Họ cao đến Bạc Liêu
Ngày 18/2/2011 âm lịch, tôi có đến dự và chứng kiến buổi lễ con cháu họ Cao tập hợp tại phủ thờ để cúng kiến kỷ niệm ngày khẩn hoang của dòng họ, hay nói cách khác là ngày cúng tổ nghề nông.
Phủ thờ dòng họ Cao toạ lạc tại bờ sông Bạc Liêu, trên địa phận của phường 5, thành phố Bạc Liêu. Đây là ngôi nhà cất vào năm 1914, do Đốc Phủ sứ Cao Minh Thạnh, thân sinh Cao Triều Phát đứng ra xây dựng và gọi là “Cao Gia hương hoả”, sau đó, giao cho Cao Triều Phát quản thủ.
Năm 1914 là thời điểm kiến trúc nhà Tây do người Pháp mang sang đã trở thành model của các nhà địa chủ, phú hào. Thế nhưng, ông Cao Minh Thạnh vẫn cho xây dựng ngôi nhà này theo kiểu thời đàng cựu, tức là kiến trúc phương Bắc - kiểu nhà thường thấy của các nhà quyền quý, quan lại hồi thế kỷ 18-19.
Nhà rất to, trên lợp ngói âm dương, hai bên xây tường, khung và mặt trước, mặt sau làm bằng gỗ quý. Đó là những cây cột gỗ lim, gỗ trắc to cả ôm. Xiên, sạnh cũng làm từ gỗ quý và chạm lộng hình long, lân, quy, phụng.
Đặc biệt là 3 cụm khánh thờ ở giữa nhà có thể xem là một tác phẩm nghệ thuật được khắc chạm từ ốc xà cừ trên nền gỗ quý. Nó sinh động và sắc sảo đến từng đường nét, từng hoạ tiết, hoa văn. Nhìn vào, ta không tưởng tượng nổi sự kỳ công và tài hoa của người thợ đương thời.
Bên trong nhà được trang hoàng thêm hoành phi, câu đối, liễn thờ và đặt hai bộ trường kỷ (làm từ đá hoa cương mua từ Trung Quốc chở qua hồi thế kỷ 18), rồi hạc đội đèn, 3 bộ lư đồng mắt tre... toàn là những cổ vật. Suýt soát 100 năm trôi qua, thời gian đủ làm nước chảy đá mòn, vậy mà căn nhà vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Nếu xét ở góc độ nội thất thì phủ thờ dòng họ Cao là một ngôi nhà xưa nhất, đẹp nhất vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau ngày nay. Nó cho ta biết đó là nơi thờ tự của một dòng họ thế gia vọng tộc. Một nhà giàu muôn hộ và là chứng tích của một thời kỳ khẩn hoang hưng thịnh của vùng đất Bạc Liêu xưa.
Con cháu họ Cao hôm đó gồm khoảng 20 người. Họ đến thắp nhang bàn thờ tổ tiên thành kính, trang nghiêm. Sau đó, họ kể cho tôi nghe về lệ cúng kỷ niệm ngày khẩn hoang của dòng họ trên đất Bạc Liêu có từ khi ông tổ họ Cao từ bên Tàu quảy ui-ná sang đất này lập nghiệp, rồi truyền lại cho con cháu.
Cách đây khoảng 150 năm, dòng họ Cao Triều có một ngôi phủ thờ còn to hơn căn nhà này (tọa lạc tại huyện Vĩnh Châu, thôn Vĩnh Phước) cũng do ông Cao Minh Thạnh xây cất. Sau đó, do chiến tranh loạn lạc, căn nhà ấy bị thiêu rụi.
Tại đó, vào ngày 18/2 âm lịch hằng năm, dòng họ Cao Triều đã cho rước hát bội về hát 3 đêm cho hàng ngàn người dân trong vùng xem. Lúc ấy cúng to lắm, không biết bao nhiêu gà, vịt, heo... Cúng xong sẽ chọn một người có uy tín, đức độ nhất dòng họ cầm cày, cày luống cày đầu tiên để mở màn cho một vụ mùa mới.
Người của dòng họ Cao nói thêm với tôi rằng, lệ cúng kỷ niệm ngày khẩn hoang cũng là một ngày cúng tế trả nghĩa trời Phật, đất địa và các bậc tiền nhân ở vùng đất này đã dung dưỡng, phù hộ cho dòng họ Cao làm ăn sinh sống.
Theo lời kể của Cao Xuân Thu Vân (gọi Cao Triều Phát là ông cố và hiện là Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu) cùng lời kể của cô Cao Bạch Liên (ái nữ của Cao Triều Phát) và nhiều con cháu họ Cao rằng, ngôi phủ thờ kể trên ngày xưa có thờ hai linh vật. Đó là chiếc bánh lái ghe lườn và con ba khía được khắc chạm từ gỗ.
