Cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch - Hàm Tử - Bãi Sậy |
gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung - nằm trong tuyến du lịch chính trên sông Hồng (Hà Nội - Phố Hiến). Bên cạnh đó là các di tích tại Hàm Tử (xã Hàm Tử) nơi diễn ra các trận thắng trong kháng chiến chống quân nguyên mông hay Bãi Sậy (xã Tân Dân) gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp do Nguyễn Thiện Thuật khởi xướng Cách Trung tâm thành phố Hưng Yên khoảng 35km về phía tây nam. Cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch – Hàm Tử - Bãi Sậy đã trải qua bao thăng trầm, biến cố, thiên tai địch họa, tác động của con người nhưng nơi đây vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Vẫn còn đó tình yêu linh thiêng giữa chàng trai nghèo họ Chử và nàng công chúa lá ngọc cành vàng – Tiên Dung, cùng với ân tình và nhân nghĩa của người Việt. Còn đó những chiến công vang dội một thời của chiến thắng Hàm Tử trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông năm 1285. Còn đó một vùng lau lách um tùm – nơi ẩn mình của nghĩa quân Bãi Sậy trong những thời kì đầu chống thực dân Pháp.
Đã từ lâu thiên tình sử đẹp nhất trong văn học dân gian Việt Nam không còn trở nên xa lạ trong mỗi người dân đất Việt. Chính dòng sông bến nước nơi đây là nơi lưu truyền và lan toả về mối tình mãnh liệt, linh thiêng ấy. Đền Đa Hoà không chỉ là nơi lưu giữ huyền tích mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là công trình kiến trúc đặc sắc của triều Nguyễn. Với tổng diện tích 18.720 m2, ngôi đền bao gồm 18 nóc nhà lớn, nhỏ là ý tưởng thú vị người xây dựng nhắc cho người đời sau nhớ tới thiên tình sử của nàng Tiên Dung tròn 18 tuổi. Đứng từ trên đê cao nhìn xuống ta sẽ thấy 18 nóc nhà với kiểu dáng con thuyền mũi cong, được đỡ bởi 2 con vật có mặt rồng, mình sư tử giống như 18 con thuyền đang quần tụ dập dềnh trên sóng nước. Hình ảnh này tái hiện cảnh đoàn thuyền của Tiên Dung công chúa đang du ngoạn trên bến sông thuở nào. Xuôi dòng sông Hồng, du khách dừng chân trên bãi cát tự nhiên, mênh mông giữa trời mây sông nước, thưởng ngoạn phong cảnh bình yên của một vùng quê thanh bình. Đến với đền Đa Hòa du khách không chỉ được ngắm nhìn những dải phù sa cát trắng, đắm mình giữa chốn bồng lai tiên cảnh, mà còn được chiêm ngưỡng những di vật cổ đặc sắc của đền: 3 pho tượng đúc bằng đồng Đức thánh Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Tây Sa công chúa; 3 cỗ ngai thờ được làm bằng loại gỗ có niên đại từ cuối thế kỉ 16 và 17 – được coi là cổ nhất của loại hình này hiện còn tìm thấy ở nước ta; đôi lọ Bách thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm).... Quy mô đồ sộ, ý tưởng kiến trúc độc đáo, những di vật cổ quý giá, sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc nghệ thuật... Nơi đây. tạo nên nét riêng đặc biệt thu hút hàng ngàn du khách với điểm du lịch mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp của người Việt Nam.
Nếu như đền Đa Hòa là minh chứng cho tình yêu thiêng liêng của Chử Đồng Tử và Tiên Dung thì đền Dạ Trạch lại là nơi lưu giữ những giá trị nhân văn cao đẹp nhất của Đức thánh và nhị vị phu nhân. Đền Dạ Trạch hay còn gọi là đền Hóa thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Đền được gắn liền với truyền thuyết “Nhất Dạ Trạch”. Tương truyền rằng đền được xây dựng trên nền đất cao của tòa lâu đài và thành quách xưa – ngay sau khi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân hóa về trời. Tới Dạ Trạch, du khách sẽ chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá được lưu giữ tại chùa, đặc biệt là hình ảnh chiếc nón và cây gậy – vật Đức thánh Chử Đồng Tử đã dùng để cứu nhân độ thế. Một nét riêng của đền Dạ Trạch đó là sự xuất hiện của Ông Bế - Bế ngư thuyền quan – Đây là một biểu tượng tín ngưỡng thời cá nguyên thủy của cư dân chinh phục đầm lầy. Dưới bàn tay trạm chổ tinh xảo của những người thợ tài hoa, đền đã được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1989. Về với nơi đây, du khách sẽ có cảm giác như được về với tổ tiên về với cội nguồn dân tộc. 3. Hàm Tử Cửa Hàm Tử hay Hàm Tử quan là địa danh nổi tiếng, nơi xảy ra trận Hàm Tử trong cuộc Kháng chiến chống quân Nguyên 1285 của quân dân Đại Việt. Cửa Hàm Tử xưa thuộc xã Hàm Tử bên tả ngạn sông Hồng, gần bãi Màn Trù. Tháng 5 năm 1285, sau cuộc rút lui chiến lược về Thiên Trường (tháng 2 năm 1285), và vào Thanh Hoá (tháng 4 năm 1285), vua tôi nhà Trần bắt đầu mở cuộc phản công vào các cứ điểm quan trọng của quân Nguyên tại vùng Khoái Châu, Hưng Yên. Trận quyết chiến tại cửa Hàm Tử diễn ra vào cuối tháng 5 năm 1285,5 vạn quân do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1253 - 1330) chỉ huy, đã nhanh chóng giành thắng lợi. Cùng với các trận Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, chiến thắng Hàm Tử đã góp phần tiêu diệt và quét sạch 50 vạn quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, giải phóng hoàn toàn Đại Việt 4. Bãi sậy Bãi sậy là một địa danh nổi tiếng gắn với một trong những cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỉ XIX. Bãi sậy là một vùng đầm nước, um tùm lau sậy, nơi đây chính là căn cứ của nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa diễn ra từ năm 1883 đến năm 1892 thì chấm dứt. Tuy không dành được thắng lợi nhưng tinh thần chiến đấu của nghĩa quân Bãi Sậy không những khẳng định tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm của người dân Việt Nam mà còn cổ vũ cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp sau này diễn ra mạnh mẽ hơn.
|