VÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI ĐẠI VIỆT QUỐC ĐƯƠNG GIA ĐỆ TỨ ĐẾ SÙNG THIỆN DIÊN LINH THÁP BI CỦA NGUYỄN CÔNG BẬT ĐỜI LÝ THÍCH PHƯỚC ĐẠT I. Dẫn nhập Phật giáo sau một thời gian dài du nhập, đến thời Lý thì đã có đủ thời gian và điều kiện để vươn tới sự hưng thịnh phát triển, đi sâu hòa nhập vào tư tưởng nếp sống và suy nghĩ, lời nói người dân Đại Việt bấy giờ. Phật giáo song hành với dân tộc trong bối cảnh lịch sử đất nước Đại Việt không chỉ độc lập tự chủ trên cương giới lãnh thổ mà còn phát triển, thành tựu trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế nữa. Việc nghiên cứu, tìm hiểu bài Đại Việt đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (Bia Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư nhà Lý đương làm chủ nước Đại Việt) của Thượng thư Nguyễn Công Bật như một bản tổng kết những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa nước nhà dưới triều đại vua Lý Nhân Tông. Bài viết này thực hiện nhằm đóng góp, bổ sung sự hiểu biết về một tác phẩm của tác giả bài văn bia có dấu ấn trong lịch sử - văn học nước nhà ở thời kỳ đầu xây dựng và phát triển nước Đại Việt bấy giờ, hai là có thêm cơ sở tìm hiểu văn học thời Lý - Trần trước một di sản văn hóa cha ông để lại. II. Nội dung tư tưởng bài văn bia 1. Giới thiệu tác giả - tác phẩm Không phải ngẫu nhiên mà sử thần Lê Văn Hưu khi nhận định đạo Phật đời Lý ông đã phát biểu: “Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế mới hai năm, nhà tông chưa xây đàn, xã tắc chưa dựng, đã tạo tác 8 ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa sang các tự quán quốc lộ, độ hơn ngàn người làm tăng…”(1). Còn sử gia Ngô Thời Sĩ thì nhận định: “Vua Lý Thái Tổ thì sinh trưởng nhờ cửa Phật, Khánh Vân nuôi lớn, muốn kiến quốc đã sáng tạo nhiều chùa, cấp điệp độ chúng tăng, muốn đưa cả thế giới vào nước Phật”(2). Xem ra, đạo Phật đã đóng vai trò vô cùng quan trọng như là một sinh mệnh, dùng chánh pháp để đem đạo vào đời, thực thi khát vọng xây dựng cuộc sống thanh bình thịnh vượng cho quê hương xứ sở qua các triều đại Đại Việt bấy giờ. Việc Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật (? - ?) triều đại Lý Nhân Tông (1072-1128) làm bài văn bia Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi bằng chữ Hán (bản dịch của Đỗ Văn Hỷ, Thơ văn Lý - Trần, tập I, Nxb. KHXH, H. 1977) là chuyện tất nhiên chẳng có gì phải nói. Điều đáng lưu tâm ở đây là bài văn bia này thật sự trở thành một tác phẩm không chỉ có giá trị văn học lớn mà còn thể hiện đường lối dựng nước giữ nước của Lý Nhân Tông cùng đại thần, nó hợp với lòng dân và cũng là hợp với đạo lý nhà Phật. Với giọng văn đầy khí hào hùng, âm vang kiêu hãnh lòng tự hào độc lập dân tộc, từ nội dung cho đến hình thức là sự kết hợp hài hòa, bài văn bia nghiễm nhiên đi vào lòng người như hơi thở trong lành đem lại sự khỏe khoắn tươi mát ngọt ngào khiến cho con người thích thú vững tiến đi lên. 2. Nội dung bài văn bia 2.1. Nguồn gốc vạn pháp - Cơ sở lý luận xây dựng phát triển tâm thức con người và vạn vật Dưới triều đại vua Lý Nhân Tông trị vì, đất nước đang ở thời kỳ xây dựng phát triển. Phật giáo đã trở thành quốc giáo, dân chúng cả nước đa phần là Phật tử, năm này tiếp nối năm kia hàng loạt ngôi chùa, tháp được xây dựng như biểu thị thành quả của đất nước trên các lãnh vực chính trị, văn hóa kinh tế… Phật giáo như trở thành hệ tư tưởng được thể chế triều đình tôn kính và áp dụng trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ thành quả đạt được với ý thức tự chủ, độc lập sau một ngàn năm bị phong kiến phương Bắc xâm lược. Tư tưởng “vạn pháp duyên sinh vô ngã” của Phật giáo đã đi vào đời sống hiện thực, nó đã góp phần hóa giải các mâu thuẫn giữa vua chúa với các tầng lớp quý tộc, giữa quý tộc và nhân dân lao động. Tất cả chỉ vì mục đích xây dựng một đời sống hạnh phúc an lạc trong một bối cảnh đất nước Đại Việt trở nên hùng cường, thịnh vượng. Chính vì thế mối quan hệ đất vua - chùa làng - phong cảnh Bụt càng trở nên khăng khít hơn bao giờ hết. Cơ sở lý luận để xây dựng con người và vạn pháp đều dựa vào tư tưởng Phật giáo, hòa nhập tư tưởng dân tộc. Chính Lý Nhân Tông vị vua triều Lý đã đệ trình tâm nguyện của mình với Thiền sư Mãn Giác: “Bậc chí nhân thị hiện, tất lo cứu người, không hạnh nào chẳng đủ, không việc gì chẳng làm, không chỉ có sức định tuệ, mà cũng có công phò tá”(3). Khi vua Lý Nhân Tông phát biểu như vậy, điều đó có nghĩa mọi thành viên của Phật giáo không chỉ đem tài đức ra để phụng đạo mà còn phải nỗ lực đóng góp cho dân tộc trong sự nghiệp phát triển đất nước. Do đó, tất cả các thành tựu của nước Đại Việt bấy giờ đều bắt nguồn từ thành tựu của tấm lòng vì dân vì nước. Đất nước mà hưng thịnh phú cường thì đạo pháp trường tồn vững tiến. Hay nói cách khác tất cả thành tựu trên cuộc đời này đều bắt nguồn từ tâm. Một cái tâm trong sáng, nhu nhuyến, không chấp trước làm hoá hiện tất cả những gì con người và đất nước đang trông đợi trong thời đại của mình. Vì thế, mở đầu bài văn bia, Thượng thư Nguyễn Công Bật đã giới thiệu nguồn gốc vạn pháp chính là: “Cái diệu thể thì huyền tịch, là ánh linh quang không ở trong, không ở ngoài, nhưng là khởi nguyên của năm nguyên tố, còn cái đại dụng thì tràn đầy, là cõi bao la, có hình thù, có thể chất, nhưng lại nằm trong khí thái hư. Nó không có dấu hiệu để suy lường; không có bóng hình tìm kiếm. Nó bao trùm cả trời đất rộng lớn, đâu khá dò xem; nó hòa đồng cả tinh tú huy hoàng, dễ nào tìm xét. Dù cho then máy của tạo hóa chuyển vần, nó nghiễm nhiên tồn tại; dù có xô đẩy cho sự mau chậm của âm dương vận động, thì cái bí yếu vẫn riêng sâu kín. Đó chẳng phải là huyền tịch hay sao?”(4) Như vậy, nguồn gốc vạn pháp chính là “huyền tịch” hay nói khác đi là Tâm. Tâm chính là cơ sở ngọn nguồn của vạn pháp theo đó mà duyên khởi. Trong vạn hữu thực tại đời thường này có cái gì vận hành mà tâm không rọi chiếu. Chân lý cuộc đời không thể nằm ngoài tâm. Lý duyên khởi từng minh chứng: “Cái này có mặt thì cái kia có mặt, cái này sinh thì cái kia sinh; cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt”, cho nên chúng sinh hay Phật Thánh từ nơi tâm duyên khởi mà có mặt giữa cuộc đời, vạn pháp dẫu to lớn như vũ trụ, hay nhỏ như vi trần cát bụi cũng thế thôi ! Thật là: “Rất diệu mà rất tĩnh,
Không dáng cũng không hình. Gượng đặt tên cho nó, Cực nhỏ và cực tinh. Đạm bạc riêng tồn tại, Thuở trước trời đất sinh. Muốn nhuộm đen chẳng được, Đem mài vẫn nguyên lành. Diệu thay cái tâm ấy,Thuần túy và tinh anh”(5). 