Lễ hội truyền thống và cắt băng khánh thành đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ
Sẽ đầu tư xây dựng khu di tích A Sào thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn
Từ lâu, người dân Thái Bình luôn tự hào là nơi khởi nghiệp của Vương triều Trần - một trong những triều đại hưng thịnh nhất lịch sử phong kiến Việt Nam với dấu mốc chói lọi ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông. Vùng đất Quỳnh Phụ cũng có rất nhiều công tích đóng góp cho Vương triều Trần, nổi bật là dấu tích A Sào với ý nghĩa cái tổ của nhà Trần.
Từ khi quốc gia Ðại Việt chia đặt đơn vị hành chính dưới các phủ, lộ là huyện thì Quỳnh Côi đã có địa danh A Côi và Phụ Dực đã có địa danh Phụ Phượng. Ðến thời Trần, hai địa danh này xuất hiện khá đậm trên các trang sử. Tứ cố cảnh của Phụ Phượng là Ðào Ðộng (An Lễ), Lộng Khê (An Khê), Tô Ðê (An Mỹ), A Sào (An Thái) gắn liền với sự nghiệp giữ nước và dựng nước của Vương triều Trần. Vào thời Lý - Trần, nhiều vùng đất thuộc A Côi, Phụ Phượng được triều đình ban phong làm điền trang, thái ấp cho các hoàng thân, quốc thích và các công hầu, khanh tướng đương triều, trong đó vùng đất A Cảo (sau có tên là A Sào) được Lý Huệ Tông ban phong cho Phụng Càn Vương, sau gọi là An Sinh Vương Trần Liễu - là anh trai của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và là phụ thân của Trần Quốc Tuấn.
Họ Trần khởi nghiệp từ vùng đất Long Hưng nay thuộc huyện Hưng Hà, từng bước tiến thân vào vũ đài chính trị và dành được vương triều khi nhà Lý suy vong. Biết vùng đất bãi nằm ven sông Hóa có tên A Cảo là nơi hội tụ khí thiêng, lại có địa thế hiểm yếu về quân sự nên nhà Trần đã chọn thái ấp A Cảo của Trần Liễu để xây dựng căn cứ địa chuẩn bị quân lương đánh giặc giữ nước.
Cũng chính nơi đây đã gắn bó với Trần Quốc Tuấn từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành, góp phần hun đúc lên tài năng, phẩm hạnh của vị danh tướng lừng lẫy triều Trần, được nhân dân tôn kính gọi là Ðức Thánh Trần. Theo sử sách lưu truyền, khi nhà Trần tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (năm 1258), lúc đó Trần Quốc Tuấn vừa tròn 18 tuổi, được triều đình phong tước Thượng Vị Hầu, giao về trấn thủ đất A Sào. Khi bước vào cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285), đích thân vua Trần và Trần Quốc Tuấn đã về chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa (gồm cả vùng đất của Thái Bình và Thành phố Hải Phòng ngày nay) thành một phòng tuyến để triển khai thế trận thủy chiến chống giặc ngoại xâm. Tại vùng đất A Sào, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng lực lượng quân sự và một trung tâm tích trữ binh lương.
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 (năm 1288), Trần Quốc Tuấn được phong tước Hưng Ðạo Vương, sau đó được phong là Hưng Ðạo Ðại Vương (sử sách vẫn lưu truyền tính danh ông là Trần Hưng Ðạo hoặc tôn xưng một cách đầy đủ là Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn), giao thống lĩnh quân đội và A Sào được chọn là nơi đặt đại bản doanh của Trần Quốc Tuấn. Một lần, Trần Quốc Tuấn cưỡi voi chỉ huy chiến dịch, trên đường vượt sông Hóa voi chiến bị sa lầy. Dân chúng cứu voi không được đã dùng thuyền đưa Ngài và các tướng sĩ sang sông, đồng thời giã hàng nghìn chiếc bánh giày cho quân sĩ nhà Trần làm binh lương trên đường đánh giặc. Cảm kích trước lòng dân, Trần Hưng Ðạo đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không về bến sông này”.
Sau này, bến sông nơi voi trận sa lầy được gọi là Bến Tượng, trên có miếu thờ tượng voi. Dân làng còn lập sinh từ thờ Trần Hưng Ðạo, sinh từ thờ Ngài ở Kiếp Bạc (Hải Dương) là Ðệ Nhất Sinh từ, còn tại A Sào là Ðệ Nhị Sinh từ, dân gian vẫn quen gọi là A Sào Linh Miếu. Trong khuôn viên của Ðệ Nhị Sinh từ có hồ Tắm Tượng, có sinh bia và nhiều linh khí, gần đó có gò Ðống Yên... Cũng từ đó, các địa danh ở vùng quê này gắn liền với chiến tích diệt giặc Thát và trường tồn với thời gian như địa danh: Mễ Thương (kho gạo), Am Qua (kho gươm), Ðại Nẫm (kho thóc lớn), A Mễ (nơi để gạo của nhà Trần) và đặc biệt là tên gọi A Sào mang ý nghĩa là cái ổ, cái tổ của nhà Trần.
