Nỗi niềm vọng cố
hương
Theo anh Nguyễn Tường
Long, hậu duệ của dòng họ Nguyễn (gốc Lý) ở Du Nội cho biết: Đến nay, những
người gốc họ Lý ở nhiều địa phương, ở Hàn Quốc và Mỹ đều hướng về quê tổ. Anh
Long kể cho tôi câu chuyện mà anh nghe được từ các bậc tiền nhân: Sau biến cố
lịch sử bi thảm, có những người trong tôn thất nhà Lý sống sót đều thay họ đổi
tên. Một trong số đó là Lý Quang Bật - hậu duệ đời thứ 4 của Lý Hùng Tích (em
vua Lý Nhân Tông), theo phả hệ của dòng họ Lý, ông là đời thứ 8 kể từ vua Lý
Thái Tổ. Lý Quang Bật có âm mưu chống lại nhà Trần nên bị đày lên Ba Điềm là
vùng lam sơn chướng khí ở Lạng Sơn và phải đổi sang họ Nguyễn. Vài trăm năm sau,
cụ Nguyễn Thiện Tích (đời thứ 15 của Lý Hùng Tích) phiêu dạt về làng Vân Điềm ở
huyện Đông Anh. Ông tìm về đây không phải chỉ là vì kế sinh nhai mà làng Vân
Điềm cách không xa nơi xảy ra cuộc thảm sát đối với tiên tổ xưa. Đau đáu nỗi
niềm vọng cố hương, trải qua 11 đời nữa, cụ Nguyễn Đường từ Vân Điềm đã tìm về
sinh sống tại đúng nơi quê cha đất tổ ở thôn Du Lâm nay là Du Nội (Mai Lâm- Đông
Anh).
Còn theo ông Nguyễn Quốc
Hưng, tộc trưởng tộc họ Nguyễn (gốc Lý) ở Mai Lâm: Trải qua thời gian dài, những
hậu duệ gốc Lý dù xa quê vẫn hướng về quê tổ. Tính đến nay, số hậu duệ nhà Lý đã
kiểm đếm được khoảng hơn 3.000 người, chủ yếu đang sinh sống tại Mỹ và Hàn Quốc.
Riêng tại Việt Nam có khoảng 700 người. Khi tôi về đến Du Nội, nhiều người dân
cũng kể về những người họ Lý đang sinh sống tại Hàn Quốc đã có nhiều cuộc tìm về
quê tổ. Việc xây dựng ngôi chùa Phúc Lâm cũng có sự tâm đức của những hậu duệ
nhà Lý sống xa quê.
Đại đức Thích Thanh
Trung cho biết: Mai Lâm đã được công nhận là hành lang của nhà Lý xưa kia. Chính
vì vậy, một dự án xây dựng lại một chùa Phúc Lâm cổ mang đầy đủ dáng vẻ xưa đã
được triển khai. Dự án này, triển khai giai đoạn I được nhà nước đầu tư hơn 18
tỷ đồng. Trong câu chuyện miên man về ký ức xưa nơi đây có một Hoa Lâm, Bến Ngự
nơi cặp thuyền rồng của vua, Đại đức Thích Thanh Trung kể: "Thầy đã sang Hàn
Quốc, đến một ngôi chùa đi cả tuần bằng ô tô mới thăm hết. Chùa có tới 3.000
tăng ni. Trong chuyến đi ấy, thầy cũng đã gặp nhiều người là con cháu dòng tộc
Lý". Còn theo ông Đặng Văn Tê, trưởng ban Người cao tuổi ở Du Nội, việc xây chùa
Phúc Lâm cũng nhận được sự ủng hộ rất nhiều của những người dòng tộc nhà Lý tại
Hàn Quốc.
Đại đức Thích Thanh
Trung khẳng định: "Cũng là cơ duyên, hôm trước khởi công xây dựng chùa cổ Phúc
Lâm trên nền đất cũ, khi chúng tôi bắt đầu làm lễ cũng là lúc 10 máy bay mang cờ
Tổ quốc, cờ Đảng bay ngang qua. Tiếp theo, 21 tiếng súng đại bác rền vang. Đúng
là thời khắc linh thiêng". Tôi cũng tự cho mình là hữu duyên nên mới gặp được
anh Nguyễn Tường Long, một hậu duệ tộc Nguyễn (gốc Lý) về chùa công đức tấm phả
hệ.
Anh Nguyễn Tường Long
không sống ở quê, nhưng đã mua đất về xây dựng nhà thờ tổ họ Nguyễn (gốc Lý) tại
đất Du Nội. Vào thăm nhà thờ họ, tôi cảm nhận được tấm lòng của người con hướng
về quê hương. Anh Long xây dựng một nếp nhà gỗ mái ngói cổ. Trong nhà, anh sưu
tầm nhiều hiện vật liên quan đến dòng họ Nguyễn (gốc Lý) trước đây. Chân dung cụ
tổ họ Nguyễn (gốc Lý) Nguyễn Tư Giản cũng được anh kỳ công nhờ hoạ sĩ phục chế.
Mỗi khi có việc của dòng họ bao giờ gia đình anh Long cũng về tham gia tổ chức
trọng thể.