2.2. Tán dương công đức Phật pháp trong việc xây dựng đời sống hạnh phúc của một nước thanh bình Kinh Phật dạy rằng: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” nghĩa là Phật có mặt giữa cuộc đời này, ngoài thế gian này thì không có Phật pháp. Thế nên, Phật Tổ Như Lai đã hiện thân giữa cuộc đời này. Ngài là một con người, nhưng một con người nhờ công phu tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ. Hay nói khác đi, ngài đã chuyển hóa tâm thức để hiện thân một con người đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, đem giáo pháp mà ngài đã chứng ngộ vào đời để chúng sinh nương đó mà tu tập: “… Do đó người lập nên diệu giáo Bồ đề, để nuôi dưỡng kẻ đói lòng bao thuở; thắp ngọn đèn rực rỡ, soi đêm tối bao năm. Khiến cho cái hồn nhiên của tấm lòng phóng đãng được yên; thói tà vạy của tính mê lầm được định. Cho nên quy y ba giới quy y, muời phương hồi hướng…”(6) là nguyện sống theo tinh thần: “Rộng mở lời thề nguyện,Tu hành đủ lục độ. Tham cứu sâu đạo Thiền,Trí tuệ đuổi hư ngụy. Dựng giáo lý diệu huyền”(7). Đây chính là nếp sống hướng thượng mà Phật giáo hướng đến, nhà Lý muốn vận dụng Chánh pháp để tự thân mỗi người phải tỉnh thức sống đúng đạo lý. Tại đây, từ dân chúng bình thường cho đến vua quan thần dân, nhà nhà đều an trú trong hạnh phúc, phải chăng đây là mô hình lý tưởng mà nhà Lý vươn tới: “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Rõ ràng, công đức này thật tối thượng, thi nhau xây chùa chính là thi nhau sống tốt, sống hạnh phúc an lành: “… Thi nhau xây chùa, cất cao vật báu. Từ xưa đến nay, lưu truyền không mất…”(8) như bài văn bia đã viết. Rõ ràng, Phật giáo giai đoạn này đã chuyển sang thời kỳ Phật giáo thế sự. Giai cấp phong kiến đề nghị nhà sư muốn cứu độ chúng sinh thì phải đầy đủ trí tuệ, đức hạnh và tham gia các công việc cần thiết của quốc gia đại sự. Phật giáo muốn phát triển hưng thịnh trong lòng dân thì nhà nước thật hết sức ủng hộ. Các vua chúa quan lại thời ấy đều đem hết tâm lực, tài lực ủng hộ Phật giáo. Cho nên, các nhà sư cũng hết sức tùy hỷ tham gia làm Phật sự và ủng hộ vương triều trong việc dùng chánh pháp để trị dân. Công đức ấy, các nhà sư cũng không hết lời ca ngợi trong các dịp khánh thành chùa hay bảo tháp như là thể hiện tấm lòng đền đáp Tứ ân. Trong bài Ngưỡng sơn Linh Xứng bi minh, sư Hải Chiếu viết: “Ôi ! Sinh thành và nuôi nấng ta, có bằng vua và cha, cho nên phải kính trọng; dắt dẫn và che chở ta còn gì hơn là phúc huệ, cho nên phải tin theo. Đem phúc to này, chúc vận lớn ấy, nghiệp trời dằng dặc dài lâu; vận nước đời đời thịnh vượng.”(9) Đạo Phật trở thành nền tảng xây dựng vấn đề đạo đức xã hội, duy trì trật tự đời sống nhân dân. Người ta sống đúng chánh pháp, thực hành Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ tức là sống hòa nhập theo quy tắc hiến pháp triều đại. Giáo lý nhân quả nghiệp báo cũng đóng góp thiết thực trong việc chỉnh đốn các ham muốn cá nhân trong vấn đề tư lợi, hưởng thụ trước dòng sống vô thường hay biến đổi. Vì vậy, bất cứ thành phần nào cũng phải lo làm việc công đức ích nước lợi dân. Nhà chùa trở thành nhà trường, nhà sư trở thành nhà giáo dạy kiến thức và lẽ sống cho mọi người. Chính giáo lý Lục độ đã khiến cho Lý Thường Kiệt trong 19 năm trấn trị Thanh Hóa đã áp dụng vào việc hành xử chấp pháp một cách thành công, dân chúng nương đó mà an bình, xã hội nhờ thế mà ổn định kỷ cương, đúng như bài Ngưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh ghi lại: “Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ vậy. Khoan hòa giúp đỡ quần chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên được nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đây cả” (10). Nhờ vậy, lòng dân tin vào chính quyền, có nghĩa là tin vào giáo lý đức Phật. Tại đây con người mới hết lòng phục vụ đất nước, hết lòng phụng đạo. Sự xây chùa dựng tượng tháp thờ Phật nhằm thể hiện tấm lòng vì dân vì nước mà thôi. Trong lúc đó Nho