Và họ giải thích rằng: thờ bánh lái ghe là để tưởng nhớ những ngày đầu ông tổ đầu tiên của dòng họ Cao chống ghe lườn về phía Vĩnh Châu làm ăn và tưởng nhớ một người bạn của ông đã bị cọp ăn thịt trong lúc khai hoang. Còn việc thờ con ba khía là vì con vật này đã giúp dòng họ Cao khởi đầu sự nghiệp làm ăn giàu sang. Rằng trong lúc khai hoang, tình cờ ông tổ họ Cao nghĩ ra cách làm mắm ba khía.
Ba khía thời đó ở vùng Bạc Liêu - Vĩnh Châu là “hằng hà sa số”, thế nên, ông tổ họ Cao bắt ba khía làm mắm rồi chở về chợ Bạc Liêu bán. Từ đó, làm giàu rất nhanh, có thêm điều kiện khẩn hoang một vùng đất rộng lớn ở Vĩnh Châu.
Đồng thời, cũng có thêm một giả thuyết về sự giàu có nhanh chóng ấy, là trong quá trình khẩn hoang, ông tổ họ Cao đã tình cờ phát hiện hai hũ bạc của chúa Nguyễn Ánh lúc bôn tẩu ở Vĩnh Châu cất giấu, từ đó mà có thêm vốn để làm ăn?
Nếu giả thuyết về con ba khía là có thật thì đây chính là một điều vô cùng thú vị. Bạc Liêu, Cà Mau là vương quốc ba khía, ba khía là đặc sản của vùng đất. Chúng ta ăn ba khía đã hàng trăm năm nhưng lại chưa có điều kiện làm rõ, khẳng định nguồn cội của mắm ba khía. Nếu giả thuyết trên là đúng thì vừa thú vị, vừa thêm niềm tự hào cho người Bạc Liêu.
Trước đó, Cao Xuân Thu Vân có trao cho tôi một tập tài liệu, trong đó có một cuốn sách cổ rất quý có tên là “Cao gia tộc phổ”, hiểu nôm na là gia phả. Cuốn “Cao gia tộc phổ” này chia làm hai quyển. Quyển nhất nói về dòng họ Cao ở Trung Quốc, cũng là một dòng họ danh giá, có người làm quan rất to, đến chức đại thần.
Lại thấy thấp thoáng liên quan đến những nhân vật lịch sử của Trung Quốc như Nhạc Phi, Tần Cối và đau đớn hơn là một dòng họ từng bị tru di tam tộc… Quyển nhì nói về họ Cao ở Bạc Liêu. Quyển này do Cao Minh Thạnh, tự Kiến Lợi lập hồi tháng 6 năm Quý Tỵ 1892. Trong “Cao gia tộc phổ” ghi người của dòng họ Cao đến Bạc Liêu đầu tiên là Cần Thiệt Công, tự Cao Cần Thiệt, huý là Lịch.
Trong sách “Hành trang Cao Triều Phát” của Cao Bạch Liên và Huệ Khải nói thêm: Cao Cần Thiệt sinh năm 1825, mất năm 1884. Ông đến ấp Vĩnh Hinh, xã Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hoà, phủ Ba Xuyên, Bạc Liêu đại nghiệp vào năm ông 16 tuổi. Như vậy, ông Cao Cần Thiệt đến Bạc Liêu vào khoảng năm 1841. Quê gốc ông Thiệt trong “Cao gia tộc phổ” ghi: Trung Quốc, Triều Châu phủ, Triều Dương huyện, Đạp Đầu phụ, Ngoạ Đầu hương.
Như vậy, ông Thiệt là người Triều Châu, có quê quán cùng với đa số người Hoa ở Bạc Liêu. “Cao gia tộc phổ” cũng không cho biết ông Thiệt rời quê hương vì lý do gì, sang Việt Nam bằng đường nào và tại sao phải đến cái xứ “muỗi kêu như sáo thổi” này?
Người ta chỉ biết rằng thời điểm ông Thiệt ly hương, nơi chính quốc của ông, triều đình Mãn Thanh thất bại về kinh tế và cuộc chiến thuốc phiện. Sự thất bại ấy có tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân. Nhiều thợ thủ công phá sản, nông dân bị mất đất, nhà cửa... tạo ra một làn sóng dân Trung Quốc rời quê tha phương cầu thực khắp các nước. Thế nên, có thể nói, ông Cao Cần Thiệt ra đi vì lý do sinh kế.
Trước và sau khi ông Thiệt về Bạc Liêu, đã có nhiều người Hoa, bằng nhiều con đường về Bạc Liêu dựng nghiệp. Năm 1679, Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch là tôi nhà Minh, không đầu phục nhà Thanh (Trung Quốc) đã đưa gia quyến hơn 3.000 người và chiến thuyền sang nước ta, được chúa Nguyễn chấp thuận, cho vào trú ngụ và khai phá ở Biên Hoà, Mỹ Tho.
