NGHEANDOST - CHUYÊN SAN KHXH&NV NGHỆ AN, SỐ 12/2013
Cần tìm hiểu kỹ hơn về một nhân vật lịch sử xứ Nghệ
Ngày đăng tin : 1/13/2014
Trong một đợt điền dã sưu tầm tài liệu, chúng tôi có dịp viếng thăm di tích lịch sử “Đền thờ và mộ tướng công Bùi Cảnh Khánh” tại xã Đức La, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây chúng tôi được ban quản tộc dòng họ Bùi cho sao chụp đạo sắc phong niên hiệu Khải Định thứ 10 và những tài liệu liên quan tới dòng họ Bùi Quốc và Tướng quân Bùi Cảnh Khánh. Được biết cụ Bùi Cảnh Khánh là một nhân vật lịch sử, sự nghiệp của cụ gắn liền với Bình Định vương và các tướng lĩnh Lam Sơn đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập cho dân tộc. Di tích nhà thờ và mộ của ông được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2006.

Theo ban quản tộc họ Bùi tại Đức La thì gia phả dòng họ hiện nay đã bị thất lạc, dòng họ chỉ nhớ được một vài thông tin trong đó. Toàn bộ những lý lịch nhân vật lịch sử được Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh biên soạn dựa trên những tư liệu thành văn còn lại là các đôi câu đối và một đạo sắc phong còn lưu tại nhà thờ. Qua tìm hiểu, nội dung hồ sơ di tích lịch sử - nhân vật lịch sử được nói đến là người của nghĩa quân Lam Sơn giao chiến với tướng giặc Minh là Trương Phụ tại thành Rum (Lam Thành), đồng thời giữ chức Thượng thư đời vua Lê Lợi và đậu Tiến sỹ dưới thời Lê. Chúng tôi thấy bộ hồ sơ có những chỗ sai sót và có những chỗ chưa được rõ ràng, mong muốn làm sáng tỏ để tìm hiểu kỹ hơn.

Thứ nhất, liệu các nghĩa quân Lam Sơn và Tướng quân Bùi Cảnh Khánh có giao chiến với Trương Phụ hay không? Trong hồ sơ di tích ghi: “Mỗi lần tướng giặc Minh là Trương Phụ xuất quân từ Thành Rum tấn công thành Lục Niên, Đinh Lễ đều biết trước và báo tin cho nghĩa quân Lam Sơn ở căn cứ Đỗ Gia”…,“Trong một lần nghĩa quân Lam Sơn giao chiến với quân giặc Minh - Bình Định Vương Lê Lợi bị giặc vây ráp các tướng lĩnh của nghĩa quân bị thất lạc. Vâng lệnh Lê Lợi, tướng công Bùi Cảnh Khánh cầm quân tiến đánh quân giặc Minh do tướng Trương Phụ trấn giữ trong thành Rum, sau thất trận cả người lẫn ngựa chết trong thành và chôn cất tại chỗ”(1).

Để làm rõ vấn đề này, trước hết chúng tôi xin nói về những mốc thời gian tướng Minh Trương Phụ cầm quân tại Giao Chỉ như sau:

1. Lần thứ nhất: Từ tháng 9 năm 1406 khi Trương Phụ và các tướng lĩnh khác của triều Minh bắt đầu tiến quân vào nước ta cho đến tháng 8 năm 1407 sau khi bắt được Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương thì áp giải toàn bộ vua tôi nhà Hồ cùng 17 ngàn thợ về Kim Lăng để báo công.

2. Lần thứ hai: sau khi rút quân về nước, quân Minh tại Giao Chỉ không chống nổi sự công phá của quân Hậu Trần nên năm 1408 Trương Phụ lại đem quân sang cứu viện. Sau khi đánh bại cuộc khởi nghĩa Hậu Trần, tháng 8 năm 1414 Trương Phụ, Mộc Thạnh và Trần Hiệp lại đem quân trở về nước.