giáo không phải không muốn gây ảnh hưởng của mình vào lòng dân chúng. Tuy nhiên lý thuyết Nho giáo hầu như chỉ bảo vệ quyền lợi giai cấp quý tộc vua quan trong xã hội phong kiến, nó không đủ cơ sở để lý giải các mâu thuẫn nội tại giữa tầng lớp quý tộc với nhau, trên hết là mâu thuẫn đối kháng mạnh mẽ giữa quần chúng nhân dân và chính quyền phong kiến. Lực lượng làm cho trên dưới đồng lòng, tương thân tương ái đúng với truyền thống và đạo lý tư tưởng người Việt Nam bấy giờ chỉ có là Phật giáo. Lý Nhân Tông cũng đã thừa nhận vai trò Phật giáo không chỉ sáng lập ra triều đại nhà Lý mà muôn đời là lực lượng nòng cốt bao trùm làm kết dính tổng hợp sức mạnh toàn dân trong việc giữ nước và dựng nước: “Vạn Hạnh dung tam tế,
Chân phù cổ sấm thi. Hương quan danh Cổ Pháp, Trụ tích chấn vương kỳ”. (Vạn Hạnh thông ba cõi, Lời ông nghiệm sấm thi. Quê hương làng Cổ Pháp, Chống gậy trấn kinh kỳ)(11). Và như thế Phật giáo đã cùng dân tộc sát cánh bên nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành quả đất nước đạt được. Cả hai cùng mục đích thiết thực xây dựng đời sống người dân Đại Việt trở nên an lạc hạnh phúc trong bối cảnh đất nước thanh bình, đúng như tinh thần bài thơ sư Không Lộ cảm hứng dưới triều Lý: “Vạn lý thanh giang vạn lý thiên, Nhất thôn tang gia, nhất thôn yên. Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán,
Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền". (Trời xanh nước biếc muôn trùng, Một thôn sương khói, một vùng dâu đay. Ông chài ngủ tít ai lay, Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền)(12). 2.3. Vai trò và công hạnh của Lý Nhân Tông đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt: Tiếp nối truyền thống buổi đầu khai mở triều đại nhà Lý, lấy quần chúng Phật giáo là gốc xây dựng đất nước thịnh vượng của cha ông đứng đầu là Lý Thái Tổ, sự có mặt Lý Nhân Tông để đứng ngôi vị của cả thần dân hẳn là sự kiện lịch sử tất yếu. Đó là con người - một nhân vật lịch sử biểu tượng sự kết tinh mọi sự thành tựu của cả dân tộc. Ở đó, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là sự hiện thân của một con người đầy tính giác ngộ, cho nên trong bài văn bia Nguyễn Công Bật, đại diện Thần dân đã hết lòng ca ngợi: “Kính nghĩ đức Hoàng đế bệ hạ, bậc Thánh hiền thể đạo, Thánh văn thần võ, anh cách dân vật, vạn linh chiếu ứng, vĩnh long nguyên hóa, thông minh quảng vận, nhân trí ý nghĩa, thần thánh minh hiếu của triều Lý, là do đất trời chung đúc, nhật nguyệt kết tinh.”(13). Ngài lên ngôi trị vì đó là ý nguyện của toàn dân, sự đẹp đẽ toàn bích của ngài chính là sự uy nghi của cả dân tộc, không phải tự nhiên mà đạt được mà chính là “sự anh minh của nghìn đời; vượt lên vẻ kỳ thú của trăm chúa”. Hẳn nhiên, Thượng thư Công Bật thật tự hào về vị vua anh minh của mình như thế nào mới viết được như thế. Điều đáng nói ở đây là vua Lý Nhân Tông là một ông vua anh quân, đã có công lãnh đạo và xây dựng một quốc gia Đại Việt trở nên hưng thịnh, phú cường. Đọc lại Đại Việt sử ký toàn thư chúng ta sẽ rõ về con người ông: “Húy Càn Đức, con trưởng của Thánh Tông, mẹ đẻ là Thái hậu Linh Nhân, sinh vua ngày 25 tháng giêng năm Bính Ngọ, Long Chương Thiên Tự thứ 1 (1066), ngày hôm sau lập hoàng thái tử. Thánh Tông băng, vua lên ngôi hoàng đế, ở ngôi 56 năm (1072 - 1127), thọ 63 tuổi (1066 - 1127), băng ở điện Vĩnh Quang. Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu dân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi triều Lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều luỵ cho đức tốt.”