Đình Vường – Công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu ở huyện Tân Yên
Từ đỉnh núi Dành nhìn xuống thôn Hậu, cảnh làng xóm trù phú với những mái ngói nâu trầm cổ kính gợi nhiều sự liên tưởng đến những mái ngói nhấp nhô thâm nâu của khu phố cổ Hội An. Trong không gian yên tĩnh của làng quê ấy còn hiện rõ những đầu đao cong vút, mái ngói bè thấp của một ngôi đình cổ, đó là di tích đình Vường, thuộc xã Liên Chung huyện Tân Yên.
Đình Vường có tên gọi khác là đình Hậu nằm trong quần thể di tích danh thắng núi Dành, gồm: núi Dành, đình Vường và chùa không Bụt. Xưa quần thể di tích danh thắng này thuộc xã Chung Sơn, tổng Tuy Lộc Sơn, huyện Yên Thế. Núi Dành đi vào lịch sử thơ ca nổi tiếng với Sâm Lam, chùa không Bụt, di tích độc đáo duy nhất trên địa bàn tỉnh không thờ Bụt, đình Vường di tích tiêu biểu về nét kiến trúc nghệ thuật của huyện Tân Yên tất cả tạo nên một quần thể di tích danh thắng độc đáo hấp dẫn du khách thăm quan.
Đình Vường tọa lạc trên một quả đồi thấp ở cuối làng Hậu nhìn ra hướng nam. Phía trước là cánh đồng rộng, xa hơn là dãy núi Dành với hàng thông xanh vút, phía sau lại có hồ nước rộng, tạo cảnh quan di tích đẹp và thoáng đãng. Đây là ngôi đình cổ được tạo dựng từ lâu đời. Khảo sát các tư liệu thành văn, nét kiến trúc chạm khắc ở đình cho thấy ngôi đình có niên đại khởi dựng khoảng đầu đời Chính Hòa (1682). Điều này cũng phù hợp với lời kể của các cụ cao niên trong làng, ngôi đình được tạo dựng sau khi sáp nhập ba làng nhỏ lại thành một làng lớn cách đây khoảng trên dưới 400 năm. Kể từ ngày khởi tạo đến nay đã trên dưới 300 năm, ngôi đình vẫn giữ nguyên vị trí nhưng một số cấu kiện kiến trúc trong đình cũng đã được thay thế. Dòng lạc khoản trên kẻ góc chái đình còn ghi rõ năm trùng tu lại ngôi đình là năm Bính Tý-niên hiệu Bảo Đại thứ 11-1936. Trong đó, đã thay một số đầu dư, tháo bỏ một số mảng điêu khắc thời Lê, thay hoành xà, con chồng hoành nên không còn lạc khoản của ngày đầu khởi tạo.
Đình Vường là công trình văn hóa tín ngưỡng nơi thờ nhị vị thánh Cao Sơn-Quý Minh, hai danh tướng giỏi có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục, giữ yên bờ cõi. Đây là công trình văn hóa có nhiều nét kiến trúc độc đáo tiêu biểu ở huyện Tân Yên. Ngôi đình có kết cấu kiến trúc hình chữ công với tòa đại đình ba gian, hai chái, hệ thống cửa cốn bức bàn chạy suốt ba gian, có ván sàn chắc chắn, dải muống rộng nối với hậu cung ba gian hai chái nhỏ hơn. Nhìn tổng thể đây là công trình kiến trúc cổ, to rộng và đẹp: bốn góc đầu đao cong vút với các đao tàu, bẹ đao bẻ góc tạo dáng thanh thoát và mềm mại cho mặt mái. Bờ nóc, bờ dải còn nguyên gạch rỗng trang trí hoa thị, các đầu đao ở hậu cung còn nguyên, mặt mái thấp bè, đều phẳng, mang rõ nét kiến trúc cổ của những ngôi đình có niên đại sớm.
Nét độc đáo của đình Vường vượt trội các ngôi đình khác ở chỗ: bộ khung gỗ còn khá chắc chắn và nguyên vẹn nét kiến trúc của hai thời đại thời Lê và thời Nguyễn. Nền đình được xây bó bằng hai hàng đá xanh, lòng gian giữa đình lát những phiến đá lớn hình chữ nhật. Hệ thống cột cái, cột quân còn chắc chắn to khỏe. Phần liên kết các vì mái theo lối cổ truyền thống kiểu thượng con chồng giá chiêng, hạ con chồng, hoành, đấu kê. Trên các vì nóc và vì nách có nhiều mảng phù điêu chạm lộng đẹp với nhiều đề tài phổ biến như: “cửu long tranh châu”, “tiên múa”, hình “long vân đại hội”, hình “long ổ”, “nghê hí cầu”…nét chạm khắc đẹp, nghệ thuật chạm nổi, chạm bong kênh rất tinh tế và sắc sảo. Điều khác biệt nữa về mặt kiến trúc ở đình Vường có rất nhiều đầu dư, dư cột cái, dư cột quân, dư dải ống muống, dư hậu cung, tất cả các đầu dư đều được chạm lộng với nhiều kiểu dáng khác nhau khá tinh tế và lộng lẫy. Đình Vường còn bảo lưu được hệ thống ván sàn mà ít ngôi đình trong vùng xứ Bắc còn bảo lưu được. Các bức cửa võng ở đình Vường không tạo bình thường mà chạm lộng đẹp lại xếp theo lối bình phong. Các đề tài trang trí rất phong túng theo phong cách dân gian, không theo mô tuýp quy phạm sẵn có, không có cánh gà, hay các đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”, bộ “tứ linh” mà thay vào đó là cảnh điêu khắc “ngũ mã đồng quần” lẫn hoa dây cách điệu tất cả tạo nên nét đẹp mềm mại và gần gũi với tự nhiên. Hậu cung đình Vường tạo khám thờ bưng gỗ, trên hương án có đủ đồ thờ và long ngai, bài vị; hai gian bên cạnh để hai ngựa thờ: một hồng, một bạch. Ngoài cửa võng là hai hạc thờ đứng trên lưng rùa ngoảnh cổ ra. Mỏ hạc chấm xà hạ đại đình.
Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình Vường còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với nhân dân địa phương. Trong kháng chiến chống Pháp, đây là nơi liên lạc, hội họp của dân quân du kích địa phương quanh vùng Yên Thế hạ, liên quan chặt chẽ với căn cứ tiền tiêu núi Dành. Kháng chiến chống Mỹ, đình Vường là nơi cất giữ kho phim dự trữ quốc gia gần 10 năm. Đình Vường còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Lễ hội đình Vường cùng với lễ hội đền Dành, chùa Không Bụt tạo nên một không gian văn hóa vùng rộng lớn thu hút nhiều du khách về tham quan, vãn cảnh.
Là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu ở huyện Tân Yên, dấu chấm son trong quân thể di tích danh thắng núi Dành, đình Vường đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.
Đồng Ngọc Dưỡng