QUỸ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG & CUỘC SỐNG


In tin

Đỗ Thanh:
Giêng hai ta ngược Tây Đằng… ngắm voi

-- Ngày cập nhật:23/3/2014

Xứ Đoài được biết đến là một vùng đất có nhiều huyền thoại, di tích của người Việt xưa, đặc biệt là ở các đình và chùa cổ, có giá trị về kiến trúc và điêu khắc. Riêng đình cổ Xứ Đoài có: đình Chu Quyến ở xã Chu Minh, huyện Ba Vì, đình Đại Phùng thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, đình Tường Phiêu của xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, đình So tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai và đình Tây Đằng thuộc thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội,... đều là những nơi để lại di tích của cha ông ta.

Giêng hai ta ngược Tây Đằng… ngắm voi

Mê mải xứ Đoài

 

Vào một ngày đầu Xuân năm con Ngựa, chúng tôi ngược xe lên phía Tây, qua thị xã Sơn Tây chừng 5 km đến thăm đình Tây Đằng. Có thể nói ngay từ những ngày đầu năm 2014, Hà Nội bội thu về văn hóa, cùng lúc đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt cho 5 di sản: đền Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh; đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ; đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn quận Hoàn Kiếm và đình Tây Đằng ở huyện Ba Vì. Nếu có điều kiện ngược lên xứ Đoài, chắc chắn không ít người mải mê vãn cảnh đình, chùa như là cách để tìm về nguồn cội, dấu tích xưa cha ông ta trong quá trình dựng nước và giữ nước, sinh sống, tồn tại và phát triển,...

Chỉ riêng ở huyện Ba Vì cũng có nhiều nơi thờ Thánh Tản Viên và công chúa Ngọc Hoa. Đền thờ hai vị này ở trên đỉnh Ba Vì, ngoài ra còn có đình Tây Đằng ở ngay thị trấn huyện Ba Vì. Thánh Tản Viên (Sơn Tinh), một trong tứ bất tử gồm: Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đổng Tử và Chúa Liễu Hạnh theo khuôn thước của Đạo giáo.     

Theo truyền thuyết, Tản Viên là thần núi Ba Vì, tên gọi là Sơn Tinh, được vua Hùng thứ 18 gả công chúa Ngọc Hoa làm vợ. Tức giận vì không lấy được Ngọc Hoa, Thủy Tinh dâng nước, kéo thủy quái quyết trả mối hận không đội trời chung với Sơn Tinh. Tương truyền Sơn Tinh được coi là một trong 50 người con của tổ tiên người Việt là mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Sơn Tinh theo mẹ lên núi và là người đã có công giúp vua Hùng thứ 18 đánh bại quân Thục Phán. Vì thế Ngài là biểu  tượng về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam không chỉ trong quá trình dựng nước và giữ nước, mà còn là biểu tương của tinh thần quật cường trong việc trị thủy, phát triển nghề trồng lúa nước, làm ra thóc gạo nuôi sống muôn dân trăm họ.

Đình Tây Đằng xưa kia chỉ là một đình làng ngự trên một khu đất khá rộng thoáng đãng, nhưng nơi đây hãy còn hoang sơ lắm. Vẻ đẹp của đình Tây Đằng không phải ở khung cảnh thiên nhiên mỹ lệ, cũng không phải ở quy mô đồ sộ,  không có tòa ngang dãy dọc, ngoài hai ngôi nhà tả mạc và hữu mạc được xây dựng sau này và tách biệt ở hai bên sân. Đình chỉ có một nếp nhà hình chữ “nhất”, như khối hộp hình chữ nhật, không có hậu cung, cũng không có tiền tế. Tuy nhiên vẻ đẹp của ngôi đình tiềm ẩn bên trong là những giá trị văn hóa nghệ thuật được chạm khắc một cách tài tình của các nghệ nhân dân gian xưa. Cho đến nay, hiện vẫn chưa xác định một cách chính xác đình được xây dựng vào năm nào, vì không có giấy tờ ghi chép lại. Một số nhà nghiên cứu đem đình Tây Đằng so sánh với đình Lỗ Hạnh thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang thấy có những nét tương đồng về phong cách kiến trúc, nghệ thuật chạm trổ, bài trí, bố cục hoa văn,… Đình Lỗ Hạnh có giấy tờ ghi chép cụ thể là được xây dựng vào năm 1576, nên nhiều người cho rằng đình Tây Đằng có thể cũng được xây dựng vào thời kỳ ấy. 

Tuy nhiên, hiện nay tại ngôi đình này vẫn còn lưu giữ được một số hoa văn có niên đại từ thế kỷ XI- XIII, nên có giả thiết đình Tây Đằng có thể được xây dựng từ trước thế kỷ XVI.

 

Độc đáo Tây Đằng

Là một trong 5 Di tích Quốc gia đặc biệt của Hà Nội mới được công nhận, đình Tây Đằng được cho là một ngôi đình cổ nhất Việt Nam với những nét độc đáo riêng của nó. Vật liệu xây dựng đình lúc ban đầu hoàn toàn bằng gỗ mít, một loại gỗ hàng trăm năm không bị tiêu tâm (rỗng lõi). Tuy nhiên về sau này, qua các lần tu bổ, một số cấu kiện được thay bằng gỗ lim Trường Sơn, là loại gỗ xếp thứ hai trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu), hứng nhiều nắng, gió biển tạo nên thớ xoắn rất chắc chắn.. Nhiều người cho rằng ngoài đình chùa, trong di sản văn hóa vật thể của người Việt, chưa phát hiện được công trình nào làm từ gỗ còn nguyên vẹn mà có niên đại xa xưa hơn.

