - hạ điện tọa lạc trên vùng đất thoáng đãng và rộng rãi.

Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, toàn bộ vùng đất này là trường học và kho phục vụ chiến tranh nên ngôi đền lúc đó đã bị tháo dỡ. Năm 1962, sau khi dỡ xong phần khung gỗ, các hiện vật khác đều được chôn sâu xuống đất để tránh sự tác động của ngoại cảnh. Lúc bấy giờ, đất nước đang có chiến tranh, tất cả đều tập trung cho sự nghiệp cứu nước, ngôi đền dần chìm vào quên lãng…



Gian thờ Đoan Quận công.



Tượng quan chầu và voi ngựa thời Lê Trung Hưng tại đền.

Cho tới ngày 28/3/1996, nhân dân địa phương sống xung quanh khu vực đền đã phát hiện ra lưng voi đá của đền, nên đã tiến hành khai quật khu vực này. Sau khi khai quật, địa phương đã chủ trương dựng lán để bảo vệ và dựng tạm gian thờ nhằm từng bước khôi phục lại ngôi đền. Ông Lê Mạnh Cần, Phó ban quản lý đền cho biết: Sau khi ngôi đền phát lộ, nhiều người dân đã biết đến ngôi đền nên số người tới dâng hương tại đền ngày càng đông. Nhân dân địa phương thấy đền còn quá nhỏ bé và sơ sài, đã tự nguyện quyên góp để xây dựng. Tới năm 2001, đền được phục dựng với diện mạo và vị trí như hiện nay. Tuy nhiên, ngôi đền cũng chỉ mới chỉ có một gian thượng điện nhỏ bài trí được 3 án thờ và một số đồ tế khí khác chứ chưa có điều kiện xây dựng trung điện, hạ điện và một số công trình khác. 

Điều đáng tiếc là ngôi đền có lịch sử lâu đời lại là công trình “quốc tế, quốc tạo” nhưng không còn giữ được hệ thống kiến trúc cũ, cũng như các đồ tế khí cổ. Hiện nay, trong khu vực đền còn giữ lại được hàng chục viên đá kê cột với họa tiết hoa văn rất tinh xảo và đẹp mắt. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy di vật gốc có giá trị lớn nhất còn lại chính là 6 bức tượng võ quan đứng chầu đều đúc bằng đá nguyên khối có trang phục và vũ khí đồng nhất với các mẫu tượng thời Lê Trịnh thường thấy tại các khu lăng mộ quý tộc triều Lê ở Thanh Hóa cũng như nhiều di tích cùng niên đại khác trên địa bàn Đồng bằng Bắc bộ.

Cùng với tượng quan hầu, còn có 2 con voi, 2 con ngựa và 2 con chó chầu cũng có phong cách tạo tượng thời Lê trung hưng, y hệt với kiểu tượng voi ngựa tại khu di tích lăng Dinh Hương (tỉnh Bắc Giang), hay khu lăng mộ Thiều Quận công Phạm Duy Dĩnh (tỉnh Thái Bình). Quần thể tượng chầu thời Lê trung hưng là một loại hình thường thấy tại các di tích danh nhân lớn tại miền Bắc, nhưng tại Nghệ An hiện nay, đền Quan Lớn Bùng là di tích duy nhất trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được. Vì vậy, đây là những di sản đặc biệt quý hiếm, cần bảo tồn.

Ngoài ra, ngôi đền hiện còn lưu giữ được hai tấm bia đá khắc dựng vào năm Tự Đức thứ 17 (1864). Trên bia đá có ghi rõ ngày tháng năm sinh, năm mất cũng như các mốc quan trọng trong sự nghiệp võ tướng của Đoan Quận công, bổ sung nhiều chi tiết mà chính sử không đề cập tới. Đây là một tư liệu gốc trong việc tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Đoan Quận công.

Hiện nay khuôn viên đền rất chật hẹp và rất thiếu không gian do bốn phía là nhà và vườn của các hộ dân. Dù những năm gần đây, nhân dân địa phương cũng như các địa bàn lân cận tới thăm đền ngày càng đông nhưng việc hành lễ cũng như tế lễ rất hạn chế. Hơn nữa, Đoan Quận công là một nhân vật lớn được chính sử ghi nhận, nhưng những thông tin về ông còn khá ít ỏi. Ban quản lý đền cũng như đông đảo nhân dân địa phương rất mong các cấp chính quyền công nhận ngôi đền là di tích lịch sử, cũng như đề ra giải pháp để ngôi đền có được khuôn viên rộng rãi hơn và trở thành địa chỉ tâm linh trên mảnh đất Bùng Xá này.


Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh)
;
.