Làng nghề nón Làng Chuông, xã Phương Trung
30/11/2020
Làng nghề nón Làng Chuông, xã Phương Trung
Làng Chuông từ xưa đến nay luôn là xã cấu trúc theo kiểu nhất xã nhất thôn. Đầu thế kỷ XIX gọi là xã Thì Trung. Năm Tự Đức nguyên niên (1848) kiêng tên húy vua Tự Đức (là Nguyễn Phúc Thì), nên đổi tên thành xã Phương Trung, tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (năm 1815 đổi là phủ Ứng Hòa), trấn Sơn Nam Thượng. Tên xã được giữ đến nay.
Từ nội thành Hà Nội, theo quốc lộ 6 vào Hà Đông, đến Ba La rẽ trái theo quốc lộ 22B khoảng 15km du khách sẽ gặp cổng làng được xây dựng khá lớn bên phải đường, trên cổng có hàng chữ lớn: Làng Chuông.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Chuông có đến 25 xóm. Năm 1947 được gộp lại thành 7 thôn: Tây Sơn, Chung Chính, Liên Tân, Quang Trung, Mã Kiều, Tân Tiến và Tân Dân. Năm 2003 tách thôn Tân Dân thành Tân Dân 1 và Tân Dân 2. Như vậy, từ làng gốc nay được chia thành 8 thôn.
Theo các cụ cao niên trong làng, lúc đầu làng Chuông gọi là Trang Thời Trung, gốc ở khu vực xóm Chợ, xóm Chùa và Cầu Chuông (thôn Trung Chính hiện nay). Thời Mạc, làng Chuông khá đông đúc, có 02 người đỗ đại khoa. Đến thế kỷ XVII làng Chuông có nhiều người làm võ quan cao cấp, được ghi trên bia đá với gần đủ các tước: Hầu, bá, tử, nam.
Nghề làm nón ở đây xuất phát từ đâu, trong làng không ai biết, chỉ biết răng đã “có từ lâu lắm rồi” và “nón lúc đầu làm chỉ để dùng trong làng, sau ngày càng nổi tiếng, bán khắp nơi, còn là sản phẩm cúng tiến cho các hoàng hậu, công chúa trong cung”.
Các loại nón cổ hiện không còn, cũng không ai nhớ chính xác hình dáng để phân loại, tuy nhiên qua nghiên cứu của các chuyên gia, có thể chia thành các loại như:
- Nón ba vòng đấu (có kích thước to, không khâu kỹ, sử dụng khi người nông dân đi làm đồng).
- Nón thúng quai thao (có vành rộng, ngửa lên có hình như cái thúng, có buộc thao dệt bằng tơ, thường gắn liền với áo tứ thân mớ ba mớ bảy của các bà, các cô).
- Nón mười (có hình như chiếc nia, các cụ già thường đội đi chùa).
- Nón chóp dứa (làm bằng lá dứa, mỏng, nhẹ, trắng mốt, khâu bằng dây rất khéo như dệt vài, phía trên có chóp, thường do các chức sắc sử dụng).
- Nón lính hay nón dấu (thường dùng cho lính trong chiến trận, làm bằng cật tre, trên đỉnh có chóp bằng đồng, có quai buộc chặt vào cằm).
- Nón lá già ghép sống (làm bằng lá hồ, khâu bằng móc đen rất chắc và bền, dùng cho người nông dân đi làm ruộng).
Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, những chiếc nón Huế nhỏ gọn, đẹp mắt phù hợp với các cô gái Hà Nội đánh bạt nón lá làng Chuông. Tổng đốc Hà Đông lúc đó đã đưa nghề dệt về làng và cải tiến nghề làm nón bằng cách cho một số thanh niên đi vào Ba Đồn (Quảng Bình) học cách làm nón mới. Nhiều người cho biết, nghề nón phát triển mạnh mẽ nhờ vào ông Hai Cát - một nghệ nhân giờ đã hơn 80 tuổi, là người có công mang nón Xuân Kiều còn gọi là nón Ba Đồn về làng sản xuất thay thế cho các loại nón cổ. Năm 1930, ở hội chợ Trường Đấu Xảo - Hà Đông, nón của ông Hai Cát đã được đánh giá rất cao và chính quyền sở tại đã cấp giấy hành nghề, hiệp hội Hàng nón chứng nhận chất lượng cao hơn nón Huế và ông được cấp giấy phép dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Tên gọi Xuân Kiều gợi hình ảnh cô gái đội nón vào đẹp như mùa xuân tỏa nắng, cũng gọi là Thanh bởi dáng nón thanh thoát, nhẹ nhàng.
