Phố xưa-Nghề cũ
Phố Hàng Khoai
QĐND - Chủ nhật, 16/08/2009 | 21:2 GMT+7
Phố Hàng Khoai ngày nay. Ảnh: Internet

Phố dài 360m, đi từ đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Lược. Phần lớn nguyên là đất thôn Huyền Thiên, đoạn phía tây là đất thôn Phủ Từ, tất cả thuộc tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương cũ.

Giữa phố này, số nhà 54 là chùa Huyền Thiên, cũng gọi là đền Huyền Thiên là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, tức “ông Thánh” vốn được thờ ở đền Quan Thánh. Như vậy thì đây chính là một đạo quán (tức nơi thờ cúng của Đạo giáo). Trong chùa có một bức hoành phi chứng minh điều này; bức hoành mang bốn chữ “Huyền Thiên Cổ Quán” (Quán là nơi tu hành của đạo sĩ, khác với chùa là nơi tu hành của tăng ni).

Quán này đúng là cổ, vì hiện nay vẫn còn một tấm bia dựng vào năm Cảnh Tri thứ 6 (năm 1668). Xưa hơn nữa, có Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi cũng đã từng có một bài thơ để vịnh quán này:

Bạch nhật thăng thiên dị

Trí quân Nghiêu Thuấn nan

Trần ai lục thập tải

Hồi thủ quý hoàng quan.

Dịch:

Ban ngày bay lên trời dễ

Đi tìm Nghiêu Thuấn khó khăn

Trần tục sáu mươi năm chẵn

Thẹn thùng đối mặt khách khăn vàng.

(Trần Nguyên Đán thọ 61 tuổi. Hoàng quan: khăn vàng, tức khăn của đạo sĩ. Điều này càng khẳng định tính chất “quán” của di tích). Còn đình của làng Phủ Từ thì nay là 19 Hàng Lược.

Tên phố thời Pháp thuộc là “rue des Tubercules” (phố các củ) tức là dịch thoát tên tiếng Việt “Hàng Khoai”. Nguyên là thời xưa, khi mới có chợ Đồng Xuân (1890) đây là nơi bà con nông dân các làng lân cận và bên sông vì không muốn vào chợ phải chịu thuế nên bày bán các loại củ (khoai lang, khoai sọ, củ từ…). Nhưng trước nữa đây là một vùng hồ đầm, có tên hồ Tay Ngai, trên thông với hồ Mã Cảnh phía bắc (nay là khu vực Nguyễn Trường Tộ, đầu Hàng Than) và dưới thông với hồ Hàng Đào (còn gọi là hồ Thái Cực) ở phía nam. Chùa Huyền Thiên vốn là nằm trên một dải đất ở bên hồ Tay Ngai. Sau chủ thầu chợ kiên quyết bắt các hàng khoai, củ vào ngồi trong chợ, và thành phố cho lấp hồ tạo ra đường phố chạy viền phía bắc của chợ.

Thế là hàng củ bị dồn vào trong chợ, chỗ vốn dành cho hàng rau và hàng hoa. Cho nên gần tết, dân các làng hoa đem sản phẩm xuống bán thoạt đầu ở trong khu chợ này. Sau càng gần tết, hoa càng nhiều, thế là hoa tràn cả ra đường, không chỉ kín đoạn phía đông phố Hàng Khoai mà cả sang đoạn phía tây, để cuối cùng tràn sang Hàng Lược. Chủ thầu chợ cho người đuổi hàng hoa ở phía chợ, thế là hoa chính thức về ngự trị tại Hàng Lược cho tới chiều ba mươi tết, từ đó phát sinh ra chợ hoa Hàng Lược.

Cho đến những năm 1930, đoạn đầu bên số nhà lẻ chỉ có khoảng chục nhà buôn bán nhỏ rồi tới khuôn viên chợ. Bên số chẵn toàn bộ mới là nhà dân chỉ một tầng và là các cửa hàng tạp hóa, duy ở giữa phố có kho của Sở lục lộ, sau này một thời ta dùng làm trụ sở Sở Thủy lợi của thành phố. Vượt qua ngã tư phố Đồng Xuân, từ đây phố Hàng Khoai mới là dãy nhà hai, ba tầng. Trong số này có một gia đình giàu vào hàng nhất nhì thành phố: Nhà Tiến Xương. Ông chủ nhà này là người làng Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) có hàng trăm ngôi nhà ở Hà Nội và là một Mạnh Thường Quân đã tài trợ cho thi sĩ Tản Đà mở lại An Nam Tạp chí. Tòa soạn của báo này ở 80 Hàng Khoai, chính là do cụ Tiến Xương cho mượn.

Nay từ đầu phố đến chùa Huyền Thiên, bên chẵn có nhiều cửa hiệu bán đồ gia dụng, hàng I-nox, hàng vệ sinh… có cả một hiệu thuốc lào Tiên Lãng và một hàng đồ tre, giang, rổ rá. Sở Thủy lợi ở giữa phố thì đã trở thành một chung cư cũ kỹ.

Đi qua chùa Huyền Thiên là một dãy các hàng đồ sứ, đa phần là sứ Trung Quốc, đủ loại đĩa, bát, ấm, chén, âu, liễn…

Còn bên số lẻ thì vẫn là khoảng chục cửa hiệu bán tạp phẩm rồi đến khu giữ xe của chợ Đồng Xuân.

Một điều đáng chú ý là đoạn cuối phố, từ ngã tư Đồng Xuân đến Hàng Lược đường dốc thoai thoải, vì đây là con đường đi xuống bến sông Tô Lịch xưa, trước khi sông này bị lấp vào năm 1886.

NGUYỄN VINH PHÚC

Gõ tiếng việt: Off Telex