(14) Thư tịch ghi lại như thế cũng đủ minh chứng ông là vị vua lãnh đạo cả dân tộc Đại Việt không chỉ phú cường và thịnh vượng ở trong nước mà còn có chính sách đối ngoại với các nước lân bang trong tinh thần tự chủ độc lập, không khuất phục bất cứ thế lực nào. Ông chủ trương duy trì chính trị hòa hợp, hòa bình trên tinh thần hai bên đồng có lợi khiến nước lớn cả nể, nước nhỏ tâm phục. Thế nên, Thơ văn Lý - Trần, tập I, đã tổng kết công hạnh của ông trong việc xây dựng phát triển nước Đại Việt như sau: “Được các bề tôi giỏi hết lòng giúp đỡ, và nhân dân ủng hộ, triều đại của ông đã có những chiến công lừng lẫy, mấy lần đánh Nam dẹp Bắc thắng lợi, đập tan âm mưu xâm lược nhà Tống. Về nội trị, vua rất quan tâm đến công việc nhà nông, thường đi xem dân gặt hái, xuống chiếu cấm trâu… Đặc biệt mở khoa thi tam trường, lập Quốc tử giám, tổ chức thi để chọn văn thần… có thể nói ông đã đặt nền móng cho sự phát triển chính quy của Nho giáo Việt Nam, đồng thời cũng đóng góp vào việc xây dựng văn hóa nước nhà”(15). Cho nên, sự nghiệp xây dựng và giữ nước của dân tộc Đại Việt trong triều đại nhà Lý bao giờ cũng gắn với sự nghiệp cuộc đời ông. Việc xây chùa dựng tháp là dịp tổng kết các thành tựu đất nước đạt được để hậu thế noi theo, hẳn nhiên công đức của ông phải được thần dân ngưỡng vọng kính đề vào văn bia tán thán: “Trên vừa yên trị trong nước; dưới giúp đỡ lân bang…, nhân dân hòa hợp; trăm họ yên vui. Mùa xuân vào lệ, dâng kính ngọc ngà; mùa thu vào chầu, noi theo chức tước. Họp các nước chư hầu mà yến thưởng... Làm chân chủ của trời đất; xét huyền cơ của tạo hóa. Vận trí biến thông; hiển mưu đầy khắp… Hợp với sự thanh bình của bốn biển; hòa cùng sự êm ấm muôn dân…”(16). Tại đây, không một người dân Việt Nam mà không tự hào về một minh quân lãnh đạo đất nước tài đức như thế. Nhờ vậy, cuộc sống người dân được sống trong bầu không khí an vui hạnh phúc, ở một thời đại “rộng mở và dân chủ”, “hào mại mà dũng liệt”(17). Lại nữa, tài trí đức hạnh của vua Lý Nhân Tông: “Tinh thông tới chỗ yếu huyền; pháp thuật ngoại quyền, thâu tóm toàn ý chỉ. Đúc lời đẹp như đá vàng, sáng lòa tinh đẩu…”(18) cũng đủ minh chứng ông đủ tài năng lãnh đạo dân chúng vững bước tiến lên sánh vai với các đế vương lân bang. Bằng các lễ hội văn hóa nhân các đại lễ, hay dịp trung thu trăng tròn vua dân mở cõi lòng, đồng tâm hát khúc nhạc lòng khải hoàn ca Phật, Thánh, Tiên, Người là một, có gì hạnh phúc hơn bằng, cõi Phật tại quê nhà đâu cần phải tìm đâu xa. Trong niềm an lạc thịnh vượng vô biên, Đại Việt trở nên oai hùng, đón chào tất cả bè bạn lân bang trong không khí lễ hội: “… Kẻ trổ oai trong chốc lác, người đón rước lúc bấy giờ. Lân quốc mến nên dắt già bế trẻ; chư hầu về mà vượt lũy băng tường. Chăm chú đón xem; chờ mong được thấy. Khắp chốn trang hoàng gấm vóc; hằng năm vui vẻ ba ngày. Đưa mọi người lên cõi hồ thiên; đặt quần chúng vào nơi lạc quốc…”(19). Quả thật, Phật giáo đã đồng hành với dân tộc, lúc thịnh vượng cũng như suy vong. Lúc nào triều đại hợp lòng dân, hợp Phật tâm, là lúc đó đất nước thịnh trị. Sự xây dựng chùa chiền, tháp bảo thực chất là xây dựng môi trường nếp sống đạo đức dân tộc, nếp sống hướng thượng nhà Phật. Về sau Nho sĩ đời Trần là Lê Quát cũng đành lòng thừa nhận: “Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế?. Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dầu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoản ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên, trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẽm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin, chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư, đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà rất được tôn sùng”(20). 2.4. Đời sống văn hóa nước Đại Việt Trong xu hướng thịnh vượng như thế, đời sống văn hóa nước Đại Việt phát triển rực rỡ từ văn hóa vật chất cho đến phi vật chất. Những lễ hội văn hóa dân tộc mang âm hưởng màu sắc Phật giáo thường xuyên được tổ chức dưới sự bảo trợ của chính quyền nhà Lý. Lễ hội là một dịp để dân chúng nước Đại Việt tiếp xúc và thông cảm hòa hợp các thành phần trong xã hội, trên hết là biểu đạt tinh thần đoàn kết toàn dân, biểu trưng sức mạnh cả dân tộc đối với các nước lân bang nữa. Điều đó cũng chứng tỏ Phật giáo không chỉ tham gia vai trò cố vấn chính trị mà còn tham gia phò tá đóng góp công sức trên các lĩnh vực khác của đời sống dân chúng Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư, cũng ghi nhận có 4 lần vua Lý Nhân Tông tổ chức lễ hội, trong đó có lần xuống chiếu cho cho sứ thần của Chiêm Thành xem. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh diễn tả lễ hội này thật hoành tráng, cực kỳ công phu để lại dấu ấn lớn trong lòng dân Đại Việt. Đó là lễ hội đèn Quảng Chiếu, nó còn biểu dương sức mạnh cả dân tộc đang vươn mình lớn dậy, bước sang thời kỳ hoàng kim, thắp sáng hàng nghìn ngọn đèn như tỏ ý kinh thành Thăng Long từ đây chấm dứt đêm dài tăm tối thời trung cổ. Nó cũng minh chứng tinh thần và sức sống Đại Việt: “Khuynh thiên hạ chi ung hòa, dạ vi trú thưởng”, nghĩa là “dốc lòng hòa vui thiên hạ thì đêm mới trở thành ngày” như tinh thần văn bia đề cập. Đặc biệt, kiến trúc Phật giáo nhà Lý nghiễm nhiên trở thành biểu tượng quốc gia. Nó là sự tôn vinh của cả một nền văn hóa cả dân tộc bấy giờ. Đằng sau các biểu tượng nó cũng minh chứng cả chủ trương thái độ sống của người dân Đại Việt bấy giờ là đoàn kết, hòa hợp, độc lập, tự chủ, thanh bình, nói như nhà Phật thường biểu đạt: “Tâm bình là thế giới bình”. Ngôi chùa mái cong hiền hòa tọa lạc trong làng xã, bảo tháp uy nghi cho con người nghiêng mình đảnh lễ, một hoa sen thanh thoát để cõi lòng hướng thiện… Tất cả chỉ nói lên một điều là chừng nào con người còn khát vọng dập tắt khổ đau thì chừng đó con người cần vươn tới chân hạnh phúc. Việc vua Lý Nhân Tông xây chùa dựng tượng đúc chuông, thiết lập bảo tháp Sùng Thiên Diên Linh chỉ là thực thi công cuộc mở mang phát triển đất nước mà thôi: “Rộng vận thần công; cả suy thánh đoán. Sửa sang thắng sự; chăm tới lương duyên. Dựng đài cao quảng chiếu; hướng sân trước đoan môn. Trong nêu một cột; ngoài đặt bảy tầng. Uốn hình cung nâng đỡ sen vàng; máy lồng nhiễu che cho ngọn nến. Dấu cơ vi ở dưới đất như bánh xe xoay chuyển; rực sáng giữa bầu trời....”. “Lại có đài cao thất bảo, xếp thành một dãy, chính giữa có ngọn núi vàng. Đặt tượng đẹp Đa Bảo Như Lai, bày chân hình xe pháp mấy tầng... Thứ đến hai tòa bạch ngân; bên tả đặt chân dung tượng A Di Đà; phía hữu để xá lợi của sắc thân màu nhiệm. Chiều cao mở ra thế khỏe; vẻ đẹp phô rõ mái cong. Long lanh ngỡ tuyết trắng đang tan; rực rỡ ắt trăng thu vằng vặc. Thứ nữa có hai tòa điểu văn; bên tả đặt thân mẫu Quảng Bác, phía hữu đặt diệu tướng Bồ Đề…” “Tôn sùng đạo Phật; hâm mộ thắng nhân, mở chùa Diên Hựu ở tại vườn tây. Dấu vết theo quy mô thuở trước; lo toan Thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh Chủ, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đóa sen nghìn cánh sen xòe ra. Trên hoa dựng một ngôi đền đỏ sẫm; trong đền đặt pho tượng sắc vàng...”