Hai nhóm người này đã cùng với người Việt xây dựng nên cù lao đại phố vang danh. Sau đó, trong cuộc chiến giữa anh em Tây Sơn và chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc đã tấn công cù lao Phố nhằm phá hoại hậu phương của chúa Nguyễn. Nhóm người Hoa này đã chạy loạn đao binh vào Sài Gòn ngày nay và một phần đi sâu về phương Nam, trong đó có Bạc Liêu.
Nhóm thứ hai là dân của Mạc Cửu. Khoảng năm 1680, Mạc Cửu cũng từ Trung Quốc đến Hà Tiên khai phá, lập ấp rải rác ở Vũng Thơm, Trũng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau... rồi sau đó dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn và được triều đình phong chức Tổng trấn Hà Tiên.
Lúc đó, vùng Bạc Liêu thuộc huyện Trấn Di do Hà Tiên cai quản. Vì vậy, đến đời con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích có chủ trương cho dân Huê kiều từ Hà Tiên về Bạc Liêu - Cà Mau khai khẩn. Những xóm làng đầu tiên là Sông Đốc, Gành Hào...
Nhóm thứ ba là những tráng đinh sang Bạc Liêu bằng con đường theo ghe Hải Nam. Ghe Hải Nam là thương thuyền của các nhà buôn Trung Quốc. Họ dựa theo gió mùa mà sang cửa biển Gành Hào, Sông Đốc, Cà Mau... để mua sản vật của địa phương như sáp ong, lông vũ, chiếu, heo con, cá bổi khô, khô biển rồi bán lại thuốc lá, vôi ăn trầu, đồ gốm...
Bằng những con đường này, kẻ trước người sau, người Hoa đến Bạc Liêu rất đông. Đông nhất là người Triều Châu. Bởi thế mà đầu thế kỷ 20 dân gian có vè: “Bạc Liêu là xứ quê mùa/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”.
Năm 1887, Lamothe De Carrier, chủ tỉnh Bạc Liêu cho kiểm tra thì dân Bạc Liêu đông nhất là người Việt, kế đến là Khmer và sau đó là người Huê kiều 2.500 người, trong đó người Triều Châu chiếm đến 2.000 người. Đây là con số không chính xác vì còn số người Huê kiều làm bạn chèo ghe và ẩn náu ở ruộng muối trốn thuế thân không đếm được (theo Sơn Nam). Đến năm 1916, trong tỉnh Bạc Liêu có 97.000 dân thì người Minh Hương chiếm 13.976 người, cộng thêm 5.916 người Hoa.
Như vậy, có thể nói rằng, ông Cao Cần Thiệt đến Bạc Liêu không phải ngẫu nhiên, mà có thể ông được người quen ở bản quán đã đến xứ này trước đó sắp đặt cho ông. Ông Cao Cần Thiệt và những người Hoa sang đây đều có hoàn cảnh tương đối giống nhau, hoặc là nghèo khó, hoặc là thất cơ lỡ vận. Họ như những đàn chim di trú từ khung trời phương Bắc bay về phương Nam, mà phương Nam là một buổi bình minh nắng đẹp mây lành.
Trước khi ông Cao Cần Thiệt sang đây, vùng Bạc Liêu ngày nay đã là quốc thổ của Việt Nam hàng trăm năm. Như đã nói trên, sau khi cho phép Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch vào trấn giữ Gia Định, Mỹ Tho; Mạc Cửu dâng vùng Man Khảm cho chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1708, đến năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát nhận thêm vùng đất Ba Thắc, lập ra Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Sóc Trăng, Bạc Liêu) thì toàn bộ vùng đất phương Nam thuộc về chúa Nguyễn.
Các chúa Nguyễn mở rộng cương thổ, xác lập mới các đơn vị hành chính bằng chính sách khẩn hoang tích cực, làm bàn đạp tiến vào phương Nam, bởi các lý do như sau: Mở rộng địa bàn thống trị, đất rộng, dân giàu thì triều đình và kinh đô được tăng cường bảo vệ; thuế điền và thuế đinh sẽ gia tăng nhanh chóng; nạn đói kém sẽ được giảm thiểu, nơi này mất mùa nơi kia bù lại, ít nguy cơ nội loạn; dân số tăng lên và theo đó có thêm lính tráng, thêm dân xâu.
Lệ khẩn hoang của triều đình đặt ra là từ binh sĩ đến người có án tù tội, ai muốn đi khẩn hoang sẽ được cấp tiền và phương tiện. Đất đã xin khẩn hoang mà chưa khẩn hoang, chưa làm ruộng, hoàn toàn trốn thuế thì sẽ giao cho người tố giác làm chủ, ghi vào sổ bộ. Đất trước đó canh tác, có đóng thuế nhưng trải qua một thời gian bỏ hoang sẽ phạt 3 quan mỗi mẩu. Đất bị triều đình tịch thu là đất xin khẩn hoang mà không khẩn hoang và không đóng thuế.