Cổ vật ngàn năm
tuổi
Ông Đặng Văn Tê bên
giếng cổ
Tại chùa Phúc Lâm hiện nay còn lưu giữ hai
cổ vật quý đó là cổ giếng và lan can cá sấu đá ngàn năm tuổi. Theo thầy Trung,
đây chính là một minh chứng về thời hưng thịnh của nhà Lý khi xưa. Hai cổ vật
này đã được các nhà khảo cổ thẩm định. Lan can cá sấu đá được nhà chùa gìn giữ
cẩn thận. Nó được kê ngay ngắn và phủ một lớp vải đỏ bảo vệ.
Đại đức Thích Thanh
Trung kể lại: Trong quá trình lấy đất bán cho các nhà máy gạch, người dân trong
làng đã phát hiện một thành bậc tam cấp điêu khắc hình sấu đá. Đoán chừng là
hiện vật quý, người dân trong làng đưa về cất giữ tại chùa Phúc Lâm. Sấu là loài
vật mình thú, đuôi rồng, kết tinh từ trí tưởng tượng dân gian (cũng như long,
lân, phụng). Phần đầu của lan can con sấu đã bị vỡ. Mặt bên trái chỉ còn dấu vết
của hai chân. Mặt bên phải còn khá nguyên vẹn, với những vân mây, mỗi chân có 3
vuốt. Đuôi dài uốn lượn tinh xảo. Lan can hình con sấu được tạc liền khối với bệ
trang trí hoa văn cúc dây hình chữ S. xen kẽ với những bông cúc mãn khai. Con
sấu này được tạc liền khối với bệ trang trí, thân uốn lượn mềm mại.
Bậc tam cấp sấu
đá
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (trường Đại học KHXH&NV)
cho biết: "Toàn bộ thành bậc này mang phong cách nghệ thuật thời Lý và khá giống
với hiện vật đang được đặt tại sân Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và giống với những
mảnh thân rồng trên lan can thành bậc đá thời Lý mới được tìm thấy tại Hoàng
thành. Hiện ở Việt Nam, mới chỉ tìm thấy hai di vật sấu đá thời Lý".
Ông Đặng Văn Tê, chỉ cho
tôi thấy giếng cổ nơi đầu hồi của ngôi chùa Phúc Lâm hiện nay. Ông giải thích
cặn kẽ: "Giếng nước thì người dân mới đào khi xây dựng chùa Phúc Lâm. Nhưng cổ
giếng được làm từ khuôn đá liền khối được người xưa đục thành. Cổ giếng này được
chuyển về từ chùa cổ Phúc Lâm ở ngoài đê trong quá trình cả làng di chuyển vào
bên trong do vỡ đê sạt lở đất".
Chạm tay vào cổ đá mát
lạnh, ta bỗng thấy như trong tâm thức một sợ dây vô hình nối hiện tại và quá
khứ. Càng ngắm nghía, càng cảm phục bàn tay tài hoa người thợ xưa nơi đất kinh
kỳ. Phần cổ giếng được tạo bởi hai khối đá cao 30cm, được khoét rỗng hình tròn ở
giữa, với đường kính 80cm, tạo nên miệng giếng. Miệng giếng tròn xoay toàn bích.
Vết tích biết bao đời người dùng dây kéo nước tạo nên những rãnh đá mòn lõm sâu
hằn lên miệng giếng, có thể đặt vừa cả ngón tay. Giếng đá được xác định có tuổi
trên dưới 800 năm.
Giải thích cặn kẽ những
dấu ấn thời Lý qua những cổ vật còn lại, Đại đức Thích Thanh Trung trầm giọng: "
Nơi chúng ta đang đứng đây là quê ngoại của vua Lý Thái Tổ, lại án ngữ trên
đường từ kinh đô Thăng Long về Đình Bảng nên mảnh đất này gánh trên vai bao
chứng tích thăng trầm của triều Lý." Người tu hành rất ít khi để lộ cảm xúc,
nhưng trước vật xưa, cảnh cũ, nhà sư bỗng bùi ngùi: " Tôi vẫn nghe đâu đây như
còn dấu tích ngự trị nơi vua ngồi câu cá, cùng những phủ đền, hành cung của vua
và các vương tôn nhà Lý, đông đúc xóm thôn, trên bến dưới thuyền. Đây cũng là
nơi các quan đi sứ về đợi vào triều kiến, nơi bá quan văn võ đương triều họp bàn
quyết định các việc trọng yếu của đất nước, vui chơi săn bắn, thao diễn quân
binh".
Âu cũng là duyên nợ, Đại
đức Thích Thanh Trung từ chùa Quán Sứ đã về trụ trì tại chùa Phúc Lâm hơn 10 năm
nay. Nhà sư chỉ mới nghe đến tên chùa Phúc Lâm với ý nghĩa phúc như rừng đã mến
luôn đất và người vùng Hoa Lâm cổ nay là Mai Lâm. Vì đã hiểu đây là hành cung
của nhà Lý, triều đại khởi nghiệp đất Thăng Long nên nhà sư càng mong muốn được
cùng chung sức kiến tạo lại một chùa Phúc Lâm với đầy đủ hạng mục như xưa. Đại
đức Thích Thanh Trung hướng tới một niềm tin, nơi đây sẽ trở thành một khu du
lịch sinh thái tâm linh để đời sau mãi nhớ một vương triều nhà Lý tồn tại lâu
dài và thịnh trị nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam.
VƯƠNG HÀ