3. Lần thứ ba: đến tháng 10 năm 1415, Tổng binh Trương Phụ giữ chức “Chinh Lỗ phó tướng quân” lại sang trấn thủ tại Giao Chỉ.

Trong 3 lần sang nước ta, Trương Phụ là viên tướng đầu sỏ lập được nhiều công lao về quân sự cũng như việc đô hộ. Chính điều này khiến cho một số quan lại nhà Minh khác ghen ghét và tìm cách hạ thấp. Đến năm 1417, một viên tướng khác gièm pha với triều đình rằng Trương Phụ có ý đồ riêng, ngay lập tức Trương Phụ đã bị Minh Thành Tổ triệu về nước. Việc này được Đại Việt sử ký toàn thư chép rất rõ như sau:

酉明永樂十五年明官馬騏奏總兵張輔在交趾選取土人壯勇者圍子手明帝疑之召輔還遣豊城侯李彬以總兵征夷將軍代守

Phiên âm: Đinh Dậu (Minh Vĩnh Lạc thập ngũ niên) Minh nội quan Mã Kỳ tấu Tổng binh Trương Phụ tại Giao Chỉ tuyển thủ thổ nhân tráng dũng giả vi Vi tử thủ. Minh đế nghi chi, triệu Phụ hoàn, khiển Phong Thành hầu Lý Bân dĩ Tổng binh Chinh di tướng quân đại thủ.(2)

Tạm dịch: Năm Đinh Dậu (triều Minh, niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 15) nội quan triều Minh là Mã Kỳ tâu rằng Tổng binh Trương Phụ tại Giao Chỉ chọn lấy những thổ nhân khỏe mạnh gan dạ để làm Vi tử thủ. Vua Minh nghi ngờ liền triệu Phụ về nước, sai Phong Thành hầu Lý Bân giữ chức Tổng binh Chinh di tướng quân để thay thế.

Việc này cũng được một bộ sử Trung Quốc là Minh thực lục chép như sau:

 豊城侯李彬佩征夷將軍印充總兵官往鎮交趾

Phiên âm: Mệnh Phong Thành hầu Lý Bân bội Chinh di tướng quân ấn, sung Tổng binh quan vãng trấn Giao Chỉ (3).

Tạm dịch: Ngày 10 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 15 (26/2/1417) mệnh cho Phong Thành hầu Lý Bân đeo ấn Chinh Di tướng quân sung chức Tổng binh sang trấn Giao Chỉ”.

Như vậy, đến khoảng cuối tháng 2 năm 1417 Trương Phụ không còn ở trong lãnh thổ nước ta nữa. Trong khi mãi tới mùa xuân, tháng giêng năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi cùng những hào kiệt như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú... mới chính thức khởi binh ở Lam Sơn. Vậy thì chắc chắn việc tướng quân Bùi Cảnh Khánh đối đầu và thất trận trong trận đánh với Trương Phụ là không thể xảy ra.

Khi tướng Minh là Vương Thông bị vây hãm trong thành Đông Quan gửi thư về nước xin quân cứu viện bị nghĩa quân Lam Sơn bắt được, bức thư có viết rằng:

使用兵如原征之數得六七八將如張輔等方可圖之

Phiên âm: “... Sử dụng binh như nguyên chinh chi số, đắc lục thất bát tướng như Trương Phụ phương khả đồ chi...”(4).

 Tạm dịch: ... quân để dùng phải được như số quân đi đánh lúc đầu, phải có được sáu, bảy tám viên đại tướng giỏi như Trương Phụ mới có thể đánh được...