Nghi môn đền A Sào mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: Hiền Trâm
Hàng năm, dân làng A Sào mở hội tế lễ Ðức Thánh Trần tại Ðệ Nhị Sinh từ và trở thành lễ hội lớn trong vùng. Theo lệ xưa, mọi nghi thức tế lễ trong ngày hội đều theo nghi thức quốc lễ, triều đình cử các quan về hành tế và thường có bánh giày cúng tế. Trải qua hơn 700 năm lịch sử, quần thể di tích A Sào - Bến Tượng - Mễ Thương đã bị hư hỏng nhiều, thậm chí bị bom đạn của giặc Pháp làm cho hoang tàn. Thế nhưng chừng đó thời gian khói hương vẫn không bao giờ phai nhạt và linh khí của Ðức Thánh Trần nơi đất thiêng vẫn trường tồn cùng năm tháng. Thời kỳ đổi mới, cụm di tích A Sào được nhân dân chăm lo giữ gìn, tôn tạo, ngôi đền mới đã được phục dựng bằng nguồn lực cộng đồng là nơi đón khách thập phương về chiêm bái và hành lễ.
Với những đóng góp to lớn cho Vương triều Trần, quần thể di tích đền A Sào đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ðể tương xứng với tầm vóc lịch sử của Khu di tích, UBND tỉnh Thái Bình đã chính thức phê duyệt quy hoạch tu bổ tôn tạo Khu di tích lịch sử nhà Trần gồm Ðình, Ðền, Bến Tượng A Sào tại xã An Thái. Tổng thể Khu di tích rộng hơn 31,7ha, trong đó đất xây dựng khu di tích lịch sử rộng 18.767m2, đường trục chính hành lễ 2.960m2, sân trước cửa đình rộng 15.640m2, đất công trình dịch vụ 6.500m2, đất dành cho công viên - cây xanh gần 11.000m2, bãi đỗ xe rộng 22.800m2, đất dành cho giao thông - vỉa hè - đường nội bộ 46.600m2... Quần thể Khu di tích được chia thành hai phần nối liền nhau.
Trong đó, khu đình A Sào gồm các hạng mục công trình: tuyến đường huyện 72 (rộng 13,5m, lòng đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 3m) hiện bám sát cửa đình sẽ được quy hoạch nắn chỉnh về phía Tây để bảo đảm giao thông thông suốt, tạo không gian uy nghi, thoáng rộng cho đình A Sào; tại đây sẽ bố trí bãi đỗ xe, khu dịch vụ và khuôn viên cây xanh; phía Tây đường huyện 72 có di tích gò Ðóng Yên được quy hoạch khu công viên - cây xanh nhằm mở rộng không gian cho đình A Sào.
Khu đền và Bến Tượng: Khu đền được quy hoạch trên khu đất của đền cũ gồm: đền thờ Trần Hưng Ðạo, hồ Tắm Tượng, sân lễ hội, khu dịch vụ, khuôn viên cây xanh; đường trục chính phục vụ nghi thức hành lễ rộng 9m, nối từ đường huyện 72 qua sân lễ hội đến khu Bến Tượng tạo nên tuyến hành lễ thống nhất trong toàn Khu di tích; phía Tây khu đền bố trí bãi đỗ xe và giữ nguyên ngôi chùa hiện có; tuyến sông phía trước đền được nắn chỉnh tạo sự hài hòa về cảnh quan kiến trúc và yêu cầu về phong thủy; khu Bến Tượng được quy hoạch xây dựng giáp sông Hóa gồm Bến Tượng và Tượng đài Trần Hưng Ðạo (với tư thế chỉ tay xuống sông Hóa) cao 9,7m, làm bằng chất liệu đồng, đặt trên bệ cao 7m tạc lời thề bất hủ: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này”, bao quanh Tượng đài là quảng trường, khuôn viên cây xanh, khu trưng bày hiện vật...
Trong dịp khai lễ năm nay sẽ chính thức khánh thành đền A Sào gồm các hạng mục: nhà tiền tế, 2 nhà giải vũ, tòa đại bái và hậu cung, lầu chiêng, lầu trống, hồ phong thủy, nghi môn và các công trình phụ trợ khác trên khuôn viên rộng 6.745m2 bước đầu đáp ứng nhu cầu tham quan thưởng ngoạn khu di tích và dâng hương hành lễ của du khách thập phương, thể hiện lòng biết ơn, thành kính đối với công lao của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, xứng đáng với tầm vóc của địa danh đã diễn ra những sự kiện lịch sử trọng yếu ghi dấu son trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thế kỷ XIII.
Phạm Tiến Thao
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