Nguyên liệu làm nón gồm có: Lá với 2 loại chính là lá lụi và lá cọ; Mo nang với 2 loại mo tre và mo nứa (đặt giữa hai lớp lá, có tác dụng làm cho nón chắc, kín và bền hơn); Móc, dứa và cước (dùng để khâu nón); Liếc (làm từ cây liếc hay còn gọi cây lồng bông, được tách riêng vỏ và guột, có tác dụng làm cho cạp nón cứng hơn); Sợi luồn nhôi (sợi khâu hình đuôi cá hay hình nơ để buộc quai nón); Vòng nón (16 vòng được làm từ tre hoặc nứa, kích thước nhỏ dần từ vành lên đỉnh nón); Giấy vẽ trang trí trên nón…
Dụng cụ làm nón gồm có: Khuôn nón (tạo ra dáng nón thanh thoát - nón tốt nhờ khuôn); Dao (để cắt vòng, gọt mo, lá); Kéo (cắt lá, cắt chỉ); Kim khâu (có nhiều kích thước, hình dáng, nhiều chức năng); Bàn là lá (làm phẳng lá); Lò hun lá, nón (cho lá và nón có màu trắng đẹp, chống mối mọt); Lò sấy lá (sấy khô lá trong mùa mưa).
Để chuẩn bị cho việc làm nón thì công đoạn sơ chế lá rất quan trọng. Lá mới được mua về phải qua nhiều công đoạn mới có được màu trắng, gồm: Phơi lá (phơi nắng lần 1, ngâm nước 3h, phơi nắng lần 2 rồi cho lá phơi sương buổi đêm cho mềm); Vò lá (vò lá tươi qua cát để hút bớt nước cho lá khô khỏi thối và có màu trắng); Hun lá (lá phơi xong được đem hun trong lò hun, sau đó thả ra ngoài không khí cho hả hơi rồi phơi sương cho mềm, mịn, dễ lợp).
Muốn làm nón Xuân Kiều đẹp người thợ làm nón phải trực tiếp chọn từng xâu lá, đoạn vòng, sợi cước thật vừa ý. Mỗi loại vật liệu lại có những tiêu chuẩn khác nhau. Các vật liệu trên khi đưa vào làm nón phải qua một số khâu nữa như: Rẽ lá (từ trên ngọn xuống cuống cho lá thẳng); Là lá (cho lá phẳng và trắng hơn); Bứt vòng (nối hai đầu sợi vòng nón lại với nhau theo kích cỡ đã định); Quay nón (lợp nón, chằm nón); Thắt nón (khâu nón); Nức nón (che phần chân lá ở cạp nón); Luồn nhôi (tạo điểm để buộc quai nón)…
Nón làng Chuông có 16 vòng, vòng ngoài cùng to nhất, rộng nhất, các vòng sau nhỏ dần theo hình khuôn nón. Chiếc nón thành phẩm phải chứa cả ba lớp lá: Lớp lá lót, mo nứa, sau đến lớp lá ngoài, khi cầm lên vẫn phải thấy mỏng mà nhẹ thì mới là nón đẹp.
Nghề làm nón được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu là những người phụ nữ bằng sự khéo léo của đôi bàn tay đã tạo ra những chiếc nón xinh xắn, bền đẹp. Cả làng Chuông có gần 4.000 hộ thì từng ấy hộ làm nón. Sự phong phú và đa dạng về mẫu mã chủng loại, cùng với chất lượng đã có uy tín từ lâu khiến nón Chuông không chỉ đến được với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, mà còn xuất sang tận phương Tây, có mặt trong những siêu thị lớn với giá cao.