Ta thấy rằng nếu Trương Phụ là viên tướng có mặt tại Giao Chỉ trong những lần đụng độ với nghĩa quân Lam Sơn thì chắc chắn Vương Thông sẽ không nói như thế. Một chứng cứ nữa là khi An Viễn hầu Liễu Thăng bị Lê Sát và Lưu Nhân Chú phục kích giết chết năm 1427 tại núi Mã Yên, thì triều đình nhà Minh nghị sự có ý muốn rút quân về nước, Trương Phụ lúc đó có mặt tại triều quyết liệt phản đối việc này nhưng không thành công. Minh sử chép như sau:

輔還一年而黎利反累遣將討之無功至宣德時柳升敗沒王通與賊盟倉卒引還廷議棄交阯輔爭之不能得也

Phiên âm: Phụ hoàn nhất niên nhi Lê Lợi phản, lũy khiển tướng thảo chi, vô công. Chí Tuyên Đức thời, Liễu Thăng bại một, Vương Thông dữ tặc minh, thảng thốt dẫn hoàn đình nghị khí Giao Chỉ, Phụ tranh chi bất năng đắc dã(5).

Tạm dịch: (Trương) Phụ về nước được một năm thì Lê Lợi nổi lên, triều đình mấy lần sai tướng đi bình dẹp nhưng không được. Đến thời Tuyên Đức thì Liễu Thăng bị chết trận, Vương Thông phải hội thề và vội vã đem quân về, triều đình hội bàn bỏ Giao Chỉ, Trương Phụ phản đối nhưng không được.

Chính Minh sử đã xác nhận việc Trương Phụ về nước được một năm thì nghĩa quân Lam Sơn mới nổi dậy. Hơn nữa, những trận đánh giữa tướng quân Bùi Cảnh Khánh và Trương Phụ được miêu tả trong hồ sơ di tích đều xảy ra tại địa bàn Nghệ An (Nghệ - Tĩnh ngày nay). Trong khi mãi tới những năm 1424 thì Lê Lợi và các tướng lĩnh Lam Sơn mới đem quân vào vùng Nghệ An. Khi đó, Trương Phụ đã về nước được 6 năm, việc tướng quân Bùi Cảnh Khánh đối đầu với tướng Minh Trương Phụ là điều chắc chắn không thể xảy ra được. Như vậy, đoạn này trong hồ sơ di tích là hoàn toàn không chính xác.

Thứ hai. Liệu Bùi tướng quân có “làm quan tới chức Lại bộ thượng thư dưới thời Bình Định vương Lê Lợi” hay không? Chắc hẳn tác giả hồ sơ di tích đã căn cứ vào đạo sắc phong hiện còn lưu lại tại nhà thờ để khẳng định như vậy. Để tiện trình bày, chúng tôi xin chép lại nguyên văn, phiên âm và tạm dịch đạo sắc này như sau:

河靜省羅山縣朗岸社三甲仝奉事朝尚書文岸子特進金榮祿大夫境城隍裴相公之神稔著靈應今丕承耿命緬念神著封為翊保中興靈扶之神其奉事庶幾神其相佑保我黎民欽哉

定拾年陸月貳拾陸日

Tạm dịch:

Sắc cho 3 giáp của xã Lãng Ngạn, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cùng thờ phụng vị Thần Thành hoàng bản cảnh là tướng công họ Bùi (vốn là) quan Thượng thư triều Lê, tước Văn Ngạn tử, Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, linh ứng đã từ lâu. Nay Trẫm kế thừa mệnh sáng, trông lại sự che chở của Thần, nên phong là: Thần “Dực bảo Trung hưng Linh phù”, chuẩn cho thờ phụng. Thần hãy giúp đỡ, che chở cho dân đen của ta. Kính thay!

Ngày 26 tháng 6 niên hiệu Khải Định thứ 10 (1925).

Qua đạo sắc phong niên hiệu Khải Định này ta thấy Bùi tướng quân có chức là “Thượng thư”, tước là “Văn Ngạn tử”, hàm là “Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu”. Trong sắc phong viết “Thượng thư” tuy nhiên ta vẫn chưa thể xác định đây là Thượng thư dưới đời vua nào của triều Lê. Thời Bình Định vương mới chỉ có 2 bộ là bộ Lại và bộ Lễ, bộ Lại do Nguyễn Trãi làm Thượng thư và bộ Lễ do Bùi Ư Đài làm Thượng thư. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ:

以翰林院承旨學士阮廌 朝列大夫入內行遣吏部尚書(6)

Tạm dịch: Lấy Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Triều liệt Đại phu, Nhập nội hành khiển, Thượng thư bộ Lại

裴於臺禮部尚書兼知道軍民籍簿 (7)

Tạm dịch: Lấy Bùi Ư Đài làm Thượng thư bộ Lễ kiêm Tri Đông đạo quân dân tịch bạ.

