Cập nhật 09/09/2014 22:16:50 (GMT+7)
Bảo tồn lăng đá ở Hiệp Hòa:

Chưa quan tâm đúng mức

(BGĐT)-Trên địa bàn huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) có gần 30 lăng được xây dựng bằng đá với giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo, trong đó 4 lăng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên do chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức, hiện nhiều lăng đá xuống cấp hoặc bị xâm hại.

Độc đáo lăng đá

Lăng đá ở huyện Hiệp Hoà đều có mộ táng, được xây dựng trên những vùng đất gần làng, sát nước. Hai kiểu kiến trúc cơ bản của lăng mộ là nằm dọc lộ thiên, tiêu biểu như lăng họ Ngọ ở xã Thái Sơn và nằm ngang lộ thiên, tiêu biểu là lăng Dinh Hương, ở thôn Dinh Hương, xã Đức Thắng. Kỹ thuật xây dựng các lăng đá đều đạt trình độ cao. Những người thợ đã dùng chính sức nặng của đá để tạo nên sự bền vững của công trình.

Ở mỗi khu lăng đều có các nhóm tượng được trạm khắc từ nhiều loại đá nguyên khối, vật liệu xây dựng chủ yếu là đá xanh (lăng Dinh Hương), cũng có khi sử dụng đá muối (lăng họ Ngọ). Nét độc đáo nhất của các lăng đá là nghệ thuật điêu khắc, thể hiện qua những tượng người, tượng thú, bia, cổng lăng, nhà mộ và ngai thờ, nhang án.

Trong đó tượng người với hình mẫu quan hầu áo dài, quan hầu áo giáp, quan hầu nữ, quan hầu dắt ngựa... được tạo tác tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết, từ móng chân, tay, mũ, áo, mắt, miệng đến tư thế, động tác đứng, ngồi, đi. Hầu hết tượng đều được tạo tác bằng đá liền khối và giàu chất tả thực.

Ông Nguyễn Quang Chính, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hiệp Hòa nói: "Thú vị là trang phục tượng người ở các lăng không giống nhau, điều này thể hiện sự phong phú về trang phục của xã hội thời Lê- Trịnh". Tượng thú được tạc khá công phu, đẹp lộng lẫy, nhất là ngựa, đa số đều có yên cương, lục lạc, vải phủ, khăn thêu... Nghê được chạm khắc rất có hồn. Cũng theo ông Chính, hiện đôi nghê châu đầu vào nhau ở lăng Dinh Hương thuộc diện đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, tất cả đồ vật trong các lăng đều được trạm khắc hoa văn, câu đối khắc chìm trên mặt đá, gờ chỉ cho thấy nghệ thuật điều khắc lăng mộ đạt trình độ tinh xảo.

Ông Ngô Quang Toản, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định: "Những lăng mộ trên không chỉ có giá trị về văn hoá, tín ngưỡng mà còn là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử".

Khó khăn trong công tác bảo tồn

Mặc dù có giá trị về kiến trúc, văn hoá như vậy, nhưng công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các lăng đá kể trên gặp nhiều khó khăn do thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương, dòng tộc, nhất là về kinh phí.

Qua kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, nhiều lăng bị xâm hại. Trước đây, các khu lăng đều có hồ nước rộng phía trước, nhưng hiện nay diện tích của các hồ đều bị thu hẹp. Một số lăng cách đây vài chục năm nằm giữa khu đất cây cối bao phủ, mát mẻ thì nay không còn. Cá biệt có tình trạng dòng họ cắt một phần đất trống cho người thừa tự xây nhà ở trong khu vực lăng, vô hình chung phá vỡ không gian di tích.

       Khoảng thế kỷ XVII - XVIII, Hiệp Hòa nằm trong khu vực có nhiều làng nghề phát triển với đông đảo lực lượng lao động có tay nghề cao. Đây cũng là vùng đất có truyền thống khoa cử lâu đời, trong đó nhiều người đỗ đạt cao, khi làm quan được phong tước, phong hầu trong cung vua, phủ chúa. Khi về già họ được vua ban xây dựng lăng mộ làm nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là lý do chủ yếu trên địa bàn huyện có nhiều lăng đá có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

 Bà Nguyễn Thị Phi, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hiệp Hoà.