Sách Đại Nam thực lục ghi: “Năm 1802, vua Gia Long ra chỉ dụ: Người nào không có điền sản thì đem ruộng hoang cấp cho và cho vay thóc giống, đợi khi thu hoạch xong sẽ trả lại cho Nhà nước. Đất khai hoang sau 3 năm mới thu thuế”. Ngoài ra, triều đình còn cử các quan quân lãnh đạo việc khẩn hoang ở từng vùng.
Vua Tự Đức giao Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương trực tiếp chỉ đạo khẩn hoang vùng Bạc Liêu. Năm Quý Sửu 1835, Nguyễn Tri Phương cho lập đồn điền ở Bạc Liêu với 2 mục đích: vừa bình định, vừa khai thác. Những đồn điền cấp phát cho binh sĩ, những người này lúc bình thường thì lo khẩn hoang làm ruộng, khi có biến thì bỏ cày bừa mà làm nhiệm vụ quân nhân.
Ấy là chính sách rất hữu hiệu ở cả hai mặt kinh tế và quân sự. Tại tổng Thạnh Hoà (vùng Bạc Liêu), Nguyễn Tri Phương đã biến đổi 6 làng thành đồn điền: Vĩnh Thạnh, Mỹ Thanh (nay là Vĩnh Mỹ), An Bình, Hoà Thành (nay là Hoà Bình), Phước Thạnh, Tân Long (nay là Long Thạnh).
Từ các chính sách ưu ái cho khẩn hoang mà trước đó làn sóng lưu dân người Việt từ mạn ngoài vào ĐBSCL và vùng Bạc Liêu khai khẩn khá sớm. Họ là những người có tiền thuê mướn dân đinh, nông dân đi theo làm giàu ở phương xa với giấc mộng làm đại điền chủ, và có rất nhiều người thành công.
Họ là những người nghèo khổ trốn thuế thân, trốn áp bức của phong kiến và địa chủ mà rời quê phiêu bạt xứ người. Họ cũng là những tội đồ, những loạn đảng bị truy nã trốn đi. Và họ còn là những quan quân của triều đình thành lập đồn điền.
Khẩn hoang ở ĐBSCL là một cuộc vận động lớn, toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự. Cuộc khẩn hoang ấy diễn ra đến mấy trăm năm. Nó quy tụ không biết bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ, liên tiếp, kế tục nhau về đây khai khẩn.
Nêu những vấn đề trên để thấy rằng, khi ông Cao Cần Thiệt và những người Hoa đến Bạc Liêu thì trước đó, người Khmer, người Việt đã đặt chân khai phá. Triều đình các chúa Nguyễn đã khẳng định chủ quyền bằng công cuộc khẩn hoang với các chính sách tích cực. Khi ông Cao Cần Thiệt đến đây, chủ quyền, nền tảng để xây dựng một xã hội đã được thiết lập căn bản.
Ông Thiệt và những người Hoa về đây là về với một vùng đất mà tiềm năng khai phá còn rất lớn. Và họ về với một cộng đồng, một làng quê rộng mở đôi tay bằng những tập quán, nếp sống hiếu khách vô cùng đặc biệt.
Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp nhận vùng Ba Thắc. Cư dân người Việt đến càng đông, nghề trồng lúa nước nhanh chóng phát triển. Năm 1869, hình thành xóm Cây Giang (Long Điền), Rạch Rắn (Phong Thạnh)... chợ Bạc Liêu cũng được hình thành từ một xóm chài lưới, do số người Hoa tới buôn bán.
Việc khẩn hoang lập làng, lập chợ trên vùng đất Bạc Liêu muộn hơn các nơi khác. Năm 1835, vua Minh Mạng mới lấy đất Ba Thắc lập phủ Ba Xuyên thuộc tỉnh An Giang. Phủ Ba Xuyên có 3 huyện: Phong Nhiên (Bãi Xàu, Vĩnh Định (Sóc Trăng), Phong Thạnh (Nhu Gia - Bạc Liêu). Huyện Phong Nhiên có 3 tổng: tổng Thạnh Hưng (vùng đất Vĩnh Châu ngày nay), tổng Thạnh Hoà (trên đất Vĩnh Lợi), tổng Thạnh An (trên đất Mỹ Tú - Sóc Trăng ngày nay). Lúc đó huyện Phong Thạnh có 44 thôn.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho đo đạc điền thổ, lập địa bạ Nam kỳ lục tỉnh thì tổng Thạnh Hưng (Vĩnh Châu), Thạnh Hòa (trên phần đất Vĩnh Lợi) chỉ thấy những thôn xóm đầu tiên của vùng đất Bạc Liêu - Vĩnh Châu là Vĩnh Hưng thôn, Sóc Đồn, Chắt Đốt, Lai Điền, Cái Hưu... không thấy có tên chợ Bạc Liêu. Sau đó 12 năm, khi ông Cao Cần Thiệt sang đất này ở thì lại ghi trong “Cao gia tộc phổ” là ấp Vĩnh Hinh.