Hai chức Thượng thư này đều được đặt ra vào năm Đinh Mùi (1427) sau khi nghĩa quân Lam Sơn đã tiến ra Đông Đô và cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Minh gần đi đến chiến thắng hoàn toàn, trong khi Bùi tướng quân hy sinh trong những trận đánh với giặc Minh tại Nghệ An ở thời gian trước đó. Như vậy, Bùi tướng quân chắc không phải là Thượng thư của vua Lê Thái Tổ như bộ hồ sơ di tích khẳng định. Thứ nữa, tước ghi trong sắc phong là tước “Tử” trong khi 93 công thần khai quốc của triều Lê đều có tước “Hầu” như Huyện Thượng hầu Lê Vấn, Á Thượng hầu Lê Ngân… Cuối cùng, hàm “Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu” là hàm của quan văn (tương đương bên võ là Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân) thuộc quan chế được đặt ra dưới thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức, trong khi Bùi tướng quân lại là quan võ dưới thời vua Lê Thái Tổ. Như vậy, chức “Thượng thư triều Lê” hay “Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu” có thể là chức, hàm mà Bùi tướng quân được truy tặng trong các triều vua sau này. Hồ sơ di tích cũng nhắc tới việc Bùi tướng quân là Tiến sỹ nhưng lại không dẫn ra được một bằng chứng cụ thể nào trong các bộ thư tịch cổ mà chỉ ghi lại theo gia phả dòng họ và sách “Làng cổ Hà Tĩnh” được biên soạn trong thời gian gần đây trong khi các tư liệu khoa bảng lục không hề ghi chép như vậy. Theo chúng tôi, trong Hồ sơ di tích, về phần nhân vật lịch sử chưa nên gắn học vị Tiến sĩ cho Bùi tướng quân. Phần này trong hồ sơ di tích chưa được rõ ràng, cần phải được tìm hiểu thêm.

Theo ban quản tộc dòng họ Bùi - Đức La thì Bùi tướng quân tham gia cùng Bình Định vương Lê Lợi cùng các tướng lĩnh Lam Sơn đánh giặc và hy sinh tại địa bàn Nghệ An. Ta biết rằng năm 1418, Lê Lợi cùng các tướng khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Sau hơn 5 năm hoạt động mà không phát triển được lực lượng, không mở rộng được căn cứ lại gặp quá nhiều khó khăn nên đến tháng 10 năm 1424, Bình Định vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn theo kế của Nguyễn Chính đem quân vào Nghệ An (nay là Nghệ An - Hà Tĩnh). Khi nghĩa quân tiến vào Nghệ An, nhân dân ở đây rất phấn khởi và nô nức tòng quân, đặc biệt là những thủ lĩnh tại địa phương đã đem toàn bộ binh lính gia nhập với nghĩa quân Lam Sơn, như: Cầm Quý (tri phủ Ngọc Ma), Lo Kăm Hoa (Tạo mường), Trương Hán, Nguyễn Vĩnh Lộc, Phan Đà… Sau khi chiếm được thành Trà Lân và tiếp tục thắng lớn ở các trận Khả Lưu, Bồ Ải, một bộ phận nghĩa quân Lam Sơn hơn 1.000 người dưới sự chỉ huy của tướng Đinh Liệt tiến quân vào Đỗ Gia (Hương Sơn - Hà Tĩnh ngày nay) để xây dựng nơi đây thành một đại bản doanh chiến lược của Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn. Nghe tin nghĩa quân đến, nhiều thủ lĩnh và người dân địa phương đã gia nhập nghĩa quân như Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Biên, Phan Liêu, Lộ Văn Luật… Như vậy, khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào vùng Đỗ Gia, phải chăng cụ Bùi Cảnh Khánh cũng là một trong những người địa phương gia nhập nghĩa quân và trực tiếp chiến đấu tại đây? Hơn nữa, khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Đỗ Gia thì cũng là lúc tướng Minh Trần Trí đang bị vây ráp trong thành Nghệ An. Đến tháng 4 năm 1425 tướng Minh Lý An đem quân thuỷ từ thành Đông Quan vào giải vây cho Trần Trí rồi kết hợp với nhau đánh lên Đỗ Gia hòng phá tan bộ chỉ huy Lam Sơn. Vậy phải chăng Bùi tướng quân cũng là một trong những người tham gia những trận giao chiến với hai tướng Minh là Lý An và Trần Trí?

