Thứ Hai, 26/07/2010 - 06:46

Độc đáo chùa gốm sứ giữa Hà thành

Dân trí Chùa Hưng Ký (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo xây dựng cuối triều Nguyễn. Đây được xem là ngôi chùa “độc nhất vô nhị” ở Hà thành được đắp bằng những mảnh gốm sứ nhiều màu sắc.

Chùa còn có tên là Võ Hưng thiền am do ông Trần Văn Thành (Hưng Ký) bỏ tiền xây dựng. Ông Hưng Ký là một doanh nhân lớn chủ Nhà máy gạch Cầu Đuống. Khi người Pháp tổ chức hội chợ ở Mác-xây, ông cũng đem các mẫu hàng sang dự và được thưởng huân chương.
 
Sẵn lòng mến mộ mảnh đất ở gần cửa ô phía Nam, nơi ông có nhiều gắn bó và kỷ niệm, ông Hưng Ký đã dành số tiền thưởng ở hội chợ quốc tế này và nhiều tiền lãi, tất cả hơn 4.000 đồng Đông Dương, để xây dựng chùa Hưng Ký.
 
Khuôn viên của chùa gồm 3.000 m2, các hạng mục kiến trúc từ tam quan, tam bảo đến phật điện, nhà bia, nhà tổ đều được trang hoàng bởi những bức cuốn bằng gốm sứ, tạc khắc hoa văn tinh xảo qua gần 80 năm vẫn còn bóng màu men gạch. Đó thực sự là một công trình kiến trúc mỹ thuật đặc sắc.
 
Mảnh gốm sứ thể hiện các điển tích của nhà Phật.
 
Chùa Hưng Ký còn bảo tồn hầu như nguyên vẹn những bức tranh ghép bằng sứ có giá trị nghệ thuật cao. Những mảng màu xanh, đỏ tối sáng kết hợp hài hòa khiến cho các thế hệ ngày nay phải thán phục trước cái tinh tế và sự tài hoa của những nghệ nhân vô danh xưa mà chỉ Hưng Ký mới có được.
 
Cổng chính gồm tứ trụ nối với tam quan tạo nên thế nguy nga, vững chãi. Hai mặt ngoài cổng phụ có đắp phù điêu hình voi ngựa, tám góc mái chạm hình rồng chầu nguyệt.
 
Trong khi hệ thống câu đối ở nhiều ngôi chùa khác thường được khắc trên gỗ sơn son thiếp vàng thì toàn bộ câu đối ở chùa Hưng Ký đều được đắp bằng sứ tráng men màu.
 
Tòa tam bảo kiến trúc theo kiểu tường xây, chia làm 7 gian gồm 12 cột chính, mỗi cột cao 7 m, vuông 30 cm. Toàn bộ cột kèo, quá giang, xà đều bằng bê tông cốt thép, phía ngoài là lớp granitô màu hồng nhạt.
 
Hàng mái tàu hiên tam bảo, trong là gỗ, ngoài ốp lớp gốm men màu trang trí hình lá đề tạo nên một bức tranh màu sống động và làm tôn thêm vẻ uy nghiêm vốn có. Trong mỗi lá đề có hình hoa chanh bốn cánh. Mái chùa được lợp ngói ống, đầu gắn chữ "Thọ", có tượng lân múa tú cầu ở mỗi bờ nóc. Ở chính giữa có hai con rồng chầu bầu nước cam lộ cũng được tạo tác rất tinh xảo.
 
Nóc mái được tạo tác bằng gốm sứ rất tinh xảo.
 
Sau Phật điện chùa là nhà bia hình vuông, mỗi chiều 4m. Nhà bia xây bằng gạch và bêtông kiến trúc tứ trụ hai tầng mái. Tại phần cổ diêm trang trí các đề tài trong truyện Tây Du Ký, tả lại 81 khổ nạn Đường Tăng gặp phải trên đường đi Tây Trúc lấy kinh.
 
Những bức tranh được đắp nổi tráng màu vô cùng sinh động khiến cho du khách như được xem một cuốn băng quay chậm về con đường thiên lý lấy chân kinh của Đường Tam Tạng.
 
Ngoài ra, ở phần diềm mái, dưới là biểu tượng liên hoàn “Tứ môn xuất du” của Thích Ca Mâu Ni tu hành đắc đạo và mô tả tích truyện Quan Âm Thị Kính.
 
Một di sản quý giá nữa mang tính thẩm mỹ cao ở chùa Hưng Ký đó là 3 pho tượng gỗ đồ sộ: Đức Phật A Di Đà cao 3,86 m làm bằng gỗ phủ sơn, tượng Phật Di Lặc cũng bằng gỗ sơn son và tượng Phật Thích Ca đản sinh.
 
Tại tường hai gian đầu hồi tam bảo là hai tòa Thập điện Diêm vương được cấu trúc theo kiểu động. Tượng người, quỷ, Diêm vương đều do ông Thức, một nghệ nhân của làng Bát Tràng nặn bằng đất, quét màu, tráng men rồi đem nung. Mỗi bên động có 5 vị Diêm vương, 2 vị Thiên vương và nhiều tượng khác.
 
Được biết, lúc chuẩn bị khởi công xây dựng chùa, xưởng gạch ngói của ông Hưng Ký cùng nhiều nghệ nhân đã dành hẳn 5 năm để sản xuất vật liệu và gốm trang trí. Chùa làm xong, ông Trần Văn Thành còn mua thêm đất ở làng Hoàng Mai, Tương Mai đưa vào chùa.
 
Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa các vật liệu xây dựng hiện đại với phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc đã tạo ra một ngôi chùa tuy ra đời muộn màng nhưng lại có một không hai trong lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt.
 
Hoàng Giang