Bia Tháp Sùng thiện diên linh - bảo vật quốc gia

Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2599/QĐ-TTg vinh danh Bia Tháp Sùng thiện diên linh - ấn tích của một trong những trung tâm Phật giáo huy hoàng thời Lý - là bảo vật quốc gia. Đây là lần đầu tiên, một cổ vật của tỉnh Hà Nam được vinh danh.

Bia hiện được đặt trong nhà bia kiểu chồng diêm hai tầng tám mái cong, trước tòa tiền đường chùa Đọi, trên núi Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Dòng lạc khoản văn bia cho biết: Bia dựng ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai, triều vua Lý Nhân Tông (tức ngày 20/8/1121). Mục đích dựng bia là để lưu dấu sự kiện khánh thành ngôi Bảo tháp (tháp quý) Sùng thiện diên linh, vì thế tên bia cũng là tên tháp. Hiện cả nước chỉ còn 13 bia thời Lý, Bia Tháp Sùng thiện diên linh là bia duy nhất ở Hà Nam, trội vượt về nhiều phương diện: kích thước lớn, cấu trúc hoàn thiện, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc, độc đáo về lịch sử, văn hóa, tâm linh, văn học, nghệ thuật, cung cấp nhiều thông tin quý hiếm…

Bia Tháp Sùng thiện diên linh là loại bia “Bán viên”, cấu trúc gồm 3 phần: Bia, đài bia và đế bia đều được tạc bằng đá xanh. Bia cao 2,5m, rộng 1,75m, dày 30 cm, chia thành trán bia (cao 30 cm), lòng bia và diềm bên. Đài bia liền với đế bia tạc từ đá xanh nguyên khối; đài bia hình khối chữ nhật, bốn góc vê tròn; đế bia hình chữ nhật dài, rộng hơn đài bia; từ đáy đế bia lên mặt trên đài bia cao 50 cm, cạnh đế bia: dài 2,4 m, rộng 1,8 m. Bia được khắc chữ cả hai mặt. Mặt trước tổng cộng có 4.257 chữ Hán. Trán bia khắc dòng chữ: “Đại Việt quốc Lý gia Đệ tứ đế sùng thiện diên linh tháp bi” được chia thành 7 hàng dọc, mỗi hàng hai chữ. Lòng bia khắc bài ký và bài minh. Phần cuối là dòng lạc khoản về thời gian dựng bia, người soạn văn bia và viết chữ. Mặt sau, độc đáo ở chỗ thể hiện nhiều nội dung và có niên đại khác nhau (năm 1121, 1591, 1698), đặc biệt là bài thơ của vua Lê Thánh Tông làm khi lên thăm chùa Đọi vào năm thứ 8 niên hiệu Quang Thuận (1467). Bia Tháp Sùng thiện diên linh là bia của triều đình do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác, khác hẳn các bia thời Lý khác do quan lại, nhà sư hay dân địa phương chủ trì hưng công. Soạn văn bia là Nguyễn Công Bật giữ chức Triều liệt Hình bộ Thượng thư, Binh bộ Viên ngoại lang Đồng tri phiên công viện chủ sự. Viết chữ để khắc là Thượng thư bộ công Lý Bảo Cung. Cả hai vị đều giữ chức vụ cao trong triều đình, có vị thế cao trong xã hội. Đây cũng là điểm trội vượt của bia Tháp Sùng thiện diên linh mà các bia thời khác không có được. Hiếm có tấm bia thời Lý nào, kể cả các bia trước thời Lý và trở về sau từ thời Trần đến thời Nguyễn, lại hội tụ nhiều giá trị như Bia Tháp Sùng thiện diên linh.

Giá trị lịch sử thể hiện nổi bật trong văn bia khắc ở mặt trước. Nhất là bài ký đã bổ sung những tư liệu lịch sử quý về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt; phản ánh triết lý duyên khởi của Phật giáo, tình hình Phật giáo ở thời Lý, đặc biệt là các vị Phật được tôn sùng như Diệu Sắc Thân, Quảng Bác Thân, A Di Đà, Ly Bố Úy, Cam Lộ Vương, Bảo Thắng, trong đó Phật Như Lai Đa Bảo có địa vị tối thắng. Cũng là đầu tiên và duy nhất, bài ký văn bia Tháp Sùng thiện diên linh nói đến việc tu sửa chùa Diên Hựu (chùa Một cột), miêu tả cụ thể về kiến trúc, cảnh quan ngôi chùa. Những đoạn chữ Hán khắc ở mặt sau của bia cung cấp tư liệu về việc Thái hậu Ỷ Lan (mẹ vua Lý Nhân Tông) tiến cúng ruộng cho chùa Đọi, việc trùng tu lớn chùa Đọi từ thời Mạc đến thời Nguyễn.