Như chúng ta đã biết, sử nước không ghi thì sử nhà là nguồn tư liệu đáng quý để tham khảo và bổ sung những điều còn thiếu. Điều này đã là một tiền lệ không cần phải bàn cãi, như hồ sơ di tích cũng đã khẳng định: “phải dựa chủ yếu vào các nguồn tư liệu thành văn như phả ký, câu đối”... Tuy nhiên, những tư liệu trên tự nó thường không phải là một bằng chứng cụ thể mà chỉ được xem là một yếu tổ để bổ sung nhằm làm sáng tỏ thêm cho một lý luận đã được xác định. Vì vậy phải đối chiếu, so sánh từng chi tiết với sử sách chính thống rồi chắt lọc những thông tin mới có thể đem lại những kết quả chính xác, nếu không sẽ làm sai lệch lịch sử. Hiện nay toàn bộ nội dung hồ sơ di tích được dòng họ Bùi - Đức La lấy làm thông tin chính thức, các trang web họ Bùi khắp cả nước cũng đã đăng tải lại nội dung này. Chúng tôi vẫn luôn nhất trí rằng Tướng quân Bùi Cảnh Khánh là một nhân vật lịch sử xứ Nghệ có công trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập cho dân tộc, được nhà nước phong kiến ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng và được nhân dân tôn làm Thành hoàng. Ông là một trong những người có công với đất nước xứng đáng để vinh danh. Qua bài viết này chúng tôi chỉ muốn làm rõ một số vấn đề chưa được sáng tỏ và mong các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu sâu hơn nữa.

Trích dẫn:

1. Bộ hồ sơ di tích “Đền thờ và mộ tướng công Bùi Cảnh Khánh”, Bảo tàng Hà Tĩnh, 2006.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011, tập IV, trang 288 (bản chữ Hán)

3. Minh thực lục, Nxb Hà Nội, 2010, tập II, trang 332 (bản chữ Hán)

4. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011, tập IV, trang 310 (bản chữ Hán)

5. Minh thực lục, Nxb Hà Nội, 2010 tập II, quyển 154 (bản chữ Hán)

6. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011, tập IV, trang 302 (bản chữ Hán)

7. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011, tập IV, trang 303 (bản chữ Hán)

Trần Tử Quang

 

 

 

XEM CÁC BÀI TRONG SỐ NÀY
 
Dương Vân
PHỤ TRÁCH
Hải Yến
SUPPORT
Hoàng Nghĩa - Dương Hạnh
SUPPORT
038.3 564.869
37
Hôm nay : 2098
Hôm qua : 4836
Trong tháng : 70729
Tất cả : 3634792
cổng thông tin điện tử hoạt động khoa học công nghệ Nghệ An
Cơ quan thường trực: Sở Khoa Học và Công Nghệ Nghệ An.
Cơ quan trị sự: Trung tâm thông tin Khoa Học Công Nghệ và Tin Học.
Địa chỉ: Số 75A Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Điện thoại: 0383.842471 - 0383.564869
Hộp thư: thongtinkhcnnghean@gmail.com
© Ghi rõ nguồn ngheandost.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.
Giấy phép thiết lập số :96/GP-TTĐT ngày 16/05/2011 do cục quản lý phát thanh,truyền hình và thông tin điện tử cấp