(21). Những công trình kiến trúc đời Lý kiến thiết được đã chứng minh sự thành tựu đỉnh cao kiến trúc Phật giáo nhà Lý. Thông qua việc kiến trúc chùa tháp, sự thiết kế chương trình lễ hội, nhà Lý còn muốn chứng minh thành tựu về ngành khoa học kỹ thuật của chúng ta vẫn theo kịp các nước lân bang. Bằng chứng, trong lễ hội, người dân Đại Việt có thể chế tạo các máy móc điều khiển phục vụ lễ hội như máy ngầm, sư bằng gỗ có thể đánh chuông vào những lúc mình muốn. Các thành tựu này cũng có thể ứng dụng vào quốc phòng để sẵn sàng đối phó với tất cả kẻ thù nào dòm ngó Đại Việt. Đây là một dịp, chúng ta ngầm biểu dương sức mạnh tiềm ẩn quốc phòng mà các nhà quân sự ngày này thường làm. Trước sự thăng hoa trù phú trong hào khí vươn lên, vua Lý Nhân Tông hạ chỉ xây chùa ở núi Long Đội, mà văn bia đề cập: “Xây ba mươi tầng chọc trời, mở bốn mươi hóng gió. Vách chạm rồng ổ; xa treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng xá lợi, toả tường quang cho đời thịnh sau nay; đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm, hứng móc ngọc dưới bầu trời tạnh ráo. Tầng dưới chia tám tướng khôi ngô; đứng hộ vệ thần dân cầm kiếm…, cho nên nhà vua đặt tháp ấy là Sùng Thiện Diên Linh.”(22) Sự đồ sộ uy dũng, cũng như các chi tiết mềm mại nhu nhuyến đều được thể hiện trong kiến trúc chùa tháp như là tính cách con người Việt Nam. Suy cho cùng, mục đích tối thượng mà triều đại nhà Lý khát vọng thiết lập trong tâm thức mỗi người Việt Nam là luôn giữ vững ý thức tự chủ độc lập đất nước trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Tại đây, chúng ta một lần nữa thấy rõ quan điểm của vua Lý Nhân Tông khá rõ là vấn đề xây chùa dựng tháp là việc làm vô cùng quan trọng, nó biểu thị sức mạnh đoàn kết toàn dân, khai phóng trí tuệ đời sống văn hóa Đại Việt. Trong 50 năm cầm quyền, theo các tài liệu sử ghi lại, ông đã hơn 18 lần làm chùa và tổ chức lễ hội. Cứ mỗi lần xây xong, toàn dân tự nguyện cùng nhà nước tổ chức lễ lạc khánh thành, dân chúng an vui vì có thêm một trung tâm văn hóa giáo dục đào tạo ra mẫu người yêu nước thương dân, giàu lòng phụng đạo hơn bao giờ hết. Trên hết, chùa là cơ sở để toàn dân trấn giữ Đế đô vương triều, là bảo vệ chủ quyền dân tộc như các nhà lãnh đạo phong kiến nước ta từng làm mà Phạm Sư Mạnh đã từng ca ngợi trong văn bia tháp Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long: "Trấn áp đông tây cũng đế đô, Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy. Sơn hà bất động kinh thiên trụ,
Kim cổ nam ma lập địa chùy”. (Trấn áp đông tây giữ đế đô, Ngang nhiên ngọn tháp vút lên nhô. Non sông giữ vững chãi tay trời chống, Nạp xửa khôn tiêu đất cắm vồ)(23). Vì thế, người dân ai ai cũng hưởng trọn phúc lành nhiệm mầu từ chất liệu từ bi hỷ xả nhờ có sự thấm nhuần giáo lý nhà Phật từ các ngôi chùa họ đã sống, đã gần gũi. Chùa là nơi mà ai cũng có thể đến đó học tập, sinh hoạt, cầu nguyện, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau tham gia đóng góp các việc công ích, dù người đó là vương thân quốc thích, quan lại hay nhân dân lao động nghèo khổ: “Hương trầm khói tỏa quanh