Làng Chuông với nghề làm nón giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào. Khách đến làng không chỉ để đặt hàng mà còn muốn tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón. Trong khuôn viên của từng gia đình, những cụ già, em nhỏ cặm cụi ngồi trong nhà hay dưới bóng mát của tán cây khâu từng chiếc nón. Trên các sân hay ven đường đê, các bãi cỏ giáp cánh đồng phơi trắng lá nón. Bên trong chợ Chuông những chồng nón các loại xếp cao ngất cùng với các vật liệu làm nón như: lá nón, vòng nón, cước khâu, sợi tế bày la liệt. Nhịp sống của làng nghề làm nón Chuông không ồn ào, gấp gáp, sôi động như các làng dệt, làng chế biến thực phẩm, làng mộc điêu khắc… mà ngược lại rất âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ nhưng lại tỏa ra sức hấp dẫn riêng của một làng nghề nổi tiếng từ lâu.
Ngày nay, cùng với xu thế cách tân nữ phục truyền thống, chiếc nón cũng được đa dạng hóa thêm, thị trường nón cũng được mở ra một hướng khác. Du khách tới Việt Nam thường rất thích thú và yêu mến chiếc nón. Chính vì vậy, người làng Chuông làm những chiếc nón đủ kích cỡ, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của khắp mọi miền. Các sản phẩm chính thường gặp là: Nón con (chính là chóp nón, được lợp hai lần lá, đường kính 15-30cm, chủ yếu phục vụ du lịch); Nón nhỡ (giống như nón nhỏ, đường kính 30-45cm, cho các em học sinh đội); Nón Hồng Kông (có chóp nhọn và ngắn, vành nón rộng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc); Nón Lâm Xung (làm bằng lá hồ, hình dáng hơi giống chiếc mũ, chóp nón không nhọn, xuất hiện từ khi có phim Thủy Hử); Nón Thái (hình dáng giống chiếc nón của người Thái ở Tây Bắc, làm bằng lá hồ, chủ yếu xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc); Nón Bo (làm bằng lá hồ, hình chóp, làm theo đơn đặt hàng của Nhật); Nón bộ ba, bộ năm (chùm nón gồm 3 hoặc 5 cái với nhiều kích cỡ, treo trên 1 sợi dây, để trang trí hoặc làm quà lưu niệm); Nón bẹp chóp (được làm như nón chóp, không có lớp mo, phần chóp nón được bẻ gập xuống); Nón mõm bò; Nón chao đèn ngủ…
Ngoài việc duy trì nón Xuân Kiều, người làng Chuông còn phục hồi được kỹ thuật làm nón quai thao với tấm lòng, nhiệt huyết của các nghệ nhân cao tuổi, muốn cho nghề của ông cha được gìn giữ, phát triển thì mới yên tâm “nhắm mắt xuôi tay”. Ngoài nghệ nhân Phạm Trần Canh, sinh năm 1931, được trao bằng nghệ nhân từ năm 2006, chuyên sản xuất nón quai thao phải kể đến bà Phan Thị Nhật, sinh năm 1930 là người con gái làng Chuông lấy chồng Hà Nội (trước đây). Năm 2000, vì đau đáu với chiếc nón quai thao cổ truyền của cha ông ngày càng bị mai một, bà đã góp vốn cùng các đoàn thể nhiệt tình mời các nghệ nhân tổ chức truyền dạy kỹ thuật làm nón. Nhờ đó hơn 30 chị em trong làng đã tạo ra được những chiếc nón quai thao bán sang cho các liền chị quan họ Bắc Ninh, góp phần giữ được nghề truyền thống.
2.1. Đình Phương Trung
Cũng như các làng quê truyền thống khác, ở làng Chuông, người dân cũng có các di tích tín ngưỡng, tôn giáo để thờ cúng các vị thần, Phật và cầu mong những điều tốt lành.