Có lẽ, địa bạ triều Nguyễn bỏ sót, chứ thật ra vùng chợ Bạc Liêu đã có trước đó. Một vài sử gia chép rằng, chợ Bạc Liêu hình thành từ một xóm chài lưới và do địa thế nằm ở ngã tư sông, do một số người Hoa tập trung đông vào nửa đầu thế kỷ 18 nên nó hình thành chợ.
Khi có ấp Vĩnh Hinh thì phải có các ấp Vĩnh Hương, An Trạch, Tân Hưng. Vĩnh Hương mới là trung tâm chợ, còn các ấp còn lại là vùng ngoại ô. Năm 1880, các ghi chép cho biết, chợ Bạc Liêu có 2.757 người và chỉ 2 năm sau nó phát triển lên 6.000 người.
“Cao gia tộc phổ” ghi rằng, khi đặt chân đến đây thì ông Cao Cần Thiệt đã khẩn hoang và hành nghề trồng lúa, trồng rẫy tại ấp Vĩnh Hinh. Lúc bấy giờ, trừ 4 ấp khu chợ Bạc Liêu, số còn lại đa phần là đất hoang từ ngoại ô ra đến các giồng cát ven biển và kéo dài tới Vĩnh Châu.
Tộc họ nhà tôi cũng có “gia phả truyền miệng” rằng khi ông cố tôi đến vùng Vĩnh Trạch (cách ấp Vĩnh Hinh 6 cây số đường chim bay) vào giữa thế kỷ 18, tức là cùng thời với ông Cao Cần Thiệt, thì ven rạch Bạc Liêu là rừng rậm hoang vu với những cây mắm to cả ôm người, rồi bần, sú, vẹt, ô rô, cốc kèn và đặc biệt là lá dừa nước mọc kín ven sông.
Khi tôi còn nhỏ, ba tôi đào kinh chắt phèn làm ruộng vẫn còn gặp những cây mắm, sú, vẹt chôn sâu dưới đất to cả ôm. Theo sử gia Huỳnh Minh, tác giả “Bạc Liêu xưa và nay” thì thế kỷ 18, biển Bạc Liêu còn rất gần, mép biển định vị tại Giồng Nhãn Bạc Liêu ngày nay và Giồng Nhãn chính là bãi biển.
Nói như thế để thấy rằng, khi khai khẩn vùng Vĩnh Hinh, ông Cao Cần Thiệt đã phải thực hiện một quá trình lao động cật lực trong việc dọn rừng, đốn cây để trồng lúa, làm rẫy. Trong “Cao gia tộc phổ” không ghi ông khai phá được bao nhiêu mẫu đất tại ấp Vĩnh Hinh, chỉ nói rằng ông làm ăn khấm khá lắm! Ngoài việc trồng tỉa, ông Thiệt còn biết săn bắt chim muông thú rừng mà sinh sống.
Bản tính ông lại thật thà, chất phác và siêng năng, hay giúp đỡ mọi người. Có lẽ vì thế mà một phú hộ họ Trình đã đánh tiếng gả con gái cho ông, không câu nệ môn đăng hộ đối. Thiên kim tiểu thư ấy tên Trình Thục Giang.
Gả con rồi, ông bá hộ còn cho thêm ruộng, giúp đỡ đôi vợ chồng trẻ làm ăn. Có của ăn của để, ông Cao Cần Thiệt tiếp tục khẩn hoang mở rộng đất đai ở vùng Vĩnh Châu, trở thành một người Hoa khẩn hoang thành công trên đất Bạc Liêu.
Trong 59 năm sống trên cõi đời, ông Cao Cần Thiệt ở cố quốc chỉ có 16 năm, thời gian còn lại ông Thiệt đã gắn bó với đất Bạc Liêu và ông đã xem Bạc Liêu là quê hương của mình. Họ Cao nhìn nhận rằng ông tổ của họ đã xây dựng nền tảng vững chắc cho dòng họ Cao phát triển ở đất này; đồng thời, ông Cao Cần Thiệt là một người nuôi dạy con cái rất tốt.
Ông ở với bà Trình Thục Giang sinh được 5 người con, gồm 2 trai, 3 gái. Ba người con gái được gả cho các gia đình môn đăng hộ đối, còn người con trai út là Cao Minh Điển vắn số, chỉ hưởng dương 16 tuổi. Thế là, Cao Cần Thiệt tập trung lo cho người con trai duy nhất còn lại là Cao Minh Thạnh.