Gấm vóc khoe xuân sắc Phúc lành khắp chúng sinh Gông cùm và tù ngục Phá bỏ, đời thanh bình”(24). Đúng như lời nhận định của nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ: “Chùa tháp thời Lý là kiến trúc Phật giáo sớm nhất hiện còn dấu tích trên mặt đất và thư tịch. Nó khẳng định một giá trị nghệ thuật dân tộc đặc sắc Phật giáo Việt Nam và của thời đại, xứng đáng mở đầu văn minh Đại Việt và bằng sức lao động sáng tạo của cả dân tộc có trình độ thẩm mỹ cao”(25). Đây cũng chính là biểu tượng thể hiện sinh động nhất của đời sống văn hóa nước Đại Việt bấy giờ. Cuối cùng, chúng tôi muốn nói dưới triều Lý Nhân Tông, Phật giáo và dân tộc là một thể thống nhất bất khả phân ly. Nó đáp ứng nhu cầu sách lược mà vua Lý Nhân Tông vạch ra đáp ứng nhu cầu lịch sử của đất nước trong thời đại, đó là xây dựng và phát triển nước Đại Việt hùng cường tự chủ độc lập trên mọi lãnh vực. Ở đó mọi người dân nước Việt được trang bị vừa có tấm lòng đầy đủ giới đức, tâm đức, huệ đức của nhà Phật đồng thời họ chính là những người có công phò tá dân tộc, quốc gia, xã hội. III. Kết luận Tiếp nhận một tác phẩm văn học có giá trị là tiếp nhận một thông điệp mang lại sự chuyển hóa tâm thức con người trong sự vận hành với xu hướng đi lên tất yếu của lịch sử. Tính thẩm mỹ của tư tưởng thường góp phần cho con người nhận ra chân lý cuộc đời. Nó sẽ hóa hiện ra giữa cuộc đời cho những ai biết thực thi bằng cả tấm lòng hướng thượng. Bài văn bia Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi mà Thượng thư Nguyễn Công Bật trước tác bằng chữ Hán cho đến tận bây giờ không chỉ là bài ca hào khí dân tộc một thời an thịnh mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển đất nước thời đại ngày nay. Mọi giá trị trong cuộc đời này có mặt khi giá trị tâm thức con người hiện hữu. Phật giáo xây dựng con người bắt nguồn từ việc xây dựng tâm thức con người. Một tâm thức trong sáng, một trí tuệ cao cả, một tấm lòng biết yêu thương thì lo gì con người đó không an bình thăng tiến, nhà nhà thịnh vượng, xã hội hạnh phúc bền vững. Nhà Lý ngự trị hơn 200 năm (1010 - 1225) trong lịch sử nước nhà, thiết nghĩ là nhờ vậy. Chú thích: (1) Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Bd Viện KHXH, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.242. (2) Ngô Thời Sĩ: Việt sử tiêu án; Bd của Hội Việt Nam nghiên cứu liên lạc văn hóa Á Châu, Sài gòn 1960. (3) Dẫn theo Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2002, tr.278. (4) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập I, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.402. (5) Viện Văn học, Sđd, tr.410. (6) Viện Văn học, Sđd, tr.402 (7) Viện Văn học, Sđd, tr.410. (8) Viện Văn học, Sđd, tr.403. (9) Viện Văn học, Sđd, tr.363. (10) Viện Văn học, Sđd, tr.362. (11) Viện Văn học, Sđd, 432 -433. (12) Viện Văn học, Sđd,, tr.386. (13) Viện Văn học, Sđd, tr.403. (14) Ngô Sĩ Liên, Sđd, tr.276. (15) Viện Văn học, Sđd, tr.432. (16) Viện Văn học, Sđd, tr.405. (17) Chữ dùng của Giáo sư Đặng Thai Mai trong Mấy điều tâm đắc về một thời đại Văn học và của Nguyễn Công Lý trong Văn học Phật giáo Lý Trần: diện mạo và đặc điểm. (18) Viện Văn học, Sđd, tr.403. (19) Sđd, tr.404. (20) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Bd Viện KHXH, Nxb. H. 1998. (21) Viện Văn học, tr.404-405. (22) Viện Văn học, Sđd, tr.407. (23) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập III, Nxb. KHXH, H. 1978, tr.116. (24) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần tập, tập I, Nxb. Hà Nội, 1978, tr.411. (25) Chu Quang Trứ: Ngôi chùa kiến trúc đời Lý, dẫn theo Tập văn Thành đạo, PL 2532, tr.50./. Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.203-220)
|