Ngôi đình làng Phương Trung có từ lâu đời, tọa lạc trên thế đất đẹp gần sát đường quốc lộ, cách thị trấn Kim Bài chừng 2km về phía tây bắc. Dấu tích vật chất chủ yếu của ngôi đình hiện nay là dấu ấn triều Nguyễn. Câu đầu tòa Đại bái ghi rõ: “Thành Thái lục niên, Giáp Ngọ đông, thập nguyệt tạo dựng” – nghĩa là Thành Thái thứ 6, năm Giáp Ngọ (1894) tạo dựng đình. Đến triều vua Duy Tân năm Tân Hợi (1911) làm thêm hai nhà Tả mạc và Hữu mạc. Năm 1950, thực dân Pháp ném bom làm hư hỏng đình. Năm 1953, nhân dân địa phương đã tu sửa lại.
Theo truyền thuyết và thần phả thì đình Phương Trung thờ: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Nguyễn Xí – một danh tướng của Lê Lợi.
Phùng Hưng xuất thân từ một gia đình hào trưởng ở đất Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây). Vào thế kỷ VIII, đất Phong Châu thuộc Bắc quốc đô hộ. Phùng Hưng dấy binh khởi nghĩa chiếm được thành Tống Bình. Sau thắng lợi, Ông xưng là Đô quân, tổ chức chính quyền tự chủ điều khiển việc nước được 7 năm thì mất. Nhân dân kính trọng và tôn làm Bố Cái đại vương, lập đền thờ ở Đường Lâm (Sơn Tây), Phương Trung (Thanh Oai), Quảng Bá (Tây Hồ)...
Nguyễn Xí là người Thượng Xá, huyện Châu Phúc (nay là Nghi Lộc - Hà Tĩnh). Thời đó quân Minh xâm lược nước Đại Việt, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn. Nguyễn Xí yết kiến và được Lê Lợi giao làm Tướng quân. Ông cùng các tướng Lý Triện, Đỗ Bí làm nên chiến thắng Tốt Động, Trúc Động nổi tiếng. Khởi nghĩa thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua, ban chức cho Ôông là: Long hổ tướng quân, Suy trung báo chính công thần.
Trước khi bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp, mặt bằng kiến trúc đình Phương Trung có bố cục theo kiểu “nội công ngoại quốc” nhìn về hướng Nam - hướng của sự trong sáng, mát lành, phù hợp với phong thủy truyền thống. Năm 1953 nhân dân tu sửa lại nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên được kiến trúc truyền thống.
Từ ngoài vào, qua cổng Nghi môn kiểu Tứ trụ (mới được tu bổ) là đến khoảng sân đình rất rộng - nơi họp chợ Chuông của người dân trong làng. Hai bên sân đăng đối nhau là hai tòa Tả hữu mạc.
Tòa Đại bái được làm 5 gian, 3 gian giữa mở hệ thống cửa bức bàn với đố cửa và ngưỡng cửa khá cao. Trang trí trên kiến trúc Đại bái được tập trung ở các bức cốn chạm khắc đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai). Trên bức cốn hiên có 3 con hổ đang ở thế bình tấn, phong cách nghệ thuật đượm màu văn hoá dân gian, phóng khoáng và sống động.
Trung cung và Hậu cung được làm tương tự nhau với mỗi tòa gồm 3 gian nhà ngang làm kiểu chồng diêm hai tầng mái. Hai bên Trung cung, cách một khoảng sân nhỏ là 2 nhà giải vũ mỗi nhà 3 gian nhỏ.
Hậu cung đình là nơi bài trí ban thờ cùng long ngai, bài vị Thành hoàng làng. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được 25 đạo sắc của các triều đại phong mỹ tự cho thần và một số di vật quý như: thần phả, hương án, đỉnh đồng...
Nét đặc sắc ở làng Chuông chính là Hội chợ. Hội chợ làng Chuông được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, từng là hội chợ lớn nhất của tỉnh Hà Đông cũ. Tiếp đó đến ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch là hội làng cũng là dịp có hội chợ lớn. Sự khao khát muốn đi hội chợ Chuông của cô con gái được bà mẹ cảm thông đồng tình, thể hiện qua đoạn ca dao lưu truyền phổ biến trong vùng:
Mồng chín ta chả đi đâu,
Ở nhà têm trầu mồng mười chợ Chuông.
Bố đánh thì mẹ lại nuông,
Dù cho chớ bỏ chợ Chuông mồng mười.
Bố đánh thì mẹ lại cười,
Dù cho chớ bỏ mồng mười chợ Chuông.
