LÀNG CỔ MỄ

Đình Cổ Mễ - Bắc Ninh

 

TÌNH HÌNH CHUNG VỀ VỊ TRÍ HÀNH CHÍNH VĂN HOÁ XÃ HỘI
 
Vị trí địa lý hành chính: Cổ Mễ (còn quen gọi là Cô Mễ) là một làng cổ nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng. Trước năm 1945, Cổ Mễ là một xã thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay, Cổ Mễ là một khu thuộc phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Làng Cổ Mễ phía bắc giáp với sông Cầu, phía nam giáp Thị Cầu, phía đông giáp Đáp Cầu, phía tây giáp Xuân ái (Hoà Long - thành phố Bắc Ninh). Cổ có 3 khu: khu 1 (xóm Chùa), khu 2 (xóm Đình), khu 3 (xóm Ngoài). 
 
Nằm trên địa bàn phía bắc của phường Vũ Ninh và thành phố Bắc Ninh, làng Cổ Mễ có hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ rất thuận lợi. Các tuyến đường bộ, đường bà chúa Kho, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, đường Quốc lộ 1A; phía bắc làng có dòng sông Cầu chảy qua, tàu thuyền có thể ngược Thái Nguyên hoặc xuôi Phả Lại. 
Những ngọn đồi thấp: Núi Đồn, núi Kho, núi Chùa tạo nên một vùng sơn thuỷ hữu tình. Với diện tích 160ha, Cổ Mễ có 580 hộ, 2775 người, 85% số dân sống dựa vào nghề nông và 15% sống phi nông nghiệp. Cổ Mễ có 4 giáp: giáp Bắc, giáp Nam, giáp Đông, giáp Đoài và 11 dòng họ: Nguyễn, Phạm, Đỗ, Bùi, Cao, Trần, Lê, Sử, Vũ, Đoàn, Khổng (chủ yếu là dòng họ Nguyễn).
 
Hoạt động kinh tế: Từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế của nhân dân Cổ Mễ. Đất canh tác nông nghiệp ở địa phương phân bố không đều, loại đất vùng cao (trước đây gọi là thượng đẳng điền) có thể canh tác từ 1 đến  2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa, một vụ màu/năm, còn chủ yếu đất của làng là loại đất chiêm trũng "chiêm khê, mùa thối", hàng năm chỉ cấy được 1 vụ lúa chiêm. Sau khi hoà bình lập lại, nhà nước đầu tư làm trạm bơm Cổ Mễ, nhân dân địa phương đắp bờ vùng, bờ thửa làm thuỷ lợi nội đồng. Từ đó, nhân dân trồng được hai vụ lúa: chiêm mùa đạt năng suất cao, đời sống ngày càng đi lên. Lúa gạo là loại cây lương thực chính được sản xuất ở địa phương. Làng Cổ Mễ tôn thờ một Nữ thần (Bà Chúa Kho). Bà được giao quản lý kho lương thực lớn của triều đại nhà Lý. Nơi đây từ xưa đã là một trung tâm sản xuất và buôn bán lúa gạo nổi tiếng trong vùng. Ngoài ra, ở Cổ Mễ còn gieo trồng các loại ngũ cốc và rau màu ngắn ngày như: Ngô, khoai, đỗ, lạc, rau cải, bầu, ớt, rau cần… Ngoài trồng trọt, các hộ nông dân còn chăn nuôi các loại gia sức như gà, vịt, trâu bò, lợn,.. đảm bảo sức kéo và cung cấp thực phẩm cho sinh hoạt gia đình. Cổ Mễ có các nghề như thợ xây, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề buôn bán nhỏ, đặc sản của quê hương là chè tươi, sắn, mít, rau muống. Ngày nay, cùng với sự phát triển chung của đất nước, cơ cấu kinh tế Cổ Mễ càng thay đổi, tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch càng tăng, kinh tế nông nghiệp phát triển theo sản xuất hàng hoá nhanh và ổn định cùng với quá trình đô thị hoá đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
 
Văn hoá - xã hội: Đình làng Cổ Mễ khởi dựng vào năm 1681 và tồn tại đến nay, Đình nằm dưới chân núi Châu Sơn (sau gọi là núi Đồn) xung quanh là làng xóm trù mật. Đình thờ Thánh Tam Giang, không chỉ nổi tiếng bởi các giá trị kiến trúc, điêu khắc mà đình còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật quý như bia đá, thần phả, sắc phong, đồ thờ tự. Đặc biệt hệ thống 7 bia đá dựng khắc năm 1752, 1812, 1819, 1868, 1868, 1875, 1888; 6 đạo sắc phong cho thần Thành Hoàng làng Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát). Các vị đã có công giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương. Sau này các ngài lại hiển lịnh phù giúp Thái uý Lý Thường Kiệt làm nên chiến công lừng lẫy. Làng còn thờ một ông quan võ họ Nguyễn tự Phúc Hải quê ở Thanh Hoá. Ông lấy vợ tên là Đỗ Thị Thích quê ở Cổ Mễ. Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc, lúc mất táng tại lăng họ Nguyễn bây giờ. Lễ hội đình được tổ chức vào ngày 10 tháng 8 âm lịch hàng năm và có tục ca hát Quan họ. 
 