Đáng chú ý là sự xâm hại lăng Dinh Hương. Đây là công trình được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1965. Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thắng khẳng định: "Quần thể lăng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, ý thức bảo vệ của người dân chưa cao khiến nhiều hiện vật trong lăng bị ảnh hưởng".

Theo ông Sang, vài năm trước, một số hộ dân còn nghĩ trong tượng có vàng nên đập đầu tượng để tìm. Chính quyền địa phương đã cho hàn lại phần vỡ bằng xi măng nhưng không được như trước. Năm 2007, khu lăng này mới được cấp có thẩm quyền hỗ trợ 40 triệu đồng xây tường rào. Tuy nhiên, do kinh phí ít nên chỉ xây được một nửa tường bao, vì thế nhiều súc vật vẫn tự do vào ra làm ảnh hưởng đến cảnh quan và sự tôn nghiêm của lăng.

Lăng Vân Cẩm (xã Đông Lỗ), lăng họ Ngọ (xã Thái Sơn), lăng Đá Bầu (xã Xuân Cẩm), lăng họ Trần (xã Lương Phong)… cũng đang bị thời gian bào mòn. Theo ông Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, nguyên nhân của tình trạng nhiều lăng đá ở Hiệp Hoà bị xâm hại là do chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác quản lý.

Thể hiện rõ nhất là ở lăng Dinh Hương. Mặc dù UBND xã Đức Thắng đã thành lập Ban quản lý di tích lăng theo quy định nhưng chức danh Trưởng Ban quản lý không đúng quy định tại điểm a, khoản 1, Chỉ thị số 07, ngày 21-6-2001 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nguồn kinh phí đầu tư bảo tồn, tôn tạo lăng không nhiều. Lật lại hồ sơ, trong số gần 30 lăng mộ hiện có ở Hiệp Hoà chỉ có vài lăng được đầu tư tôn tạo song với kinh phí rất khiêm tốn. Việc xã hội hoá công tác bảo tồn lăng gặp nhiều khó khăn do lăng mộ gắn liền với dòng họ nên người thuộc dòng họ khác không mặn mà đầu tư tu bổ.

     Thanh Hải - Văn Thương

 
 

Thói quen xấu trong xây dựng

(BGĐT) - Mới đây, một người thợ thi công nhà ở dân cư tại TP Bắc Giang đã thiệt mạng do rơi từ trên cao. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động trong xây dựng… 

Năm học mới: Đổi mới giáo dục phải bảo đảm quyền lợi của người học

Năm học mới: Đổi mới giáo dục phải bảo đảm quyền lợi của người học

Đổi mới giáo dục là để tinh thần dân chủ trong giáo dục được phát huy, người học có quyền lựa chọn môi trường giáo dục, phương pháp học tập tốt nhất.

 
Trung thu đầm ấm, nghĩa tình

Trung thu đầm ấm, nghĩa tình

(BGĐT) -  Tiếng trống rộn rã, đèn lồng, ông sao rực rỡ, màn múa lân tưng bừng xóm phố. Trung thu về đem lại không khí náo nhiệt, tràn ngập niềm vui từ phố thị đến làng quê, là dịp sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, gắn kết nghĩa tình xóm làng, giúp trẻ hiểu rõ hơn nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Giao lưu trực tuyến về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Giao lưu trực tuyến về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(BGĐT) - Từ 8h30 đến 11h ngày 5-8-2013, Báo Bắc Giang điện tử đã tổ chức giao lưu trực tuyến giữa ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang với bạn đọc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.

 

© Bản quyền thuộc Báo Bắc Giang . Địa chỉ: Số 49 Nguyễn Văn Cừ - TP Bắc Giang - Tỉnh Bắc Giang.
@ Tổng Biên tập TRỊNH VĂN ÁNH - Tòa soạn ĐT:84.0240.3856367 - 84.0240.3854639
Fax:+84.0240.3856624 , Email: toasoan@baobacgiang.com.vn
Giấy phép số 74/GP - TTĐT cấp ngày 09 tháng 4 năm 2011.
® Ghi rõ nguồn "Báo Bắc Giang Điện Tử" khi phát hành lại thông tin từ website này.