Ngược dòng lịch sử, xa xưa chợ không thuần túy là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi qui tụ và diễn ra các sinh hoạt văn hóa ở trong vùng. Điều này còn tồn tại ở nhiều chợ phiên trên các vùng núi cao. Yếu tố trao đổi hàng hóa và yếu tố giao lưu tình cảm song song tồn tại. Dân chúng đã giải thích tính chất hội ở chợ Chuông bằng một câu ca dao rất ngắn gọn:
Mồng mười đi chợ Chuông chơi,
Xem đánh cờ người xem thổi cơm thi.
Câu ca dao trên đã phản ánh chợ Chuông mồng mười là nơi để du khách đi "chơi". Điều người ta quan tâm là đến chợ để xem hai trò diễn mang tính văn hóa độc đáo là đánh cờ nghệ thuật và thổi cơm thi.
Đánh cờ người ở chợ Chuông được tổ chức ngay trước cửa đình trên khu đất họp chợ, nhằm thể hiện tài trí của con người. Cuộc đấu trí giàu tính văn hóa giữa hai đối thủ trên một bàn cờ tướng mà các quân cờ đều bằng người thật. Một bên 16 quân cờ là nam giới ăn mặc sang trọng, phía trước áo in chữ Hán thể hiện chức năng của quân cờ đó. Bên kia là 16 quân cờ do nữ giới sắm vai. Riêng tướng ông và tướng bà của hai bên được ngồi trên ghế có lọng che, người sắm vai quân cờ khác phải đứng. Tục truyền người làm tướng ông, tướng bà ngồi trên ghế ở bàn cờ được làng chọn lựa rất kỹ càng, vừa đẹp về hình thức lại phải ăn ở phúc đức, trong năm gia tộc không có vận áo xám (việc tang). Sau cuộc thi đánh cờ người, các vị tướng ông, tướng bà sẽ mời quân cờ về nhà mở tiệc cau trầu chè nước. Gia chủ được làng chọn vào vị trí tướng cờ năm đó là một vinh dự lớn nên vô cùng hãnh diện.
Du khách tới hội chợ Chuông là dịp xem những trai thanh nữ tú của đất Phương Trung phô bày vẻ đẹp trên bàn cờ tướng. Đánh cờ người âu cũng là một nghệ thuật chơi cao cấp của cha ông ta được cả cộng đồng làng hưởng ứng.
Tục thổi cơm thi ở hội chợ Chuông giành cho cả hai phái nam và nữ. Đây là một trò diễn thi tài nấu nướng. Các cô gái của làng ứng thí sẽ đứng vào một vòng tròn vôi đường kính khoảng 1,5m, có 1 đứa trẻ chừng 6, 7 tháng không phải con mình đẻ ra, và 1 con cóc cùng các đồ nấu nướng. Các cô phải lấy lửa từ bùi nhùi rơm, tước mía làm củi, nhóm bếp trông trẻ con không khóc, trông con cóc không cho nhảy ra ngoài vạch vôi. Theo một số cụ già địa phương, thì hình thức vẽ một vòng tròn bằng vôi trắng là tượng cho trời, con cóc là cậu ông trời, tượng cho mưa. Giữ cóc trong vòng tròn được đồng nhất với ý thức cầu mưa, cầu một dòng sinh lực cho cây trồng, đảm bảo nguồn hạnh phúc. Trước đây, người con gái đi dự nấu cơm thi còn phải ăn chay và khi nấu không được nói cười, phải chăng để đồng nhất với bà mẹ Đất. Các cô gái vất vả vượt qua những điều kiện làng đặt ra còn để thử thách sự nhanh nhẹn, tháo vát của con cô gái làng Chuông. Nồi cơm của cô nào chín trước, dẻo ngon sẽ được làng thưởng.