Cao Minh Thạnh sinh năm 1860, hưởng thọ 60 tuổi. Đây là một con người rất đặc biệt, có công phát triển dòng họ Cao tại Bạc Liêu lên đến đỉnh điểm vàng son. Hôm đi cúng tổ nghề tại phủ thờ họ Cao, tôi đã đến gần bức tượng Cao Minh Thạnh được đặt long trọng giữa từ đường. Đó là một con người cao to, râu dày, mặt đầy đặn, phúc hậu, phương phi, thần thái toát ra như một quan võ triều đình phong kiến.
Thuở thiếu thời, Cao Minh Thạnh được cha dạy dỗ rất kỹ, rước thầy chữ Nho về nhà dạy vì đây là một người đàn ông duy nhất nối dõi, làm rạng rỡ họ Cao. Từ nhỏ, Cao Minh Thạnh tỏ ra là một người thông minh, học một biết hai.
Trong gia phả họ Cao ghi: “Lúc thiếu thời ông học chữ Nho nhiều nên trong Hương đảng ai cũng kính vì tài của ông”. Năm 20 tuổi, Cao Minh Thạnh được làm Thôn trưởng ấp Vĩnh Hinh (từ năm 1893-1898); từ năm 1898-1900 làm Hương chủ làng Vĩnh Lợi. Vĩnh Lợi là tên gọi mới do chính quyền Pháp ra chủ trương sáp nhập từ 4 ấp: Vĩnh Hương, An Trạch, Tân Hưng, Vĩnh Hinh.
Về quy mô, ta hiểu như đơn vị hành chính xã ngày nay. Từ năm 1900-1903, Cao Minh Thạnh lại được vinh thăng làm cai tổng Thạnh Hưng; rồi đến năm 1904, lại được vinh hàm tri huyện. Đến năm 1912, quan Toàn quyền Pháp ra nghị định vinh hàm Đốc phủ sứ cho Cao Minh Thạnh.
“Cao gia tộc phổ” nói đây là phẩm hàm Nam kỳ thời đó. Một điều đáng chú ý là hầu hết những khuê bài mà chính quyền lúc bấy giờ “ban ơn sắc tứ” cho Cao Minh Thạnh là vì có công phát triển nông nghiệp. Luận giải cho điều này, “Cao gia tộc phổ” của dòng họ Cao ghi: “Lúc làm quan ông giữ chữ thanh bần, một mực lo cho dân như: đào kinh đắp lộ, mở mang quận Vĩnh Châu”.
Năm 1882, Pháp quyết định thành lập tỉnh Bạc Liêu thì có 2 quận Cà Mau và Bạc Liêu. Đến năm 1904 phân ranh lại, lập thêm quận Vĩnh Châu và quận Giá Rai. Quận Vĩnh Châu lúc ấy gồm 5 làng, với diện tích 31.688 mẫu.
Từ đây, Vĩnh Châu gắn bó với Bạc Liêu đến tháng 4/1975, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với chính quyền cách mạng thì Vĩnh Châu trực thuộc Sóc Trăng, từng thời kỳ có khác nhau.
Ngày 5/1/1867, Pháp chiếm xong 6 tỉnh Nam kỳ, áp dụng cơ chế bảo hộ, sử dụng hệ thống chính quyền thời đàng cựu trở lại làm con bài. Đặc biệt là vùng Bạc Liêu, Pháp áp dụng cơ chế rất thoáng, chính quyền hoạt động theo cơ chế thời chúa Nguyễn.
Thời đàng cựu, triều đình nhà Nguyễn có chỉ dụ: Ai trưng khẩn đất hoang, quy tụ được 100 hộ thì cho làm trưởng thôn, nếu quy tụ được 1.000 hộ thì làm trưởng làng và phải đảm bảo dân thôn, làng ấy đóng thuế thân, thuế điền cho nhà nước.
Theo đó, điểm khởi đầu sự nghiệp quan trường của Cao Minh Thạnh, ngoài việc thông minh học giỏi, có uy tín với làng xóm, thì cũng có thể nói Cao Minh Thạnh nhờ vào điền sản nhiều do cha mẹ để lại, nhờ vào tâm huyết khẩn hoang nên quy tụ được nhiều dân về đây khai khẩn.
Thời Pháp thuộc, ở chốn quan trường có hai loại người. Một là, mẫn cán phò tá giúp mẫu quốc hà khắc, vơ vét tổ quốc nhân dân mình. Hai là, có liêm sĩ, tự trọng dân tộc ra làm quan nhưng không đầu phục. Cao Minh Thạnh hẳn là loại người thứ hai.
Lúc bấy giờ, trùm mật thám Nam kỳ của Chính phủ Pháp nhận định về Cao Minh Thạnh như sau (trích dẫn từ sách "Cao Triều Phát - Nghĩa khí Nam Bộ” của Phan Văn Hoàng): “Tuy bề ngoài như thế nhưng gia đình họ Cao là một gia đình chống Pháp (Công điện số 331-5, ngày 5/12/1926 của Pual Arnoux gởi Giám đốc Tổng nha mật thám Đông Dương). Cao Minh Thạnh tỏ rõ thái độ chống Pháp qua việc ủng hộ tài chính cho “Việt Nam quang phục hội” của Kỳ Ngoại hầu Cường Để - Phan Bội Châu.
