Tô Hiệu, Thường Tín
Tô Hiệu là một xã của huyện Thường Tín Hà Nội Việt Nam.
Thông tin địa lý[sửa | sửa mã nguồn]
Tô Hiệu tiếp giáp với các xã cùng huyện sau: xã Văn Tự ở phía Nam, xã Thống Nhất ở phía Đông, xã Lê Lợi ở phía Đông Bắc, xã Thắng Lợi ở phía Bắc, xã Dũng Tiến ở phía Tây Bắc, xã Nghiêm Xuyên ở phía Tây. Phía Tây Nam, xã Tô Hiệu giáp với xã Phượng Dực huyện Phú Xuyên. Xã Tô Hiệu nằm bên đường sắt Thống Nhất, quốc lộ 1A cũ và mới (đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) (đường 1A cũ, cùng đường sắt Bắc-Nam cắt ngang xã, đường 1A mới chạy ở rìa phía Đông của xã). Chính giữa xã là ga Tía, ga đường sắt Thống Nhất.[1]
Xã Tô Hiệu gồm 4 làng Tử Dương (Tía) [2] và An Duyên, An Định và Đông Duyên. Đầu thế kỷ 19, các làng của xã Tô Hiệu là các xã (thời xưa) thuộc 2 tổng của huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín trấn Sơn Nam Thượng, là: Tử Dương, tên dân gian là làng Tía thuộc tổng Bình Lăng, còn An Duyên (Yên Duyên), tên dân gian: làng Mui, An Định, tên dân gian: làng Giành, Đông Duyên, tên dân gian: làng Đình Dâu thuộc tổng Tín Yên (Tín An)[3]. Đến năm 1831, các làng này cùng toàn phủ Thường Tín thuộc tỉnh Hà Nội. Theo Ngô Vi Liễn, tổng Tín Yên phủ Thường Tín gồm các làng xã: Đông Duyên (tức Dương Dần), Hà Vĩ, Lưu Khê, Tín Yên (tức Dừng), Yên Duyên (An Duyên, tức Mui). Làng Tử Dương (Tía) thuộc tổng Bình Lăng.[4] Thời Pháp thuộc, đất xã Tô Hiệu thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Đông. Sau cách mạng Tháng Tám, bỏ cấp tổng, xã Tô Hiệu được thành lập, lấy tên của chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu làm tên xã. Sau cùng với huyện Thường Tín, xã Tô Hiệu lần lượt thuộc các tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình, Hà Tây, rồi năm 2008 được nhập về Hà Nội. Làng Tía nay nằm 2 bên quốc lộ 1A và đường sắt Thống nhât Bắc-Nam (ga Tía).
Danh nhân[sửa | sửa mã nguồn]
- Doãn Hoành Tuấn hay 尹宏濬[5], người làng An Duyên, quan nhà Lê sơ, triều Lê Thánh Tông, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân năm 1478[6], Thượng thư bộ Lễ, đi sứ nhà Minh năm 1480 mang thư trả lời nhà Minh của vua Lê về việc Đại Việt chinh phạt Ai Lao và tranh chấp biên giới Đại Việt-Đại Minh năm 1479.[7][8].
- Doãn Mậu Khôi 尹茂魁, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân năm 1502[9], người làng An Duyên, Thượng thư bộ Lễ, tới thời Lê Uy Mục được cử đi sứ nhà Minh 1507 [10].
- Doãn Mậu Đàm 尹茂覃 hay còn gọi là Doãn Đàm (1557-?), quê gốc An Duyên, sau chuyển cư tới thôn Cự Phú xã Tam Đa huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân năm 1586[11].
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Tập bản đồ hành chính Việt Nam (Administrative Atlas)
- ^ Bài nghiên cứu Về đạo sắc "Tử Dương thần từ", của Cung Khắc Lược và Chu Quang Trứ, trên Tạp chí Hán Nôm số 1/1995.
- ^ Cuốn Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19, trang 48.
- ^ Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, Ngô Vi Liễn, trang 42-43.
- ^ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 23 bản chữ Hán, Lê Thánh Tông, trang 33.
- ^ Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478)
- ^ Việt sử thông giám cương mục, chính biên, tập XII trang 1155-1157, tức chính biên quyển 23 trang 25-27
- ^ Đại Việt sử ký Bản kỷ thực lục - quyển XIII - nhà Lê
- ^ Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502)
- ^ Doãn Mậu Khôi đi sứ sang Trung Hoa, mừng Minh Võ Tông lên ngôi, tháng 11 năm 1507(Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
- ^ Các nhà khoa bảng triều Mạc, phần cuối, mục 1528.Doàn Đàm (1557-?), trang web Mạc tộc.
|