Tục thổi cơm thi giành cho nam giới xưa tổ chức trên một cái đầm cạnh chợ. Chàng trai dự thi mỗi người ngồi trên một thuyền nan câu, trong lòng thuyền chứa sẵn gạo, nước, củi, bùi nhùi giữ lửa. Khi có hiệu lệnh của các bô lão, các chàng trai bơi tay đưa thuyền từ bờ bên kia sang bờ bên này. Trong thời gian đó dẫu là tay ướt cũng phải tìm cách lấy lửa, nhóm bếp, vo gạo nấu cơm. Mọi việc diễn ra trên chiếc thuyền câu vừa bơi vừa nấu cơm thật khó. Làm sao giữ thuyền không chòng chành, bơi tiến về đích và nấu cho kịp nồi cơm thơm ngon. Đây cũng là một thử thách đối với các chàng trai làng Chuông.
Ẩn sau việc đi chơi chợ, xem trò, bản thân mỗi người đến hội đều có một nhu cầu giao lưu tình cảm. Các cô gái xưa ở trong vùng chuẩn bị đi hội chợ Chuông là như vậy. Mỗi cô đều bọc theo một túi trầu cau. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Miếng trầu nên nghĩa nên tình. Gặp nhau ở giữa chợ mở gói trầu ra mời bạn bè miếng trầu do chính tay cô gái têm, hẳn là trong số các bạn nhận trầu có người bạn trai mà cô gái đem lòng thương nhớ, sau đó họ nên nghĩa vợ chồng. Trong bối cảnh xã hội phong kiến ngày xưa trói buộc người con gái vào khuôn phép gia đình, bố mẹ đặt đâu con ngồi đó thì khát vọng của cô gái được têm trầu đi chơi chợ, giao thiệp rộng rãi với bạn bè mới chính đáng làm sao.
Hội chợ Chuông thực chất là ngày hội sinh hoạt văn hóa nông nghiệp của một vùng đất. Văn hóa làng nghề cũng nhân dịp này thể hiện trong ngày hội chợ. Hội chợ này là sự hỗn dung rất nhiều lớp văn hóa trong tiến trình phát triển của lịch sử. Những trầm tích của văn hóa chùa chiền, của tín ngưỡng thành hoàng làng, của các sinh hoạt gắn liền với nền nông nghiệp trồng lúa nước và những biểu hiện của văn hóa nghề, tất cả tạo thành một tổng thể hòa quyện vào nhau vì thế hội chợ Chuông có sức sống lâu dài trong tâm trí nhân dân và có cơ hội thực thi trong đời sống xã hội hiện đại.
Di tích đình Phương Trung đã được Bộ Văn hoá thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá theo quyết định số 23/VH QĐ ngày 16/3/1985.
2.2. Chùa Phương Trung
Chùa nằm liền kề phía sau đình Phương Trung. Đây là công trình tôn giáo của cộng đồng làng xã, được xây dựng từ lâu đời với các dấu ấn kiến trúc còn lại của thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Đó là một chùa cổ, kiến trúc kiểu chữ công với hệ thống tượng phật trên 100 pho. Điều đáng lưu ý là chùa Phương Trung bài trí hệ thống tượng thờ theo kiểu "Tiền thần hậu phật". Phía trước Phật đài, nhà chùa đặt vị trí trang trọng thờ tướng Đỗ Huệ và công chúa Phương Dung. Truyền rằng, Đỗ Huệ người làng Chuông đã dẫn 50 trai tráng của làng trong đó có các con trai và người trong họ gia nhập đoàn quân của Phùng Hưng tham gia đánh thành Tống Bình, Phùng Hưng phong Đỗ Huệ làm tướng chỉ huy. Còn công chúa Phương Dung là vợ của Phùng Hưng, bà đã "xuất gia tòng đạo Phật" (xuất gia theo đạo Phật) chọn đất Phương Trung xây dựng chùa chiền, mở mang cõi phật. Sau ngày bà mất dân làng gọi bà là Đức Thánh Bà và thờ ở chùa.
Các hạng mục kiến trúc chính của chùa hiện nay gồm: Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và các công trình phụ trợ, sân, vườn.
Tam quan của chùa được xây bằng gạch gồm hai tầng, tầng trên 4 mái với các đầu đao cong, tầng dưới là ba lối đi tạo kiểu vòm cuốn. Từ đây bước qua khoảng sân rộng lát gạch, qua 5 bậc thềm là tới tòa Tam bảo chùa gồm: Tiền đường, Thượng điện, Hậu đường.