Trong chuyến bí mật về Nam kỳ giữa năm 1913, để tuyên truyền, Hội Cường Để đã đem nhiều bằng cấp cấp cho những người góp công, góp của cho phong trào chống Pháp. Trùm mật thám Paul Arnoux nói rằng: “Cao Minh Thạnh được triều đình An Nam cấp cho bằng cấp”.
Cho nên, có thể nói, Cao Minh Thạnh làm quan chỉ chăm chỉ làm hai việc lớn: Một là phát triển Cao gia, phát triển điền sản ngày một thêm lớn rộng tại vùng Vĩnh Châu - mảnh đất cha ông là ông Cao Cần Thiệt đổ mồ hôi nước mắt khai phá, để lại.
Hai là góp phần với xã hội mở mang, khai khẩn đất ra phía Vĩnh Châu. Đó là những việc làm rất cụ thể. Nhờ có tiền, có quyền, Cao Minh Thạnh đã chiêu mộ dân đinh, đặc biệt là người Hoa rất nhiều, đi về phía Vĩnh Châu mà khai khẩn.
Bản thân Cao Minh Thạnh không chỉ chủ xướng và trực tiếp đi chỉ đạo khẩn hoang, mà còn quy tụ hầu hết các con trai ông về các làng Tân Quy, Vĩnh Phước, Khánh Hoà... để chỉ huy trưng khẩn.
Các con trai ông sau này được bầu làm thôn trưởng, xã trưởng, tri huyện, Đốc phủ sứ… Chính vì thế mà điền sản Cao gia rất lớn. Chỉ tính phần để lo cúng kiến hương hoả thì tại làng Tân Quy - Vàm Lẽo, Cao gia đã có trên 2.000 ha.
Và cho tới khi hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, một người con của Cao Minh Thạnh là Cao Triều Phát (xin nói rõ ở phần sau) đã hiến cho cách mạng đến 5.000 ha đất để trang trải cho dân nghèo. Vùng Vĩnh Châu ngày nay người Hoa cư ngụ rất đông, trong đó hẳn là có công huy động và tiên phong của ông Cao Minh Thạnh.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong lời giới thiệu cho quyển sách "Huyền thoại đất phương Nam" (của Lê Thành Chơn) viết rằng: “Tôi có nghe tiếng của ông Cao Triều Phát từ khi còn là một cậu bé theo cha đi gặt mướn ở Bạc Liêu, tôi có ghé qua điền họ Cao. Trong kháng chiến chống Pháp, có thời gian tôi phụ trách Bạc Liêu, nên biết khá rõ ông Cao và tông tộc của ông. Ông (Cao Triều Phát) mang trong mình dòng máu người Hoa nhưng lại coi Việt Nam thật sự là Tổ quốc của mình...".
“... Có thể nói, họ Cao có công rất lớn trong khai phá vùng đất Bạc Liêu. Cùng với người Việt, người Khmer biến đổi cả một vùng đất hoang vu thành ruộng lúa, mở mang công nghiệp, mở rộng giao thông làm trù phú miền cực Nam Tổ quốc. Nhiều đời dòng họ Cao là điền chủ lớn, có hàm Đốc phủ sứ, làm quan tới chức tri phủ, có vị trí đặc biệt ở Bạc Liêu và Nam Bộ”.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để ta hiểu về một con người, một gia tộc. Nhận thức công lao của họ ta phải đặt trong bối cảnh lịch sử, trong sự vận động khách quan của công cuộc khẩn hoang, mở rộng bờ cõi nước Việt. Như thế mới công bằng!
Hôm nay, tôi ngồi đây, viết những dòng này giữa chợ Bạc Liêu trong một ngày mới tinh khôi. Phía Vĩnh Châu, mặt trời nhô lên đỏ rực như trải sắc hồng dệt gấm thêu hoa trên mảnh đất mà tôi đã gởi ở đó lá nhau cuống rún. Đất địa này sao mà đầy suy tưởng và ray rứt. Hôm Cao Xuân Thu Vân rủ tôi đi cúng Thanh minh ở khu mộ dòng họ Cao, toạ lạc trên đất Giồng Ông Hựu, tôi cứ đứng tần ngần rất lâu bên mộ cụ Cao Minh Thạnh.
Đó là một ngôi mộ uy nghiêm và rất đẹp, làm toàn bằng đá xanh, kiểu mộ của quan đời Minh - Trung Quốc. Tôi đứng thắp nhang cho cụ, lòng rất thành tâm, tưởng nhớ một người có công khai khẩn. Với tôi, dù ai ở đâu, nhưng khi về đây “chung lưng đấu cật” làm cho xứ sở hoa gấm, đất nước Việt Nam rộng dài thì đó là các bậc tiền hiền.
