Tin tức - Sự kiện   /  Ngân hàng thông tin  /  Tiềm năng du lịch  /  Lễ hội đặc sắc
LỄ HỘI BẢO LỘC SƠN
Ngày đăng: 03/10/2014

Xa xưa tại Yên Thế hạ có 2 lễ hội lớn nhất vùng và thuộc diện hàng tổng, đó là lễ hội Đình Vồng, tổng Vân Cầu nay thuộc xã Song Vân và lễ hội Bảo Lộc Sơn tổng Bảo Lộc Sơn nay thuộc xã Việt Lập. Lễ hội Đình Vồng Song Vân ngày nay qui mô bề thế ai cũng biết, còn lễ hội Bảo Lộc Sơn.....

Tôi về lễ hội Bảo Lộc Sơn vào ngày 16 tháng giêng - chính hội. Trên khu đất rộng nơi di tích đình Um Ngò tọa lạc là nơi diễn ra lễ hội và khu văn vật này đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2004. Đầu thế kỷ XIX Bảo lộc sơn là một tổng thuộc huyện Yên Thế phủ Lạng Giang gồm 4 xã: Bảo Lộc Sơn, Chung Sơn, Tưởng Sơn và Kim Tràng. Miền đất này bây giờ thuộc các xã: Liên Chung, Việt Lập và Hợp Đức và trong đó đình Um Ngò nơi thường niên diễn ra lễ hội nằm ở trung tâm.Theo sử liệu và văn bia trên bia đá hình trụ lưu giữ tại đình Um Ngò được biết năm 1775 đình được hưng công xây dựng qui mô bề thế. Tấm bia tại Đình Ngò cũng rất đặc biệt, loại hình hiếm ở nước ta. Bia hình trụ, chu vi đáy dưới là 177 cm, đáy trên 166cm, cao 90cm, kể cả phần chóp cao 1m1. Bia đặt trên bệ hình tròn 3 cấp, chóp bia tạo thành nụ sen sắp nở. Bài văn bia do Thiêm sai tri Thị nội thư tả Binh phiên, phụng sai vương tử hữu chú giảng Đông các hiệu thư, Duy Tiên Lê Xá Lý Trần, đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, soạn.
Nội dung văn bia cho biết, Viên mục xã Bảo Lộc Sơn, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang là Giáp Danh Phiên, Giáp Danh Điền, Giáp Danh Tiên… bầu hậu Phật. Do bản xã có quan Thái giám giữ chức Cai cơ, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Tụ vũ cơ quân sự Tham đốc Bắc quân hữu bảo, trí sĩ, Thái Thọ hầu Nguyễn Giáp Sùng và chánh phu nhân Trịnh Thị Thịnh đã làm cho bản xã một ngôi đình lớn 3 gian 2 chái, phía sau đình lại dựng một ngôi đền 3 gian, đều bằng gỗ lim, lợp ngói. Lại cho 4 lạng vàng, 50 lạng bạc, 350 quan tiền sử, 8 mẫu ruộng, 1 cái ao để dân xã dùng vào việc hương hỏa và sửa chữa đình, đền sau này. Phần tiếp theo của văn bia là kê những khoán ước của dân đối với hậu thần. Vào năm Gia Long thứ 7 (1808) ngôi đình lớn bị đem đi phát mãi. Ngày nay tới thăm thấy nền cũ vẫn còn, ngôi đền nhỏ 3 gian phía sau đình vẫn còn. Dân xã sau khi bán ngôi đình, đã cho khắc vào khoảng trống của tấm bia hình trụ đó, rằng: Ngày 14 tháng 3 năm Mậu Thìn, các hương lão, viên chức, xã thôn trưởng, đinh nam, cùng các bậc trên dưới trong toàn xã khắc bia ghi việc. Do năm Nhâm Tuất, bản xã phiêu tán, bỏ thiếu thuế cong, mất nghề làm ăn, nên bản xã cùng tình nguyện phát mãi đại đình, gồm 3 gian 2 chái, đá tảng các loại, thu được một số tiền công, điền nạp vào thuế vải trắng, mong được phục hồi nghề cũ, an cư lạc nghiệp. Vì vậy lại khắc vào bia để bảo cho người đời sau biết. Còn các lễ tiết, tế lễ vẫn theo y như trong bia không dám làm trái. Tháng 3 năm Gia Long thứ 7 (1808), khắc. Lời thanh minh trong bia cho ta biết thêm, thời ấy, dân xã có nghề dệt vải quan thiết đến đời sống, có lẽ cũng khá phát