Tiền đường là một nếp nhà 7 gian, tường hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri truyền thống. Các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ chuyền”.
Thượng điện là 3 gian nhà dọc, nối từ gian giữa Tiền đường vào Hậu đường, được làm theo kiểu chồng diêm, tạo khoảng hở giữa hai tầng mái làm cho nhà cao hơn hẳn hai hạng mục còn lại. Các lớp mái ngói lô xô, ẩn hiện giữa tán lá xanh của cây cổ thụ tạo nên một không gian yên bình, thư thái, giúp Phật tử tĩnh tâm để đến gần hơn với Phật đạo.
Tòa Hậu đường cũng gồm 3 gian nhà ngang với kết cấu bộ vì đỡ mái tương tự tòa Tiền đường.
Chùa còn có hai dãy hành lang chạy dọc hai bên nối từ hồi Tiền đường sang Hậu đường, mỗi dãy gồm 5 gian, bên dưới đặt các tượng Tổ.
Nhìn chung, nghệ thuật trong trí trên kiến trúc chùa không nhiều, tập trung chủ yếu vào hệ thống tượng tròn trên Phật điện với hơn 100 pho được tạo tác chủ yếu từ gỗ, sơn son thếp vàng, có giá trị nghệ thuật khá cao, gồm các pho tượng: Tượng Hộ pháp, Đức Ông, Thánh Hiền, Bát bộ Kim Cương (ở Tiền đường); Tượng Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, Quan Âm, Ngọc Hoàng, Thích Ca Sơ Sinh… (ở Thượng điện). Ngoài ra, chùa Phương Trung còn bảo lưu được khá nhiều di vật quý như: Khánh đồng đúc vào triều Thành Thái 17 (1905). Một đôi hạc đồng cao đúc vào năm 1921, quả chuông đồng có niên đại Thành Thái 17 (1905)…
Điều đặc biệt ở đây là sân chùa chính là nơi họp chợ thường kỳ. Chợ làng Chuông ngày nào cũng họp, còn chợ nón thì một tháng họp sáu phiên vào buổi sáng mồng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch. Chợ chỉ bán nón và các nguyên liệu làm nón. Chợ làng Chuông họp từ rất sớm, 6h sáng đã có đông đảo người dân trong làng đến họp. Từ khắp chợ, người người vui vẻ mang theo những sản phẩm của mình đến đây tụ họp. Chợ họp nhanh, ồn ào, náo nhiệt rồi nhanh chóng tan sau hơn 3 tiếng đồng hồ. Người đi chợ phải đi từ rất sớm, kẻ muốn đến chơi cũng phải chạy đến từ sớm tinh mơ, để hưởng cái không khí náo nhiệt của chợ nón. Du khách đến thăm làng Chuông, dự vào phiên chợ, nhất là vào các phiên chợ nón sẽ cảm thấy vô cùng thú vị bởi nét văn hóa đặc sắc này. Chẳng biết có từ bao giờ song từ bao đời nay, người làng Chuông vẫn duy trì nếp sinh hoạt họp chợ này. Vào dịp hội chợ đầu năm mới và dịp lễ hội làng, không khí nơi đây lại càng tưng bừng, náo nhiệt. Điều này thực sự đã góp phần làm nên bản sắc riêng của làng Chuông.
2.3. Đền Thượng và đền Trung
Hai ngôi đền của làng Chuông được xây dựng ngoài làng, cách đình và chùa khá xa. Đền Thượng nằm ngoài đê, nhìn theo hướng Nam, tuy không lớn nhưng các hạng mục kiến trúc được bố trí khá hoàn chỉnh: Nghi môn, Đại bái, Trung cung và Hậu cung.
Đền Trung nằm ngoài cánh đồng, trên một gò đất cao với ban thờ lộ thiên được làm khá đơn giản. Tuy nhiên, ngôi đền lại có cảnh quan rất đẹp với hệ thống cây cổ thụ um tùm vừa tạo không gian linh thiêng vừa có bóng mát để người dân đến dâng hương lễ thánh hoặc là nơi tập trung nghỉ tay uống chén trà xanh, truyện trò dăm ba câu chuyện thường nhật của người nông dân trong những ngày mùa làm đồng nóng bức.