Đại Bái có 30 doanh nghiệp (DN) và gần 1.200 hộ làm nghề đúc đồng và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ đồng, nhôm truyền thống. Trước khó khăn chung do suy giảm kinh tế, các DN và hộ sản xuất ở đây đã áp dụng nhiều biện pháp thúc đẩy sự phát triển của nghề truyền thống như: Đa dạng hóa sản phẩm; liên doanh liên kết cùng nhau thực hiện những đơn hàng lớn, cùng nhau quảng bá sản phẩm; hỗ trợ vốn giúp nhau sản xuất… Nhờ vậy, làng nghề vẫn duy trì ổn định, một số DN và hộ gia đình còn sản xuất với khối lượng tăng hơn những năm trước, tiêu biểu như Công ty TNHH Quan Gia, Trung Nguyệt, Đồng Anh, Cảnh Phong, Đại Thành và cơ sở sản xuất tư nhân của gia đình ông Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Tấn Đức, Hoàng Văn Hùng…
9 tháng qua, doanh thu từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Đại Bái đạt hơn 90 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2011. Theo ông Nguyễn Viết Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái, làng nghề vẫn duy trì và phát triển được trong năm 2012 là do sự năng động của người dân trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra; sự sáng tạo để làm ra những sản phẩm ngày một phong phú và đa dạng, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng...
Trước kia, muốn làm ra một chiếc trống đồng phải đổ hóa chất ăn mòn để tạo hoa văn thì nay gò bằng tay tiết kiệm nguyên liệu đầu vào mà sản phẩm lại có tính thẩm mỹ cao; một số sản phẩm bằng đồng như: Ngũ sắc, Tam sắc… trước kia phải thuê thợ nơi khác về làm nay các thợ trong làng đều có thể làm được với chất lượng không thua kém… Nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy chuyển đổi sang chế tạo các sản phẩm như ốc xoáy, dây điện đồng… đáp ứng các đơn hàng của khách.
Những ngày này, tại xưởng sản xuất của cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Hùng Lệ, 6 công nhân vẫn đang miệt mài với đơn hàng mới. Tiếp chúng tôi trong tiếng búa, tiếng khắc trổ đồng ồn ã, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở hồ hởi kể: “Gia đình tôi chuyên làm tranh và chữ bằng đồng bán buôn, bán lẻ cho khách cả trong và ngoài nước. Năm nay, kinh tế khó khăn sức mua các sản phẩm này trên thị trường giảm mạnh. Tuy vậy, các sản phẩm của cơ sở làm ra vẫn đắt hàng hơn những năm trước, nhiều hôm công nhân phải làm tăng thêm giờ”.
Anh Hùng cho biết bí quyết thành công chính là sự khác biệt từ những sản phẩm thủ công độc đáo, không theo bất kỳ khuôn mẫu nào nên làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Doanh thu hàng năm của cơ sở đạt 1,5 - 2 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, hàng làm và bán được nhiều hơn, giá bán cũng cao hơn nên doanh thu tăng 15 - 20% so cùng kỳ năm 2011. Mặc dù, tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng quen biết đặt hàng, nhưng anh Hùng vẫn không ngừng quảng bá sản phẩm của mình bằng cách mang đi giới thiệu tại các hội thi, hội chợ. Trong những lần tham dự, sản phẩm của anh đã đạt được một số thành tích như: Giải Ba vòng chung khảo Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII năm 2011; Chứng nhận của Ban chấp hành Hội Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam về thành tích xuất sắc tham gia ngày hội “Sắc màu làng nghề trên quê hương nhà Lý”; Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi tham gia các hội chợ…
Theo thường lệ, những tháng cuối năm và sau Tết là thời điểm “vào mùa” của làng nghề đúc đồng, đơn đặt hàng sẽ tăng mạnh mẽ. Dự kiến năm nay cũng vậy, nên các DN và hộ sản xuất, kinh doanh của Đại Bái đã chuẩn bị đủ các điều kiện sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đơn hàng của khách đồng thời chủ động khai thác thị trường mới theo hình thức ký gửi tại các cửa hàng ở khắp tỉnh, thành phố trong cả nước... Chính quyền địa phương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các DN và hộ làm nghề truyền thống vay vốn, trang bị thêm máy móc, thu mua nguyên liệu mở rộng sản xuất…
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Đại Bái là thiếu vốn, thiếu nhân công, nhất là công nhân có tay nghề cao. Theo những nghệ nhân của làng nghề thì phải mất ít nhất 3 - 4 năm mới đào tạo được một thợ chạm làm được việc. Đào tạo 1 thợ lành nghề còn lâu hơn đào tạo 1 kỹ sư, phải mất hàng chục năm. Song điều đáng đề cập là giá nhân công cho lao động phổ thông và cả những thợ mới vào nghề còn thấp (khoảng 80 - 100 nghìn đồng/1 ngày công) nên việc thu hút lao động làm nghề truyền thống đang gặp không ít khó khăn...
Khắc phục kịp thời những khó khăn này sẽ giúp cho Đại Bái tiếp tục phát huy được sức sống mãnh liệt của một làng nghề đúc đồng truyền thống.