Đình có đến 48 cột lớn nhỏ, cột cái lớn nhất có đường kính 80 cm, kích thước tương đương với hơn một vòng tay ôm của người cao trung bình từ 1,6m trở lên. Đình không bưng ván xung quanh hay xây tường bao bằng gạch mà chỉ có các cây cột chống đỡ toàn bộ trọng lượng của cả khu thượng đình. Sức chịu đựng trọng lực của những cây cột đình tương đương với móng một ngôi nhà bê tông 7 tầng. Vì thế một không gian bên trong đình thực sự thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng từ bốn phía rọi vào làm nổi bật những hoa văn, nét chạm trổ tinh xảo của tiền nhân. Tôi đã đi lại chiêm ngưỡng đình hơn một tiếng đồng hồ mà không hề cảm thấy ngột ngạt, khó thở như ở một số đình, chùa khác.

Đứng ngoài sân đình mọi người được thỏa sức ngắm các đầu đao uốn lượng, cong tít có gắn hình tứ linh: long, ly, quy và chim phượng được chạm theo lối múa xòe cả hai cánh như hình trăng lưỡi liềm, đầu to, cổ mập, mỏ ngắn và đuôi cũng ngắn. Đặc biệt là các hình chạm khắc rồng bằng đất nung tím sẫm màu gan trâu, mà theo GS- TSKH Hoàng Đạo Kính thì Chưa một ngôi đình, đền nào khác có một sự thiên biến văn hóa hình rồng đến thế. Thân rồng gầy rộc, con ngươi mắt vượt ra ngoài quỹ đạo, miệng há rộng mà không phát thành âm. Nó nhìn như xói vào cõi lòng...

Một nét độc đáo khác của đình Tây Đằng được thể hiện qua các bức chạm khắc mang đậm nét văn hóa dân gian trên từng cấu kiện kiến trúc. Các đề tài về thiên, hoạt động của con người trong làng xã Việt Nam thời kỳ trung đại như bơi thuyền, gánh con, đốn củi, múa hát,… Những bức chạm khắc này không hề chịu ảnh hưởng của lối chạm khắc hoa văn nước ngoài, mà ta vẫn bắt gặp ở một số đình chùa khác. Điều này thể hiện tư duy độc lập, tính tự cường của người Việt cổ về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất của nhân dân ta trước đây.

Các bức chạm khắc từ hoạt động săn bắt, hái lượm, thuần hóa động vật hoang dã qua hình tượng voi đi cày, đến cảnh đấu tranh chống giặc giã, sau đó đất nước thanh bình với cảnh người chồng ngồi chải tóc cho vợ dưới gốc cau, trai tráng luyện tập võ nghệ, nhân dân nô nức trong lễ hội đua thuyền, cảnh cha mẹ, ông bà xum vầy, thầy đồ dạy... đều có ở đình Tây Đằng

Các vùng văn hóa trên khắp đất nước, từ một gia đình Bắc bộ ấm cúng bên gốc cau, đến người phụ nữ Nùng chơi đàn tính ở vùng núi cao phía Bắc hay lễ hội đua thuyền ở miền Nam. Sự tài tình của các bậc tiền nhân chính là ở chỗ toàn bộ hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình không hề trùng lặp một chi tiết nào và được bố trí rất hài hòa, không mang tính đối xứng như các chi tiết kiến trúc ở những ngôi đình khác... Với những giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc, độc đáo, đình Tây Đằng được ví như một bảo tàng nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVI.

Tôi thật sự ấn tượng bức chạm trên ván gió đình Tây Đằng là chú voi tung cả bốn chân, vòi, đuôi và toét miệng cươi, cảm giác chú bay như làn gió, quên mất trọng lượng bản thân. Có lẽ đây là bức chạm độc đáo nhất duy chỉ có ở đình Tấy Đằng. Có một bức chạm tạm đặt tên là “Chèo thuyền chuốc rượu” có sóng chòng chành bên mạn thuyền, có cả mây vấn vương quanh thuyền, tất cả như đang lướt theo nhịp đung đưa, như thực lại như mơ. Cảnh ông già ngồi chải tóc cho người vợ trẻ gợi cho ta tình cảm vợ chồng thắm thiết biết nhường nào… Thông qua các cảnh đó, người xem có thể thấy được ước vọng nười người xưa tuy nghèo mà cao sang, quý phái biết nhường nào./.

 

 

 

 

Bản quyền thuộc về Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống
Địa chỉ: Khu du lịch sinh thái Hồ Tiên Sa - Xã Tản Lĩnh - Ba Vì - Hà Nội
Điện thoại thường trực: 01663332171 - Email: quyhotrobanvan@gmail.com
Đề nghị ghi rõ nguồn "banhthanhban.com" khi phát hành lại thông tin từ website này