(Toquoc)- Các nhà khảo cổ đã khai quật đến phần thiêng liêng nhất của Kinh thành Thăng Long.
Ngày 6/12, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội đã công bố kết quả khai quật khảo cổ học tại điện Kính Thiên (số 9 Hoàng Diệu, Hà Nội). PGS.TS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ học) cho biết: “Lần đầu tiên chạm đến chỗ thiêng liêng nhất của kinh thành Thăng Long” nên tất cả đều rất cẩn trọng. Sau hai tháng khai quật tại năm điểm, các nhà khoa học cũng chỉ mới đào sâu xuống 1m so với mặt đất và chưa tiếp cận được lớp sinh thổ.
Nền điện Kính Thiên hiện nay có từ thời Nguyễn
Trong hai tháng 10 và 11 vừa qua, các nhà khảo cổ học đã khai quật khảo cổ năm hố khai quật với tổng diện tích 100m2. Các nhà khảo cổ học đã khẳng định được niên đại của thềm rồng trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Kết quả cho thấy nhiều dấu tích của điện Kính Thiên thời Lê Sơ không còn nguyên vẹn (do được sửa chữa thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn). Đặc biệt, các nhà khoa học đã có kết luận, dù điện Kính Thiên có niên đại từ thời Lê Sơ nhưng quy mô nền điện hiện nay lại thuộc về thời Nguyễn.
Các nhà khoa học cho rằng nên nhấc các bậc đá lên để xác định các dấu vết bậc đá còn sót lại của điện Kính Thiên thời Lê Sơ (Ảnh: Hà An)
Tuy diện tích nhỏ nhưng lần khai quật này được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu dấu tích kiến trúc và quy mô của Hoàng thành Thăng Long xưa. Tầng văn hóa thời Lê Sơ thể hiện rõ nét ở dấu tích của Đan trì (sân rồng dành cho vua quan nhà Lê) xây dựng bằng gạch vồ có niên đại kéo dài từ thời Lê Sơ đến thời Lê Trung Hưng chìm xuống 1m so với bề mặt. Loại sân nền này có quy mô rộng toàn bộ khu vực từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên. Đặc biệt quan trọng là phía dưới nền điện Kính Thiên có xuất hiện ba dấu tích móng đầm kiến trúc dài 4,2m.
Các nhà khoa học cho rằng đấy có thể là dấu tích điện Kính Thiên thời Lê Sơ. Dấu tích thời Nguyễn với các nền gạch, móng tường, móng đầm được phát hiện ở độ sâu 60cm so với bề mặt hiện tại. Đặc biệt, đối chiếu với những bức ảnh chụp của Pháp và kết quả khảo cổ, các nhà khoa học đi đến khẳng định: dù điện Kính Thiên có niên đại từ thời Lê Sơ nhưng quy mô nền điện hiện nay lại thuộc về thời Nguyễn. Theo đánh giá của GS Phan Huy Lê, kết quả đào thám sát các hố khai quật đã làm rõ diễn tiến của khu vực khai quật từ thế kỷ 15 cho đến nay, đặc biệt là thời kỳ Lê Sơ.
Cần tiếp tục làm rõ
Những khai quật hiện nay cho thấy còn nhiều bí ẩn cần được làm sáng tỏ.
Trên cơ sở báo cáo của đoàn khai quật cũng như tìm hiểu thực địa, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) cho rằng khi đào sâu xuống phát hiện thêm một bậc thềm. Như vậy là có 10 bậc chứ không phải 9. Tuy nhiên, 10 không phải là con số dành cho nhà vua. Số bậc đá này cũng không tương ứng với số đếm của các trục 9, 11. Giải quyết vấn đề này, có lẽ chúng ta nên nhấc các bậc đá lên để xác định các dấu vết bậc đá còn sót lại của điện Kính Thiên thời Lê Sơ.
GS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ: “Rõ ràng phải xem bậc cuối cùng của điện Kính Thiên như thế nào, qua đó làm rõ được về đôi rồng và thềm rồng”.
Với những kết quả được tìm thấy tại khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, GS Phan Huy Lê và một số nhà khoa học đề nghị nên giữ lại một hố khai quật thể hiện rõ nhất diễn tiến văn hóa từ thời Lê Sơ. GS Phan Huy Lê khẳng định: “Chúng ta phải giải quyết khó khăn lớn nhất là gia cố thế nào để tránh ngập nước. Nhưng nếu lấp tất cả đi sẽ rất đáng tiếc”. Nhiều nhà khoa học cũng có chung quan điểm cho rằng nếu cứ đào lên rồi lấp đi thì rất lãng phí. Bởi vì nếu khu 18 Hoàng Diệu cho khách tham quan hiểu rõ diễn tiến từ thời Đại La đến thời Trần thì khu vực điện Kính Thiên (số 9 Hoàng Diệu) lại thể hiện rất rõ thời kỳ từ Lê Sơ đến hiện tại. Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thế Hùng (Cục trưởng Cục Di sản- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lại cho rằng “Tạm thời nên lấp đi đến khi có hiểu biết rộng hơn và khai quật đủ thì khi đó mới lên kế hoạch bảo tồn tổng thể”.
Đây chỉ là những khảo sát bước đầu, trong thời gian tới, vẫn sẽ có những khai quật tiếp tục nhằm làm sáng tỏ và hệ thống hóa được kiến trúc, lịch sử, văn hóa của khu vực Hoàng Thành. GS Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam) khẳng định: “Kết quả khai quật cho thấy bên trong khu vực Hoàng thành Thăng Long còn rất nhiều nghi vấn cần phải làm sáng tỏ để trả lại diện mạo nguyên vẹn cho một giai đoạn lịch sử dài của dân tộc”.
Hà An