Chùa Cổ Mễ (Cổ Mễ tự) nằm ở sau đình làng, được khởi dựng vào thời Lê. Từ xưa đã được nhiều người biết tiếng và đã được sách "Kinh Bắc phong thổ" nhắc đến. Sau đó chùa bị chiến tranh tàn phá, bão lũ huỷ hoại đến năm 1928 chùa được trùng tu lại. Toà Tam Bảo của chùa hiện nay là kiến trúc của thời Nguyễn, còn giữ được khá nguyên vẹn, kiểu chữ đinh gồm tiền đường 5 gian và thượng điện 3  gian đều được chạm khắc công phu các đề tài rồng mây hoa lá. Chùa còn bảo lưu được một số cổ vật quý giá là tượng thờ trong đó đặc biệt có 3 pho tượng đá có niên đại từ thế kỷ XVI. Những đồ thờ tự ở đây như chuông đồng (được làm năm 1928 thời vua Minh Mạng), đại tự, câu đối… đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
 
Đền Cổ Mễ còn gọi là đền bà Chúa Kho (Chủ Khố Linh từ) vốn có từ lâu đời nằm ở lưng chừng núi Châu Sơn. Đến thời Lê, Nguyễn đền được tu tạo. Chuyện xưa kể rằng: Ngày ấy vào tháng 3 đến tháng 9 mưa to, nước ngập trắng xoá cả vùng Kinh Bắc tưởng chừng không thể nào sống nổi. Bấy giờ ở làng Quả Cảm có một người con gái mặt hoa, da phấn, tóc dài đen mượt, môi đỏ như son, như "Tiên thiên giáng trần", đeo bên mình một bị trấu xuống tận núi Nham Biền (núi Bài), vừa lội đồng, vừa vung trấu xuống nước. Trấu trôi đến đâu bà lập ấp đến đó. Bà dạy dân khoanh vùng, trị thuỷ. cày cấy. Từ đấy các làng Đại Tảo, Sở, Cổ Mễ, Quả Cảm, Thượng Đồng, Trung Đồng, Hạ Đồng… (Tất cả 72 trang ấp) hình thành và phát triển, dân cư đông đúc, làng mạc ấm áp trù phú, vạn vật tốt tươi.
 
Tiếng lành đồn xa, vua Lý đón bà về cung làm vợ, ở cung đình - nơi lầu son gác tía, bà vẫn nhớ về quê hương. Sau đó bà xin vua về cố hương để giúp dân làng làm ăn sinh sống. Nhà vua cho bà trông coi các kho lương thực lớn của triều đình ở ven sông Như Nguyệt (sông Cầu) để tiếp tế lương thực cho quân ta chống giặc Tống xâm lược và cai quản số tù binh do nhà Lý bắt được trong chiến tranh. Bà dạy những người này làm ruộng. Vì thế kho lương Bà cai quản ngày càng đầy thêm, đủ cung cấp cho quân ta đánh giặc Tống. Trong trận đánh với tướng giặc nhà Tống (Quách Quỳ) ở Tam Tầng bà đã anh dũng hy sinh, hoá thân vào nền đá của núi Kho. Cũng từ đó Cổ Mễ mang tên là núi Kho, làng Thượng Đồng được gọi là làng Lẫm (làng Kho).  Hiện nay còn lưu lại Đồng Bến là nơi để thuyền kho, Dải Cừ là nơi chở thóc, gạo về kho tại làng Lẫm, núi Hạ Mã là nơi các quan quân đến đó phải xuống ngựa để vào kho lương…
 
Để tôn vinh công đức của Bà, nhân dân lập miếu, quanh năm hương khói phụng thờ. Đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hoà (1680 - 1705) miếu được xây dựng thành đền lớn. Toàn bộ những công trình kiến trúc, những tài liệu lịch sử, cổ vật quý khá phong phú về mặt loại hình, niên đại và chất liệu cấu thành như: Câu đối, hoành phi, sắc phong, tượng, đồ thờ v.v… đều được tạo dựng trong thời gian này. Tiêu biểu là một câu đối hiện nay vẫn còn lưu giữ tại đền: 
 
"Lê Triều trưởng khố trường hồng điệp
Nữ giới di danh tự phúc thần"
 
