Đình Quan Lạn
Quan Lạn - Minh Châu là hai xã đảo nhưng liền một dải đảo trên vịnh Bái Tử Long với tổng diện tích 11km2. Trong những năm gần đây, Quan Lạn - Minh Châu ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du của khách bốn phương, được nhiều hãng lữ hành du lịch chào mời trong các tour kéo dài 2-3 ngày. Quan Lạn - Minh Châu có nhiều điểm thu hút khách, trong đó có một điểm du khách, nhất là người Việt không thể bỏ qua, đó là đình Quan Lạn.
Đình Quan Lạn. |
Đình Quan Lạn - theo các cụ già trên đảo kể lại - đầu tiên được xây dựng gần bến Cái Làng, nơi được chọn là địa điểm tiêu biểu để ghi trong bằng công nhận di tích cấp quốc gia thương cảng Vân Đồn. Cách nay khoảng 100 năm, đình được chuyển về xây dựng tại vị trí thôn Đoài - trung tâm xã đảo Quan Lạn như ngày nay. Phía sau đình có 5 ngọn núi, phía trước trông ra 3 hòn đảo. Một thế đắc địa mà người Quan Lạn rất tự hào khi tổ tiên chọn được vị thế “Tiền tam thai, hậu ngũ nhạc” cho ngôi đình như vậy.
Đình Quan Lạn gồm một bái đường nối với hậu cung bởi ba gian ống muống. Trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao uốn cong, phía trước đình đắp bốn chữ nổi “Quốc thịnh dân hưng” - dân giàu, nước mạnh - thể hiện ước vọng của người dân trong vùng. Bên trong đình được chạm khắc công phu, tỉ mỉ và rất độc đáo tạo thành bức tranh nghệ thuật hoành tráng. Các đầu bẩy đều chạm khắc đầu rồng. Toàn bộ cấu trúc của đình được đỡ bởi 32 cột cái, 26 cột quân, cột to nhất có chu vi đến 3,2m. Đặc biệt hơn là các cột đình được làm bằng loại gỗ mần lái. Theo ông thủ từ ở đình thì đã qua gần 500 năm, nhưng khi thả xuống nước, loại gỗ này vẫn chìm ngay. Gỗ mần lái mọc trên núi đá, áng đá. Loại gỗ này chỉ có ở đảo Cát Bà và khai thác rất khó khăn. Gần đây, trong dịp đi cùng cán bộ Trung tâm Bảo tồn công viên hang động (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) được các anh cho biết hiện ở đảo Lờm Bò đã phát hiện sự tồn tại của loại gỗ này.
Một điểm đáng chú ý khác là đình Quan Lạn trước đây được làm bằng gỗ, kiểu kiến trúc này chỉ có ở đình Bảng (Bắc Ninh) và đình Trà Cổ (Móng Cái). Có thể trong lần di dời về thôn Đoài, sàn đình đã được tiền nhân tháo bỏ, đến nay còn rõ dấu vết lỗ mộng ở quanh chân cột (đã được bịt bằng xi măng).
Là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã, chứ không phải nơi thờ tự nhưng từ lâu đình Quan Lạn đã được người dân địa phương thờ Thành hoàng làng là các vị tiên công có công lập ấp dựng làng, sau đó thờ Trần Khánh Dư. Ngoài ra, đình còn thờ cả Dương Khổng Lộ và “tứ vị thánh nương” là những vị thần được truyền tụng thường che chở cho những người đi biển. Trong đình hiện còn lưu giữ được 18 sắc phong của các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Bảo Đại phong thần cho các Thành hoàng làng trên.
Đình Quan Lạn nằm trong mối liên quan mật thiết đến lịch sử, tín ngưỡng với chùa Quan Lạn, nghè thờ Trần Khánh Dư, miếu Đức Ông, miếu Sao Ỏn và miếu Đồng Hồ là nơi thờ ba anh em người địa phương là Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công. Tương truyền, năm 1288, cả ba anh em đã lãnh đạo dân binh tham gia của quân nhà Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy đón đánh đoàn thuyền lương của tướng nhà Nguyên Trương Văn Hổ. Ba ông đã hy sinh ngay trên vùng biển Quan Lạn. Xác của ba ông đã trôi dạt vào bờ ở ba nơi như vị trí miếu thờ ba ông ngày nay.
Hàng năm, từ ngày 16 đến 18-6 âm lịch nhân dân Quan Lạn lại tổ chức lễ hội truyền thống Vân Đồn (hay còn gọi lễ hội chèo bơi) để tưởng nhớ công lao của cha ông và ôn lại chiến thắng Vân Đồn - Cửa Lục năm 1288. Cuộc đua chải giữa hai giáp Đông Nam văn và Đoài Bắc võ được tổ chức ngay trước cửa đình Quan Lạn. Trong suốt những ngày lễ hội, đình Quan Lạn mở cửa cả ngày, là nơi các cụ già họp bàn việc tế lễ, việc làng.
Trần Minh