Dòng họ Cao đã góp một phần công lao trong công đức trùng trùng như núi của ba dân tộc cùng nhau về đây xây dựng nên đất này.
Viết đến đây, tôi nghe mơ hồ trong gió như có tiếng bước chân xưa của đoàn quân tiến về phương Nam. Đó không phải là tiếng rầm rập của quân reo ngựa hí, mà là tiếng mái chèo khua động, những bước chân âm thầm lạc lõng và cơ nhỡ đặt lên một vùng đất hoang vu, lạnh lẽo để sưởi ấm, làm nên cái hồn cho đất. Họ là những người khốn khổ thật sự.
Vậy mà, họ đã làm nên kỳ tích. Người Việt về đây hành trang là nền văn minh lúa nước của một dân tộc đã dựng nước 4.000 năm. Họ chọn những vùng đất ven các vàm sông, thuận tiện cho việc đi lại (hồi đó giao thông thuỷ là chủ yếu) và tháo úng xổ phèn để trồng lúa. Nhưng điều kiện đất đai, kỹ thuật canh tác thời đó lạc hậu, rất khó làm ăn.
Họ phải vào rừng lấy sáp ong, mật ong, bứt dây choại, đốn gỗ lậu mà đem bán. Không đủ sống, họ phải đi giăng câu thả lưới kiếm ăn. Từ đó, hình thành những xóm câu, xóm lưới, với tay nghề điêu luyện. Khi đất đã thành thuộc thì họ trồng bầu bí, làm vườn rồi nuôi trâu, nuôi vịt đẻ... để phát triển lên thành địa chủ manh (ruộng nhỏ, manh mún).
Người Khmer với tập quán cư trú trên những vùng đất cao và kinh nghiệm trồng tỉa trên đất cao, chính cây khoai môn của họ mà các nhà nông học trên thế giới kết luận về một nền văn minh nông nghiệp trên đất khô. Họ cũng trồng lúa ở ruộng gò, khai thác tài nguyên nhỏ lẻ như nhắp cá lóc... Còn người Hoa thì hành trang khi đến đây là kinh nghiệm buôn bán, trồng tỉa và khai thác biển.
Mỗi dân tộc đều có một lợi thế, một sứ mệnh phải làm và đã làm. Công lao nào cũng lớn, trong công đức của các dân tộc Việt Nam. Và chúng ta chỉ có thể nói rằng, ba tộc người khai phá chủ yếu vùng đất Bạc Liêu về đây hội tụ đều có mang theo nền văn hoá và kinh nghiệm làm ăn riêng của họ. Ba dòng văn hoá ấy gặp nhau thì giống như một phản ứng hoá học, nó sinh ra một thứ văn hoá khác, đó là thứ văn hoá điều hợp và nâng lên.
Để rồi chúng ta có một nền văn hoá cộng cư đặc sắc. Theo đó, kinh nghiệm làm ăn, phương thức canh tác cũng vậy. Để rồi chúng ta có một vùng sản xuất muối, một vùng rẫy ven biển với những nông phẩm đẹp cực kỳ, vang danh Nam Bộ từ đầu thế kỷ 20. Chúng ta có một cánh đồng lúa bạt ngàn, cò bay thẳng cánh, năng suất đến hơn 50 giạ lúa/ công... Và còn rất nhiều thứ khác.
Đó vừa là vốn quý, vừa là thành tựu của hơn 300 năm tiền nhân đi khai khẩn vùng đất Bạc Liêu bằng bao mồ hôi nước mắt và xương máu. Đó là công lao đáng tự hào của thế hệ hôm nay. Hôm nay, chúng ta nhìn nhận về công lao khẩn hoang thì không thể không nói đến người Hoa. Và khi đã nói đến người Hoa ở Bạc Liêu, thiết nghĩ cũng nên nhắc đến dòng họ Cao Triều.
Họ đã có một phần công lao đào kênh, đắp lộ góp phần với người Việt, người Khmer mở mang quận Vĩnh Châu. Ngày nay, vùng Vĩnh Phước vẫn còn con kênh mang tên Cao Minh Thạnh và vùng Tân Quy có cánh đồng mang tên điền Thầy Sáu, tức Cao Triều Phát. Cao Minh Thạnh còn góp công xây dựng chùa chiền, mà tại đó, người đời nay vẫn còn thờ linh vị của ông.
Đó là miễu Tiên Sư, chùa Cây Me ở thành phố Bạc Liêu. Và hơn thế nữa, dòng họ Cao Triều đã sinh ra và nuôi dạy một người con rất xuất sắc cho Nam Bộ kháng chiến chống Pháp. Một người được Bác Hồ gửi thư thăm hỏi, được đồng chí Tổng Bí thư của Đảng là Lê Duẩn giới thiệu kết nạp vào Đảng.
Phan Trung Nghĩa
(Còn tiếp)