triển. Trở lại với lễ hội bảo Lộc Sơn theo các cụ cao niên ở đây cho biết hồi nhỏ từng đã được xem hội và xem lễ rước lên nghè Cả trên núi Dành. Lễ hội này mai một năm 1945 và mới được khôi phục lại 14 năm nay. Cụ Giáp Văn Học cho biết: Lễ hội Bảo Lộc Sơn là ngày hội tứ đình còn gọi là tứ giáp, đặc trưng của 3 họ: Thân, Giáp và Nguyễn thờ 4 ông thần: Đình Um Ngò là đình chung thờ Cao Sơn quí minh tức là thần núi cao. Đình làng Núi còn gọi là làng Khoát thờ Lâm Giang đô thống thần rừng; Đình Nguyễn thờ Tống Man quí minh tức là thần sông và đình Kim Tràng thờ Quí Minh thanh lãng - thần biển. Vào ngày đầu xuân, tuần tự hội làng tổ chức tại làng Nguyễn mùng 7 tháng giêng, làng Khoát 12 tháng giêng, Kim Tràng 14 tháng giêng và sau đó rước kiệu về đình Um Ngò mở hội 16 và 17 tháng giêng để rồi từ đó có tục rước kiệu lên Nghè Cả làm lễ mở đầu cho một năm. Cụ Giáp Văn Giới cho biết: Lễ hội Bảo Lộc Sơn là đặc trưng của cả 3 xã: Hợp Đức, Liên Chung và Việt Lập. Đây là lễ hội dân gian tồn tại đã hàng trăm năm. Ngoài phần lễ rước lên Nghè Cả, phần hội gồm những trò chơi như đu cây, chọi gà, đấu vật thả diều. Những ước mong cầu mưa gió thuận hòa, dân khang vật thịnh. Không chỉ có vậy hội Bảo Lộc Sơn còn thể hiện sự tri ân với những người có công với làng nước, xã tắc và được nhân dân thờ phụng và có khá nhiều danh nhân tiêu biểu qua các triều đại Lê, Nguyễn, đó là: Giáp Chinh Khánh làm quan tới chức Tiền Trung Nghĩa thiết kị tướng quân triều Lê Cảnh Hưng 1740; Quận công Giáp Đăng Luân Tham đốc Thượng trụ quốc thượng trật, Lập quận công, Giáp tướng công. Giáp Trung Hòa anh liệt tướng quân đô chỉ huy sứ, tư lệ chỉ huy Bảo Lĩnh hầu. Giáp Chinh Tường Thái bảo chí sĩ. Tiến sỹ Nguyễn Vình Trinh, Sơn Linh hầu Giáp Chinh Phúc, Bảo Linh hầu Giáp Phúc Thành. Quận công Nguyễn Đắc Thọ...Trong một cái nhìn phổ quát, tại Bảo Lộc Sơn xưa bao gồm cả một hệ thống những lễ hội phân bố xunh quanh núi Dành với cả một hệ thống khá dày di tích cổ như: Chùa Thú, đình Um Ngò, Chùa Không Bụt, đình Vường, đình Lãn Tranh, mộ quận công Nguyễn Đắc Thọ, lăng quan Thái bảo, đình Tưởng Sơn....và nếu tại Việt Lập có hội đình Tứ Giáp thì tại Liên Chung có hội 3 đình gồm đình Vường thôn Hậu, đình Đanh thôn Bến và đình Giữa thôn Nguộn. Chính hội, hai phía đông tây núi Dành đều diễn ra các đám rước kiệu lên Nghè Cả trên núi Dành và trong đó lễ Hội bảo Lộc sơn là điểm nhấn, tiêu biểu cho cả một miền đất rộng lớn phía bắc huyện Tân Yên.
Hàng năm vào ngày đầu xuân trên địa bàn Tân Yên có trên 200 lễ hội lớn nhỏ, nhưng những lễ hội thực sự tiêu biểu có sức hấp dẫn, đại diện cho vùng miền, suy tôn tri ân người có công, phù chính trừ tà và có tác dục giáo dục truyền thống phụng sự thì không nhiều. Lễ hội hàng tổng như Bảo Lộc Sơn lại càng hiếm. Với sự quan tâm của ngành văn hóa, của người dân sở tại, hy vọng lễ hội Bảo Lộc Sơn sẽ được đánh giá đúng mức, đáp ứng được sở nguyện của người dân. 
                                                                                                                                                                       Châu Giang.

 

 

Thông tin hữu ích