Đến đời Nguyễn Dực Tông, niên hiệu Tự Đức (1848 - 1883) dân làng Cổ Mễ đã trùng tu lại, diện mạo cơ bản của khu đền được xây dựng lại. Trải qua lịch sử, đền đã bị phá. Năm 1991, nhân dân Cổ Mễ đã xây dựng lại ngôi đền trên đất cũ nền xưa. Đền Bà Chúa Kho toạ lạc trên đầu rồng (núi Cổ Mễ, Thị Cầu) dáng vẻ giống như hình con rồng đang uốn lượn, nhả ngọc, phun châu. Từ xưa đến nay, các loại hình văn hoá truyền thống như: Hát Trống quân, hát Ví, hát Chèo phát triển mạnh ở nơi này; các truyện cổ chủ yếu kể về sự tích Bà Chúa Kho, các câu ca dao tiêu biểu:
 
"Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Cổ Mễ với anh thì về
Cổ Mễ có lịch, có nề.
Có hoa thiên lý, có nghề buôn cau"
 
LỄ HỘI VÀ SINH HOẠT QUAN HỌ
 
Lễ hội: Hội làng Cổ Mễ: Được tổ chức ngày 14, 15 tháng giêng (âm lịch), ngày 15 là chính hội. Từ ngày 14, làng đã tổ chức dựng cây phướn để làm lễ nhà phật như dâng hương, cúng Tam bảo, sau đó các vãi tổ chức làm trò nhà phật. Ngày 15: Các vãi làm cơm nhà phật, đón khách thập phương đến lễ phật, mời khách thụ lộc chay nhà phật. Trong ngày tổ chức các trò chơi dân gian, đặc biệt là hát Quan họ. 
 
Hội đình Cổ Mễ: Tổ chức ngày 10 tháng 8 (âm lịch), gọi là lễ kỳ phúc hay thu tế rước thần Thành hoàng làng. Hội đình xưa bao giờ cũng có rước nước từ sông Cầu về đình. Đây là hình thức diễn xướng phổ biến ở các làng thờ Thánh Tam Giang. Các thanh niên nam nữ từ 18 đến 25 tuổi khiêng kiệu (đều phải chưa vợ, chưa chồng) bên trong có đựng choé nước ra sông Cầu. Sau đó bốn thanh niên (hai nam, hai nữ) khiêng choé xuống thuyền, chèo thuyền ra giữa sông lấy nước đổ vào choé. Rồi đó rước nước về đình, tế lễ thần. Ngày 10 tháng giêng (âm lịch) là ngày kỷ niệm ngày mất của bà Chúa Kho. Làng cũng tổ chức dâng hương, rước và các trò chơi. Trong 3 tiết lệ trên thì hội chùa ngày 14 - 15 tháng giêng là tiết lệ chính, là ngày hội làng. Các hoạt động giao lưu Quan họ giữa các làng được tổ chức vào dịp hội làng này. Ngoài ra, cả hội đình hoặc lễ hội đền Bà Chúa Kho chỉ có các bọn quan họ trong làng hát thờ với nhau trong đình hoặc trong đền.
 
Sinh hoạt văn hoá quan họ: Làng Cổ Mễ xưa có hai bọn Quan họ, một bọn Quan họ nam và một bọn Quan họ nữ. Bọn Quan họ nam ông trùm là Nguyễn Văn Sạ, đồng thời nhà ông Sạ cũng là nhà chứa của bọn Quan họ nam. Bọn Quan họ nam có những liền anh như : Anh Hai Cự, anh Hai Tôn, anh Hai Đàn… Bọn Quan họ nữ có nhà chứa là nhà bà Tôn cũng là bà trùm. Trong bọn có các liền chị như: Chị Hai Túc, chị Ba Hữu, chị Tư Bầu, chị Năm Nho, chị Sáu Khái. Bọn Quan họ nam Cổ Mễ kết bạn với bọn Quan họ nữ Hữu Chấp (làng Chắp). Bọn Quan họ nữ Cổ Mễ kết bạn với bọn Quan họ nam Hữu Chấp.
 
Đến Cổ Mễ hôm nay chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn được chứng kiến sự đoàn kết thống nhất Đảng với dân, dân với Đảng, xây dựng phong trào kinh tế và ca hát Quan họ hướng tới xây dựng mô hình nông thôn kiểu mẫu. Nhân dân Cổ Mễ còn nhớ và quyết tâm thực hiện lời nói của ông Nguyễn Văn Sạ trước lúc lâm chung: "Tôi không thể sống được nữa, các bác ở trên này hãy cứ sống tình cảm mãi với nhau. Các bác phải học, không thể để mất làn điệu Quan họ gốc của thôn ta, nếu không chịu học thì ắt là mai mốt Quan họ sẽ mất đi lúc nào không biết. Các bác đặc biệt chú ý truyền nghề cho lớp trẻ, nếu không làng mình sẽ mất gốc hát Quan họ đấy".