Bức tranh sinh hoạt văn hóa cung đình và dân gian thời Lý nói chung, đời vua Lý Nhân Tông nói riêng được vẽ lên sinh động qua văn bia. Đặc biệt là Hội đèn Quảng Chiếu mở bảy ngày, bảy đêm ở kinh thành Thăng Long. Đó là lễ hội kết hợp hai tính chất phật giáo và thế tục; nghi lễ Mật giáo được thể hiện đậm nét. Tư liệu quý hiếm về nghệ thuật múa rối nước duy nhất có ở văn bia Tháp Sùng thiện diên linh. Văn bia cũng cho thấy phần nào quy hoạch kiến trúc của kinh thành Thăng Long đời vua Lý Nhân Tông nói riêng, thời Lý nói chung. Văn bia mô tả những nét cơ bản về Tháp Sùng thiện diên linh, góp phần để nghiên cứu phỏng dựng ngôi bảo tháp quý này. Văn bia Tháp Sùng thiện diên linh - tác phẩm ngữ văn đặc sắc, độc đáo. Dòng chữ trên trán bia ở mặt trước theo kiểu chữ "Phi bạch" do Lý Nhân Tông ngự đề, chỉ có ở bia này. Đây là kiểu chữ do Sái Ung thời Đông Hán (Trung Quốc) sáng tạo ra, vốn chuyên viết trên lụa trắng, được Lý Nhân Tông tiếp thu một cách sáng tạo; biến thể chữ kỳ diệu, tuyệt luân (theo đánh giá của Trương Hoài Hoan thời Đường) của Trung Quốc mang dấu ấn riêng của nhà vua. Bài ký và bài minh của văn bia ở mặt trước là tác phẩm văn chương có giá trị cao. Văn phong bài ký theo thể biền ngẫu, mẫu mực, văn chương già dặn, giàu hình ảnh, bút pháp khoa trương, pha chút màu sắc huyền thoại, từ ngữ chọn lọc, cô đọng. Bài minh là một bài thơ 88 câu không chỉ tóm tắt nội dung bài ký mà còn thể hiện nghệ thuật tinh diệu trong việc sử dụng ngôn ngữ, nhịp điệu giàu chất âm nhạc. Mặt sau bia khắc bài thơ đường luật của Lê Thánh Tông, giàu cảm xúc và suy tưởng, giàu tính nghệ thuật.

Giá trị vượt trội của Bia Tháp Sùng thiện diên linh còn thể diễn qua các hình tượng mỹ thuật, có thể chiêm ngưỡng từ bốn phía (các bia khác chỉ chiêm ngưỡng mặt trước, mặt sau). Hình tượng con rồng đan xen hoa văn mây bay, sóng nước và vô số chấm tròn chiếm vị trí chủ đạo được chạm khắc ở trán bia, diềm bia, thành bia và đài bia. Nổi bật ở đây là hình tượng rồng ổ, rồng lớn, rồng nhỏ, rồng ấp giao hòa, hoan hỉ trong thủ pháp đối xứng, gợi liên tưởng câu truyền ngôn "trứng rồng lại nở ra rồng". Đồ án rồng phong phú: Rồng trong bố cục hình chữ nhật, trong tam giác vuông, trong ô hình quả trám... Đó là những con rồng tiêu biểu, điển hình của thời Lý, thân trơn tròn, uốn khúc hình sin mềm mại, đầu rồng thoạt nhìn tựa một đám mây; chân rồng thường có 4 móng. Đặc biệt đài bia là một tác phẩm - công trình mỹ thuật độc đáo, đặc sắc, hiếm gặp. Mặt trên đài bia tạc nổi hai con rồng ở cả trước và sau bia đăng đối với nhau, đuôi quay vào bia, đầu hướng ra phía trước bia. Rồng có bờm, thân tròn uốn 5 khúc, mỗi con rồng có 3 chân 4 móng, chân phía đầu vươn ra nâng trứng rồng, đuôi hai con rồng cuộn vào nhau thành 3 vòng xoắn kép, dưới các khúc uốn lõm là con rồng nhỏ, tổng cộng có 8 con. Đáy đài bia sát đế bia, tạc hình một chiếc thuyền, hai mũi thuyền ở trước và sau bia. Viền quanh ở mặt ngoài thân thuyền, mũi thuyền là sóng nước, núi. Hình tượng rồng, mây, sóng nước… được thể hiện trên Bia Tháp Sùng thiện diên linh với những mô típ, hoa văn giàu cảm xúc thẩm mỹ cho thấy những thông điệp về triết lý Phật giáo, âm dương, tín ngưỡng dân gian và ý nguyện tha thiết của vị vua thứ tư nhà Lý nước Đại Việt.

Một điểm nữa cũng cần đề cập là công phu và kỹ thuật tạo tác bia. Việc đưa được khối bia đồ sộ nặng hàng tấn lên núi quả là không dễ dàng, đòi hỏi nhiều công sức. Những chữ Hán khắc trên bia là kiểu chữ khải (chữ chân) sắc nét, nghiêm trang nhưng không kém phần mềm mại, nhất là chữ “phi bạch” trên trán bia mặt trước có thể coi là một tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Những nét chạm tinh xảo, kỹ thuật điêu luyện thể hiện óc thẩm mỹ tinh tế, bàn tay tài hoa, với thủ pháp tạo khối, chạm chìm, chạm nổi, vờn, tỉa, soi chỉ... tạo nên những đồ án, bố cục, hoa văn, mô típ rồng, mây, sóng nước... tuyệt mỹ.

Bia Tháp Sùng thiện diên linh - bảo vật quốc gia cần được bảo vệ, tôn vinh, phát huy giá trị một cách xứng đáng cho hôm nay và muôn đời sau./.